PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài TNVN: Vẫn là anh em Hãng phim Truyện Việt Nam có quyết tâm đổi mới và đoàn kết với nhau hay không!

(TGĐA) - Những ngày cuối năm 2018, thông tin Hãng phim Truyện Việt Nam sẽ được sáp nhập về Đài Tiếng nói Việt Nam khiến đông đảo các nghệ sỹ điện ảnh ấm lòng. Hội Điện ảnh Việt Nam lập tức tổ chức một trại sáng tác dành riêng cho phim truyện để Hãng có nguồn kịch bản sẵn sàng cho chặng đường mới tiếp theo. Hai bộ phim truyền hình được VOV đặt hàng riêng cho một số nghệ sỹ chuyên làm phim truyện, phim truyền hình cũng hối hả khai máy để kịp lên sóng vào dịp Tết nguyên đán… Liệu câu chuyện về hãng phim đầu đàn của ngành điện ảnh đã tạm thời kết thúc có hậu? Thế giới điện ảnh phỏng vấn PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.

pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong Thanh tra Chính phủ công bố kết luận cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh: 'Chìa khóa thành công chính là sự chuyên nghiệp'

Thưa ông, quá trình đưa Hãng phim Truyện Việt Nam về với ngôi nhà chung VOV diễn ra như thế nào?

Sau khi việc cổ phần hóa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra những bất cập và yêu cầu phải có sự điều chỉnh cơ bản, tôi đã nói với một số người có trách nhiệm và tâm huyết của Hãng phim mấy khả năng sau có thể diễn ra: Thứ nhất, Hãng tiếp tục ở lại Bộ VH-TT&DL với tư cách là thành viên như mấy chục năm nay của Bộ; và nếu Hãng ở lại thì chắc chắn Bộ cũng sẽ có phương án hỗ trợ, tháo gỡ tốt nhất. Thứ hai là về Đài Truyền hình Việt Nam - phương án này cũng khả thi vì một số anh chị em trong Hãng đã làm cho bên truyền hình rồi nên dễ hòa nhập. Thứ ba là có thể về Đài Tiếng nói Việt Nam. Sở dĩ, tôi nêu ra ba khả năng đó là để anh em ở Hãng phim có sự lựa chọn chứ không chèo kéo hay áp đặt đối với anh em.

pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài TNVN

Nói về Đài Tiếng nói Việt Nam, trong rất nhiều năm, chúng tôi là Đài Phát thanh Quốc gia, nhưng mấy năm gần đây, Đài đã trở thành tổ hợp truyền thông đa phương tiện, ở thời điểm này, là đơn vị duy nhất trong cả nước có đầy đủ 4 loại hình báo chí: Báo nói (8 kênh), báo hình (17 kênh), báo in (01), báo điện tử (02). Ngoài ra, Đài có 2 trường cao đẳng phát thanh, truyền hình ở phía Bắc và phía Nam, có Nhà hát Tiếng nói Việt Nam tròn 70 năm xây dựng và trưởng thành. Chúng tôi có một hệ thống máy móc, thiết bị, trường quay, phòng ghi âm hiện đại, kho tư liệu đồ sộ; một đội ngũ người làm báo, làm văn nghệ vững vàng về tay nghề. Với lịch sử 74 năm đáng tự hào, Đài TNVN đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Đơn vị 2 lần Anh hùng, Huân chương Hồ Chí Minh. Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hãng phim Truyện Việt Nam về đây là lựa chọn đúng đắn, cần thiết. Anh em lãnh đạo Đài cũng đã họp bàn với nhau xem mình có đón nhận thành viên mới không? Bởi đây là câu chuyện không đơn giản, không chỉ đón Hãng phim về, mà sau này, công việc, các dự án làm phim sẽ triển khai ra sao; sự hòa nhập của họ với “đại gia đình” này như thế nào; sự nghiệp nghệ thuật và cuộc sống anh em ra sao, phải có kế hoạch căn cơ, tỷ mỉ.

Lãnh đạo Đài TNVN và Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng gặp nhau nhiều lần. Kể cả bên lề cuộc họp của Chính phủ, tôi và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã 3,4 lần bàn với nhau về chuyện này. Về cơ bản, hai bên đã thống nhất và đồng ý rất cao rồi. Một bên thì tiễn thành viên của mình ra đi, một bên thì đón nhận thành viên mới về nhà. Việc chuyển giao chỉ là thủ tục kỹ thuật, các bên liên quan sẽ bổ sung, hoàn thiện dần. Theo kế hoạch thì việc giao nhận sẽ làm xong trong tháng 12 năm 2018; nhưng do cuối năm, cơ quan, bộ, ngành nào cũng có nhiều bộn bề nên chúng tôi quyết định dời qua những ngày đầu năm mới 2019.

Xin ông cho biết kế hoạch công việc mà Đài TNVN sẽ giao cho thành viên mới là Hãng phim Truyện Việt Nam sau khi tiếp nhận?

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian qua, sở dĩ mọi chuyện trở nên rối bời do thực hiện cổ phần hóa. Đơn vị chỉ chuyên làm văn hóa nghệ thuật mà đem cổ phần với một đơn vị làm nghề “lạ hoắc”, tôi thấy không ổn. Chính phủ cũng thấy không ổn nên mới cho tiến hành thanh tra. Đài TNVN chỉ đón nhận và hợp nhất thành viên “cùng ngành nghề” là Hãng phim Truyện Việt Nam, còn những thành viên “ngoài ngành”, chắc chắn là phải thoái vốn (vì họ cũng không có việc gì làm chung với chúng tôi và chúng tôi cũng không có việc gì làm chung với họ). Nói tóm lại, chúng tôi chỉ tiếp nhận Hãng phim Truyện thôi.

Tôi cũng đã nói với anh em Hãng phim Truyện thế này: Các bạn về đây hay đi nơi khác hoàn toàn là quyền các bạn. Đài TNVN không có chuyện đứng ra chèo kéo, quyến rũ gì cả. Nếu các bạn về, VOV sẽ tạo điều kiện cho các bạn có môi trường tốt để làm việc, có nguồn cảm hứng, thậm chí có điều kiện và cơ chế tốt để làm việc. Cơ chế này bao gồm cả kỷ luật, kỷ cương họat động. Vấn đề không chỉ là tạo cho họ công ăn việc làm đơn thuần, mà phải giúp họ làm đúng nghề điện ảnh. Quan trọng nhất là giữ gìn và tiếp tục làm sáng lên thương hiệu Hãng phim Truyện Việt Nam vốn có truyền thống lẫy lừng mấy chục năm qua, được ví như cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh, từng có nhiều tác phẩm đã được ghi nhận trong nước, khu vực và thế giới.

Biết tin VOV tiếp nhận Hãng phim Truyện Việt Nam, rất nhiều nghệ sỹ cảm thấy vui mừng và bày tỏ thái độ tích cực cũng như ủng hộ quyết định này của VOV. Trên cương vị Tổng Giám đốc VOV, ông có suy nghĩ gì ?

Thời gian qua, Hãng phim Truyện Việt Nam rơi vào thời kỳ khủng hoảng với những vướng mắc cổ phần hóa nên hoạt động sáng tạo và sản xuất trì trệ. Giờ đây, dù có về VOV, nhưng để Hãng phim thoát khỏi thời kỳ khó khăn thì nội lực vẫn là ở chính anh em - đội ngũ làm nghề ở Hãng phim Truyện là quan trọng nhất chứ không phải ý chí của tôi, trên cương vị Tổng Giám đốc Đài, cũng không phải là nhờ tập thể này chụm tay vào thì tự nhiên Hãng phim truyện, giống như người đang trọng bệnh, sẽ hồng hào, khỏe khoắn trở lại được. Vấn đề là anh em có quyết tâm đổi mới và đoàn kết với nhau hay không? Có ý chí phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp và trong quá trình đó sẵn sàng chấp nhận thua thiệt hy sinh chứ không phải mọi thứ ngay lập tức đã thuận lợi, dễ dàng.

pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - 'Quan trọng là tập thể anh em Hãng phim Truyện có quyết tâm hay không'

Có thông tin VOV đã đặt hàng Hãng phim thực hiện 2 bộ phim chiếu Tết. Xin ông nói cụ thể hơn về việc này?

Cuối năm 2018, VOV có ý tưởng tiếp nhận Hãng phim Truyện, xem Hãng đã gần như là thành viên của chúng tôi. Vì thế, tôi nghĩ Tết này các kênh sóng truyền hình của Đài cần chương trình mới, cụ thể ở đây những bộ phim mới, cũng là chuẩn bị cho lộ trình VOV sẽ chiếu phim Việt do mình sản xuất trên các kênh sóng của Đài. Dự định, cả hai bộ phim truyền hình mới đều có sự tham gia của Hãng phim Truyện Việt Nam nhưng nếu chờ hoàn tất các thủ tục hành chính thì sẽ không còn đủ thời gian làm phim nên tôi nói với anh em cứ bấm máy đi, Đài xuất kinh phí và có một số nhà tài trợ. Làm xong thì coi đây là sản phẩm của Đài, không (hay nói đúng hơn là chưa vội) lấy tên Hãng phim Truyện Việt Nam vì Hãng chưa chính thức về Đài.

Sau khi tiếp nhận hãng phim Truyện Việt Nam về mái nhà chung, VOV có kế hoạch làm phim chiếu rạp hay không?

Nếu Hãng phim Truyện về đây, nguồn kinh phí đặt hàng của Nhà nước vẫn chuyển về cho hãng phim. Nhưng mong muốn của tôi là làm sao Đài và Hãng có dòng phim chính thống trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật (tất nhiên, có cả yếu tố thị trường) nhưng dứt khoát không dễ dãi, đơn giản, cao hơn, phải chững chạc và đậm chất điện ảnh, đậm tính nhân văn. Trong các kỳ LHP Quốc gia (Giải Bông Sen) và Giải thưởng Cánh diều (của Hội Điện ảnh) gần đây, chúng ta thấy dòng phim thị trường đang lên ngôi. Đương nhiên điều đó không có gì xấu, phim thị trường không có tội tình gì cả nhưng chúng ta không nên chỉ chiều theo thị hiếu của một số người xem mà bỏ qua những chuẩn mực. Bởi chức năng của nghệ thuật trước hết phải hướng tới chân, thiện, mỹ, đề cao giá trị con người, văn hóa Việt. Nếu làm phim chỉ để câu khách, giải trí thuần túy, cười một trận rồi quên hết không đọng lại gì thì điều đó là không được.

pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Hãng phim Truyện Việt Nam có thể trở thành một bảo tàng điện ảnh

Làm phim chiếu rạp bán vé là kế hoạch dài hơi và cần có lộ trình. Tôi nghĩ phải có chiến lược lâu dài, còn trong vòng dăm bảy năm có lẽ chưa làm được. Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng vốn là một mảng tinh túy của văn hóa nên không thể ăn xổi ở thì được. Không phải chuyện ra hạt giống tháng này thì ba, bốn tháng sau là có thể thu hoạch được. Nó phải có quá trình lên men, chuyển hóa, tích tụ, mới thành tác phẩm nghệ thuật. Phải có sự đầu tư nhiều mặt. Nhưng không phải cứ đổ tiền vào nhiều là có sản phẩm tốt, yếu tố quyết định là con người. Con người trong nghệ thuật cần có tài năng, tâm hồn, bản lĩnh, phải nhanh nhạy nắm bắt nhịp đập thời cuộc, phát hiện ra những quy luật, vấn đề của đời sống xã hội xung quanh. Nói chung, phải có quá trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn được.

Xã hội hóa điện ảnh đã đem lại sức sống mới cho điện ảnh nước nhà nhưng cũng để lại nhiều bất cập khi dòng chủ lưu của điện ảnh (là những phim do Nhà nước tài trợ đặt hàng) đang dần bị mai một. Tiếp đến là việc Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam với nhiều bất cập gây tâm lý hoang mang cho các nghệ sỹ và dư luận. Ông nhìn nhận như thế nào về Xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng

Nhiều năm làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách mảng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, trong đó có điện ảnh, tôi khá gần gũi với Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng phim TLKHTƯ, gần như có kịch bản nào quan trọng, tôi cũng tham gia trong nhóm thẩm định góp ý ngay từ đầu. Vì thế, tôi hiểu rằng, Hãng phim hiện nay đang trong quá trình chuyển giao thế hệ. Trước đây, các nghệ sỹ được đào tạo ở Liên Xô, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc... Mỗi bộ phim được làm rất kỹ, từ khâu kịch bản phân cảnh đến chọn bối cảnh, quay phim, rồi chọn diễn viên… được làm rất công phu với sự hỗ trợ tối đa từ phía Nhà nước. Nhưng sau này, khi điện ảnh chuyển đổi cơ chế sang thị trường thì nguồn đầu tư của Nhà nước cũng giảm đi rõ rệt. Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại hơn 20 năm thực hiện xã hội hóa trong hoạt động văn học, nghệ thuật”, các diễn giả đã nói về cụm từ “Xã hội hóa” hiện đang bị hiểu là bớt đi phần đầu tư của Nhà nước để tăng nguồn đầu tư từ các thành phần khác trong xã hội. Hiểu và làm như thế là rất không đúng! Nhà nước không bớt đi (thậm chí còn tăng lên) và tăng thêm nguồn lực từ xã hội chứ không phải bớt bên này tăng bên kia. Điều nữa là chỉ nên xã hội hóa ở một số lĩnh vực nào đó thôi. Thời chống Mỹ, Nhà nước đầu tư rất đáng kể cho điện ảnh. Có thể nói, giai đoạn đó thể hiện tầm nhìn xa về văn hóa của Đảng và Nhà nước khi đặt văn hóa lên cao. Còn hiện nay, mặc dù Nghị quyết 33 của Ban CHTW Khóa 11 về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” có nói đặt văn hóa ngang với chính trị kinh tế xã hội nhưng là nói thế thôi. Nghị quyết hoàn toàn đúng nhưng trong thực hiện, trong nhận thức thì còn có khoảng cách rất xa nên người ta vẫn cho rằng cứ phân bổ ngân sách cho các mảng khác rồi mới tính đến văn hóa và như vậy phần cho văn hóa không còn được bao nhiêu.

pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong
Xã hội hóa điện ảnh không có nghĩa chỉ chú trọng tới phim thị trường cười vui rồi quên đó...

Xin cảm ơn ông!

Giải pháp cho cơ sở hạ tầng Hãng phim Truyện ở số 4 Thụy Khuê:

“Mặc dù Hãng phim chưa chính thức về nhưng tôi vẫn mạnh dạn suy nghĩ, hoạch định kế hoạch thế này. Về cơ sở hạ tầng của Hãng ở số 4 Thụy Khuê, nếu Chính phủ và thành phố Hà Nội đồng ý có thể xây thành bảo tàng điện ảnh Việt Nam, là nơi giới thiệu lịch sử vẻ vang của điện ảnh Cách mạng Việt Nam và trình chiếu các tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh thế giới, thậm chí khách thăm quan có thể nghe lời bình về các tác phẩm kinh điển đó để xem giá trị của nó nằm ở đâu. Nơi này cũng có các lớp Hội thảo Điện ảnh, nơi anh em nghệ sỹ trong Nam ngoài Bắc gặp nhau trong không gian của quán café sang trọng, tuyệt đối không thể làm nơi bán hàng ăn uống nhậu nhẹt lúi xùi. Nếu làm được như thế, chúng ta có thêm một cơ sở văn hóa cạnh Hồ Tây rất đẹp, đẹp cho cả Hà Nội nữa”, ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong
Việc Hãng phim Truyện Việt Nam về VOV chỉ còn là thủ tục
pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong Thanh tra Chính phủ công bố kết luận cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
pgsts nguyen the ky tong giam doc dai tnvn van la anh em hang phim truyen viet nam co quyet tam doi moi va doan ket voi nhau hay khong Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh: 'Chìa khóa thành công chính là sự chuyên nghiệp'

Lưu Vân Thảo