Nguyễn Hồng Nghi: Vị Tổng thư ký đầu tiên của Hội Điện ảnh Việt Nam.

(TGĐA) - Ông sinh năm 1918 tại xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Phong thủy của một vùng đất chuộng chữ nghĩa đã thấm vào tâm hồn và tính cách của ông. Ngay từ những năm tháng tuổi thơ,  Nguyễn Hồng Nghi đã sớm bộc lộ tư chất của một người ham học, ham hiểu biết.  

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam NSND, Đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam: “Trong nhiệm kỳ mới, Hội sẽ tăng cường hơn nữa mảng sáng tác, hỗ trợ”
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam NSND, đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Tôi cảm nhận được tình cảm nồng ấm của hội viên ở khắp mọi miền..."
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Trại sáng tác: Từ trại tới sáng tác
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Tọa đàm Quyền và Bảo vệ quyền tác giả
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đề nghị xem xét phong tặng danh hiệu NSND cho ông Đặng Xuân Hải

Vùng quê của ông cách Thủ đô Hà Nội không xa. Ánh sáng của thành phố đã vẫy gọi tuổi trẻ của ông hướng đến những hoạt động xã hội. Là một con người đầy nhiệt huyết, ông đã sớm tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Không chỉ đơn thuần là truyền bá học vấn và kiến thức văn hóa, công việc này đã tạo điều kiện cho ông tiếp xúc với cách mạng. Sinh sống ở Hà Nội, Nguyễn Hồng Nghi còn làm công việc của một người chụp ảnh. Những bức ông chụp phong cảnh, người xem còn cảm nhận được tình cảm của người nghệ sỹ. Ông còn chụp nhiều bức ảnh về đời sống xã hội. Người xem cảm nhận những câu chuyện nhân sinh sau những khuôn hình. Không khí Hà Nội trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa như những luồng gió mới thổi vào tâm hồn tươi trẻ của người nghệ sỹ. Với góc nhìn độc đáo và tính thẩm mỹ cao, những bức ảnh Nguyễn Hồng Nghi chụp chân dung Hồ Chủ tịch sau cách mạng Tháng Tám được quần chúng rất yêu thích. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Hồng Nghi lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, vào năm 1947, đã diễn ra một cuộc triển lãm ảnh. Những bức ảnh của Nguyễn Hồng Nghi được dư luận chú ý và đánh giá cao. Sự kiện này như một cột mốc trong cuộc đời ông. Sau triển lãm, Nguyễn Hồng Nghi chuyển sang làm công tác điện ảnh.

Điện ảnh cách mạng Việt Nam sinh ra trong kháng chiến nên phương châm phục vụ quần chúng là nhiệm vụ chủ đạo của ngành. Cùng với những nghệ sỹ điện ảnh từ khu 8, khu 9 của Nam bộ ra Bắc và những người làm điện ảnh từ Hà Nội lên chiến khu, Nguyễn Hồng Nghi đã tham gia quay những thước phim tài liệu của cái thuở ban đầu.

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam
Đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi (trái) nghe giới thiệu về máy chiếu bóng KPCM-35 do Liên Xô viện trợ vào tháng 11 năm 1950

Ông được phân công quay những đội dân công hỏa tuyến. Nhịp điệu lao động nhanh, mạnh và khẩn trương của các đoàn dân công được Nguyễn Hồng Nghi chuyển thành nhịp điệu của những thước phim ngắn, gọn, rất sinh động.

Ông đã tận dụng ánh sáng thiên nhiên trong trẻo của núi rừng Việt Bắc để miêu tả những gương mặt hồn nhiên, trong sáng, tận tụy với công việc. Khung cảnh núi rừng, những con đường cheo leo, dưới góc máy đầy cảm xúc của ông đã tạo nên những đoạn phim vừa hiện thực vừa trữ tình.

Sau này, nhìn lại những thước phim đó, người xem vẫn cảm nhận vẻ đẹp trong trẻo như ban mai của những người dân công miền núi, chất lãng mạn của tập thể những người yêu nước bên bếp lửa bập bùng giữa núi thẳm rừng sâu. Những triền núi dốc, những bờ lau hoang dại ngút ngàn, những khoảng trời xanh bồng bềnh mây trắng và, nổi bật trên bối cảnh thiên nhiên đó, là những con người – chiến sỹ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Họ vừa từ giã ruộng vườn, nương rẫy để đến với cách mạng. Họ trở thành nhân vật chính của nền văn hóa nghệ thuật mới. Đó là nội dung chính của bộ phim tài liệu nhan đề Dân công phục vụ tiền tuyến mà Nguyễn Hồng Nghi là người quay phim chính. Bộ phim được hoàn thành vào năm 1950-1951.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta là điểm nóng trong dư luận quốc tế. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cu Ba… đã cử nhiều đoàn phim đến Việt Bắc. Nguyễn Hồng Nghi cùng một số đồng nghiệp được tham gia cùng các đoàn làm phim quốc tế. Ông đã tận tình giúp các đồng nghiệp Trung Quốc hoàn thành bộ phim tài liệu Việt Nam kháng chiến (1951); giúp các đồng nghiệp Liên Xô thực hiện bộ phim tài liệu dài Việt Nam trên đường thắng lợi (1954). Ngoài ra, ông và các đồng nghiệp còn hoàn thành bộ phim Chiến thắng Tây Bắc (1953)…

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam
Phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các nghệ sỹ điện ảnh từ giã núi rừng Việt Bắc, về lại Thủ đô. Nhà quay phim Nguyễn Hồng Nghi vẫn luôn bám sát từng hơi thở của cuộc sống, dùng máy quay phim như chiếc bút ghi lại từng câu chuyện của thời đại. Ông đã quay những bộ phim quan trọng như Đón Trung ương Đảng Bác Hồ về lại Thủ đô (1955); Phái đoàn chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đàu thăm các nước Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia (1955); Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, chính phủ ta thăm Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ (1956); Mùa xuân trên khu tập kết Pathet Lào (1956)…Những bộ phim này đã mang đến cho hàng triệu khán giả những cảm xúc mạnh mẽ, một tinh thần yêu nước nồng nàn, một khí thế quyết tâm xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời chúng cũng truyền cảm hứng đến công chúng những sức mạnh tinh thần vào công cuộc đấu tranh thống nhất và niềm tin vào tương lai đất nước.

Một nền điện ảnh lớn không chỉ làm mãi những bộ phim tài liệu mà cần phải xây dựng những bộ phim truyện. Nhiệm vụ này lại được Nhà nước giao cho Nguyễn Hồng Nghi cùng các đồng nghiệp. Vốn là một nghệ sỹ đa năng, Nguyễn Hồng Nghi cùng các bạn như Mai Lộc, Phạm Văn Khoa…tìm tòi tài liệu, tự nghiên cứu và học tập công việc thực hiện một bộ phim truyện.

Từ những khâu đầu tiên như sáng tác kịch bản, phân cảnh, xác định đoạn và trường đoạn…đến việc thành lập đoàn phim, lựa chọn diễn viên, làm việc với các thành phần chính của đoàn phim… rồi đi chọn cảnh, duyệt phác thảo, quay thử v.v…các nghệ sỹ từ núi rừng trở về hoàn toàn bỡ ngỡ. Rất may, cùng cộng tác với ông còn có nghệ sỹ Phạm Hiếu Dân ( Phạm Kỳ Nam), một người được đào tạo bài bản từ Pháp trở về. Hai người cùng cộng tác, bổ sung cho nhau và cùng cho ra đời bộ phim truyện nhan đề Chung một dòng sông. Câu chuyện trong phim đã phản ánh tâm tư và khát vọng của nhân dân hai miền Nam-Bắc trong thời điểm đó.

Báo Nhân dân (số ra ngày 17/7/1959) đã viết về bộ phim:’’Bi kịch xé lòng của Hoài, của đôi lứa gợi lên thật sâu lắng, thật xáo động tất cả tình cảm sâu xa và bồng bột nhất trong mỗi tấm lòng Việt Nam…Đối với uất ức, căm thù, nhớ thương, hy vọng vào tình yêu nhất định thắng của Hoài và Vận, chúng ta đâu phải người ngoài cuộc. Mối đồng cảm sâu sắc giữa người xem và người trong phim sẽ là sức mạnh của bộ phim truyện đầu tiên của nước ta, bộ phim đã mạnh dạn đi thẳng vào thể hiện – dù chỉ là khía cạnh nào đó – một tình cảm lớn nhất của nhân dân, của thời đại’’.

Trên tạp chí Điện ảnh, (số ra ngày 16/7/19590) , đạo diễn Phạm Văn Khoa, vị giám đốc đầu tiên của Xưởng phim truyện Việt Nam, đã đánh giá:’’ Phim Chung một dòng sông ra đời là cả một cố gắng lớn của anh chị em làm công tác điện ảnh Việt Nam.

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam
Cảnh trong phim Chung một dòng sông của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi

Bộ phim truyện đầu tiên của chúng ta đã đánh dấu một bước tiến quan trọng và hé mở một triển vọng khá tươi sáng của loại hình phim truyện Việt Nam non trẻ’’. Mặc dù nhận được rất nhiều lời khen ngợi, nhưng Nguyễn Hồng Nghi, đã nhìn nhận một cách công khai và thẳng thắn những mặt mạnh và mặt yếu của bộ phim. Ông nhận xét:’’ tính tư tưởng của tác phẩm thì khá phong phú, nhưng tính nghệ thuật thì lại chưa đủ’’.

Đó là thái độ rất đáng trân trọng của một người nghệ sỹ tôn trọng người xem, tôn trọng nghề nghiệp. Đồng nghiệp của ông đều nhận xét, mặc dù bộ phim gây được tiếng vang, nhưng ông vẫn giữ được thái độ khiêm nhường, thực sự cầu thị, biết lắng nghe những ý kiến chân tình. Cũng từ bộ phim này, ông rút ra những bài học về mối quan hệ giữa nghệ thuật và quần chúng, về mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong đoàn phim. Những bài học ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cũng cần phải kể đến một bộ phim truyện nữa mà Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam cùng thực hiện vào năm 1961. Đó là phim Vật kỷ niệm - (Kịch bản Cường Tráng – Văn Ngữ). Truyện phim kể về anh bộ đội tên La, trên đường ra trận, đã tặng lại cho gia đình chị Tư bộ quần áo mà anh định gửi về biếu mẹ. Sau chiến tranh, đồng đội trở về thăm nơi đóng quân cũ, họ gặp lại gia đình chị Tư.

Chị vẫn giữ vật kỷ niệm nhưng anh La đã hy sinh. Nhà phê bình điện ảnh Phạm Ngọc Trương nhận xét: “Xem lại Vật kỷ niệm, có thể thấy dấu ấn Nguyễn Hồng Nghi – người nghệ sỹ đã nhiều năm đồng cam cộng khổ với nhân dân hậu phương vùng tạm chiếm và các đoàn chiến sỹ, dân công hỏa tuyến – bằng lối dàn dựng khá chân thực những cảnh hành quân qua làng, những chi tiết điển hình đã nói lên được cuộc sống gian khổ nhưng vẫn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của những người dân bám trụ trên mảnh đất quê hương. Báo chí cũng nhắc tới những cảnh chiến đấu mang tính biểu trưng cao như cảnh tiểu đội trưởng La (do Minh Trí đóng) trong tư thế ngã gục trên báng súng mang hình dáng người anh hùng hy sinh thân mình vì nhân dân, đến giây phút cuối cùng vẫn mơ ước ngày giải phóng để những người như mẹ anh, gia đình chị Tư có được một tương lai tươi sáng’’.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh nhật Bác, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi đã hoàn thành bộ phim tài liệu nổi tiếng nhan đề Vài hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1960). Những năm sau đó, ông đã làm nhiều bộ phim tài liệu khác như Ngọn cờ giải phóng (1965 – kỷ niệm 20 năm cách mạng Lào); Tiếng gọi Mùa Xuân (1968 – phim về Bác Hồ) và là đồng đạo diễn phim về Lễ tang Bác (1969).

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

Ngoài lĩnh vực sáng tác, Nguyễn Hồng Nghi luôn trăn trở làm sao xây dựng được đội ngũ những người làm phim “vừa hồng vừa chuyên”. Khi được điều về làm Phó Giám đốc Xưởng phim Thời sự - Tài liệu, ông đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm phim cho những nhà quay phim trẻ vào chiến trường. Trong thâm tâm, ông và một số đồng nghiệp đều muốn thành lập một tổ chức nghề nghiệp, xây dựng một trung tâm đoàn kết, tập hợp những nghệ sỹ làm phim dưới mái nhà chung. Nguyện vọng chính đáng đó đã được Đảng và Nhà nước chấp nhận.

Tháng 11 năm 1969, Nguyễn Hồng Nghi là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam. Tại Đại hội, với những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực phim truyện và phim tài liệu, ông đã được các nghệ sỹ bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội. Với cương vị lãnh đạo mới, ông đã lao vào công việc với tất cả niềm say mê và ý thức trách nhiệm của một người cán bộ - nghệ sỹ.

Ông mở ra các cuộc hội thảo, các đợt đi thực tế, các đợt chiếu phim học tập nghiệp vụ . Đồng thời ông tổ chức dịch thuật những tài liệu nước ngoài về nghệ thuật điện ảnh. Nhiều người còn nhắc mãi hình ảnh ông tìm kiếm và thu lượm từng ram giấy in roneo để in những những tài liệu hiếm hoi của nước ngoài về nghề làm phim. Đó là những công việc có tính tiền đề, tạo điều kiện cho việc xuất bản Tạp chí Điện ảnh – cơ quan ngôn luận của Hội.

Ông còn liên hệ với Nhà xuất bản Ngoại văn, Thư viện Khoa học Xã hội để xuất bản các bản tin bằng tiếng Anh, Pháp Nga trong việc giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi đã làm việc như một người nghệ sỹ - chiến sỹ chân chính theo ý nghĩa đúng đắn nhất của từ này.

Trên cương vị người lãnh đạo Hội, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi thực sự là người quan tâm đến từng hội viên cũng như những công việc hệ trọng của Hội. Nhà phê bình Phạm Ngọc Trương, người cùng thời với ông, kể lại: “Đặc biệt quan tâm đến anh chị em làm phim trên chiến trường, ông tổ chức quyên góp khắp nơi, gửi sâm, cao, thuốc quý hiếm và tài liệu nghề nghiệp cho Điện ảnh Giải phóng. Ông bỏ cả kế hoạch làm phim của bản thân, dành kinh phí và thời gian, vừa đi sơ tán theo cơ quan, vừa tổ chức biên soạn, in ấn bằng typo hai cuốn sách Điện ảnh Miền Nam- Điện ảnh Cách mạng và Văn kiện Đại hội thành lập Hội – một công việc tưởng chừng không thể hoàn thành trong thời gian đó. Ông còn có nhiều sáng kiến ký kết hợp tác với Hội Điện ảnh nhiều nước, đặc biệt đã vận động Điện ảnh Liên Xô và Bungari tặng Hội bộ ống kính quay phim màn ảnh rộng đầu tiên ở nước ta và những hộp phim mầu – vật tư quý hiếm thời đó để đoàn làm phim Thành phố lúc rạng đông thực hiện… Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ở tuổi gần 60, ông vẫn đi dọc Trường Sơn, cùng các đơn vị bộ đội và anh chị em điện ảnh Giải phóng chụp ảnh, quay phim và triển khai công tác Hội. Suốt hơn một thập kỷ, con người trầm tĩnh luôn nhỏ nhẹ đó tự nguyện tạm gác niềm say mê sáng tạo để đi khắp nơi vận động, thuyết phục, thu vén xây dựng cơ sở của Hội. Năm 1978, khi ông bàn giao công việc cho Ban thư ký khóa II, Hội đã có một nề nếp hoạt động khá tốt.’’

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam
Đại diện gia đình cố đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Nghi nhận Bằng khen, Quyết định và Huân chương Độc lập

Thật lạ lùng, người nghệ sỹ từng quay bao thước phim ở khắp mọi miền đất nước, từng chụp bao ảnh chân dung và phong cảnh, nhưng lại chưa bao giờ tự chụp cho mình một tấm chân dung. Trong kho tư liệu vô cùng phong phú mà ông để lại ở gia đình, không hề có chân dung nghệ sỹ Nguyễn Hồng Nghi. Thậm chí ông cũng không hề có tên trong đợt phong nghệ sỹ đầu tiên. Nhưng có hề chi, ông sừng sững như một tượng đài trong ngành điện ảnh. Và trong trái tim những người đồng nghiệp, ông mãi luôn ở một vị trí trang trọng.

Năm 1991, ông qua đời. Sau khi ông mất, năm 2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Và năm 2017, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập.

nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Cánh diều 2017: Trang trọng, cảm xúc và đầy màu sắc nghệ thuật
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Mở Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình năm 2018
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Nghệ sỹ điện ảnh 'Về nguồn': Về Bản Bắc, thăm Đồi Cọ
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Gặp mặt hội viên Hội điện ảnh Việt Nam: Thân mật, ấm áp lòng nghệ sĩ
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Điện ảnh Cách mạng Bưng Biền - Nam bộ: 70 năm một chặng đường
nguyen hong nghi vi tong thu ky dau tien cua hoi dien anh viet nam Ba nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên được trao tặng Huân chương Độc lập

Đoàn Tuấn