Chuyện kể về một chuyến đi làm phim ở Vĩnh Linh

(TGĐA) - Đầu tháng 11/2018, nhà báo Tô Hoàng từ Sài Gòn email cho Thế giới điện ảnh (do ông biết địa chỉ hộp thư tòa soạn) một bài viết dài dưới dạng hồi ức của nhà báo, bác sỹ, nhà làm phim Nguyễn Thị Xuân Phượng kèm lời nhắn 'gửi hai anh Tuấn đọc và cho ý kiến'. Bài viết rất hấp dẫn với những tình tiết sống động mà nhân vật chính, cũng là tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng, đã trải qua cùng lối viết khoáng đạt, thong dong, nhưng vẫn lột tả được bầu không khí cam go, khốc liệt (mà cụ thể như thế nào, sẽ được nói rõ trong bài) của lịch sử 50 năm về trước. Qua số điện thoại, cũng được nhắn kèm trong mail, giọng nói của tác giả khiến chúng tôi ngỡ ngàng bởi không giống như của một người được giới thiệu 'bà đã 90 tuổi'. Rất tự nhiên, rất minh mẫn, rất thân thương: À, Thế giới điện ảnh hả? Rồi, bài viết của bà. Mày đọc thấy sao?... Được, bà sẽ gửi ảnh chung trong một email, nhắn tin địa chỉ cho bà nhé! Internet thật tuyệt, công nghệ thật tuyệt khi đã giúp kết nối những người, những việc ở cách nhau hàng ngàn cây số chỉ trong khoảng thời gian tính bằng phút, điều mà cách đây 50 năm, Xuân Phượng và những người đồng nghiệp của bà chắc hẳn không bao giờ hình dung được. Nhưng 50 năm trước còn có điều tuyệt vời hơn đã khiến người phụ nữ, nay đã ở độ tuổi 90, vẫn nhớ như in. Đó là gì? Mời độc giả theo dõi câu chuyện dưới đây của Nhà báo, bác sỹ, nhà làm phim Nguyễn Thị Xuân Phượng.

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh 'Dự án phim ngắn CJ': Bi hài chuyện 'hành nghề' của các nhà làm phim trẻ
chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh Làm phim đưa lên Youtube có dễ kiếm tiền?

Năm mươi năm trước, một ngày tháng 2 năm 1967

Anh Phạm Ngọc Thuần, chủ nhiệm Uỷ ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, thủ trưởng của tôi, đến gặp. Giọng Nam bộ nhỏ nhẹ: "Em ngưng mọi công việc, lên ngay Dinh Chủ tịch, nhận lệnh của Bác Hồ."

Xe vừa đến trước sân trải sỏi rộng mênh mông của Chủ tịch Phủ, tôi đã thấy bốn anh giám đốc các xưởng phim Tài liệu Thời sự Trung Ương, Xưởng Phim Truyện Việt Nam, Xưởng Phim Quân Đội Việt Nam, Xưởng Phim Giao Thông Vận Tải đang đứng dưới bóng cây hoàng lan. Khoảng năm phút sau, bóng anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ Tịch, xuất hiện trên thềm phòng khách lớn: "Mời các anh chị vào."

Bác Hồ đang ngồi với hai khách người nước ngoài. Vị khách nam tóc bạc bồng bềnh, ngồi bên cạnh một phụ nữ, dáng người nhỏ nhắn, rất đặc biệt với bộ tóc màu hung hung đỏ và đôi mắt xanh biếc rất đẹp. Cả ba đang cười nói, thấy chúng tôi vào liền quay lại. "Bác giới thiệu với các cháu, đây là hai người bạn thân thiết của Bác, là những nhà điện ảnh cách mạng nổi tiếng trên thế giới. Ông Joris Ivens đã làm trên hàng chục phim tài liệu nói về các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Người bạn đời của ông, bà Marceline Loridan là một phụ nữ Do Thái đã bị tập trung vào lò thiêu người Auschwitz của Phát xít Đức. Chỉ còn năm ngày nữa thì đến lượt bị vào lò thiêu, rất may mắn là quân Đồng Minh đã kịp đến giải phóng."

Ông bà Ivens tươi cười quay lại bắt tay chúng tôi...

Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã mở đầu cho hành trình làm bộ phim: Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân.

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh
Vĩnh Linh 1967

Một ngày tháng 5 năm 1967

Sau hai ngày đêm vượt phà, vượt những con đường lổn nhổn hố bom cày nát, mò mẫm đi trong đêm với ánh sáng leo lắt của một ngọn đèn nhỏ gắn ở gầm xe, chúng tôi từ Hà Nội đã đến khu vực Thanh Hóa.

Cả ba chiếc xe jeep, lá ngụy trang phủ đầy đã được cất giấu trong một con hào nửa chìm nửa nổi. Mười một anh em trong đoàn chia nhau mấy tấm phên tre đặt dưới hào, sát bên cạnh là những chiếc hầm sâu hơn để tránh bom. Đang mệt nhoài và ngủ mê mệt sau một đoạn đường quá gian khổ, bỗng những những tiếng nổ chát chúa bên tai, những tia chớp xanh lét làm tôi bừng tỉnh dậy. Tiếng Bình, người quay phim thời sự xuất sắc của đoàn, hét lên: "Bom bi, bom bi!". Chỉ kịp với tay giật chiếc túi cấp cứu, tôi nhảy vội xuống hầm. Ông bà Ivens đã ngồi nép vào một góc hầm, mấy anh em bảo vệ ngồi quây xung quanh. Mỗi phút trôi qua, bom bi càng nổ đanh sắc, những tia chớp xanh lạnh soi sáng cả góc hầm, Bình hét lên: "Tôi bị thương rồi".

Tôi đưa tay lên cổ anh. Một dòng nước ấm nhơn nhớt chảy nhầy nhụa. Tôi cầm vội con dao mổ nhỏ, sờ soạng vào cổ Bình và cảm nhận được một vật tròn tròn dưới làn da cổ. Một tia chớp, một bom bi lại nổ. Ông Ivens kêu to: "Phượng, hãy bình tĩnh! Hãy săn sóc gấp cho Bình." Tôi cầm con dao mổ, một tay bóp mạnh để gắng cố định viên bi đang nằm dưới làn da, tay kia khía mạnh. Viên bi tròn còn nóng máu người đã rơi thỏm xuống đúng vào lòng bàn tay tôi. Máu ngừng chảy, vết thương đã được băng kín. Cuộc thả bom chớp nhoáng của máy bay Mỹ bỗng dừng hẳn. Không gian trở lại yên tĩnh một cách khác thường.

Trời mờ sáng. Ba chiếc xe jeep bị bom phá tan hoang, két nước thủng lỗ chỗ, nệm ngồi văng tứ tung. Phi Hùng, người phụ trách an toàn của đoàn, gọi điện về Hà Nội xin chỉ thị. Như đoán biết trước, ông Ivens đi men theo vách hầm đến đưa cho tôi một mảnh giấy: "Chưa đi được một phần mười của hành trình. Chúng tôi quyết định vẫn đi tiếp vào Vĩnh Linh. Chúng tôi không trở về Hà Nội đâu. Ký tên Joris và Marceline". Trưa hôm ấy, lệnh từ Hà Nội vào: "Bổ sung cho ba xe khác. Đoàn tiếp tục lên đường. Gắng bảo vệ tính mạng cho khách."

Và cứ thế, mặt trời lên thì mười một anh em tìm vào các hầm trú ẩn của các huyện, hoặc chui vào các hốc đá, các hang đá nghỉ ngơi. Đôi khi nằm vất vưởng dưới những bóng cây nằm ven suối. Chờ lúc chạng vạng tối lại lên xe, vượt bom, vượt pháo sáng, qua cầu phao, qua các đèo nham nhở đất đá tung toé. Khó chịu đựng nhất, gây căng thẳng nhất và đáng sợ nhất đối với tôi là những đợt ánh sáng xanh ma quái, khét lẹt kết hợp với tiếng gầm rú điên cuồng của đủ loại máy bay Mỹ chằng chịt xuyên qua bầu trời.

Đêm ấy, sau khi vượt qua an toàn hai phà, chiếc xe của Ngọc với năm người chúng tôi: ông bà Ivens, Phi Hùng, Bình và tôi, đang nghiêng ngả chạy như say rượu trên con đường chằng chịt hố bom, dưới ánh sáng xanh ma quái của pháo sáng. Một tiếng động chát tai. Xe Ngọc chạm vào phía sau một xe vận tải. Chiếc xe jeep nhảy chồm lên, những mảnh kính vỡ vụn đâm vào mặt tôi. Máu chảy ròng ròng, tôi nhảy vụt ra khỏi xe. Tiếng Marceline thét lên: "Ôi cái chân tôi". Trong bóng tối, hàng chục cánh tay của các em thanh niên xung phong đang lấp hố bom dìu chúng tôi vào một hố to khoét sâu bên thành vách đất. Sau này chúng tôi biết, chiếc hầm cứu mạng ấy gọi là một cái hàm ếch tránh bom. Vài người từ từ rút những mảnh kính vỡ ra khỏi mặt tôi. Tôi mở mắt ra và thấy Marceline đang nép vào Joris, chân phải đã được băng lại, cứng đờ, duỗi thẳng. Đến một trạm quân y nằm khá xa tuyến lửa, bác sĩ khám cho hai chúng tôi. Tôi được rửa sạch những vết thương trên mặt, kỳ diệu thay tuổi trẻ, máu đã ngừng chảy. Vẫn còn bỏng rát, tôi đã có thể sẵn sàng dịch những câu hỏi của Joris. Riêng Marceline thì nghiêm trọng hơn, vết thương đầu gối khá nặng phải nhập viện tại quân y Hà Tĩnh. Trạm quân y dã chiến này nằm cách đường khoảng hai mươi cây số, lẩn khuất trong những lùm tre um tùm. Ông Ivens quyết định: "Để Marceline nằm điều trị tại đây. Tất cả đoàn chúng ta tối nay lên đường."

Xe ì ạch vượt đèo Đá Đẻo. Lại tiếng bom nổ, lại những ánh chớp xanh khét lẹt của pháo sáng, lại những lúc xe đang vượt cầu phao, bỗng máy bay ào đến, cầu phao ngiêng ngã, ba chiếc xe mấy lần suýt rơi xuống sông... Hết bom, lại mò mẫm trong đêm hướng về tuyến lửa. Ivens có lẽ vì lo lắng cho Marceline đang điều trị tại Hà Tĩnh nên ít chuyện trò hơn, đầu nghiêng nghiêng qua cánh cửa xe, đăm đăm quan sát bầu trời chằng chịt pháo sáng...

Hết địa phận Quảng Bình, ba xe dừng lại. Ba người trong Ủy ban Vĩnh Linh từ trong hầm bước lên chào đón ông Ivens và đoàn. Tính theo thời bình và xe chạy dưới ánh mặt trời, đoạn đường Hà Nội - Vĩnh Linh là trên sáu trăm cây số.

Sau này trong địa đạo Vĩnh Linh, Phi Hùng đã tổng kết:

-Ba xe jeep ngày nghỉ đêm đi trên một ngàn cây số, hành trình mất hai mươi tám ngày.

- Ba xe jeep bị phá nát, được cấp ba xe jeep khác, một xe để lại ở trạm quân y Hà Tĩnh cho bà Marceline đi sau.

- Năm ngày nằm ở hang động Quảng Bình vì bị tắc đường, hai mươi hai lần tránh bom, hai lần suýt chết. Còn nhảy ra xe, nhảy vào xe rồi lại nhảy ra xe, rồi lại nhảy vào xe… thì có đến hàng trăm lần, đếm không hết.

- Nhai lương khô mất ba thùng trong mười lăm ngày, được hai bữa ăn thịt gà, ba bữa ăn tươi ở Thanh Hóa, ngoài ra, khoai, sắn, bắp luộc thay bữa ăn không kể.

- Ngoài Bình, Phượng và Marceline bị thương nặng nhẹ khác nhau, còn tất cả: "Sợ thì có sợ nhưng biết chạy tránh bom như chớp, biết bảo vệ ông Ivens an toàn, và bản thân mỗi người bình yên vượt qua cái chết. Rất đáng khen.

Mỗi người một bát nước chè xanh, một cây kẹo đường đen, ai nấy đều hỉ hả.

Đêm đầu tiên dưới lòng đất Vĩnh Linh.

Căn hầm dành cho chúng tôi vừa mới được đào xong cách đây vài ngày. Khi dò dẫm lần từng bậc xuống, một tay phải sờ vào vách hầm để lựa bước chân, vách đất tua tủa những rễ cây vừa mới bị xén, chất nhựa và rễ đâm nhói buốt tay. Càng xuống dần, ánh sáng càng mịt mùng hơn.

"Như âm ty”, Chơn quay phim thì thào bên tai tôi.

Sau lưng tôi nặng nhọc những tiếng thở hổn hển của Joris. Năm ấy, ông đã bảy mươi tuổi, bị hen mãn tính khá nặng. Marceline bé nhỏ, nắm chặt tay Ivens, vai trái chị luôn trĩu nặng chiếc máy thu thanh Nagras nặng hơn mười cân mà chị không bao giờ chịu rời suốt trên một ngàn cây số nghiêng ngả ổ gà, dù anh em trong đoàn đề nghị mang giúp để chị dễ nhảy ra khỏi xe khi có bom. Tôi giữ mãi hình ảnh một bàn tay nhỏ bé cầm micro nhô ra khỏi cửa xe để ghi tiếng bom nổ. “Để ghi tiếng động thật cho phim,” Marceline nói. Những tiếng động thật ghi tại chiến trường những đêm ấy mãi không thể nào quên…

Ngay cả khi, nhiều năm sau, tôi bước vào phòng của chị, Joris đã mất. Gian phòng yên tĩnh ở một khu sang trọng của Paris, chị cầm lấy tay tôi, bàn tay gầy guộc, nổi gân xanh. Lại nhớ hình ảnh bàn tay cầm micro đưa ra ngoài cửa sổ xe trong bão táp của bom đạn những năm nào…

Ủy ban Vĩnh Linh đã thu xếp cho chúng tôi những giường ngủ cá nhân ngăn cách bằng một tường đất mỏng. Ông bà Ivens có chỗ rộng hơn. Không khí trong hầm vô cùng ngột ngạt, tiếng thở rít nặng nhọc của Ivens càng nghe rõ hơn.

Trong lòng đất tối như bưng, đoàn chúng tôi đã trải qua đêm ngủ đầu tiên trong địa đạo.

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh
Cầu Hiền Lương

Quay phim cột cờ Vĩnh Linh

Sát bên bờ Nam cầu Hiền Lương là một trạm cảnh sát của chính quyền Sài Gòn, quân phục rằn ri, súng ống đầy người. Ở bờ Bắc, lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn một trăm ba mươi tư mét vuông ngày đêm hứng chịu những đợt bắn phá thả bom liên hồi. Hai ngày trước, ông Ivens với bộ quần áo đen của du kích Vĩnh Linh, đầu quấn khăn rằn để che mái tóc bạc trắng, đã nằm phục dưới hào quan sát.

Tối hôm ấy, ông phân công: "Cảnh quay lá cờ Vĩnh Linh vô cùng quan trọng. Tôi chia hai kíp quay. Kíp Một là Phượng đi cùng với tôi, Tuấn quay phim, Hùng bảo vệ. Kíp Hai là Hạc đi cùng với Marceline, Bình và Chơn quay phim kiêm bảo vệ. Nếu kíp Một bị bom, hay bị thương phải rút đi thì kíp Hai chạy lên thay thế ngay".

Trời chưa sáng tỏ, bốn người chúng tôi đã đến sát cột cờ. Dân quân Vĩnh Linh đã đào sẵn bốn hầm nhỏ tránh bom, đất đỏ tươi còn vương vãi.

Ivens dặn: "Tuấn ơi, đây là một biểu tượng cho phim. Lá cờ Việt Nam sẽ tung bay từ bờ Bắc lan ra bờ Nam, là ý nguyện thống nhất hai bờ của một đất nước. Anh phải trèo lên tận đỉnh cột cờ, máy quay phải bắt được giây phút gió thổi tung lá cờ, bóng trải dài vươn lên phía Nam bờ Bến Hải. Tôi nghĩ rằng đấy sẽ là cảnh mở đầu cho phim." Tôi dịch ra tiếng Việt cho Tuấn. Tuấn vốn là một nhà quay phim truyện cự phách, xưa nay ít phải xông pha ra những chiến trường bắn phá ác liệt. Nghe lệnh xong, anh lẩm bẩm: "Thế này thì tám phần chết hai phần sống rồi. Phen này mà an lành thì ông về Hà Nội đào một cái hầm sâu ba mươi mét, rồi ở đấy với mẹ Hiên cho nhàn cái thân." Ivens hỏi tôi: "Tuấn nó nói cái gì thế?" Tôi trả lời: "Tuấn đã hiểu và nói sẽ cố gắng hết sức".

Tuấn, người bọc gọn trong một tấm vải dù loang lỗ ngụy trang, bắt đầu leo lên cột cờ. Anh trườn người rất nhẹ, áp sát vào cột, tay cầm chiếc máy Beaulieu mười sáu li, chân từ từ đặt trên các móc sắt đóng chi chít trên cột. Tôi nín thở nhìn theo, Ivens bóp chặt tay tôi. Bên kia bờ Nam, cửa sổ bốt canh mở ra, ba bốn cảnh sát rảo quanh, súng chĩa về phía cột cờ. Họ vẫn chưa nhận ra có điều gì bất thường.

Tuấn đã leo đến đỉnh cột cờ. Anh hơi nhô người ra, phục một cơn gió. Trời vẫn lặng yên. Bên này hầm, cả ba chúng tôi nín thở chờ đợi. Một cơn gió nhẹ, Tuấn bắt đầu quay. Hai phút, rồi ba phút, Ivens bảo tôi: "Được rồi, bảo Tuấn rút."

Tuấn xua tay, lại nhô ra quay tiếp.

Bỗng tiếng máy bay ào đến. Tôi nghe một tiếng động mạnh rồi khi tỉnh dậy thấy cả người mình đầy đất. Đất ở mắt, ở mũi, ở tai và cả người đau như vừa bị ai đánh. Vừa khạc đất đầy trong mồm, tôi hét lên: "Ông Ivens đâu?" Phi Hùng đang lấy khăn dập tắt một mớ tóc bạc đang cháy trên đầu Ivens. Toàn thân Ivens phủ đầy đất đỏ, ông quay sang thều thào: "Phượng ơi, Tuấn nó đâu rồi?". Một quả bom nổ gần cột cờ, đất đã vùi chúng tôi. May mà có Phi Hùng bên cạnh.

Tuấn đã leo xuống và đang bò sát về phía Joris. Tiếng đạn vút cheo chéo từ bờ Nam, cảnh sát bên ấy đã chậm hơn Tuấn vài phút.

Đêm ấy, trong địa đạo Tuấn kể: "Lúc đầu thì sợ lạnh cả gáy, nhất là thấy rõ lũ cảnh sát mặc rằn ri rõ mồn một, súng lăm lăm nhả đạn. Nhưng lên đỉnh cột cờ rồi, quay được những cảnh uốn lượn của lá cờ vươn sang bờ Nam, bao nhiêu sợ hãi tan biến. Lại tranh thủ quay thêm được vài cảnh bờ Nam quá đẹp".

Hai vợ chồng Ivens cầm hai quả chuối, một quả cam đến hầm chúng tôi: "Xin chúc mừng ngọn cờ Hiền Lương và những nhà làm phim can đảm. Tuấn khá lắm nhưng không chịu nghe lệnh. Ham cảnh quá có khi lại chết một cách vô ích."

Cháu bé chào đời trong lòng đất

Một đêm khác trong địa đạo. Lại những giấc ngủ mê mệt sau một ngày chịu đựng bom đạn. Bỗng có tiếng hét to: "Có ai là bác sĩ ở đây không? Cứu với, cứu với!".

Marceline lay tôi dậy, bóng một người đàn ông cầm một ngọn đèn dầu leo lắt ánh sáng, giọng Vĩnh Linh nghẹn ngào: "Đoàn ơi! Cứu chúng tôi với! Vợ tôi đau đẻ đã hai ngày nay. Chắc là sắp đi rồi" rồi bật lên tiếng khóc rất to. Tôi và Chơn, phó thu thanh của đoàn, dò dẫm theo bước chân ông ta. Địa đạo Vĩnh Linh chằng chịt hào ngang hào dọc, hầm nối tiếp hầm, thực là lạc vào một mê cung trong lòng đất. Tiếng rên khe khẽ rõ dần, bóng tối vẫn mịt mùng vây quanh. Tôi lấy tay sờ. Một phụ nữ đang nằm, bụng căng cứng, người lạnh ngắt, lố nhố bóng nhiều người sau lưng tôi. Để lấy không khí thở cho người sắp đẻ, tôi yêu cầu: "nấu cho tôi một nồi nước." Mọi người tản ra. tôi bắt đầu dặn: "Chị nín thở rồi rặn thật mạnh." "Trời ơi đau lắm, không rặn được". Thì ra đây là lần sinh nở đầu tiên, chị đẻ con so nên không biết cách. Tôi kiên trì khuyên nhủ, nhưng thực ra là tiếng hét của tôi lẫn vào tiếng khóc của người đàn bà đang đau đớn kia... Đến khi áo tôi ướt đẫm mồ hôi, gần đuối sức thì cũng là lúc đầu em bé nhô ra. Khi nghe tiếng oe oe đầu tiên òa lên, người chồng bỗng khóc rống lên. Đúng là một hợp ca hạnh phúc của hai bố con trong địa đạo. Lo cho em bé, cho người mẹ trẻ xong, chúng tôi lại dò dẫm trở về gian hầm của mình. Thật không ngờ, Joris và Marceline vẫn không ngủ và đang chờ chúng tôi ở cửa hầm. Tôi vừa mệt vừa vui: "Ca va" (được rồi). Marceline ôm tôi vào lòng. Bỗng trong địa đạo vang lên tiếng tôi quát tháo ầm ĩ, tiếng khóc của người mẹ, tiếng lao xao của những người đứng trong hầm, gần sản phụ. Rồi bật vang lên tiếng oe oe chào đời của đứa trẻ sơ sinh, hòa với tiếng khóc nghẹn ngào của người cha hạnh phúc. Thì ra trong lúc tôi vô cùng bấn loạn vì trường hợp đỡ đẻ này, không đèn, không phương tiện cấp cứu, không nhìn rõ mặt sản phụ, Chơn đã mở máy thu thanh, thu hết những tiếng động này.

Trong căn hầm của đoàn làm phim, mọi người đã tỉnh dậy, quây quần bên chiếc máy ghi âm nhỏ. Joris đặt tay trên vai tôi: "Các bạn hiểu tại sao tôi yêu suốt đời cái nghề làm phim chiến trường không? giữa cái chết và cái sống, chúng ta có hạnh phúc, có may mắn ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay cả khi cái chết cận kề." Riêng tôi, tôi không quên được cảnh hai ông bà Ivens đã chờ tôi suốt đêm, đã lo lắng cho số phận của một em bé Vĩnh Linh.

Hai ngày sau, người cha trẻ đem biếu đoàn mấy củ khoai mì. Anh cầm tay tôi: "Tui cảm ơn O không kể xiết. Xin O đặt tên cho con trai tôi." "Tôi xin đặt tên cháu là Nguyễn Xuân Phượng, là tên của tôi."

Bốn mươi năm sau, trở lại Vĩnh Linh, tôi cố gắng đi tìm Nguyễn Xuân Phượng, năm 2007 sẽ là một người đàn ông bốn mươi tuổi. Ủy ban Vĩnh Linh, đài phát thanh truyền hình Quảng Trị, tờ báo Quảng Trị cũng gắng tìm cho tôi. Nhưng suốt thời gian đoàn quay phim ở lại, rồi mò ra tận Quảng Bình vẫn không thể tìm được cháu trai mà tôi đã đỡ đẻ trong địa đạo. Cuộc đời xoay chuyển nhiều, chiến tranh bom đạn nhiều, không biết số phận cháu ấy và bố mẹ cháu ra sao?

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh
Địa đạo Vĩnh Mốc

Em bé chín tuổi cầm súng

Anh Hoàng, người phụ trách Báo Chí ở Vĩnh Linh báo với ông: "Có một em bé Vĩnh Linh lên chín tuổi, bằng trí thông minh của mình đã giúp bộ đội đặc công phá được một sân bay trực thăng...".

Sáng hôm sau, dưới một bụi tre um tùm, chúng tôi thấy một em bé đang ngồi với mấy anh bộ đội trên đầu một chiếc xe tải. Em dáng người đậm, chắc, da nâu đen. Không để ý gì đến chúng tôi, em đang tháo lắp thành thạo một khẩu súng AK. Ông Ivens sờ nhẹ vào tay Bình. Bình lặng lẽ giơ máy quay ngắm em và bấm một trường đoạn dài. Nghe tiếng máy, em mỉm cười, hai chiếc răng khểnh làm lộ một nụ cười dễ thương và vội vã nhảy xuống khỏi chiếc xe tải. Anh Hoàng đặt một chiếc ghế ngay ngắn dưới bóng tre và kéo em bé ra ngồi, chuẩn bị cho buổi quay phim. Ông Ivens bứt tóc quay lại, vặt tôi: "Lại bố trí rồi. Hãy để cho em bé tự nhiên ngồi như lúc chúng ta gặp." Sau một hồi giải thích để "đạo diễn Hoàng" hiểu được cách quay của ông Ivens mà không giận, tôi lại đặt em bé vào vị trí trước kia. Ông Ivens hỏi lại: "Thế còn cái mũ bộ đội và cái súng em cầm lúc nãy thì sao?" Vậy là cậu bé Phạm Công Đức, đầu đội mũ bộ đội, tay mân mê khẩu súng AK, nhìn thẳng vào máy quay: "Em tên là Phạm Công Đức, gia đình em ở bờ Nam. Các chú bộ đội muốn phá sân bay trực thăng, em liền cùng với hai bạn khác đi vào khu vực sân bay và giả đò chơi trò đánh khăng. Thân của cây khăng dài đúng một mét, bọn em đánh ra xa rồi đo, đo từ đầu sân bay đến cuối sân bay, cả chiều dọc lẫn chiều ngang rồi về báo với các chú bộ đội. Bọn Mỹ không nghi ngờ chi hết. Sau đó, các chú bộ đội tính toán và bắn pháo cối vào chính xác, phá nát sân bay. Cháu được tặng là Dũng sĩ diệt Mỹ". Ông Ivens hỏi thêm vài câu nữa. Bé Đức trả lời dứt khoát và hồn nhiên, tay vẫn không ngừng mân mê cây súng. Được khoảng mười phút sau, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào ống kính, nhưng cháu bé bắt đầu mệt mỏi, cháu ngáp một hơi dài. Ông Ivens vẫn bảo Tuấn tiếp tục quay. Sau này, cái ngáp của Đức lên màn ảnh vừa dễ thương, vừa rất cảm động. Một bài học về cách quay phim của Ivens cho tất cả chúng tôi.

Năm 1968, khi chiếu trường đoạn này trên màn ảnh Pháp, có một người xem chất vấn: "Sao ông lại cố tình để một đứa bé mới lên chín tuổi, lại lắp ráp thành thạo và cầm chắc tay súng trong suốt cuộc phỏng vấn? Sao một em bé lại đội chiếc mũ quân đội Việt Nam?".

Ông Ivens trả lời: "Ai chưa thiếu ăn, chưa đói bụng bao giờ thì không thể nào hiểu được sự hành hạ của cái đói. Nếu như trong một buổi tối an lành, cả nhà anh đang quây quần trong một bữa cơm, bỗng có một hay nhiều người xông vào, lần lượt bắn chết từng người, rồi sau đó lại trút bom tàn phá ngôi nhà của anh thì lúc ấy không biết đứa trẻ chín tuổi kia có quyền cầm súng để báo thù hay không? Hãy đi đến những vùng bị tàn phá, bị hủy diệt ở Việt Nam mới hiểu nổi tại sao ông già, đàn ông, đàn bà, từ bé đến lớn ở Vĩnh Linh đều đồng lòng chống lại kẻ xâm lược. Chúng tôi gọi đây là một cuộc chiến tranh nhân dân vì cái lẽ đơn giản đó mà thôi."

Bốn mươi năm sau, khi tôi trở lại làm bộ phim về Vĩnh Linh, tôi đi hết xã này sang xã khác, cố tìm cho bằng được em bé Đức của ngày nào. Nắng Vĩnh Linh chang chang hầm hập. Tôi bước vào một nhà với đầy hy vọng, rồi lại trở ra vô cùng chán nản. Không tìm được em bé này rồi. Tối hôm đó tôi phàn nàn với Khiêm, người quay phim của đài truyền hình Quảng Trị đi giúp chúng tôi: "Chán quá, ngày mai cô phải trở vào Sài Gòn rồi. Hơn một tuần nay không sao tìm được tin tức của bé Đức. Nếu còn sống thì năm nay Đức cũng đã bốn mươi chín tuổi."

Khiêm chậm rãi: "Cháu có học một thầy dạy toán cấp ba tên là Phạm Công Đức, nhà thầy cũng ở ngay Dốc Miếu". Linh tính nghề nghiệp làm tôi hỏi lại Khiêm: "Cháu cho cô số điện thoại của thầy Đức", và lập tức bấm máy. Một giọng Quảng Trị nằng nặng, ồ ồ: "Ai hỏi chi rứa?".

Khiêm cầm máy điện thoại: "Thưa thầy, cô Xuân Phượng, trước quay phim Vĩnh Linh với ông Ivens, muốn hỏi thăm thầy." Điện thoại đột ngột bị cắt ngang.

Chừng hai mươi phút sau, một bóng người chạy vội vào phòng lễ tân khách sạn, rối rít: "Đâu, O Phượng đâu, trời đất ơi, O Phượng đâu?”. Tôi quay lại: “Đây, bé Đức của tôi đây rồi, cậu bé Đức của năm nào đây rồi.” Vẫn đôi mắt ấy, vẫn nụ cười có hai chiếc răng khểnh ấy. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, tưởng chừng như không hề có gần nửa thế kỷ qua...

Sáng hôm sau, Đức đưa tôi về nhà, nhà số 1 đường Dốc Miếu. Vợ và bốn con của Đức chạy ùa ra đón tôi. Đi qua một vườn tiêu trĩu hạt, chúng tôi quây quần bên nhau trong căn nhà sáng sủa, rộng rãi. Sau năm 1968, Đức được đưa ra miền Bắc đi học thêm và tốt nghiệp khoa toán lý trường Đại học Sư Phạm. Đức xin về giảng dạy tại quê hương mình từ đấy đến nay.

Năm 2012, tôi sang Paris đến thăm Marceline và đưa một gói quà của Đức tặng ông bà. Một kilo tiêu đen nổi tiếng của Vĩnh Linh hái từ khu vườn của các cháu. Marceline ôm gói tiêu vào lòng, rưng rưng: "Cảm ơn cuộc đời. Mừng cho bé Đức." Chúng tôi gói một gói nhỏ hạt tiêu và ra đặt trên mộ Ivens. Tôi thì thầm kể chuyện cháu Phạm Công Đức với ông.

Ánh nến nhỏ lung lay trước mộ. Trời chiều Paris trong nghĩa trang Mont Parnasse trở gió, Joris đang ở cùng chúng tôi...

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh
Quảng Trị

Đi một ngày đàng... học một sàng khôn.

Sau hai tháng có thể nói là sống chết có nhau, chúng tôi về lại Hà Nội. Trước khi tiễn tôi rời khách sạn, Joris bảo: "Sau hai tháng cùng làm việc với nhau, tôi thấy Phượng có những đức tính để làm phim, nhất là những phim về chiến tranh. Nghề bác sĩ hay nghề phiên dịch rất cần thiết nhưng tìm được một nữ làm phim chiến trường ở Việt Nam thật không phải dễ dàng. Vì vậy, tôi hết lòng mong muốn Phượng mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính mình, hãy đến với những công việc mà đất nước đang còn chiến tranh của bạn đang rất cần."

Được một chuyến đi không thể nào quên, được sống với những con người đặc biệt như Joris và Marceline, được tình thương mến đùm bọc hy sinh của các bạn trong đoàn, được tận mắt mình chứng kiến sự dũng cảm vô bờ, ý chí quyết tâm bảo vệ mảnh đất Vĩnh Linh, tuy đi có một đoạn đường nhưng tôi được học nhiều hơn là một sàng khôn.

Khi trở lại phòng khám bệnh đầy đủ tiện nghi của mình, được săn sóc, hỏi thăm sức khỏe những vị khách nước ngoài quan trọng đến thăm nước ta, bỗng nhiên tôi nhớ da diết những ngày sống trong bom đạn Vĩnh Linh, có khi bị bom đạn dập vùi mà vẫn thanh thản đi vào giấc ngủ sâu trong địa đạo tối tăm ngột ngạt. Rồi tình nghĩa anh em gắn bó, thương yêu nhau, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho nhau của đoàn làm phim, của những người dân sống quanh tôi... Sau vài tháng trăn trở, vào năm 1969, mặc dầu đã bước vào tuổi ba mươi bảy, đã có ba con, tôi quyết tâm từ giã cơ quan đầy đủ tiện nghi sang trọng để bắt đầu những bước chân chập chững bước vào nghề làm phim chiến trường.

Ước mơ

Nếu có người hỏi tôi: "Bà còn ước mơ gì không?".

Không còn ở tuổi thanh xuân, còn mười năm nữa là tròn một trăm tuổi, tôi vẫn có những mơ ước sau đây:

Tôi ước mơ có một ngày nào đó tôi sẽ sang Pháp cùng những người còn lại của đoàn làm phim Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân và những nhân vật có mặt trong phim này mà còn sống và tìm ra được như cháu Đức hay cháu Phượng, đứa bé sinh ra dưới địa đạo năm nào. Dù có phải đi xe lăn, tôi tình nguyện sẽ làm người hướng dẫn và người phiên dịch để đưa tất cả đến thăm mộ của Joris Ivens và Marceline Loridan Ivens. Chúng tôi sẽ thắp những ngọn nến tri ân ông bà hòa với nhiều ngọn nến khác của các nhà điện ảnh trên toàn thế giới luôn luôn thắp sáng xung quanh hai mộ. Những người trẻ hơn như cháu Đức, cháu Phượng, các cháu sẽ đặt những bông hoa tươi trên hai nấm mộ để thưa rằng: "Chúng con luôn biết ơn những tấm lòng cao cả của ông bà." Sau đó sẽ đến thăm đất nước Hà Lan xinh đẹp, sẽ cùng nhau bước qua những bậc cửa đầu tiên của Viện Bảo Tàng Ivens…

Trong lúc vượt đường dài đầy chết chóc từ Vĩnh Linh để đem phim về in tráng tại Hà Nội, một bạn của chúng tôi, anh Khuê đã bị trúng đạn khi qua một bến phà. Anh nằm sấp, cố che những hộp phim dưới thân mình. Máu loang lổ nhuộm những hộp phim.

Trong một lần ngồi xem lại những thước phim tư liệu ở Xưởng phim Tài liệu Thời sự Trung Ương, tình cờ ông Ivens và tôi thấy một cuộn phim mở đầu là những vệt loang lổ chạy dọc ngang khắp màn hình. Gần một nửa cuộn còn lại là những cảnh bắn phá cùng chạy song song với những vệt loang lổ khác. Ông Ivens đứng phắt dậy: "Trời ơi, đây là cuộn phim với máu của Khuê." Ông quay sang anh Lê Huân, là giám đốc xưởng phim thời ấy: "Anh gắng giữ những thước phim vô giá này cho thế hệ sau. Những thước phim đã nhuộm máu của Khuê”.

Tôi ước mong có một sự nghiêm túc đền ơn đáp nghĩa cho gia đình những người đã không tiếc thân mình, đã lặng lẽ hy sinh để tạo một nền điện ảnh chiến đấu của Việt Nam. Sau này, gia đình họ, con cháu họ và những thế hệ trẻ hơn sẽ không bao giờ quên ơn.

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh
Bà Xuân Phượng

Lời mong ước thứ ba:

Về việc đền ơn đáp nghĩa, trong lần Marceline và tôi đến viếng mộ Ivens chỉ vài chục ngày sau khi Ivens ra đi. Và Marceline cho biết: khi phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân bắt đầu cuộc sống công khai của mình tại một rạp chiếu bóng tuy nhỏ mà rất có uy tín tại Paris, một nhà phát hành phim trên các kênh truyền hình Mỹ đã bay từ New York đến Paris. Mục đích duy nhất của ông ấy là xem phim này của Joris Ivens. Sau buổi chiếu, ông nói: “Thưa ông Ivens, tôi không thể nào đề xuất phát hành phim này trên các kênh truyền hình. Bởi vì nếu phim được đông đảo người Mỹ xem thì mọi người sẽ hiểu rằng người Mỹ chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến tranh này”.

Mãi mấy chục năm sau tôi mới biết được tin này. Càng biết ơn, càng nhớ thương, càng hiểu sâu sắc rằng đối với những nhà làm phim chiến tranh, màn ảnh có thể là một vũ khí, màn ảnh có thể là chiến trường.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn day dứt một nỗi thương nhớ Vĩnh Linh, nhớ những em thanh niên xung phong không hề biết tên tuổi, đã không run tay rút từng mảnh kính vỡ ra khỏi khuôn mặt đầy máu của tôi dưới ánh sáng xanh lục của bom đạn, nhớ những lúc cùng Joris và Marceline ngồi quây quần bên nhau với mười một anh em trong đoàn, chia nhau những bát nước chè xanh, nhớ vườn tiêu đầy ánh nắng của cháu Đức, từ nay tự do trĩu hạt dưới ánh mặt trời…

Tôi nhớ hai câu thơ của cố thi sĩ Chế Lan Viên khi nghĩ về chuyến đi làm phim của năm mươi năm trước:

"...Khi ta ở, mới chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn...".

chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh Đạo diễn James Wan chia sẻ lời khuyên tuyệt vời đến các nhà làm phim trẻ
chuyen ke ve mot chuyen di lam phim o vinh linh Đạo diễn Nguyễn Trọng Hưng: 'Khi nào đủ chín tôi sẽ làm phim điện ảnh'

Xuân Phượng