Tuổi nổi loạn: “Cơn địa chấn” của truyền hình Thái Lan

Gây bão dư luận

(TGĐA) - Câu chuyện về một nhóm học sinh với những “bộn bề, lo toan” cần thiết trước khi chính thức thành người lớn được mô tả rõ ràng và chính xác về những vấn đề mà giới trẻ Thái Lan phải đối mặt như quan hệ tình dục, ma túy và bạo lực học đường... đã giúp Tuổi nổi loạn (Hormones) trở thành bộ phim truyền hình “dậy sóng”. Tuy nhiên, để một bộ phim như Tuổi nổi loạn đến được với công chúng, các nhà làm phim và các nhà chức trách đã phải tốn rất nhiều công sức.

Có thể nói, ngay từ khi xuất hiện, Tuổi nổi loạn đã lập tức trở thành một trong những phim series nổi tiếng tại Thái Lan chủ yếu nhờ nội dung thuộc diện “bỏng giẫy” như các vấn đề mà phim đề cập tới: tình dục ở tuổi vị thành niên, lạm dụng thuốc và áp lực của cuộc sống thời trung học…

TuoinoiloanThaiLan_8

Tuổi nổi loạn do GTH sản xuất dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Songyos Sugmakanan, người đã hoàn thành bộ phim điện ảnh cùng tên vào năm 2008. Ở một góc độ nào đó, phim gần giống với series Skin từng gây chấn động truyền hình Anh Quốc với câu chuyện xoay quanh một nhóm bạn tuổi mới lớn. Tất nhiên, phiên bản Thái Lan cũng đã được xử lý cho nhẹ bớt. Các hình ảnh học sinh hút thuốc đã được làm mờ nhưng những lời thoại táo bạo về vấn đề tình dục lứa tuổi vị thành niên và xu hướng tình dục của thế hệ trẻ vẫn được đề cập hết sức thẳng thắn. Chính vì thế, bộ phim đã gây được sự chú ý của mọi đối tượng khán giả và cũng gặp phải các luồng ý kiến khác nhau. Phim chỉ được phép chiếu hạn chế trên một số kênh truyền hình mà chủ yếu được đăng tải trên Youtube. Trong vòng 1 tháng xuất hiện trên Youtube, tập 1 của phim đã thu hút 3 triệu lượt người xem.

TuoinoiloanThaiLan_1

Và như một quy luật tự nhiên, những gì đụng chạm tới nhiều vấn đề nhạy cảm thì mới gây được sự chú ý, tò mò. Bộ phim “làm mưa làm gió” của truyền hình Thái Lan đã không ít lần bị thổi còi. Lý do không gì khác là nội dung của bộ phim quá thẳng, quá thật khi phơi bày thực tế về cuộc sống ở nhà lẫn ở trường của giới trẻ Thái Lan. Cụ thể, phim có những cảnh, học sinh trước và sau khi quan hệ tình dục đã mua thuốc tránh thai từ các trung tâm nạo phá thai bất hợp pháp. Cho dù đó là câu chuyện có thật hoàn toàn trong đời sống ở đất nước chùa Vàng nhưng các cấp có thẩm quyền đã buộc phải mở những cuộc họp liên ngành về việc có nên để những cảnh đó trong phim hay không? Biên tập chỉnh sửa hay là cắt bỏ hoàn toàn? Một số cho rằng, đó là sự thật và cần phải tôn trọng sự thật vì bộ phim rất hữu ích đối với xã hội. Nhất là ở một quốc gia mà nền công nghiệp tình dục được thừa nhận và phát triển như ở Thái Lan thì Tuổi nổi loạn giúp cho người lớn và thanh thiếu niên có những kiến thức tốt hơn về vấn đề tình dục. Một số khác phản đối bởi làm thế không khác gì vẽ đường cho hươu chạy. Thậm chí người ta còn đề xuất liệu có nên tổ chức trưng cầu dân ý xem khán giả có thực sự muốn xem và chấp nhận những hình ảnh quá thực tế trên phim hay không.

TuoinoiloanThaiLan_7

Thậm chí, dù có được chỉnh sửa thì tất cả các hình ảnh gốc của bộ phim đều phải được nộp lên trên tránh tình trạng làm rò rỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi, trước đó, sự cố bức ảnh rò rỉ trên mạng internet với nội dung cho thấy một diễn viên tuổi teen tham gia Tuổi nổi loạn đang dùng ma túy tự chế dù là cảnh trong phim đã khiến cha của diễn viên này đã thực sự lo lắng. Và sau đó, tại buổi họp báo, các diễn viên đã thú nhận sự thật là họ đã chấp nhận thử nghiệm dùng chất gây nghiện bất hợp pháp. Lập tức, người thân và gia đình của các diễn viên đã phản đối đoàn phim một cách dữ dội khi cho rằng con cái họ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống nên đã bị lợi dụng. Trước đó, một chi nhánh thuộc công ty GTH – nơi lưu giữ hợp đồng với các diễn viên tham gia phim đã đăng một tư liệu có kèm lời bình luận trấn an dư luận. Rằng, đó là một trong những bức ảnh được chụp khi các diễn viên tham gia một chương trình truyền hình đặc biệt và loại ma túy bất hợp pháp kia chỉ là “đạo cụ” trong chương trình. Và thực ra, toàn bộ diễn viên không phải là những người mới, thiếu kinh nghiệm. Nam diễn viên đóng vai chính trong Tuổi nổi loạn đã tham gia nhiều vở kịch, đóng phim và quay clip ca nhạc. Không chỉ gây bão trên truyền hình, các diễn đàn cộng đồng mạng và báo chí, Tuổi nổi loạn đã vượt ra ngoài biên giới Thái Lan, trở thành bộ phim thật nhất và hot nhất về thế giới học đường.

TuoinoiloanThaiLan_4

Tự sự của đạo diễn phim cá tính

Người đầu tiên lên tiếng bảo vệ đứa con tinh thần của mình không ai khác là đạo diễn Songyos Sugmakanan, năm nay 39 tuổi Anh cho biết khi bắt tay vào thực hiện Tuổi nổi loạn đã lường trước được các rắc rối có thể gặp phải vì những yếu tố nhạy cảm ở nội dung mà phim đề cập đến. Bản thân Songyos Sugmakanan đã đưa ra lý lẽ riêng khi cho rằng anh luôn đặt mình vào vị trí là một người xem đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với xã hội. Songyos Sugmakanan cũng ủng hộ ý kiến của một số nhà chức trách cho phép những người làm phim nêu và giải trình quan điểm của mình về bộ phim nhằm đảm bảo sự công bằng cho nhà làm phim và các cấp quản lý. Và dư luận xã hội sẽ là ban giám khảo quyết định số phận của bộ phim:

TuoinoiloanThaiLan_2

“Hạnh phúc thật sự là khi những hình ảnh được chuyển đổi từ tâm trí bạn vào trong một bộ phim và sau đó khán giả cảm nhận được những điều mà bạn đã làm. Tôi thích thử nghiệm và mắc lỗi. Khi còn là đứa trẻ, tôi đã thử làm những điều xấu xa nhất mà một đứa trẻ không được phép làm như: Hút thuốc lúc còn học tiểu học, tìm đọc một tạp chí khiêu dâm và bị bắt quả tang, thường xuyên trốn học đi chơi điện tử. Một lần, tôi thử dùng thuốc lắc vì tò mò. Tôi muốn biết cảm giác dùng nó sẽ là như thế nào. Nó làm cho bộ não của tôi chỉ tồn tại một cảm giác duy nhất và tôi cảm thấy hạnh phúc bao quanh mình. Sau đó, tôi nhận ra thời điểm này rất phù hợp để cầm lấy cây bút và viết ra giấy tất cả những gì mà mình đang cảm nhận được. Kết quả ngày hôm sau toàn thân tôi đau đớn, cảm thấy thực sự chán nản và không muốn làm bất cứ điều gì, thậm chí không nói chuyện với bất cứ ai. Từ thực tế, tôi cho rằng, không có câu trả lời chính xác 100% về cuộc sống vì vậy tôi không cố gắng đưa ra bất kỳ câu trả lời rõ ràng trong phim của tôi. Với Tuổi nổi loạn, tôi chỉ muốn công bố sự thật và cho người lớn biết rằng, con cái chúng ta là những người như thế nào? Để sửa chữa một vấn đề, điều đầu tiên là bạn phải chấp nhận nó. Vì sự thật là khi bắt tay làm Tuổi nổi loạn, tôi chỉ muốn miêu tả thực tế của cuộc sống thanh thiếu niên. Nhưng khi đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng hiện thực còn có cả ghen tuông, tình dục và ma túy. Điều gây sốc cho tôi là, hầu hết cô gái là những người yêu cầu nam giới quan hệ tình dục với mình và chúng làm điều đó tại nhà khi có cả cha mẹ chúng ở trong nhà”.

TuoinoiloanThaiLan

“Tôi cho rằng, tình yêu có thể hàn gắn, kết nối mọi vấn đề. Bởi vì những đứa trẻ gặp rắc rối đều là những người thiếu vắng tình yêu thương. Nếu chúng có được tình yêu đầy đủ từ gia đình thì chắc chắn chúng sẽ không hành động như thế” - Đạo diễn Songyos Sugmakanan.

Hoàng Nguyên