Truyền hình – yếu tố phát triển quan trọng nhất của nền công nghiệp điện ảnh

Giữ vững mặt bằng đã có

(TGĐA) - Ở các hãng phim lớn nhất trên thế giới bao giờ cũng tồn tại một quan niệm rõ ràng về sự cần thiết liên kết theo chiều dọc tại tất cả các giai đoạn sản xuất một bộ phim - từ khi xuất hiện ý tưởng cho đến khi phát hành bộ phim rộng rãi nhất.


Điện ảnh Nga hiện nay là một nền công nghiệp cực kỳ thú vị, vì theo cảm nhận của tôi, số phận của nó sẽ được định đoạt trong mấy năm sắp tới. Câu hỏi đang được đặt ra là: liệu nền công nghiệp điện ảnh nước nhà, trước hết tôi muốn nói tới ngành sản xuất phim, có trở nên lớn mạnh hơn, phong phú hơn, thú vị hơn hiện nay hay không? Liệu nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà có thể giữ vững được cái mặt bằng cao bất ngờ đã giành được trong 3-4 năm gần đây hay không? Liệu có thể duy trì và phát triển những thành tựu rõ rệt mà hiện nay đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đông đảo các đối tác từ các nước khác, các đại diện của những ngành lân cận hay không? Chính câu hỏi này đang làm đau đầu tất cả những người hoạt động trong ngành truyền hình. Và tôi tin rằng, đã lỗi thời rồi cái quan điểm cho rằng các kênh truyền hình nước nhà không liên quan trực tiếp tới việc sản xuất và phân phối phim nội hay ngoại.

Theo tôi, chính các hãng truyền hình hôm nay đang giữ một trong những vai trò quan trọng nhất trong nền công nghiệp điện ảnh. Dĩ nhiên là còn có cả sự hỗ trợ của nhà nước, nhờ nó mà nước Nga sản xuất được 200 bộ phim mỗi năm. Nhưng quả thật nền công nghiệp điện ảnh ở nước Nga chỉ có thể đứng vững như một ngành độc lập với sự tham gia của truyền hình.

Cảnh trong phim 17 khoảnh khắc mùa xuân

Tiềm năng to lớn

Ở các hãng phim lớn nhất trên thế giới bao giờ cũng tồn tại một quan niệm rõ ràng về sự cần thiết liên kết theo chiều dọc tại tất cả các giai đoạn sản xuất một bộ phim - từ khi xuất hiện ý tưởng cho đến khi phát hành bộ phim rộng rãi nhất. Nói cách khác, các hãng phim lớn nhất ở Hollywood được gọi là các hãng chính (major) không phải vì họ sản xuất nhiều phim hơn tất cả các hãng khác (đôi khi họ sản xuất ít phim hơn các hãng độc lập), hoặc không phải vì họ làm các bộ phim này đắt tiền hơn, đa dạng hơn và thành công hơn các hãng khác. Các major khác với các hãng khác bởi những mạng lưới phân phối phim của mình, bao gồm hàng ngàn rạp chiếu phim trên khắp thế giới, cũng như các kênh phân phối riêng “phi rạp ” như truyền hình, internet, và điện thoại di động. Các major kiểm soát hơn 80% thị trường điện ảnh thế giới, chính vì thế đương nhiên các hãng này đưa ra các quyết định chủ yếu có ảnh hưởng tới sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh nói chung. Cũng cần phải nói rằng khi xuất hiện ý tưởng xây dựng một bộ phim, các nhà sản xuất độc lập trên toàn thế giới ký các hợp đồng với các hãng này. Nếu bạn là một nhà sản xuất nghiêm túc, nếu bạn có những ý tưởng nghiêm túc, và bạn có kinh phí để thực hiện dự án của mình, thì cuối cùng kiểu gì bạn cũng cần đến major để phân phối. Ngoài các mạng lưới phân phối, major còn sở hữu những thư viện lớn, và có khả năng tiếp xúc với các đạo diễn, biên kịch, nhà quay phim tài năng và thành đạt nhất, v.v.

Thị trường điện ảnh Nga vô cùng rộng lớn: tổng cộng trên thế giới có 250 triệu khán giả nói tiếng Nga, trong đó có 140 triệu sống ở nước Nga. Nền kinh tế Nga đang phát triển như vũ bão, do đó nhu cầu tiêu dùng phát triển: năm nay số tiền bán vé thu về ước tính từ 480 – 500 triệu USD. Nhưng đặc điểm quan trọng nhất của thị trường Nga là ở chỗ chúng ta không có các major của mình, không có những thư viện chương trình lớn. Những cơ quan mới bắt đầu hoạt động kinh doanh – kênh truyền hình, truyền hình trả tiền, truyền hình cáp, bất kỳ một kênh phân phối nào - quả là không biết gặp ai để xin tư vấn. Các thư viện của xưởng “Mosfilm” hay “Lenfilm” đều không đủ.

Tôi tin rằng trong tình hình này truyền hình Nga do nhiều hoàn cảnh khác nhau – là môi trường duy nhất, trong đó có thể sản sinh ra các major cục bộ của Nga. Tại sao?

Thứ nhất, các hãng truyền hình không chỉ là các kênh phân phối của điện ảnh Nga, đó còn là các nhà đặt hàng và người sử dụng chủ yếu của điện ảnh và truyền hình Nga. Một trong những nguyên nhân thành công của các kênh truyền hình hiện nay là ở chỗ chúng chỉ sử dụng sản phẩm Nga: vào giờ cao điểm của truyền hình nước nhà các sản phẩm Nga chiếm từ 90-95% thời lượng phát sóng. Đó là sự đáp ứng nhu cầu của khán giả. Số lượng sản phẩm nước ngoài thường xuyên giảm xuống. Vì vậy, hiện nay các kênh truyền hình đóng vai trò quan trọng trong bất cứ giai đoạn sản xuất nào của truyền hình và điện ảnh: từ việc xây dựng ý tưởng, cấp kinh phí sản xuất đến sản xuất, phát hành, chiếu phim và tiếp tục khấu hao sản phẩm. Ở một số lĩnh vực, quả thực các kênh truyền hình góp phần đẩy mạnh nền công nghiệp: cho tới hôm nay mỗi năm chúng ta phát sóng hơn 7000 giờ phim truyền hình nhiều tập, mà điều đó biểu thị một số lượng lớn nhân lực làm việc trong lĩnh vực này.

Từ đây dẫn tới lợi thế thứ hai: ngành truyền hình tập trung một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, các nhà sản xuất. Hơn nữa, truyền hình bảo đảm sự thẩm định chuyên môn thường xuyên, cho phép giữ ngón tay lên mạch máu. Tất cả những người làm việc ở truyền hình đều theo dõi các bảng xếp hạng. Hàng ngày họ nhìn thấy nhu cầu của khán giả thay đổi như thế nào, và điều quan trọng là họ dự báo được những sở thích và kỳ vọng của khán giả.

Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng là: truyền hình có một khả năng thẩm định hiếm hoi trong lĩnh vực giới thiệu sản phẩm - tất cả các thương hiệu ở Nga đều được quảng bá bằng công sức của những người làm việc trên truyền hình. Thật kỳ lạ, truyền hình là một đơn vị quảng cáo rẻ nhất trong nước, cũng như là đơn vị quảng cáo duy nhất thực sự mang tính chất đại chúng, và là một phương tiện thông tin đại chúng duy nhất thực sự mang tính chất toàn quốc gia.

Thứ tư, các kênh truyền hình đều có những khả năng tài chính lớn. Năm 2011, theo dự báo của PricewaterhouseCoopers, tổng thu nhập của các rạp chiếu phim ở Nga sẽ chiếm 680 triệu USD, còn tổng thu nhập của thị trường quảng cáo truyền hình sẽ gần 9 tỉ USD - một sự chênh lệch quá lớn. Vì vậy, tiềm năng của thị trường quảng cáo truyền hình đứng sau các kênh truyền hình phát sóng vượt xa tiềm năng quảng cáo của thị trường chiếu phim. Không nên quên rằng trong thành phần kinh phí cho sản xuất phim, ngoài nguồn tài trợ bắt buộc của nhà nước, còn có cả số tiền bán trước sản phẩm cho các kênh truyền hình. Nói cách khác, các đơn đặt hàng có bảo đảm của các kênh truyền hình và việc bán trước phim sẽ bảo đảm vốn lưu động thực tế cho bất kỳ nhà sản xuất nào.

Bản thân các hãng sản xuất phim của Nga không thể kỳ vọng trở thành các major bởi vì số vốn của mỗi một trong số các nhà sản xuất độc lập lớn nhất trên thị trường truyền hình và phim hiện nay không vượt quá 7-8%. Cũng như vậy, do khả năng thâm nhập thị trường thấp, nên truyền hình trả tiền nên không thể tham gia một cách thực sự vào việc phổ biến, và hơn nữa, sản xuất phim nước nhà.

Và cuối cùng, truyền hình phát sóng hiện nay không chỉ là một kênh phân phối điện ảnh Nga, theo truyền thống nó còn được coi như một “nơi tốt nhất” để xem phim. Ở nước Nga khoảng thời gian giữa lúc đưa phim vào phát hành ở các rạp, in đĩa DVD, lên truyền hình trả tiền, và cuối cùng là phát sóng miễn phí thường rất ngắn. Bạn có thể xem phim ở rạp, và ba tuần sau nó đã được in đĩa DVD. Còn để đạt được khoảng cách thời gian 5 tuần, cần phải có những cố gắng rất lớn, hơn thế nữa bộ phim phải rất hay. Ví dụ, với phim “Trung đội 9” vất vả lắm chúng tôi mới kéo dài khoảng cách giữa lúc phát hành và sản xuất đĩa DVD là 5 tuần. Thời hạn thông thường là 2 – 3 tuần, và 3 tháng sau, đôi khi sớm hơn, phim đã đựơc phát trên truyền hình. Ví dụ, phim “Mùa nóng nực” được sản xuất vào tháng giêng năm 2006, mà ngày 8 tháng 3 năm 2007 đã xuất hiện trên sóng kênh truyền hình “Nước Nga”. Như vậy, khoảng cách thời gian chỉ có 2 tháng.

Điều tương tự cũng diễn ra với các bộ phim mới của nước ngoài xuất hiện ở Nga ngay sau khi khởi chiếu. Như vậy, khán giả Nga có điều kiện xem phim chất lượng cao miễn phí. Ở Mỹ tình hình hoàn toàn khác: từ khi bộ phim được khởi chiếu đến khi xuất hiện trên truyền hình là 2 năm, và tối thiểu là 8 tháng sau nó mới được in đĩa DVD. Có thể, những thông số này không thật chính xác, nhưng có một sự thật là: ở Mỹ để xem một bộ phim có chất lượng người ta cần phải đi mua vé. Còn ở Nga bạn chỉ cần chờ một ít thời gian và bật tivi là xong.

Quả thật, phải thừa nhận rằng số lượng phim trên sóng truyền hình có phần giảm xuống. Nếu như trước đây số lượng phim nghệ thuật trên các kênh truyền hình chiếm 30-40%, thì hiện nay tỷ lệ đó chỉ tồn tại trên các kênh có truyền thống gắn liền với nghệ thuật điện ảnh, ví dụ như STS. Các kênh còn lại đều giảm số lượng phim nghệ thuật để phát sóng những bộ phim truyền hình nhiều tập và các loại chương trình khác. Dù sao phim trên sóng truyền hình vẫn nhiều và rất phổ biến. Và điều chủ yếu là số lượng phim Nga trên sóng đang tăng lên.

Và kết quả là trong số 10 bộ phim Nga mang về thu nhập cao nhất hiện nay thì có 6 phim được sản xuất với sự tham gia của các kênh truyền hình. Đứng sau các bộ phim này là sự thẩm định của khán giả hiện đại, và điều đó, cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, sự quảng cáo phim tốt, khả năng tài chính của các kênh truyền hình …đã thúc đẩy thành công của chúng.

Cảnh trong phim Con đường đau khổ

Vai trò đặc biệt của các kênh truyền hình

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Thị trường đang phát triển và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều nhà sản xuất. Thị trường sản xuất ngày càng mở rộng cửa đối với các hãng lớn của nước ngòai nắm quyền sở hữu các xưởng phim của Nga. Và đây là một quá trình hoàn toàn văn minh và hợp pháp. Trong số các major đã có mặt ở nước Nga phải kể đến Disney, Sony mà chúng tôi đang hợp tác rất tích cực. Trong tương lai các major sẽ có mặt nhiều hơn, ảnh hưởng của chúng sẽ tăng lên. Vì thế cho nên hiện nay câu hỏi đặt ra là thế này: liệu chúng ta có thể xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh riêng có chất lượng hay chúng ta sẽ trở thành một trong những thị trường phân phối sản phẩm quốc tế, cho dù là một thị trường quan trọng và lớn nhất?

Và hình như chỉ có các kênh truyền hình Nga hiện đang nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường sản xuất truyền hình- điện ảnh mới có khả năng chống lại sự bành trướng của các hãng Hollywood. Họ làm điều đó vì một số nguyên nhân. Thứ nhất, họ tuân thủ các lý do an ninh chiến lược. Các kênh truyền hình cần sở hữu các thư viện chương trình của mình, vì rằng sẽ không đúng nếu anh bỏ ra một số tiền lớn mà lại không có bản quyền dài hạn. Thứ hai, đây là sự kiểm soát các khoản chi phí hiện nay đang tăng lên một cách vô tội vạ, phi lý và tàn bạo. Ví dụ, chúng tôi đã làm một phép tính như thế này: chúng tôi lấy bộ phim “Sảng khoái bệnh lý” mà chúng tôi không liên quan gì tới việc sản xuất và tính lại chi phí của nó. Nếu như rước đây chi phí sản xuất của phim này là 780.000 USD, thì hiện nay là 2,2 trtiệu USD. Nếu đã từng xem phim này rồi thì chắc bạn nhớ rằng ở đấy chỉ có một thảo nguyên, một số người trên thảo nguyên, và không hề có hậu cảnh gì đặc biệt. Không ai xây lâu đài, không ai phi ngựa, và thậm chí không ai may trang phục. Thế mà hiện nay nó giá tới 2,2 triệu USD!

Chỉ bằng sự kết hợp một cách ổn định hai yếu tố này - sự an ninh chiến lược trong kinh doanh và sự kiểm soát các khoản chi – thì ở nước Nga mới có thể hình thành nên một cấu trúc tương tự các major ở phương Tây, có thể liên kết các nhà sản xuất, phân phối, phát hành phim thành một tập đoàn. Việc thành lập một tổ chức như vậy sẽ không còn là tương lai xa nữa. Điều duy nhất mà hiện nay chúng ta chắc chắn chưa biết là ai sẽ nhảy vào cuộc sớm hơn? Đó sẽ là một hãng lớn của phương Tây làm việc trên lãnh thổ Nga và thế giới Nga ngữ nói chung, hay sẽ là các hãng phim, các kênh truyền hình của Nga? Nhưng tôi tin tưởng rằng truyền hình Nga dù sao vẫn sẽ đóng một vai trò chính trong nền điện ảnh Nga.

Trần Hậu (dịch)