Trò đời & những câu chuyện phía sau màn ảnh

(TGĐA) - Đang phát sóng trên VTV1, 30 tập phim Trò đời của đạo diễn Nhuệ Giang gây sự chú ý lớn với khán giả bởi ngoài nội dung dựa trên những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tái hiện bức tranh sinh động của xã hội Việt Nam trước năm 1945 thì trước đó, sự thành công của đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng trong vai diễn Xuân tóc đỏ cũng không khỏi khiến khán giả tò mò so sánh. Đó cũng là áp lực lớn của ekip làm phim cũng như vấn đề đau đầu khác của thể loại phim xưa: Bối cảnh và đạo cụ.

Xoay đủ kiểu với bối cảnh và đạo cụ

Phải tái hiện xã hội Việt Nam trước năm 1945 nhưng bối cảnh cổ không còn nhiều. Tuy có cả một khu phố cổ ở Hội An nhưng theo đạo diễn Nhuệ Giang thì “đoàn phim không đủ kinh phí”. Đạo diễn tập trung khai thác hai loại bối cảnh Hà Nội cổ và kiến trúc Pháp để làm phong phú hình ảnh Hà Nội xưa. Với bối cảnh Hà Nội cổ, đoàn phim chỉ tìm được hai ngôi nhà trên phố Mã Mây và phố Hàng Đào. Nhà ở Mã Mây được dùng làm bối cảnh nhà trò hát ả đào, đoàn phim đã phải xây 1 bức tường ngăn để tạo tường cổ rêu phong cũng như ngăn tầm nhìn sang các nhà hiện đại bên cạnh. Ngoài ra, một bối cảnh khác là quán ăn May ở Đê La Thành - một căn nhà gỗ hai tầng được xây mới nhưng theo kiến trúc cổ. Tuy nhiên, vì kinh doanh nên dù rất ưu ái cho đoàn phim quay 1 tuần thì cứ đến trưa, đoàn lại phải nghỉ để họ kinh doanh.

Trodoihau1

Những cảnh ngoại của Trò đời được thực hiện tại Thiên đường Bảo Sơn và phố Tạ Hiện (phố Tạ Hiện đã được tôn tạo từ trước bởi quỹ nước ngoài). Trên phố này người dân cũng buôn bán nên đoàn phim cũng chỉ quay được 1 ngày do nhân một ngày lễ kỷ niệm, người dân đồng ý nghỉ bán hàng cho đoàn phim quay. Khu phố Pháp lịch sự tây ở thì đoàn phim quay ở Hoàng thành Hà Nội và một ngôi biệt thự cổ ở Đông Ngạc. Những cảnh cây cối được thực hiện tại công viên Bách Thảo, nơi vẫn giữ nguyên cây cối xa xưa.

Trodoihau7

Vất vả nhất là bối cảnh biệt thự Pháp ở Đông Ngạc. Ngoài cách “ăn gian”, dựng lại lối đi, đồ đạc để biến thành 2 ngôi nhà trong phim thì để tạo ra hàng chục buồng của nhân vật cũng khiến tổ đạo cụ phải đau đầu cũng như vất vả thay đổi.

Toàn bộ đạo cụ trong phim từ giường tủ đến bát ăn, cốc nước, sập gụ, ô tô, xe đạp, xe kéo… đoàn phim phải sưu tầm qua người quen cũng như thuê lại ở bảo tàng. Xe kéo tìm thuê được 3 chiếc nhưng gánh phở gánh, chõng tre quán nước phải thuê đóng lại. Từ nhà giàu đến nhà nghèo đều phải dựng lại toàn bộ đồ đạc. Ô tô cổ cũng là đạo cụ khiến đoàn phim vất vả. Thuê mãi mới được một chiếc trắng với giá 1,5 triệu/giờ/1xe. Còn chiếc xe đen người quen cho thuê giá rẻ thì đôi khi hỏng và diễn viên không biết lái. Phương án đưa ra: chưng dụng luôn tài xế thật của xe vào phim.

Trodoihau3

Tìm diễn viên: bài toán hóc búa!

Trong Trò đời, hai diễn viên chính đều trẻ tuổi vừa mới ra trường. Diễn viên trẻ Việt Bắc được chọn vào vai Xuân tóc đỏ. Khi đạo diễn chọn Việt Bắc nhiều người cũng băn khoăn nhưng đạo diễn vẫn quyết định chọn. Theo đạo diễn, Việt Bắc có vẻ đẹp trai nhưng không phải là vẻ êm đềm, tuấn tú, vì Xuân tóc đỏ là trẻ bụi đời, thằng ở, không học thức, sáng sủa nhưng chứa chất tính cách cá tính riêng của nhân vật. Xuân tóc đỏ sau này còn phải trở thành một quý ông nên còn phải có cả chất “man”. Việt Bắc cũng có diễn xuất khá tự nhiên, hóm hỉnh. Với Việt Bắc, đây cũng là vai diễn rất áp lực vì trước đó, đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng đã khá thành công với vai diễn này nhưng theo anh “mỗi diễn viên đều có cách diễn xuất cũng như tính cách để đạt tới được yêu cầu trong kịch bản và sẽ tạo ra sự thú vị riêng”.

Vai chính thứ hai là Đũi, được đảm nhiệm bởi diễn viên Bảo Thanh. Ngoài đời, cô không phải là người có gương mặt đẹp của điện ảnh vì mặt hơi tròn, môi hơi mỏng. Nhưng cặp mắt Thanh rất sắc và sáng, vẻ đẹp cá tính. Nhân vật Đũi cũng không phải hiền hòa một chiều mà là người có cá tính mạnh, phát triển tính cách cũng rất đặc biệt nên phải chọn người đẹp cá tính chứ không thể chọn người dịu dàng, hiền hậu. Thanh là cô gái thông minh và nhạy cảm nên tất cả những cảm xúc trong kịch bản cô đều thể hiện một cách rõ ràng làm đạo diễn có lòng tin với lựa chọn của mình.

Trodoihau4

Một vai đặc biệt của phim là bà Phó Đoan do NSƯT Minh Hằng đảm nhiệm. Về hình thức, Minh Hằng rất phù hợp. Vũ Trọng Phụng tả bà Phó Đoan là một người đàn bà nạ dòng, từ cơ thể đã cho thấy sự khao khát tình dục nhất là bộ ngực ngồn ngộn. Tính cách của Minh Hằng rất thông minh, hồn nhiên và có duyên nên tạo dựng ra một hình ảnh bà Phó Đoan nhiều màu sắc. Sự lẳng lơ được Minh Hằng phô bày một cách có duyên nên đầy tính hài hước. Nếu là diễn viên nghiêm trang sẽ mất rất nhiều chất hài nên đạo diễn quyết tâm chỉ chọn Minh Hằng, từ vẻ lẳng lơ, ghê gớm, sắc sảo rất đa sắc để có thể mô tả ánh nhìn vừa hồn nhiên vừa chính xác về cảm xúc của bà Phó Đoan. Lúc đầu, nghệ sỹ Minh Hằng rất sợ nhận vai này vì trong phim có nhiều “cảnh nóng” nhưng đạo diễn đã thuyết phục để chị yên tâm là chắc chắn sẽ không có cảnh nào khiến chồng chị phải … ghen. Trong phim bà Phó Đoan có 2 ông chồng, 1 người tình và nhiều cảnh hài hước mà vẫn gợi đến chuyện chăn gối vì bà luôn khao khát “chuyện ấy”.

Trodoihau5

Ngoài Minh Hằng, trong phim còn có rất nhiều diễn viên hài. Nghệ sĩ hài Chiến Thắng đóng Văn Minh - mặt mũi xấu xí, thấp bé mà luôn phải ra oai và là người chồng bất lực. Các nhân vật thầy tướng số hay Typn (do Quang Thắng đóng), Min Đơ Min Toa đều là các diễn viên có chất hài. Dàn diễn viên với những nhân vật lớn tuổi là những người có tên tuổi lâu năm, kết hợp với những gương mặt trẻ tươi mới đã tạo ra sự chững chạc của toàn bộ hình ảnh diễn viên phim trong phim này.

Những kỷ niệm khó quên của đoàn phim

- Tháng 9 thì diễn viên phải mặc comple, khăn quàng, áo nhiều lớp, làm việc trong cảnh nóng nực. Mùa đông tháng 1, 2 thì áo một lớp, lột hết tất giày diễn “cảnh nóng” hoặc ra ngoài trời gió ầm ầm. Sau mỗi cảnh, diễn viên lại phải ôm chặt lấy nhau hoặc mặc ngay áo ấm để tránh cảm lạnh.

Trodoihau6

- Phim được quay trong vòng 4 tháng và làm hậu kỳ nửa năm.

- Là phim truyền hình nhưng nhiều cảnh phải quay 3-4 đúp khiến các diễn viên rất mệt mỏi, nhưng sau này ai nấy đều hài lòng vì chất lượng của phim.

- Minh Hằng khiến đoàn phim vui nhất khi diễn những cảnh hài hước vì chị hay đùa và diễn rất có duyên. Cảnh bà Phó Đoan nhận được tin chồng chết nhưng cứ lao vào ôm người đưa tin, lúc thì khóc lúc thì mặt lạnh tanh hỏi tiền tuất của chồng khiến đoàn phim cười ngất.

Thúy Phương