Trao đổi nghề nghiệp: Trước khi nhân vật chết

Nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt Nam, sao tôi chỉ nhớ mãi một cái chết đẹp. Đó là cái chết của Nga – em bé liên lạc trong phim Con chim vành khuyên . Em bé đang chạy về báo tin cho các cô chú du kích thì bị giặc phát hiện. Chúng bắn em. Ngã xuống, em vẫn mở mắt, ngước nhìn bầu trời xanh quê hương. Trong tay em vẫn còn cầm con chim nhỏ. Em vẫn cố sức thả chim ra. Com chim cất cánh, bay lên vòm trời. Em bé nhìn theo… Cái hình ảnh ấy mang bao ý nghĩa. Như khát vọng tự do. Như hương hồn em bay đến một xứ sở khác, cái chết đã được hóa giải. Sau này, gặp đạo diễn Nguyễn Văn Thông, tôi nói đùa với ông: “Trở thành nghệ sĩ nhân dân đâu có gì là khó. Chỉ cần mỗi một hình ảnh là bất tử rồi”.

(TGĐA) - Có một câu chuyện mà tôi được nghe từ rất lâu rồi nhưng không hiểu sao, đôi lúc câu chuyện ấy vẫn hiện ra trong quá trình làm việc. Chuyện thế này, một buổi sáng đẹp trời, một nàng sinh viên ngành biên kịch gặp một sinh viên ngành đạo diễn....


Chàng đạo diễn hỏi: “Thế nào, khỏe chứ ? Có gì mới không?” Nàng biên kịch cười: “Mệt quá! Đêm qua tớ cho nhân vật chính chết rồi!” – “Lý do?” – Úi dào! Viết mãi mỏi tay quá! Với lại gần đến cái kết rồi. Cho chết là vừa! Mà này, tớ nghiệm ra một điều, làm cái nghề mình hay thật! Muốn cho ai sống lúc nào thì sống. Muốn cho ai chết lúc nào thì chết! Quyền sinh quyền sát trong tay cũng nhiều ra phết!” – “Hay thật! Cảm ơn phát kiến vĩ đại của bạn. Đi uống cà phê nhé!” Và họ đưa nhau đi. Tôi nhìn theo dáng đi đầy khí thế của họ và nghĩ: “Người ta buôn đông buôn tây, làm bao nghề nguy hiểm mới ra đồng tiền. Còn cái nghề viết này, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu, lại được cái quyền to đến vậy, thực là danh giá nhất trên đời.”

Quả có thế thật. Nhiều năm qua, đọc kịch bản hay xem phim, tôi thấy trên trang giấy và trên màn ảnh của ta có nhiều nhân vật chết quá. Như cái phim gần đây tôi xem, nào một trung đoàn trưởng chết, lại một anh lính khác, dù là cô y tá có gào khóc khổ đau, sao tôi – với tư cách người xem – vẫn thấy dửng dưng. Ờ, chuyện trên phim có phải của mình đâu. Nhưng chuyện trên phim cũng phải làm cho khán giả xem chứ. Làm sao cho khán giả sống cùng nhân vật, lo lắng cùng nhân vật, thương yêu,hồi hộp cùng nhân vật. Có như vậy khán giả mới thấy tiếc thương khi nhân vật chết. Mình dửng dưng là do đạo diễn chưa chuẩn bị cho cái chết của nhân vật? Đâu phải, anh ta chuẩn bị đấy chứ. Nào bom đạn, nào máu me, nào ngất xỉu, nào trăn trở v.v…và v.v…Nhưng người xem không thấy gì, cứ như nhìn vào các ma-nơ-canh cử động. Đại đa số phim gần đây đều thế. Các nhân vật, cả chính lẫn phụ, đều chết một cách ráo hoảnh, dửng dưng. Chết đủ kiểu, tai nạn, treo cổ tự tử, bom đạn… nhưng không thấy ai rơi nước mắt.

Nhân vật Nga trong Con chim vành khuyên

Trên thế giới, các nhà làm phim luôn quan tâm sâu sắc đến cái chết của nhân vật. Họ đầu tư nhiều thời gian, công sức để chăm sóc đến cái chết. Bởi không ai khác, chính nhân vật là người tạo ra và lấy được những tình cảm yêu ghét của khán giả. Chính nhân vật là người được khán giả theo dõi chia xẻ tình cảm. Nhân vật được khán giả thương yêu, cảm phục, thì trước khi chết, anh ta sẽ được khán giả thương tiếc. Tức là nhân vật đã lấy được tình cảm và nước mắt của khán giả. Không những quan tâm đến nhân vật chính mà các nhà làm phim còn dành nhiều tình cảm đối với cái chết của nhân vật phụ trong phim, nhân vật phụ trong các trường đoạn v.v… Đơn cử một vài ví dụ để bạn đọc thấy rõ điều này.

Poster phim Phải sống (To Live - Trương Nghệ Mưu)

Trong phim Phải sống của Trương Nghệ Mưu, ngoài các nhân vật chính là Phú Quý và Gia Trân, ta còn thấy các nhân vật phụ như cậu bé Vũ Quân, cô gái Phương Thi và bác sĩ Quang. Các nhân vật phụ này tuy xuất hiện không nhiều nhưng để lại dấu ấn của mình trong các trường đoạn, đều khắc họa được cuộc đời và số phận không quên của mình trong thời đại biến động. Dù họ là những con người bé nhỏ nhưng số phận của họ không bé nhỏ chút nào. Lấy ví dụ cậu bé Vũ Quân. Chị Phương Thi của cậu bị câm, làm nghề đổ nước sôi cho các nhà trong phố. Chị hay bị bọn trẻ con bắt nạt. Trên đường đi học, Vũ Quân vẫn dừng lại, đánh nhau với lũ trẻ, bảo vệ chị. Dù cậu bị đánh rất đau, nhưng dù sao, cậu đã chủ động đánh. Tới bữa ăn, Vũ Quân lấy bát mì to, chan thêm mắm muối, nước tương và ớt, bê đến đổ vào đầu đứa đã đánh chị mình và mình. Khán giả cười rất vui vì cách trả thù rất trẻ con của Vũ Quân. Rồi đến đoạn Vũ Quân tham gia làm gang thép. Ông trưởng thôn đi thu xoong chảo của các nhà. Đến nhà Phú Quý, mọi thứ đã được bà mẹ Gia Trân chuẩn bị nhưng Vũ Quân vẫn phát hiện ra một thứ: cái hòm gỗ đựng con rối của bố. Cậu vào nhà lôi ra. Nhìn thấy các nẹp sắt trên hòm, ông trưởng thôn bảo: “Chỗ sắt này ít ra cũng đúc được 2 viên đạn, góp phần giải phóng Đài Loan”. Quay sang Phú Quý, ông nói: “Ý thức chính trị của con anh hơn anh đấy!”. Lời qua tiếng lại, ông trưởng thôn không lấy nữa, bỏ đi nhà khác. Vũ Quân gọi theo: “Bác ơi, thế ta không định giải phóng Đài Loan à?” – “Có!Có chứ! Nhất định!” Khán giả lại được trận cười vì cái sự hồn nhiên của cậu bé. Rồi đoạn Vũ Quân trêu bố cho bố uống nước chè pha ớt khi bố đang hát kinh kịch cũng là điều thú vị.

Nhưng cao trào dẫn đến cái chết của Vũ Quân mới thấy thương. Cậu bé đang ngủ. Các bạn gọi đi làm gang thép. Mẹ gói cho cậu 20 cái bánh nhân thịt, cho vào cặp lồng để cậu đến trường chế thêm nước nóng ăn cho ngon. Bố cậu cõng cậu đến trường. Cậu còn ngái ngủ. Cuộc đối thoại giữa hai bố con thật là khó quên: “Gia đình đang như là con gà con/Sau gà con sẽ là con gì/Sau gà con sẽ là con ngỗng/con ngỗng lớn lên thành con gì?/ Sau con ngỗng sẽ là con cừu/Sau con cừu sẽ là con gì?/Sau con cừu sẽ là con bò/Sau còn bò sẽ là con gì?/Sau con bò sẽ là chủ nghĩa cộng sản./”. Đúng là chuyện tầm phào của hai cha con nông dân. Nhưng sau đó Vũ Quân bị xe của Trần Sơn, chủ tịch thị trấn, đè chết. Khán giả thật sự xúc động khi nghe tin Vũ Quân chết, dù trên màn ảnh, đạo diễn không dàn dựng cảnh này. Rồi cảnh bà mẹ Gia Trân khóc bên mộ Vũ Quân cứ ân hận con mình chết mà không kịp ăn bánh nhân thịt. Hộp bánh vẫn còn nguyên. Mẹ vẫn làm 20 cái bánh mang ra mộ cúng con.

Cảnh trong Phải sống: Gia Trân và hai con Vũ Quân, Phương Thi

Về người chị của Vũ Quân, Phương Thi chết khi sinh nở vì băng huyết cũng mang đến cho khán giả sự băn khoăn đầy thương tiếc. Cô ấy bị câm khi lấy chồng. Có biết nói gì đâu. Vào gương ngắm mình trong bộ quân phục hồng vệ binh. Thành thiếu nữ. Thế thôi. Rồi khi sinh nở, không có bác sĩ lành nghề ở bên, chỉ có các sinh viên hồng vệ binh thực tập. Làm sao họ cứu được Phương Thi? Bác sĩ Quang cũng vậy. Ông bị đấu tố. Nhịn đói 3 ngày. Được chồng Phương Thi triệu vào bệnh viện. Phú Quý thương ông đói, mua cho 7 cái bánh bao. Ông ăn một lúc hết veo. Khi Phương Thi nguy ngập cũng chính là lúc bác sĩ Quang ngắc ngoải vì bội thực. Hai cái chết khác nhau của hai thế hệ, nhưng người xem đều cảm thấy xót xa, đều thể hiện rõ gương mặt thực tế xã hội một thời chưa xa ở Trung Quốc. Sau khi xem, khán giả còn bàn tán nhiều về hai cái chết của Phương Thi và bác sĩ Quang. Có thể dẫn ra đây một số phim khác của Trương Nghệ Mưu như Cao lương đỏ, Có gì cứ nói ra, Đường về nhà… để thấy đạo diễn họ Trương rất quan tâm đến cái chết của nhân vật, lay động trái tim của khán giả.

Đối với điện ảnh Mỹ, vấn đề cái chết của nhân vật được các nhà điện ảnh Hollywood dành cho một thời lượng thích đáng. Ta lấy ví dụ gần đây nhất là bộ phim Cô gái một triệu đô (Millions dollas baby) của đạo diễn Clint Eastwood. Phim kể về sự vượt lên số phận, chiến thắng đến cùng của cô gái Maggie. Từ một cô gái quá lứa, 32 tuổi, làm bồi bàn ở quán bar, Maggie quyết tâm học quyền anh để ước mơ thay đổi cuộc đời mình. Cô tìm đến và tập với huấn luyện viên Frankie. Cô đấu nhiều trận và thắng. Nhưng để có danh hiệu, cô phải đấu một trận quyết định với nữ võ sỹ vô địch thế giới tại Las Vegas. Trong trận đấu định mệnh đó, cô bị đánh trộm. Maggie bị gãy cột sống. Cô bị thương nặng và quyết định tìm đến cái chết.

Câu chuyện đơn giản về tình cảm của một ông già đối với một cô gái như là tình yêu và tình cảm của một cô gái đối với ông già cũng như là tình yêu đầy chân thực. Khi Maggie mua nhà cho mẹ nhưng mẹ không nhận vì sợ mất trợ cấp xã hội, cô đi cùng Frankie. Đến trạm xăng, Frankie lấy xăng và lau kính. Giọt nước lăn trên kính và gương mặt của Maggie trong một buổi chiều buồn. Cô nhìn sang bên thấy một bé gái đang âu yếm con chó. Cô mỉm cười chào em. Bé gái cũng mỉm cười với cô. Trên đường Maggie kể cho Frankie câu chuyện về con chó Axel. Con Axel bị liệt. Mỗi khi trời mưa, nó lê lết qua bếp tội nghiệp lắm. Một ngày đẹp trời, bố cô dẫn Axel vào rừng. Người thì huýt sáo còn chó thì sủa vang. Nhưng khi về không thấy Axel, chỉ thấy sau xe cái xẻng. Khi Maggie bị thương nặng, cô nói với Frankie: “Hãy làm như bố tôi làm với Axel”. Và cô nói về quyền được chết của mình đầy thuyết phục nhưng người xem vẫn xao xuyến, động lòng. Đến khi cô cắn lưỡi thì khán giả thật sự đau đớn. Frankie giúp cô lựa chọn cái chết như ý muốn. Và ông cũng bỏ đi đến một nơi nào đó vô định. Điều đó mang lại cho khán giả một nỗi đau có tính cân bằng.

Poster Millions dollas baby

Hoặc trên màn ảnh rộng chiếu bộ phim Thiên hạ vô tặc của đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Suốt dọc phim ta thấy cuộc đấu trí và thi tài giữa hai băng cướp Vương Đằng (Lưu Đức Hoa) và chú Lê (Cát Ưu) diễn ra khi kỳ thú, khi quyết liệt đầy nguy hiểm. Đầu phim Vương Đằng hiện ra như một tướng cướp điêu luyện, giang hồ. Giữa phim ta thấy Vương Đằng phải nhọc công thế nào để bảo vệ số tiền 6 vạn tệ của Căn Phùng. Cuối phim, ta thấy Vương Đằng chết để cố giữ cho một anh ngốc Căn Phùng trọn vẹn niềm tin vào một thế giới không trộm cắp. Cái chết của một kẻ lưu manh là sự đảm bảo vô giá cho niềm tin nguyên thủy của một con người thơ ngây. Vương Đằng chết, khán giả cảm thấy thương. Khán giả còn thương cho cả người yêu của Vương Đằng là Vương Lệ. Họ xúc động khi thấy cô ta bốc thức ăn nhai ngấu nghiến để giữ gìn và chăm sóc cái thai – giọt máu của Vương Đằng.

Nhớ lại điện ảnh Nga những năm trước đây, hẳn chúng ta vẫn không thể nào quên cái chết của anh lính Boris trong phim Đàn sếu bay qua, của viên sĩ quan Bạch vệ Gienhia trong Người thứ 41, của 5 cô du kích trong phim Và nơi đây bình minh yên tĩnh. Trong lời ngoài hình vang lên ở cuối phim Bài ca người lính cũng nói rõ, có thể anh lính Xêrogia không trở về, nhưng dù sao, người xem cũng cảm thấy khâm phục và tiếc thương nếu anh ta hy sinh.

Poster Thiên hạ vô tặc của đạo diễn Phùng Tiểu Cương

Nhìn chung, những cái chết của các nhân vật chính diện hay phản diện đều được các nhà điện ảnh chuẩn bị tỷ mỷ, kỹ lưỡng để khi họ ra đi, khán giả thấy được sự xao động trong tình cảm của mình. Cần chuẩn bị kỹ cho họ về thái độ, tư tưởng và hành động sao cho thật gần gũi với người xem. Một nhân vật khét tiếng như Bố già Corleone khi chết cũng hết sức nhẹ nhàng, như đang trong cuộc vui đùa với đứa cháu ở ngoài vườn. Hai ông cháu đang chơi trò bắn súng phun nước. Bố già bỗng bị choáng, ngã xuống. Đứa cháu ngỡ ông vẫn đang đùa. Vậy thôi. Sự đối lập giữa cuộc đời dữ dội và cái chết dịu êm của Bố già nói rất nhiều điều.

Cảnh trong phim Kẻ cắp xe đạp

Trên đây là những cái chết về thể xác. Còn với cái chết về tinh thần thì sao? Giở lại bộ phim Kẻ cắp xe đạp của đạo diễn Italia De Sica, chúng ta được chứng kiến nỗi đau khủng khiếp và cuộc tìm kiếm vô vọng của hai cha con Beggei khi chạy khắp thủ đô Roma để quyết tìm cho ra cái xe đạp – cái cần câu cơm của gia đình. Cuộc tìm kiếm của họ thật cô đơn, vất vả. Cuối cùng, không kiếm được xe, áp lực công việc, ý chí cứu gia đình khỏi đói khổ đã thúc đẩy người cha Beggie từ một nạn nhân trở thành thủ phạm. Anh bị người ta bắt được khi lấy xe của người khác, bắt quả tang ngay trước mặt con trai. Họ tha anh ra nhưng trong mắt đứa con, anh đã chết. Cái chết về danh dự, lòng tự trọng và tình cảm của Beggie đã gây ra bao nỗi cảm thông, tiếc thương, đau xót và bi phẫn trong lòng người xem suốt hơn 50 năm qua, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Tóm lại, nhân vật chính hay phụ, dù chính diện hay phản diện, cũng đều là những con người. Mà trên thế gian, mọi triết học, tôn giáo hay các loại hình nghệ thuật đều đề cao con người, tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của con người. Các cụ ta xưa cũng dạy: “Người ta là hoa đất”, “Người như hoa ở đâu thơm thế đó”. Nhắc lại lời của Gorki: “Con người – tiếng đó vang lên kiêu hãnh làm sao”. Đó là về phía nhân vật. Còn về phía khán giả. Họ mất tiền mua vé, mất thời gian vào xem phim – mà phim là một giấc mơ giữa đời thường bao chuyện buồn. Mọi giấc mơ về con người và cuộc sống không thể vì lý do nào mà hạ thấp con người hay xúc phạm cuộc đời. Khán giả xem phim chính là xem cuộc đời vì giấc mơ của họ. Hiểu được logic này, các nhà làm phim sẽ tìm thấy được sự quan trọng trong việc tôn trọng khán giả và tôn trọng nhân vật, đạc biệt những nhân vật có số phận phải chết trên màn ảnh.

Đoàn Tuấn