Trạng thái con người trẻ trong bản thể Chơi vơi

CHƠI VƠI Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên Biên kịch: Phan Đăng Di Diễn viên: Đỗ Hải Yến, Phạm Linh Đan, Johnny Trí Nguyễn, Duy Khoa, Linh Dung, Như Quỳnh… Thời lượng: 111 phút Thời gian phát hành: 2009. Giải thưởng: Giải FIPRESCI tại Liên hoan phim Vernice lần thứ 66.

LTS: LHP VN lần thứ 16 đã kết thúc, những Bông sen vàng, sen bạc đã có chủ. Phim Chơi vơi không giành được Bông sen nào nhưng nó lại đoạt được 3 giải cá nhân quan trọng: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất nhất và Họa sỹ xuất sắc nhất. Và một điều đặc biệt là Chơi vơi vẫn tiếp tục tạo nên cuộc tranh luận nho nhỏ sau phim. Thế giới điện ảnh xin giới thiệu một bài viết của bạn Hồ Khánh Vân với mong muốn tiếp tục khám phá Chơi vơi.


Chơi vơi không thuần là một câu chuyện được kể lại, cũng không thuần là một bài thơ bằng điện ảnh với những đường nét, âm điệu trữ tình dịu nhẹ. Phối quyện giữa một ít chất truyện và chất thơ, Chơi vơi như một tự sự của tâm trạng con người.

Chính vì vậy, ở đây có tình huống, không chỉ một mà nhiều tình huống sinh ra từ các biến cố: cuộc hôn nhân không tình dục khác thường của đôi vợ chồng mới cưới, cuộc gặp đầu tiên đầy bản năng nhục dục của Duyên và Thổ, mối quan hệ đan chéo và nhiều giằng xé giữa Cầm, Duyên, Thổ và Vy, cái chết bi thảm của người đàn bà yêu đắm đuối trong một cuộc tình đơn phương, cuộc ngoại tình của người vợ trẻ, sự mâu thuẫn giữa người bố bê tha rượu chè, mê chọi gà và cô con gái đang tuổi mới lớn… Đặt ra các tình huống, nhưng bộ phim không đi sâu vào khai thác kịch tính của tình huống để tạo nên các tình tiết éo le, hấp dẫn, để đẩy tình huống lên đến cao trào. Chơi vơi có chuyện, nhưng không có cốt truyện. Khán giả không thể chờ đợi ở bộ phim này sự gay cấn của sự kiện trong mỗi tình huống. Câu chuyện phim cũng như câu chuyện trong cuộc sống của mỗi người, không phải bao giờ cũng có cốt truyện, cũng đầy biến cố. Con người đi qua một chuỗi thời gian đời sống, nhiều khi không sở hữu một câu chuyện, nhưng bao giờ cũng mang những tâm trạng, những nỗi niềm riêng tư. Đứng trên lãnh địa của những tình huống kịch tính, Chơi vơi khơi mở thế giới xúc cảm được ẩn chứa một cách tràn trề nhưng vô cùng sâu thẳm trong không gian tinh thần của cá nhân con người.


Thế giới con người riêng tư: chơi vơi trong chính mình

Con người tâm điểm của Chơi vơi là con người trẻ, hay nói khác đi, chơi vơi là thuộc tính, là trạng thái cố hữu của từng con người trẻ đang tồn tại, đang thở, đang yêu, đang xúc cảm và tìm kiếm chính mình qua từng khoảnh khắc đời sống. Chơi vơi không chỉ là cảm xúc, mà còn là bản thể của con người trẻ. Chính vì họ trẻ, nên họ chơi vơi. Không ai có thể đứng yên, neo đậu vững chãi vào bất cứ một cái mốc yên định, bất di dịch nào: niềm tin, tình yêu, lý tưởng sống và cả bản thể của chính họ. Tất cả ở trong trạng thái bập bềnh, trôi nổi, không phương hướng, không hình hài mà các nhân vật đều đứng trên cái ngưỡng không thể nhận biết cũng như không thể vươn chạm đến được.

Mỗi nhân vật là một thế giới bất định và bất ổn, đầy mâu thuẫn. Mỗi nhân vật xuất hiện trong Chơi vơi đều mang theo một chữ “nhưng” của những mâu thuẫn, những đối lập trong bản thân mình. Đứa con gái bị điếc của Vy lại thích chơi trò chơi với chiếc chuông lắc, chơi trò chơi với âm thanh, vốn là cái thuộc về hiện thực mà đưá trẻ này không thể cảm nhận được. Hải, anh chồng trẻ, chứa đựng trong hình hài người đàn ông trưởng thành của mình một tâm hồn và tính cách trẻ thơ trong suốt. Anh mãi là một thằng bé cần bàn tay nâng niu, bảo bọc của một người mẹ quá yêu con. Thế giới đầy quyến dụ của cờ bạc, đàn bà không thúc dậy trong anh một nỗi khát thèm nào, kể cả nỗi khát thèm nhục dục rất bình thường với người vợ mới cưới.


Bên cạnh đó, thế giới người đàn bà trong Cầm là cả một tấm lưới chằng chéo các mối nút của xúc cảm. Cầm vừa đau rã rượi khi thấy mình đánh mất một sự gần gũi, thân thuộc, thậm chí là một sự sở hữu lúc Duyên đi lấy chồng, vừa chấp nhận và vun vén hạnh phúc của cô bạn bằng món quà cưới quý giá, quý giá ngang bằng sự hy sinh - tấm áo cưới mà người mẹ già nua của chị cặm cụi thêu suốt cả năm trời là niềm thiêng liêng của tình mẫu tử, là nỗi mong ước của người mẹ về hạnh phúc của đưá con. Cầm mang một tình yêu vừa rạo rực, đam mê, vừa khoác vẻ lạnh lùng, tỉnh táo khi biết cùng với tiếng gõ cửa đang vang lên, một người đàn bà khác sẽ đến với Thổ. Cô vừa nôn nao tìm kiếm, lại vừa từ chối, dứt bỏ người đàn ông mình yêu. Đẩy Duyên về phía Thổ và hiểu rằng họ là tình yêu trọn vẹn, đúng nghĩa của nhau, nhân vật nhà văn nữ này đau day dứt, nghẹn ngào vào lúc 3 giờ sáng, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với Duyên, trong những âm thanh hổn hển tiếng thở của cô gái trẻ lần đầu biết đến những xúc cảm của thể xác. Ghen tuông, yêu đương, hờn giận, chối bỏ, níu kéo… những trạng thái phức tạp cùng hiện hữu trong Cầm nhưng không một cảm xúc nào sắc nét, rõ rệt.

Thổ và Vy là hai con người có nhiều cuộc yêu đương thể xác gần như buông thả, vội vã và hoang dại, còn tình yêu đích thực lại là cả một cuộc rượt đuổi đầy khao khát với họ. Hai nhân vật này mang đầy tính cách nổi loạn, sự lạnh lùng bất hòa với đời sống, khoác giữ trạng thái phớt đời trong dung mạo, cách hành xử và cả trong ngôn ngữ. Đối với Thổ, những người đàn bà và nhục cảm là những vật sở hữu nằm trong lãnh địa của anh. Anh chinh phục, chiếm lĩnh và chế ngự họ bằng sự lạnh lùng, quả quyết và dữ dội tràn trề nam tính. Anh là người đàn ông đầu tiên đánh thức những khao khát nhục cảm, những cảm nghiệm thể xác trong Duyên.

Còn với Vy, đằng sau những cuộc say sưa, cười cợt vô nghĩa với đám đàn ông xa lạ, điều lớn lao nhất bám riết dai dẳng trong cô là tình yêu cuồng nhiệt, mê đắm, cuống quýt dành cho Thổ.

Trong thế giới nhân vật ấy, Duyên là người duy nhất có sự dịch chuyển rõ rệt, lớn lao về trạng thái và sự cảm nghiệm đời sống.



Ban đầu, Duyên xuất hiện bằng lẽ sống của cái đơn giản. Duyên nương vào đấy như một sự yên ổn để đến với cuộc hôn nhân chỉ sau 3 tháng quen biết Hải, để vẫn mỉm cười sau đêm tân hôn bất bình thường, để đối nghịch với thế giới phức tạp, bất ổn và bí ẩn của Cầm. Sự thăng bằng của thế giới tinh thần trong Duyên được định vị bằng quan niệm sống đơn giản, quan niệm biết chấp nhận vô cùng ôn hoà và nhu thuận với thế giới. Đối với cô, câu chuyện đời cần phải rõ ràng, cần phải biết được nên khi phát hiện ra những bức hình cũ của ông mình và người tình cùng quyển nhật ký, Duyên mải miết đi tìm những bí mật bị giấu kín, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của cô.

Sự va chạm giữa các nhân vật: chơi vơi trong nhau

Sự phức tạp đầy tinh tế của trạng thái chơi vơi không chỉ được thể hiện trong từng nhân vật mà còn được xây dựng trong mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau. Đấy là một chuổi những quan hệ đan cài, chồng chéo qua nhau. Mỗi nhân vật đều nắm giữ nhiều mối dây quan hệ với các nhân vật khác. Đấy là mối quan hệ giữa Cầm với Duyên và Thổ, giữa Duyên với Thổ và Hải, giữa Vy với Thổ và Duyên, giữa Hải với người mẹ, Duyên và Miên.



Những nhân vật va chạm nhau nhưng không đối đầu trực tiếp với nhau, xung đột nhau nhưng không xung khắc trực diện. Đạo diễn không đặt họ vào cùng một không gian, một thời điểm để gây ra kịch tính của tình huống mà chuyển hướng khai thác kịch tính ẩn ngầm bên trong các nhân vật. Ngay cả khi để Duyên và Vy bên cạnh nhau, giữa họ cũng không có sự giằng co, tranh chấp hạnh phúc theo kiểu thông thường của cuộc tình tay ba. Mỗi nhân vật giữ một thế giới xúc cảm riêng tinh tế, kín đáo và người xem tự soi rọi nhân vật này vào nhân vật kia để khám phá đời sống của mỗi con người cá nhân. Hải và Thổ cũng chưa từng chạm mặt nhau, xung đột trực tiếp với nhau. Nhưng mối quan hệ với hai người đàn ông ấy là sự giằng xé ghê gớm trong Duyên, vừa là hạnh phúc, vừa là nỗi đau từ thế giới tinh thần sâu thẳm của Duyên. Cầm đau đớn, mất mát, cô đơn khi thấy Duyên ở cạnh người đàn ông khác, nhưng lại chủ động đẩy Duyên về phía Thổ để cùng một lúc tê tái vì cả người bạn gái thân thuộc và người đàn ông mình yêu. Trở về sau chuyến đi, Duyên khiến khán giả hồi hộp theo bước chân nhón nhẹ của cô đến phòng tắm đang vọng ra âm thanh và mong chờ một biến cố. Nhưng rồi, khi Duyên vén màn và phát hiện ra cô bé Miên đang tắm trong bồn nước nhà mình, cảnh quay bị cắt và giữa hai nhân vật không xảy ra bất kì một xung đột nào. Miên lại trở về với chiếc bồn tái chế thô sơ, chật chội với những ước mơ nhỏ bé nhưng chơi vơi, không vươn chạm đến được của một cô gái đang tuổi dậy thì.

Suy cho cùng, khi tạo lập mối quan hệ giữa các nhân vật để chạm nhân vật này vào nhân vật kia, tâm điểm của bộ phim vẫn là đời sống bên trong của từng nhân vật, của mỗi một nhân vật. Vì vậy, mỗi nhân vật là một điểm nhấn trọn vẹn, đặc sắc, không nhân vật nào lẫn vào nhân vật nào từ hình hài cho đến thế giới nội tâm, thế giới tinh thần. Mỗi nhân vật là một nét kỳ lạ riêng, một thương hiệu riêng trong hành trình Chơi vơi. Câu chuyện tình yêu, tình dục được khai thác và khắc hoạ ở những góc cạnh riêng tư, riêng biệt nhất của mỗi một con người. Cái thế giới vốn bị phong toả, giấu kín và kìm nén trong xã hội truyền thống phương Đông được bung bật ra một cách mạnh mẽ và tinh tế, thể hiện sâu sắc nhất ở tình huống của Duyên, câu chuyện của Duyên. Cô cần được biết về chính mình bằng sự khám phá những rung động của xúc cảm riêng tư mà chỉ có cơ thể cô thức dậy được. Trước khi là đại diện cho con người nào đấy, là hiện thân cho một ý nghĩa nào đấy, nhân vật trong Chơi vơi phải là chính mình, là con người cá nhân riêng tư không lặp lại với những câu chuyện riêng tư.

Thế giới Chơi vơi của các yếu tố nghệ thuật

Bối cảnh

Đa phần các thước phim được tạo dựng trên một âm điệu trầm, lắng và chuyển động nhẹ. Về mặt bối cảnh, Chơi vơi khai thác và gợi ra không khí của Hà Nội với những mảng không gian đặc trưng. Căn nhà của mẹ Hải là một không gian nhỏ chật chội, cũ kĩ với những mảng tường gạch dọc theo một lối đi sâu cùng sự hiện diện của một gia đình đông con và những đứa lớn, đứa bé cứ thay nhau đi qua đi lại. Không gian đẫm chất nghệ thuật tinh tế, vừa quý phái cổ xưa, vừa tao nhã, thanh thoát của một nữ văn sĩ, của một gia đình theo nghề thêu truyền thống tạo ra một tiết điệu riêng từ thế giới của Cầm. Hàng bún đầu ngõ, dọc theo vỉa hè với búi hành và chùm ớt đỏ của bà nội Duyên cũng là một nét phong vị rất Hà Nội. Bối cảnh này vừa có nét gần gũi với Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng khi tái hiện lại một không gian Hà Nội trầm lắng và cổ xưa, nhưng lại vừa riêng biệt, khác lạ. Ở Mùa hè chiều thẳng đứng, Hà Nội cũng là một nhân vật chính và được khai thác nhiều ở đời sống phong tục, tập quán truyền thống. Còn với Chơi vơi, Hà Nội hiện lên với một đời sống ngày thường đan xen nhiều mảng không gian xưa cũ và hiện đại, gắn với những con người trẻ sống động và hiện thực.


Bên cạnh đó, bối cảnh còn là không gian đời sống tinh thần của các nhân vật, bộc lộ thế giới bên trong của nhân vật. Căn phòng của Hải và Duyên hiện ra đơn sơ, gần như không có nhiều đạo cụ và chiếc giường ngủ to, đặt ngay chính giữa trở thành không gian trung tâm. Chiếc giường gợi ra đời sống vợ chồng của Duyên và Hải, là nơi Duyên chờ đợi những va chạm thể xác theo lẽ thường với người chồng, là nơi chứa đựng và bộc lộ những ẩn ức tính dục trong Duyên. Căn phòng tối cùng ánh đèn vàng thẫm với những bài hát hoà phối theo phong cách hiện đại và truyền thống thể hiện một thế giới riêng, biệt lập, hoang dại và u uẩn của Thổ. Sự tương tác giữa nhân vật và không gian được chăm chút một cách kĩ lưỡng, đầy ấn tượng trong Chơi vơi và chính không gian bối cảnh đã dự phần vào việc tạo ra cảm xúc của bộ phim.
Không gian tối gắn với nội cảnh xuất hiện nhiều, tạo thành gam màu trầm cho bộ phim. Trong khi đó, không gian ngoại cảnh lại mang màu sắc dịu nhẹ, trong trẻo, đằm thắm chứ không rực rỡ. Phong cách và sắc độ ấy khiến cho bối cảnh lúc nào cũng mang một dáng vẻ phẳng lặng, tĩnh và êm đềm làm nền cho sự trôi nổi, phiêu giạt của thế giới xúc cảm trong nhân vật.

Ánh sáng

Ánh sáng tương phản được sử dụng nhiều, đặc biệt ở những cảnh nội. Trong căn phòng của Cầm và Thổ bao giờ bóng tối cũng chiếm lĩnh phần lớn và những mảng sáng màu vàng đậm tạo ra từ ngọn đèn khắc tạc nên sự tương phản sáng – tối rõ rệt. Trong không gian đó, gương mặt nhân vật cũng được phân đôi sáng – tối, soi rọi chính thế giới tâm trạng đang phân chia, không nơi bám víu, không định hình và đan xen nhiều cung bật xúc cảm. Trong cảnh quay Duyên và Cầm đứng bên cửa sổ đọc nhật ký, gương mặt mỗi nhân vật đều phân đôi nửa sáng nửa tối, tạo nên một bố cục cân xứng về tạo hình và ánh sáng đầy gợi cảm. Khi Duyên và Cầm ngồi trên ghế trong cảnh quay gần cuối và Duyên thổ lộ những cảm xúc của mình cho người bạn gái, gương mặt và cơ thể cô được chiếu sáng trong ánh đèn vàng, trong khi đó, Cầm gần như lẫn vào bóng tối. Khuôn hình được cắt đôi với hai mảng sáng tối phân lập của một cuộc tâm tình, một cuộc tự thú sau khi người đàn bà trong Duyên đã đi qua những trải nghiệm đời sống mới mẻ.

Bố cục khuôn hình

Trong Chơi vơi, hình ảnh mang tính nghệ thuật cao, đem lại một sự thưởng lãm thị giác đầy thú vị về bối cảnh, màu sắc, ánh sáng và bố cục. Nhiều khuôn hình như một bức tranh tĩnh, giàu sức gợi và đầy ấn tượng. Cảnh quay Cầm ngồi trong căn phòng của Thổ được xếp đặt theo bố cục lệch. Nhân vật ngồi ở phần bên trái khuôn hình, sau lưng và bên cạnh là không gian căn phòng chập choạng sáng tối thể hiện những trạng thái cảm xúc đối nghịch đang va chạm trong Cầm khi cô ở bên cạnh người mình yêu. Trong khi đó, những khuôn hình quay cảnh Duyên và Cầm ở bên nhau lại thường được tạo theo cấu trúc cân xứng: những cảnh quay bên nồi lá xông, bên bậu cửa sổ và trên hai chiếc ghế giữa căn phòng. Sự cân xứng của bố cục khuôn hình ứng khớp với mối quan hệ nhiều sẻ chia, bộc bạch giữa hai người đàn bà. Họ là hai phần khác biệt của nhau, là hai nửa của nhau, luôn luôn cần có nhau: trong trẻo và giản đơn, từng trải và phức tạp, để rồi từ đó, Cầm đưa Duyên đi vào thế giới phá vỡ những ẩn ức giấu kín, thế giới mà thực ra, chính Duyên muốn bước vào, muốn trải nghiệm và cảm nghiệm.


Nghệ thuật lấy cảnh quay

Xuyên suốt những thước phim, các khuôn hình trung cận cảnh và cận cảnh chiếm đa phần. Gương mặt và thân thể nhân vật nổi rõ, thể hiện và in dấu những trạng thái, những chuyển biến xúc cảm đầy tinh tế trên nền bối cảnh. Thêm vào đó, hầu hết các cảnh quay đều được xử lý theo hình thức mờ nhoè phần hậu cảnh của bối cảnh. Sự mờ nhoè khi đặt hậu cảnh ra ngoài tiêu cự của ống kính ấy đã tạo nên một bối cảnh mờ ảo, nhoè lẫn xung quanh nhân vật, tạo nên một phông nền hoà quyện với thế giới tâm trạng chơi vơi càng lúc càng đậm đặc, dâng tràn của nhân vật. Đồng thời, bối cảnh mờ nhoè khiến cho hình ảnh nhân vật trở thành tâm điểm của khuôn hình, thu hút sự tập trung của thị giác người xem để cảm nhận đời sống cảm xúc của nhân vật. Đôi khi, tiêu cự của ống kính dự phần sâu sắc vào việc thể hiện trạng thái tinh thần của nhân vật và trở nên đặc biệt ấn tượng trong cảnh Duyên trò chuyện với Cầm, khuyên Cầm nên bỏ cuộc hẹn và cô sẽ mang lá thư đi thay Cầm. Các nhân vật không thay đổi vị trí, nhưng tiêu cự ống kính dịch chuyển liên tục, khiến cho Duyên mờ nhoè rồi hiện rõ rồi lại mờ nhoè phiá sau lưng Cầm. Và lúc này, gương mặt Cầm nổi lên với nỗi bức bối, dồn nén, vừa phân vân, vừa quyết liệt và đầy bứt rứt. Ở cảnh quay Cầm ngồi trong tấm chăn phủ, bên nồi lá xông, tiêu cự cũng được xử lý tinh tế. Gương mặt Cầm nhoè đi rồi hiện rõ khi nghe Duyên kể về người chồng, về niềm hạnh phúc của một đám cưới bộc lộ cơn choáng tinh thần trong nhân vật: đau đớn, thẫn thờ, ghen tuông, mất mát…

Các cảnh toàn gắn liền với ngoại cảnh ít xuất hiện, nhưng thường mang lại một không khí khoáng đãng, nhẹ nhàng, rộng mở đối lập với các cảnh trung cận bên trong bối cảnh căn phòng bức nén, trầm mặc, u uẩn. Khi máy quay chuyển từ cận cảnh con dao mổ dịch chuyển chậm rãi trên thi thể của Vy sang toàn cảnh với góc máy từ trên cao làm hiện lên cảnh đường phố với những dòng người đang dịch chuyển liên tục tạo ra sự đối lập giữa sống – chết, động – tĩnh đầy cảm xúc và sức gợi. Ở không gian này, cuộc sống vẫn tiếp tục chuyển động với muôn mặt người nhưng có một con người đã vĩnh viễn ngưng tồn tại, vĩnh viễn tan biến và chấm dứt.

Nghệ thuật cắt dựng

Các thước phim không cắt dựng theo mạch dọc của một bộ phim có cốt truyện mà theo mạch ngang tái hiện những mảng đời sống của các nhân vật. Đích đến của mỗi mối dựng là mang đến cho người xem sự cảm nhận về thế giới tinh thần, thế giới xúc cảm của nhân vật chứ không phải là diễn biến của tình tiết. Vì vậy, trong bộ phim, không gian hiện rõ hơn thời gian, giàu tính tạo hình và để lại dấu ấn với khán giả hơn là ý thức về thời gian. Các nhân vật cũng sống bằng không gian nhiều hơn – không gian của xúc cảm, của những cuộc gặp, những va chạm tinh thần. Khi màn hình chuyển từ cảnh Duyên tắm sang cảnh cô bé Miên lặn ngụp trong cái bể của mình, ở người xem bất giác nảy sinh một sự liên hệ so sánh đầy ý vị giữa hai nhân vật và cảm nhận được niềm ước ao, sự vui thú của Miên khi được tắm, được ngụp vào làn nước trong bể. Nghệ thuật cắt dựng song song cảnh Hải ăn tối ở nhà mẹ và Duyên ngồi bên bàn tiệc với Thổ, Cầm; cảnh Duyên lên chiếc xe du lịch và Hải chở bé Miên đi chơi; cảnh đoàn khách vui đùa trên vịnh và Hải hồn nhiên, khoan khoái hét toáng giữa hồ nước… đã mở ra một trạng thái chuyển động theo hai chiều ngược nhau giữa đôi vợ chồng: Duyên bắt đầu bước vào thế giới mới mẻ, khác lạ với những trải nghiệm xúc cảm và thể xác của con người trưởng thành còn Hải càng đi vào thế giới trẻ thơ trong trẻo, thuần khiết của mình.


Âm thanh

Âm thanh ngoài khuôn hình cũng mang lại một dấu ấn tinh tế và khiến thị giác khán giả tập trung vào hình ảnh đang diễn ra trên màn hình để thu nhận những xúc cảm của hình ảnh. Câu đối thoại của Duyên với Cầm về cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ông bà nội lại xuất hiện trên khuôn hình người bà đang cặm cụi chăm lo cho người ông và khắc tạc sâu sắc số phận, bi kịch, trạng thái tinh thần của hai nhân vật. Đoạn Duyên và Cầm trò chuyện với nhau trên sân khi Duyên gội đầu cho Cầm, khuôn hình cận cảnh dịch chuyển dần từ bàn chân của Duyên lên đến khuôn mặt rồi sau đó, máy quay mới lùi ra xa để tái hiện toàn cảnh. Cuộc trò chuyện không giữ vai trò trung tâm mà đối tượng chính của cảnh quay chính là hình ảnh đầy gợi cảm về vẻ đẹp của người phụ nữ. Bàn chân được đặt giữa chậu nước bồ kết, hoa bưởi và những quả chanh bổ đôi tạo nên một khuôn hình đẹp một cách tinh tế, đằm thắm, trong trẻo và giàu giá trị truyền thống. Tiếng thở phập thồng, nức nở, vừa hạnh phúc, vừa tê dại của Duyên đậm đặc trong khuôn hình quay cảnh Cầm và chiếc ống nghe mang đến cùng một lúc cả tâm trạng của hai nhân vật.

Cuối cùng, cái kết của bộ phim tạo ra cấu trúc lặp lại – tăng tiến tái diễn cảnh quay Duyên và Hải trên chiếc taxi trở về nhà, đi qua con đường ngập nước mưa với tâm trạng lo âu, nôn nao, gợi nhắc đến cảnh Hải chở Duyên về căn phòng của đôi vợ chồng sau đêm tân hôn. Đặt trong cùng một không gian, nhưng tâm thế nhân vật đã dịch chuyển và thay đổi. Duyên đã đi qua một sự trải nghiệm, mang trên gương mặt những nét vẻ đàn bà nhiều khắc khoải và từng trải hơn chứ không còn cái e ấp, ngượng nghịu trong nụ cười như ngày đầu. Chiếc xe đi bập bềnh trong nước như chính tâm trạng chơi vơi, bất định của từng nhân vật, đặc biệt là nỗi chơi vơi trong Duyên. Trận lụt lịch sử của Hà Nội vào đầu mùa đông năm 2008 đã thành một duyên may cho bối cảnh của Chơi vơi. Hình ảnh nước ngập mênh mang và những dòng xe tắc ứ, chuyển động trong âu lo phập phồng đã đẩy cảm giác chơi vơi, hoang mang lên sắc thái mạnh mẽ hơn so với bối cảnh cơn mưa ban đầu trong kịch bản. Và trường đoạn với các cảnh rời đi qua từng nhân vật trước đấy không tạo ra cái kết cho các nhân vật trong phim. Thổ dắt tay đưá con của Vy trên phố, Duyên run rẩy và đam mê trong vòng tay Thổ trên cầu thang thẳng đứng, u tối, Miên quay về với chiếc bồn tắm của mình và giữ giấc mơ đơn giản của cô bé… Diễn trình đời sống của từng con người vẫn đang tiếp tục, chỉ có những thước phim là chấm dứt và kết thúc.

Và có một trạng thái chơi vơi vẫn đang tiếp tục, mỗi lúc một đậm đặc, đầy ám ảnh chảy miên man trong đời sống của những con người trẻ, của những con người đang sống.

Hồ Khánh Vân