Trăng nơi đáy giếng – Nơi chất Huế hòa quyện với ngôn ngữ điện ảnh

Nguyễn Vinh Sơn cố gắng truyền cho người xem những cảm xúc ấy một cách chậm rãi, rỉ rả, để nó lặng lẽ lặn vào tình cảm người xem thật êm, thật nhẹ nhàng nhưng khi đã lặn vào rồi thì lưu lại thật lâu, thật lắng. Chắc chỉ có cô giáo Hạnh trong khung cảnh nhà rường Huế giữa khuôn vườn nhỏ đầy cây hoa cỏ mới yêu và thần tượng người chồng theo cách ấy. Cung kính từng giấc ngủ, hơi thở của chồng. Chăm chút từng hụm chè ngậm hương sen sớm mai, từng chậu nước ấm rửa mặt, bát bún giò buổi sáng, chén nước mắm giầm ớt xanh để mùi cay trong mâm. Nâng niu từng nếp áo, li quần mỗi khi chồng ra khỏi cửa. Các nhà làm phim đã cố gắng chăm chút và nắn nót với từng chi tiết trong phim y như cô Hạnh đã chăm chút từng li từng tí cho chồng vậy!

(TGĐA) - Xem Trăng nơi đáy giếng, thấy được dụng ý và hiệu quả của sự ấp ủ ấy của Vinh Sơn trong từng cảnh quay, từng trường đoạn, từng câu nói, ánh mắt, tiếng cười của nhân vật. Nắn nót, chau chuốt, kỹ lưỡng, cầu toàn- đó là những đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong Trăng nơi đáy giếng.


Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Trăng nơi đáy giếng là bộ phim được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn ấp ủ suốt mấy năm nay. Kể từ khi được Hãng Giải Phóng giao phim vào năm 2004, cho đến khi hoàn thành phim là năm 2008, bộ phim đã “nằm trong vòng tay đạo diễn” đến tận 4 năm trời!

Một câu chuyện không mới: bi kịch của người đàn bà yêu chồng đắm đuối mà không thể có con. Chị cố nuôi hạnh phúc bằng việc tìm người sinh con cho chồng, nhưng hóa ra đó chính là việc chị giết hạnh phúc của mình và chuốc cho mình thêm khổ đau, thêm một bi kịch nữa! Câu chuyện na ná như thế này đã từng gặp trong một số phim, cách đây hơn chục năm thì có Thân phận một tình yêu (đạo diễn Hải Ninh, 1996), gần hơn là Đẻ mướn (đạo diễn Lê Bảo Trung, 2005). Nhưng cái “na ná” ấy chỉ là phần thô mộc nhất của một môtíp, ví như cùng một chất liệu đá để tạc tượng, còn hình hài, đường nét, thần thái bức tượng lại phụ thuộc sức sáng tạo và nghệ thuật tạc tượng của từng nghệ sĩ. Và chính những điều ấy mới làm nên tác phẩm. Điều làm nên nét riêng biệt nhất cho Trăng nơi đáy giếng là chất Huế. Câu chuyện tình yêu, gia đình, số phận của cô giáo Hạnh và thày hiệu trưởng Lương hiện hữu rõ nét không chỉ để người ta “xem” mà để nỗi cảm, thương, buồn và cay đắng cứ thấm vào từng giọt, từng giọt với chất Huế đậm đặc- vừa trầm mặc vừa cay nồng.

Đạo diễn Vinh Sơn và quay phim Trinh Hoan

Nếu như phần đầu của phim chất Huế hiện hữu trong nhiều chi tiết, trong hành động và tâm trạng của nhân vật thì ở phần sau, nhà làm phim cố gắng đưa chất Huế vào sâu hơn - trong tâm linh của nhân vật. Cô giáo Hạnh lặng lẽ, âm thầm hy sinh lần lượt từng thứ của cuộc đời - từ cuộc sống hàng ngày, tình cảm vợ chồng đến sự nghiệp dậy học, thậm chí cả quyền làm vợ trong hôn nhân! Những tưởng đó là sự hy sinh cao cả đến tận cùng là để hiến dâng và vun đắp hạnh phúc, tình yêu, cho người chồng mình đắm đuối thần tượng, nào ngờ tình yêu bị đánh cắp, hạnh phúc vỡ tan, “thần tượng đắm đuối” trở thành người đàn ông tầm thường ngồi giặt quần phục vụ cô vợ mới vốn là người được “thuê đẻ”!

Cô giáo Hạnh lặng lẽ, âm thầm hy sinh lần lượt từng thứ của cuộc đời

Sự hy sinh mù quáng đã khiến Hạnh hoàn toàn trắng tay, chỉ còn ngậm trong lòng nỗi đắng cay, tê tái! Và, như một sự vô tình, lại vừa như một sự xui khiến, cuộc đời Hạnh chuyển sang một ngả khác: cô nhập cuộc với một bà đồng, “kết duyên” với một ông tướng dưới âm và lại dành hết tâm sức và tình cảm để thờ phụng “người chồng mới”! Cái số của Hạnh - theo lời bà đồng dạy - thật thành giả, giả thành thật. Người chồng đầu gối tay ấp được chị sùng bái như thánh sống trong nhà hóa ra chỉ là sự tạm bợ, bỗng tan đi mất theo cuộc tình phụ. “Người chồng” ảo vốn chỉ là bức tượng để thờ thì lại trở thành niềm an ủi, chỗ dựa tinh thần mãi mãi. Người ấy không phụ tình (đúng hơn là không bao giờ có thể phụ tình) mà ngược lại, đã làm tâm hồn Hạnh hồi sinh...

“Người chồng” ảo vốn chỉ là bức tượng để thờ thì lại trở thành niềm an ủi

Cái sự đời nghịch lý đến vô lý ấy khó có thể thuyết phục được ai nếu không đặt trong không gian Huế, không khí Huế, hơi thở Huế, nhịp điệu Huế! Đạo diễn đã cố gắng để nét trầm buồn, u uẩn mà thơ mộng, lắng đọng mà diết da của xứ Huế đã quyện vào mỗi ánh mắt câu cười giọng nói, quyện vào tình cảm và tâm linh của nhân vật để tạo nên một giọng điệu và màu sắc riêng, đủ sức chuyên chở vô lý và nghịch lý của nhân vật trong phim và hóa giải thành những vô lý và nghịch lý của cuộc đời. Có lẽ bốn năm “ôm ấp” một bộ phim là thời gian quá đủ để Vinh Sơn cân nhắc, tính toán mọi nhẽ. Mỗi chi tiết, tình huống, sự việc được đạo diễn đặt vào phim đều có chủ ý, đều được tận dụng láy đi láy lại vài lần để tạo ấn tượng hay điểm nhấn cho phim. Nhưng dường như với từng ấy điểm nhấn đã khiến cho người xem đã có lúc chớm cảm thấy nhàm, hoặc giả nhà làm phim có lúc mải mê “săn đuổi nghệ thuật” đã không đo được cảm xúc của người xem.

Ví dụ có đến hơn bốn lần Hạnh nắn nót bày biện mâm bát, dầm ớt xanh hay cắt khoai cho chồng; cũng ba bỗn lần Hạnh gượng nhẹ, nâng niu với ấm trà sen để chồng thưởng thức... Và đây nữa, tình tiết đóng và mở vô số những cánh cửa gỗ chạy dài liên hoàn suốt mặt tiền của căn nhà rường năm gian. Thoạt đầu, tôi rất thích tình tiết này. Người chồng nằm dài để Hạnh rém màn, rồi chị xuống giường để tắt bớt đèn, rồi chị bắt đầu đóng từng ô cửa, từng cánh cửa - một cú máy dài theo hành động của Hạnh - liên tục, liên tục. Căn nhà trở nên ấm cúng trong không gian riêng của hai người. Buổi sáng, cũng bàn tay Hạnh mở từng cánh cửa, không khí trong lành tràn vào qua từng khuôn cửa, từng ô cửa...

Bi kịch của người đàn bà yêu chồng đắm đuối mà không thể có con

Điều đáng nói tình tiết xung quanh những cánh cửa và ô cửa dưới bàn tay đóng- mở của Hạnh được lặp đi lặp lại đến năm sáu lần, dĩ nhiên mỗi lần nhà làm phim lại cố đặt trong một bối cảnh, cố tạo một cảm xúc. Nhưng có lẽ cảm xúc không “đuổi” kịp sự lặp lại kéo dài của hành động nên sau ba, bốn lần xem Hạnh đóng - mở những cánh cửa, tôi chợt thấy hơi “lo” đạo diễn lại “bắt” chị đóng - mở thêm lần nữa và quả trong lần đóng cửa cuối cùng của Hạnh, tôi cảm thấy “ngại” phải chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh này!

Cũng may là diễn xuất của Hồng Ánh trong phim khá thuần thục nhưng không mất đi sức truyền cảm. Chính vì vậy mà Hạnh của chị khiến người ta bị thuyết phục, từ khi Hạnh là người vợ tận tụy và sùng kính, rồi thành người đàn bà tê tái vì đau khổ cho đến khi Hạnh hồi sinh với một niềm tin lạ lùng vào cõi tâm linh giữa cuộc đời. Bên cạnh những bối cảnh để Hồng ánh hiện lên bằng xương bằng thịt trong dáng hình một phụ nữ Huế nền nã, giản dị và dịu dàng trong bếp, trong vườn, bên bàn làm việc, trên yên xe đạp giữa không gian tĩnh lặng của Huế, đạo diễn cũng cho Hạnh - Hồng Ánh rất nhiều đất để lột tả, bộc lộ nội tâm. Vẫn cách diễn sâu, trầm lắng và tinh tế nhưng Hồng ánh quả đã có sự “lột xác” trong vai Hạnh!

Cung kính từng giấc ngủ, hơi thở của chồng. Chăm chút từng hụm chè ngậm hương sen sớm mai, từng chậu nước ấm rửa mặt, bát bún giò buổi sáng, chén nước mắm giầm ớt xanh để mùi cay trong mâm. Nâng niu từng nếp áo, li quần mỗi khi chồng ra khỏi cửa

Những cú máy chậm rãi, nhẩn nha, những cú máy dài thong thả, những đặc tả hợp lý cho thấy một sự ăn ý của của đạo diễn, quay phim, diễn viên và các thành phần làm phim khác để tạo nên một giọng riêng biệt (ví như giọng Huế chẳng hạn) cho bộ phim. Nhưng một điểm hơi tiếc là chất lượng hình ảnh trong nhiều cảnh quay không đạt được hiệu quả mong muốn. Tôi ao ước được thấy những khuôn hình với gam trầm, dịu, nhưng phải trong veo, những cảnh tối (hoặc đêm) nhưng phải đạt sắc độ tương phản tối sáng..., nhất là với bộ phim có khả năng đi xa, như một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của điện ảnh Việt Nam mấy năm qua là Trăng nơi đáy giếng! Không biết những bản phim sau, các nhà làm phim có điều kiện hoặc có thể chỉnh trang, tu sửa thêm chút gì cho phần hình ảnh của phim hay không?

Phải nói rằng xem xong Trăng nơi đáy giếng, tôi vẫn còn bị vấn vương, còn thấy một cảm giác da diết đọng lại khá lâu. Không nhiều phim Việt Nam đem lại cho tôi cảm giác này, và tôi dự cảm bộ phim sẽ đem đến cho cả khán giả Việt lẫn khán giả và đồng nghiệp điện ảnh quốc tế những cảm xúc thực sự. Phim vừa mang bản sắc riêng, rất Huế, rất Việt Nam, nhưng cũng động chạm được đến sợi dây tình cảm tinh tế của con người nói chung! Mừng cho đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, cuối cùng đã tìm được “giọng riêng” và biết làm cho nó thăng hoa với một chất Huế rất quyện, rất hài hòa trong sự chuyên chở ngọt ngào của ngôn ngữ điện ảnh. Và cũng mừng cho nhà văn Trần Thuỳ Mai, người đã có một số tác phẩm được chuyển thể màn ảnh, nhưng có lẽ đây là lần “kết duyên với điện ảnh” thành công nhất của nguyên tác văn học Trần Thuỳ Mai!

Ngô Phương Lan