Trần Khải Ca: Từ Bá Vương Biệt Cơ đến Mai Lan Phương

Điều đáng trân trọng ở đây là sau khoảng thời gian dài gần 16 năm, từ Bá Vương biệt cơ (Vĩnh biệt ái thiếp, diễn viên chính: Trương Quốc Vinh, Trương Phong Vị, Củng Lợi) đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1994, ông lại tiếp tục trăn trở tìm tòi, thủy chung với đề tài kinh kịch và dồn hết tâm sức thể hiện nó trong tác phẩm điện ảnh mới nhất Mai Lan Phương (với các diễn viên chính: Lê Minh, Chương Tử Di, Tôn Hồng Lôi, Trần Hồng...) để thông qua đó chuyển đến khán giả cái nhìn chân thực nhất về các nghệ sĩ tuồng cổ đặc biệt này: những người tuy được triều đình coi trọng nhưng lại bị người đời xem nhẹ. Trong đó, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thông điệp của đạo diễn và tác giả kịch bản muốn gửi gắm thông qua số phận nhân vật khi chọn đề tài là cuộc đời hai nghệ sĩ kinh kịch cùng có điểm chung là Trình Điệp Y (Ngu Cơ - Trương Quốc Vinh đóng) và Mai Lan Phương (Lê Minh thủ vai) đều là những diễn viên nam phải vào vai nữ, đóng các vai để đời như: Ngu Cơ, Dương Quý Phi, Hoa Mộc Lan, Mộc Quế Anh...

(TGĐA) - Có lẽ khán giả màn ảnh Hoa ngữ ít nhiều đều biết đến tên tuổi Trần Khải Ca, người thuộc "thế hệ vàng" đạo diễn thứ năm của Trung Quốc, cùng thời với Trương Nghệ Mưu, Điền Tráng Tráng... từng nổi tiếng với các tác phẩm điện ảnh đã tạo tiếng vang trong và ngoài nước như: Hoàng thổ, Kinh Kha thích Tần Vương, Phong nguyệt, Cây vĩ cầm vàng, Vô cực...


Cùng với các đồng nghiệp, ông đã góp phần đưa điện ảnh Trung Quốc lên đến đỉnh vinh quang với hàng loạt giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.

Cảnh trong phim Bá Vương biệt cơ

Cũng vẫn là đề tài kinh kịch nhưng thế giới điện ảnh của Trần Khải Ca lung linh sắc thái tình cảm khiến khán giả phải đắm chìm vào để khám phá: Bá Vương biệt cơ là câu chuyện về hai người bạn cùng lớn lên trongmột đoàn kịch của Trung Quốc, từng chia sẻ với nhau biết bao niềm vui nỗi buồn. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu một trong hai người không nảy sinh tình cảm với bạn diễn cùng phái và đó cũng là bi kịch của Trình Điệp Y, một nghệ sĩ theo chủ nghĩa lý tưởng, khao khát được sống, được yêu và vươn tới chân trời nghệ thuật, vượt thoát khỏi mọi sự mỉa mai, rẻ khinh của ý thức hệ thời đại nhưng cuối cùng chính bản thân diễn viên với tâm hồn mong manh dễ tổn thương ấy đành cay đắng nhận ra sự đào thải của quy luật để rồi đành bất lực tự tìm đến cái chết để được sống trọn vẹn với niềm đam mê cháy bỏng. Bằng tài nghệ của mình, đạo diễn Trần Khải Ca đã thổi hồn vào Bá Vương biệt cơ, biến nó thành một bi kịch xót xa đến khắc khoải: Trình Điệp Y - Ngu Cơ tự tử vì Hạng Võ - Đoạn Tiểu Lâu không hiểu được tình cảm của mình trong một thế giới khắc nghiệt đến vô cùng. Cũng là đề tài đồng tính khá nhạy cảm nhưng Trần Khải Ca đã khéo léo dùng ngôn ngữ điện ảnh lý giải tâm trạng nhân vật (Trình Điệp Y là diễn viên nam nhưng do tố chất nên phải vào vai nữ, lại đóng cặp với bạn diễn nam thường ngày vẫn thân thiết với mình nên tình cảm nảy sinh giữa người cùng giới là điều dễ hiểu). Qua đó, ông muốn gửi một thông điệp: đối với nghệ thuật và tình yêu thường không tồn tại bất cứ rào cản nào, từ chính trị, tôn giáo đến giai cấp mà chỉ cần sự đam mê và người nghệ sĩ không còn cách lựa chọn nào khác ngoài hy sinh bản thân để được sống trọn vẹn với niềm đam mê ấy. Chính điều này đã tạo cho người xem sự đồng cảm sâu sắc.

Poster phim Mai Lan Phương

16 năm sau, vẫn khai thác đề tài kinh kịch, đề tài đồng tính nhưng Mai Lan Phương của Trần Khải Ca lại khai thác sâu về cuộc đời đầy thăng trầm của người nghệ sĩ nổi tiếng nhằm khắc họa chân dung con người thật của ông, thông qua đó miêu tả diễn biến nội tâm trong tình yêu giữa Mai Lan Phương và người vợ tào khang Phúc Chi Phương, tình cảm giữa ông và hồng nhan tri kỷ Mạnh Tiểu Đông (người chuyên đóng vai nam trên sân khấu kinh kịch, do Chương Tử Di thủ vai), đồng thời thông qua đó đề cao bản sắc văn hóa truyền thống của bộ môn tuồng cổ đặc sắc này để chuyển đến khán giả cái nhìn chân thực về họ: những nghệ sĩ nam chuyên đóng vai nữ với những trải nghiệm tình yêu khắc khoải và các mối ẩn tình mang đậm tính nhân văn. Khi làm phim, Trần Khải Ca không cố né tránh, cũng không cố tình khơi gợi sự hiếu kỳ về một đề tài nhạy cảm mà chỉ muốn đưa ra một góc nhìn chân thực và xúc động, muốn qua đó tìm được sự đồng cảm nơi khán giả.

Từ Bá Vương biệt cơ đến Mai Lan Phương, dưới con mắt cảm thông sâu sắc và một tâm hồn nhạy cảm tuyệt vời của đạo diễn tài ba Trần Khải Ca, tình yêu dù diễn ra dưới hình thức nào, giữa đối tượng nào vẫn cần được trân trọng, cảm thông. Chiều sâu tâm lý nhân vật thể hiện qua những dằn vặt nội tâm khi họ bị bủa vây giữa những định kiến xã hội khó vượt qua đã được vị đạo diễn nổi tiếng khai thác một cách sâu sắc giúp khơi gợi được những cảm xúc đẹp trong lòng khán giả. 16 năm dằn vặt "thai nghén" với hai tác phẩm để đời đoạt giải há chẳng đủ để Trần Khải Ca xứng đáng được tôn vinh vì bốn chữ "yêu đời, yêu nghề" đấy sao?

Phan Tô