Tính đố kỵ - bạn đồng hành của khó chịu

Tính đố kỵ ở giới nào cũng có. Nhưng trong phạm vi nghề nghiệp, chúng ta hãy nhìn vào giới nghệ sỹ. Cái hay của tính đố kỵ trong giới nghệ sỹ là ngoài sự thật trần trụi, nó còn được chính tác giả và những người biên tập lành nghề cho thêm nhiều gia vị khiến cho mỗi câu chuyện bình thường được nâng cấp trở thành những huyền thoại thú vị. Nào một họa sỹ X không muốn tốt nghiệp cùng năm với họa sỹ Y vì họa sỹ Y chắc sẽ đỗ thủ khoa. Họa sỹ X quyết định rời sang năm sau mới bảo vệ để mình cũng sẽ là thủ khoa. Chuyện nhà văn M không bao giờ ngồi cùng bàn với nhà văn K. Chuyện cô ca sĩ H.H. không bao giờ chịu hát sau ca sỹ đàn em tên là D.N. Chuyện đạo diễn V.G. không thể nào bắt tay với đạo diễn B.L. Chuyện cô diễn viên X.Q. không bao giờ muốn đóng phim cùng diễn viên P.K. Rất, rất nhiều chuyện tương tự như vậy đang tồn tại trong giới nghệ sỹ.

(TGĐA) - Tính đố kỵ có mặt trên đời từ rất sớm. Không những nó tồn tại ở loài người mà, từ thượng đế cho đến loài vật, đều có nó. Bằng chứng là, Thượng đế đã từng đố kỵ với loài người, sợ loài người đoàn kết nên mới có chuyện xây tháp Babel – một cái tháp như đài kỷ niệm ghi lại sự thành công của tính đố kỵ.


Đối với loài vật, bao nhiêu tục ngữ, thành ngữ như “con gà tức nhau tiếng gáy”, “chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm” hoặc “Lươn ngắn lại chê trạch dài/ Thờn bơn lệch miệng chê trai lệch mồm” v.v... (đương nhiên, nếu loài vật biết nói, chúng cũng có thể sáng tác nhiều câu ca giễu loài người không kém).

Nhưng tại sao nó chỉ âm ỷ trong giới mà ít bùng nổ như ở nước ngoài? Có thể, ai cũng biết, đố kỵ là một tính không hay ho gì lắm nên dư luận không muốn “vạch áo cho người xem lưng”? Cũng có thể, bản tính người Việt khép kín và giới truyền thông nước ta chưa có thói quen khai thác những chuyện riêng tư làm đề tài câu khách? Hoặc cũng có thể, đó là những chuyện thuộc lại “hư bảy thực ba” nên khó có bằng chứng? Song dù sao chúng vẫn tồn tại và lan tỏa dưới dạng tin đồn. Mà tin đồn thì, như dân gian đã nói “dân đã đồn không chồn thì cáo”.

Tính đố kỵ tốt hay xấu? Nếu chúng ta cho là tốt thì nó tốt. Nếu chúng ta cho là xấu thì nó xấu. Điều này tùy thuộc vào góc độ của từng người. Bởi có người coi tính đố kỵ như một sự kích thích tinh thần, buộc mình phải làm tốt hơn đồng nghiệp. Cũng có người bị tính đố kỵ chi phối và hành hạ khiến mình trở thành nô lệ của thói xấu này lúc nào không biết.

Thượng đế đã ban tặng cho loài người bao nhiêu tính tốt thì cũng có bấy nhiêu tính không tốt. Và xã hội loài người hình thành cũng đồng thời sinh ra tôn giáo, đạo đức, luật pháp. Tất cả những cái này giúp con người chế ngự dần những “ma quỷ trong lòng ta” và giúp ta vững bước trên hành trình phụng sự cái đẹp trong cuộc sống.

Đoàn Tuấn