Tính chuyên nghiệp trong nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Quang Tuấn (Kỳ 3)

Thực ra những yêu cầu trên đây nếu có một Studio thì không thành vấn đề gì cả. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, các nhà Điện ảnh miền Bắc cứ nghĩ rằng một thành phố lớn và hiện đại như vậy thì máy móc, trường quay... cái gì chả có. Nhưng thật lạ lùng, cả một "triều đại" Mỹ-Ngụy kéo dài hơn hai mươi năm mà Sài Gòn không có nổi một trường quay phim truyện. Ngày ấy trên danh nghĩa có lúc Sài Gòn có trên dưới 20 hãng phim, chủ yếu trên giấy tờ, còn khi hành nghề thì họ dựa vào cảnh thật trong thành phố, hậu kỳ làm ở Hồng Kông hoặc BangKok. Giám đốc Thái Thúc Nha của hãng phim Alfa còn ngạc nhiên khi thấy trong đoàn làm phim của "Bắc cộng" có cả họa sĩ thiết kế mỹ thuật. Khi hỏi bằng cách nào và ai là người xây dựng các bối cảnh? Ông trả lời một cách thản nhiên:"Trong này chỉ chọn những cảnh có sẵn".

(TGĐA) - Nhà quay phim chỉ trở thành một nghệ sĩ đích thực khi biết sử dụng ánh sáng phục vụ cho chủ đề, phục vụ cho thể hiện nghệ thuật của diễn viên, gây được cảm xúc thẩm mỹ về hình ảnh cho người xem.


Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn với bạn bè quốc tế

Trong nội dung kịch bản "Mối tình đầu" bối cảnh phòng ở của Ba Duy chiếm một vị trí quan trọng. Một căn phòng bình thường của một sinh viên nghèo, nhưng ở đó chưa một phần đời của nhân vật, quá trình diễn biến tính cách từ một sinh viên mạnh khỏe, trong sáng biến thành một kẻ bụi đời, bệnh hoạn, xì-ke. Phần dẫn cảnh trong căn phòng ấy chình là làm bộc lộ quá trình diễn biến nội tâm của nhân vật. Ngoài phần diễn xuất của diễn viên, ánh sáng đóng một vai trò rất quan trọng. Khi đi tìm cảnh anh Quang Tuấn đã chú ý nhiều mặt, bối cảnh phải đạt yêu cầu của kịch bản, phải có những góc độ máy thích hợp, có nơi đặt đèn, bố quang, máy nổ và các phương tiện xe cộ phải tiếp cận được với bối cảnh.

Trong thời gian đi chọn cảnh, cách thành phần chủ yếu đạo diễn, quay phim, họa sĩ, chủ nhiệm đi khắp các hang cùng ngõ hẻm mà vẫn không tìm ra một bối cảnh đủ các điều kiện cần thiết, được mặt này mất mặt khác. Có khi bối cảnh, góc độ tốt nhưng không có đường vào cho máy móc, xe cộ... Có bối cảnh đạo diễn, họa sĩ thấy được nhưng lại bị quay phim bác, vì không có chỗ đặt đèn chiếu sáng, rất khó xoay sở về tạo hình đạt theo yêu cầu. Anh Quang Tuấn không phản bác những mặt được của một số bối cảnh về các khía cạnh chuyên môn của các bộ môn khác, nhưng kiên trì bảo vệ, kiến giải về vai trò của ánh sáng trong tạo hình nhân vật. Anh quan niêm một trong những yếu tố quan trọng nhất của quay phim là sự cân bằng các yếu tố tạo sáng để đảm bảo cho việc tạo hình sinh động. Vì vậy bối cảnh phải có đủ điều kiện để cho người quay phim bố quay. Trong một căn phòng rộng trống trơi của một sinh viên nghèo, người quay phim không thể dựa vào cái gì để bố cục, mà chỉ có một phương tiện duy nhất là ánh sáng để tạo hình. Không gian phải tạo ra được những giai điệu sáng tối, đậm nhạt, để bối cảnh có chiều sâu. Tâm trạng nhân vật thì diễn biến quá phức tạp, lúc vui lúc buồn, thất tình, bỏ học, bất mãn với chế độ, cuộc sống không có lối thoát. Chỉ có ánh sáng mới tạo lên được những trạng thái tình cảm phức tạp như thế, mới khắc họa được tính cách nhân vật. Có thể nói lần đầu anh Quang Tuấn bảo vệ cái phần quyền tác giả hình ảnh bộ phim sau này. Nếu văn học khắc họa nhân vật bằng ngôn từ, hội họa bằng mầu sắc, âm nhạc bằng âm thanh, thì nhà quay phim khắn họa nhân vật bằng ánh sáng. Quả thật trong một không gian nhỏ hẹp, các góc độ máy chỉ có thể đặt cố định, thì ánh sáng đóng một vai trò rất quan trọng. Khi quay thật anh Quang Tuấn đã chứng minh những tư duy sáng tạo của mình. Trong một không gian nhỏ hẹp của căn phòng Ba Duy anh đã phủ lên một bầu không khí nhạt nhòa, u buồn, cô đơn. Trên cái nền ấy anh tạo khoảng cách không gian và chiều sâu bằng các giai điệu ánh sáng đậm, nhạt. Có những vệt sáng nhấn các vật thể, trang trí phục vụ cho tính cách. Sự vật vã của Ba Duy giữa đống đồ vật lộn xộn, những dụng cụ chi tiết trong cơn nghiền xì-ke. Tất cả phơi bầy một cuộc sống trụy lạc. Để cho nhân vật không dính vào phông nền, phải có những luồng sáng ngược, ven, vể làm rõ hình dáng, hình khối, các cử chỉ, hành động. Cuối cùng là ánh sáng chủ đạo, trung tâm của việc sáng tạo ánh sáng là nhân vật, phải luôn luôn làm sáng tỏ sự thể hiện tính cách của nhân vật, vì đấy là linh hồn của cảnh. Để quay một cận cảnh chân dung, nhấn sau vào những diễn biến thế giới bên trong của nhân vật anh phải dùng tới bốn, năm loại ánh sáng - bình diện, lập thể, ngược sáng, ven, phông nền... Anh làm việc say sưa, thâm nhập vào tâm trạng đến mức anh và chiếc máy quay đang trở thành người trong cuộc, chứ không phải người đứng ngoài cuộc, chỉ bấm nút, ghi hình. Việc nắm các quy luật chiếu sáng trong nội cảnh là một đẳng cấp, một phẩm chất về học vấn và tài năng của nhà quay phim chuyên nghiệp. Và nhà quay phim chỉ trở thành một nghệ sĩ đích thực khi biết sử dụng ánh sáng phục vụ cho chủ đề, phục vụ cho thể hiện nghệ thuật của diễn viên, gây được cảm xúc thẩm mỹ về hình ảnh cho người xem.

Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn tại Liên Xô

Khi bộ phim ra đời bối cảnh "Căn phòng Ba Duy" là một trong những trường đoạn hay nhất của tác phẩm, trong đó nhà quay phim đã đóng góp phần rất quan trọng về tạo hình.

Khác với chuyên môn như họa sĩ thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ... nhà quay phim truyện phải có hai khả năng ở trình độ cao: Nghệ thuật và kỹ thuật. Nói hai nhưng là hai trong một, vì hai mặt ấy quan hệ rất hữu cơ với nhau. Kỹ thuật giỏi sẽ chắp cánh cho sáng tạo nghệ thuật. Anh Quang Tuấn mạnh về kỹ thuật. Khi đứng trước một bối cảnh anh có tầm nhìn vừa bao quát vừa cụ thể, phát hiện ra những góc độ thuận lợi cho tạo hình để thấy máy cần đặt ở đâu, đường di động của máy trên ray, đèn đặt như thế nào, độ sáng của không gian bối cảnh cần công suất máy nổ bao nhiêu... Anh rất chủ động những phần việc phải làm của bộ môn quay phim. Nhưng trong tư duy nghệ thuật thì anh thường bị động. Cũng có ý kiến cho rằng anh hơi đơn giản trong nghệ thuật. Phải sống và làm việc với anh mới hiểu do quan niệm rất chuyên nghiệp của anh là "việc ai nấy làm". Nhưng đằng sau quan niệm ấy cũng có hơi "kiêu". Những phim được phân công vì nhiệm vụ, các thành phần chủ yếu không "môn đăng hộ đối", xứng tầm với anh thì anh không bỏ hết sức lực ra làm. Biết tính nết anh như vật khi quay trường đoạn "Nữ Chúa Thiên Nga" đạo diễn cũng phải hạ cố đến "lều cỏ" để cầu tài , mà ở đây là đến phòng riêng của nhà quay phim để làm việc.

Trong bộ phim, trường đoạn "Nữ Chúa Thiên Nga" là một trong những cái "đinh" của tác phẩm, mà ở đó người làm phim sẽ cho người xem thấy cái vực thẳm của xã hội Sài Gòn lúc bấy giờ. Ở dưới cái đáy vực thẳm ấy là số phận một người đàn bà đang sống trong thác loạn, phá phách xã hội và chính cuộc đời mình trong lối sống hiện sinh, bụi đời như môt thứ "người hùng" ở chốn giang hồ của loại người dưới đáy xã hội. Trường đoạn "Nữ Chúa Thiên Nga" không nằm trong một không gian tĩnh và cố định như bối cảnh "Căn phòng Ba Duy", mà liên kết xâu chuỗi nhiều bối cảnh nội, ngoại - từ nhà ổ chuột đến các hộp đêm, nhà hàng lộng lẫy với những vũ điệu thoát y trong tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc, liên kết giữa nội thất quán bar với ngoại cảnh đường phố Sài Gòn, những đồn bốt, tháp canh, hàng rào dây thép gai với những tên lính Mỹ, và những cơn mưa phũ phàng trong ngõ vắng, xen lẫn tiếng mưa rơi là tiếng cười điên loạn và tiếng gào thét của "Nữ chúa" bám theo Ba Duy: "Xã hội đâu phải của mày, mà là của tao ... ha...ha... nhất đĩ nhì Mỹ... lẫn trong tiếng bom đạn giữa một thành phố bị chiếm đóng.

Về mặt tạo hình trường đoạn "Nữ chúa Thiên Nga" là một tổ hợp của những cấu tứ dị chúng về không gian, thời gian, âm sắc, hình ảnh, và bố cục, đòi hỏi người quay phim phải giữ vững nhịp điệu, tiết tấu cho sự chuyển động của máy quay, và sự hài hòa về thanh điệu, ánh sáng, mầu sắc, và sự đồng nhất trong cách tạo hình của một trường đoạn. Khi bàn sâu vào nghề nghiệp và những yêu cầu nghiêm túc vì nghệ thuật thì con người ấy không "đơn giản" một chút nào. Có một chi tiết rất ngộ là trong cuộc trao đổi vê nghệ thuật rất nghiêm chỉnh ấy lại được diễn ra trong một tình huống cũng rất "xi-nê". Sau tiếng "gõ cửa ngày mới" của đạo diễn, đôi cánh cửa vừa hé mở đã thấy một thân hình hộ pháp không một mảnh vải trên người ngoài chiếc nội y tối thiểu nhảy vội lên giường lấy tấm chăn mỏng quấn vào người để tiếp khách. Cũng dễ hiểu thôi, gần chục năm ở nhà tây, ăn cơm tây, thức khuya và ngủ muộn gần như là tập quán của anh. Chỉ cần một tiếng cười phá lên của tình cảm bạn bè là mọi chuyện lại tự nhiên như không có gì xảy ra. Và cứ thế, mỗi người một mẩu bánh mì ăn sáng và làm việc cho đến khi có người gọi đi ăn cơm trưa. Là một nhà quay phim chuyên nghiệp anh Quang Tuấn tôn trọng những ý đồ dàn dựng của đạo diễn, nhưng bằng cách trao đổi nào đó đạo diễn phải làm cho anh hình dung được hiệu quả nghệ thuật và thấy hào hứng thì anh mới chịu đầu tư hết trí lực của mình. Vì vậy đằng sau cách sống tưởng như "đơn giản" của anh là sự "nhìn chéo" những người cộng tác mà khả năng không tương xứng với mình. Khi làm việc với anh, trao đổi kịch bản, phối hợp dàn cảnh và tạo hình, cho đến khi đi tìm cảnh, xác định bổi cảnh trên thực tế, đạo diễn phải tìm được sự đồng nhất về cách nhìn, sự tương đồng về tạo hình, sự đồng cảm và hiệu quả nghệ thuật thì mới thuyết phục được anh.

Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn

Lâu nay trong mối quan hệ đạo diễn và quay phim thường chỉ bàn tới ngôn ngữ của phân cảnh - cận, trung, toàn... nhưng chiều sâu và thực chất tài năng của nhà quay phim chuyên nghiệp là sự cấu tạo khuôn hình. Khuôn hình là một tổ hợp động trong quá trình quay phim, là một kết cấu tổng hợp các phân tử, phản ánh ý đồ nghệ thuật một cách chính xác nhất, và phải có sức truyền cảm, và chính khuôn hình là không gian của điện ảnh. Học vấn, kiến thức nghề nghiệp của người quay phim không đầy đủ thì không thể sáng tạo được cái đẹp và độ sâu trong nghệ thuật tạo hình, mà khuôn hình là một thử thách về tài năng của quay phim. Anh Quang Tuấn rất chú trọng về kết cấu bố cục trong khuôn hình. Để phản ảnh toàn bộ mặt thật của một Sài Gòn bị Mỹ chiếm đóng trong trường đoạn "Nữ Chúa Thiên Nga" đạo diễn và quay phim đã thống nhất chọn phương án dàn cảnh động. Với phương án này đạo diễn chỉ có thể phát huy vai trò dàn dựng, chỉ đạo diễn xuất và bàn bạc với quay phim rất kỹ về từng khuôn hình góc máy, tiết tấu và nhịp điệu, mầu sắc và ánh sáng, còn phần kiểm soát khuôn hình thì gần như bất lực. Khi máy quay đang chuyển động thì hình ảnh không thể dừng, nhân vật và bối cảnh thay đổi liên tục nhưng kết cấu, bố cục vẫn phải chuẩn mực và uyển chuyển, mạch phim vẫn phải cân bằng và hài hòa, và phải tạo được cảm xúc thẩm mỹ trong tạo hình. Tất cả giá trị nghệ thuật ấy đều do người quay phim quyết định. Vì vậy người ta mới gọi nhà quay phim là tác giả của hình ảnh, là họa sĩ vẽ bằng ánh sáng và đường nét. Có thể nói trường đoạn "Nữ chúa Thiên Nga" là một trường đoạn không những chỉ thành công về mặt nghệ thuật mà riêng về mặt tạo hình nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn đã để lại một dấu ấn về tài năng. Trong tập "Lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam" có một nhận xét: "Theo tôi nghĩ thành công chính của bộ phim là tố cáo và lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân mới. Thông qua hình tượng nghệ thuật người xem đã thấy được nhiều mặt, nhiều khía cạnh của xã hội thực dân mới ở Sài Gòn, kể cả bề rộng lẫn bề sâu, phách họa được toàn cảnh cái xã hội xa hoa, ăn chơi trụy lạc, cái xã hội Mỹ và đĩ, cái xã hội quyền lực của đồng đô-la (trang352)". Khi bộ phim "Mối tình đầu" tham dự liên hoan "An-giê ngã tư văn hóa thế giới" (Alger caefour culture du monde" có nhà báo phương Tây hỏi đạo diễn phim: "Các ông học ở Mỹ?". "Các ông" ở đây không phải chỉ một người mà là nhiều người làm nên bộ phim, mà hình ảnh là một thứ ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên dễ hiểu và hấp dẫn nhất. Lúc ấy tôi nghĩ đến anh Quang Tuấn.

Đạo diễn Hải Ninh