Tính chuyên nghiệp trong nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Quang Tuấn (Kỳ 2)

Những phim tiêu biểu đoạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế:

(TGĐA)- Trong lịch sử Điện ảnh Việt Nam, nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn đã có những cống hiến to lớn ở góc độ nhà tạo hình Điện ảnh nghệ thuật.


Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn

Không kể những bộ phim tài liệu, phim truyện trong thời gian thực tập, hoặc chưa là quay phim chính, ông đã tham gia 25 phim, trong đó có 21 bộ phim truyện, 3 bộ phim tài liệu và 3 phim truyện video.

-Cô giáo Hạnh (BSB)

-Bài ca ra trận (BSB)

-Mối tình đầu (BSB và 2 giải quốc tế- Giải nhất UNESCO - LHPQT Karlovy Vary, Giải bạc LHPQT Tân hiện thực - Italia).

-Biệt động Sài gòn (4 tập) (Giải quay phim xuất sắc - LHPVN)

-Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân (Phim tài liệu hợp tác quốc tế với đạo diễn Yoris Ivens - Giải thưởng quốc tế).

-Nguyễn Trãi (Phim tài liệu nghệ thuật - BSB)

Ngoài ra còn những bộ phim tuy không đoạt giải trong các LHP những được dư luận báo chí và khán giả đánh giá chất lượng nghệ thuật cao như "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Người Rừng", "Chuyện tình bên dòng sông", "Hẹn gặp lại Sài Gòn", "Số phận một tình yêu", "Đất nước đứng lên"... Tuy anh đã đóng góp cho nhiều thể loại đề tài phim khác nhau-Chiến tranh, cách mạng, hậu chiến, tình báo, xã hội... nhưng dấu ấn về chuyên môn nghề nghiệp, đặc biệt về tài năng tạo hình nghệ thuật mang mầu sắc hiện đại lại nằm trong các phim về đề tài đô thị lớn:"Mối tình đầu", Biệt động Sài Gòn".

Với phim "Biệt động Sài gòn" anh đã đoạt giải quay phim xuất sắc trong LHPVN.

Đặc biệt anh Quang Tuấn đã đóng góp rất lớn trong bộ phim "Mối tình đầu", bộ phim đã đem về hai giải thưởng đầu tiên của điện ảnh phương Tây:

-Giải nhất của UNESCO (LHPQT Karlovy Vary-1978)

-Giải bạc (LHPQT Tân hiện thực XXI- Italia)

-Được khán giả Mát-xcơ-va bầu là phim nước ngoài hay nhất trong năm.

Tuy "bái tổ vinh quy" về nước năm 1962, nhưng mãi đến năm 1965 anh Quang Tuấn mới được cầm máy chính trong bộ phim truyện "Lá cờ chuẩn". Năm trước đấy anh có tham gia các phim "Khói trắng", "Làng nổi" (1963), "Kim Đồng" (1964) với vai trò phụ trợ cho các người cầm máy chính là Khương Mễ, Nguyễn Đăng Bẩy và Nguyễn Hồng Sến. Ngày ấy, dù đội ngũ quay phim rất thiếu người, nhưng được cầm máy cũng rất khó khăn. Tất cả sinh viên tốt nghiệp về cơ quan đều phải qua thời gian thực tập thử thách một thời gian sau đó được Hội đồng quay phim của xưởng nhận xét đánh giá về chuyên môn, tinh thần trách nhiêm... rồi mới được đề bạt lên quay chính.

Để hình thành một phong cách riêng, có sức hấp dẫn với bạn nghề, trước tiên là với đạo diễn, anh Quang Tuấn cũng gặp nhiều khó khăn, vì những phim anh tham gia trong giai đoạn đầu cầm máy quay chính ít để lại những dấu ấn về khả năng tạo hình như "Lá cờ chuẩn", "Người cộng sản trẻ tuổi", "Cuộc chiến đấu thầm lặng", "Lửa". Sau năm, sáu năm tham gia nhiều bộ phim nhưng Quang Tuấn vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng của mình để các đạo diễn đã thành danh mời cộng tác. Ở đây có nhiều nguyên nhân, có nhiều cách đánh giá khác nhau những nếu ta nhìn ở góc độ "Văn là người", mà ở đây là tố chất, khẩu vị tạo hình của Quang Tuấn thì anh không phù hợp với đề tài Cách mạng quá khứ. Mỗi nhà quay phim đều có cái "bản năng gốc" của mình, có những tài nghệ, nhãn quang, mầu sắc, ánh sáng, đường nét và sắc thái riêng của mình. Nhưng anh chưa bộc lộ được bản sắc riêng của mình. Vì những lẽ đó anh Quang Tuấn không phát huy được những cái mạnh tiềm ẩn, những sở trường của anh. Còn một lý do thuộc về tính cách con người của anh. Đường đường là một nhà quay phim du học thành tài, nhưng thường được phân công làm những phim không hợp với tố chất của con người anh, có nhận làm cũng vì công việc xưởng giao, mà không phải tình yêu với tác phẩm. Ở đây chúng ta gặp một vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc là, làm nghệ thuật không thể áp đặt, làm lấy được, hoặc gượng ép mà phải sử dụng đúng khả năng, phát huy đúng tài nghệ sở trường của người nghệ sĩ, và phải tự nguyện.

Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn cùng đồng nghiệp nước ngoài

Phải đến năm 1971, khi Nguyễn Quang Tuấn quay chính bộ phim "Bài ca ra trận" với đạo diễn Trần Đắc thì tài năng của anh mới được mọi người chú ý đến. "Bài ca ra trận" được coi như một cái mốc chuyển đổi về đẳng cấp, chấm dứt thành kiến về thiếu cá tính trong tạo hình, và thiên về "trung bình chủ nghĩa" trong nghệ thuật.

Từ khi được cầm máy quay chính cho đến khi khẳng định được vi trí và tài năng của mình Nguyễn Quang Tuấn phải trải qua một chặng đường dài 6 năm (không kể 3 năm thực tập, phụ trợ). "Bài ca ra trận" đoạt giải Bông Sen Bạc trong LHPVN lần thứ III (1975) là một bước chuyển quan trọng đã nâng Nguyễn Quang Tuấn lên vị trí đảm nhiệm những bộ phim lớn, dài và phức tạp sau này.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn tham gia xây dựng bộ phim "Mối tình đầu" (ĐD Hải Ninh).

Đây là bộ phim truyện đầu tiên quay về đề tài đô thị miền Nam trong vùng tạm chiếm trước đây. Cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng quay tại thành phố Sài Gòn sau ngày giải phóng (1975-1976). "Mối tình đầu là câu chuyện tình yêu giữa anh sinh viên Ba Duy và cô nữ sinh Diễm Hương bị tan vỡ trong thời Mỹ-Ngụy tạm chiếm Sài Gòn. Tuy là một câu chuyện tình riêng tư những nó không chỉ diễn ra trong một căn phòng khép kín, hay trong những góc khuất của cuộc đời mỗi người, mà mối tình ấy còn bị hệ lụy, ràng buộc bởi cái xã hội hỗn loạn, trong một thành phố bị chiếm đóng của Mỹ, cuộc sống riêng tư của con người bị phơi bầy, luôn bị xáo trộn, chi phối. Để nhận dạng cuộc chiến tranh Việt Nam không chỉ có súng đạn đối đầu ở chiện trận, còn những dạng chiến tranh khác về tư tưởng, văn hóa, vật chất năm hủy hoại tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của con người. Ba Duy và Diễm Hương là những nạn nhân của thứ văn hóa "thực dân mới" đí. Do bộ phim phải cho người xem thấy được bộ mặt thật của một thành phố bị tạm chiếm, phác họa được một toàn cảnh xã hội ngột ngạt trong không khí chiến tranh, sự phản ứng và bất mãn của con người với chế độ, với kẻ thù. Mối tình đầu của Ba Duy và Diễm Hương sa vào một "cạm bẫy" của một loại vũ khí "tâm lý chiến" của địch. Vì vậy chưa bộ phim nào anh Quang Tuấn phải trải qua một cuộc thâm nhập thực tế đầy khó khăn và phức tạp như thế. Anh phải quan sát, nhận dạng và làm quen với nó đến mức thân thuộc từng đường phố, góc phố, với đường ngang ngõ tắt nhưng rồi đây sẽ là bối cảnh của phim. Từ những hotel, restaurant ăn chơi xa hoa lộng lẫy, những bar, dancing thác loạn cho đến những quán cóc, những con hẻm tối tăm "chợ người", và xen kẽ là những đồn bốt, dây thép gai như những cái ung nhọt mọc giữa thành phố. Mọi người có thể lướt qua, nhưng với anh là nhìn ngược nhìn xuôi, vòng đi vòng lại để phát hiện góc độ. Có làm việc với anh mới thấy rõ nhà quay phim chuyên nghiệp đều có bản sắc riêng của mình. Nhãn quan mầu sắc, bố cục, tạo hình, giai điệu, ánh sáng... là những phương tiện sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ tạo hình điện ảnh.

Nếu trước đây phương pháp tạo hình của anh Nguyễn Quang Tuấn thiên về tái hiện thực một cách chặt chẽ, còn mang dấu ấn tạo hình bài bản theo sách vở, thì đến phim này anh có cách nhìn thoáng hơn, hiện đại hơn và biến hóa hơn. Sự chân thật trong tạo hình phim nghệ thuật (phim truyện) không câu nệ vào sự thật tự nhiên như tạo hình trong tài liệu, mà phải có sức gợi cảm, đánh thức lòng yêu, ghét của con người, phát huy sức tưởng tượng và thẩm mỹ đến với người xem, vì hình ảnh là linh hồn của nghệ thuật điện ảnh.

Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn tại Liên Xô

Có lần trao đôi về tính thẩm mỹ trong tạo hình, đạo diễn cho rằng trình độ mỹ thuật, hội họa trong một số quay phim còn yếu, do đó để có những khuôn hình đẹp không đơn giản là chỉ biết bấm máy ghi hình, anh quan niệm như thế nào về tạo hình hội họa và tạo hình Điện ảnh, giống và khác nhau? Anh Quang Tuấn nói: về cơ bản có những vấn đề giống nhau như quy luật hình học là những cái đối xứng, cân bằng, mặt người bao giờ cũng mũi ở giữa, hai mắt hai bên, nếu khác đi thì rất ghê sợ. Hai tay, hai chân đối xứng với thân thể; vạn vật thiên nhiên đều có sự cân đối do cấu tạo của thiên nhiên. Những điều cơ bản ấy đều giống nhau. Nhưng về đặc thù thì khác nhau, bố cục trong hội họa tĩnh, còn trong điện ảnh thì động, động máy, động vật thể, động ánh sáng, động mầu sắc. Xem một bức tranh có thể nhìn hành giờ không bị hạn chế về thời gian, còn xem hình thì thoáng qua rất nhanh, vài giây thôi nhưng vẫn phải làm cho người xem hiểu được điều mình nói. Vì vậy trong bố cục điện ảnh có ba yếu tố cơ bản: Tư tưởng rõ ràng, dễ hiểu; tình cảm sâu sắc; và phải có sức rung động con tim khán giả. Tất cả những kiến thức cơ bản ấy đã ăn sâu vào con người anh gần như một thứ bản năng, một thuộc tính của nhà làm phim chuyên nhiệp. Sự thay đổi của anh trong giai đoạn này khác trước ở chỗ, vận dụng những hiểu biết ấy vào trong quá trình tư duy và trải nghiệm. Những nguyên tắc về cân bằng đối xứng, hiểu là như vậy nhưng trong khi làm phải biết "quên đi", và điều cơ bản là phải hòa quyện, nhuần nhuyễn, sinh động gây được cảm giác chân thực, có sức rung cảm, vì nghệ thuật là phản ảnh cuộc sống.

Có lẽ trong các nhà quay phim cũng thế hệ, anh Quang Tuấn là người quan niệm về vai trò và vị trí của người quay phim một các chuyên nghiệp nhất. Trong khi một số các nhà quay phim chưa thật yên tâm với nghề của mình, nhấp nhổm tạt sang làm đạo diễn thì anh vẫn trước sau một lòng yêu nghề. Cũng đã có người hỏi anh sao không làm đạo diễn? Anh cười nói:"Học nghề gì làm nghề ấy. Nghề quay phim là điều mơ ước của tôi từ ngày theo thầy học đạo. Nghề gì cũng cần chuyên sâu thì mới mong làm được cái gì đó cho nghệ thuật. Quan niệm của tôi là "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!". Tính chuyên nghiệp của anh xuất phát từ một quan niệm rất khoa học là, trong một nghệ thuật tổng hợp như Điện ảnh, mỗi người nghệ sĩ chỉ đến với vị trí và chức năng của mình. Anh biết rất rõ quay phim là một trong những người sáng tạo chính của bộ phim. Cùng với đạo diễn, họa sĩ, chức năng của quay phim là sáng tạo, trình bầy, diễn giải về tạo hình. Nhưng anh cũng rất chuyên nghiệp khi hiểu hành vi máy quay là hành vi của đạo diễn, với tư các người dẫn dắt câu chuyện. Chuyển động của máy quay từ góc độ này sang góc độ khác, nhanh hay chậm, êm đềm hay dữ dội, ở một mức độ nào đó, dù rằng Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp mang tính tập thể, thì hành vi của máy quay cũng phản ảnh phong cách của đạo diễn. Vì vậy, cùng một nội dung giống nhau nhưng với đạo diễn này thì quay thế này, với đạo diễn khác lại quay khác đi. Trong công việc anh không ôm đồm, chơi trội, hoặc lấn sâu sang các lĩnh vực nghệ thuật khác mà tìm sự hài hòa. Nhưng khi ai đó, kể cả đạo diễn là người có quyền quyết định cuối cùng, không tôn trọng, thậm chí không hiểu những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho sự sáng tạo hình ảnh thì anh không chịu lùi bước, bảo vệ đến cùng.

Đạo diễn Hải Ninh