Thực trạng và giải pháp về thực thi luật bản quyền trong lĩnh vực Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam

Trong những năm 1990 không ít nhà sản xuất lại bị tiêu tan nhà cửa , tài sản vì nạn ăn cướp bản quyền phim như ở Việt Nam. Cái làm cho nhà sản xuất đau lòng nhất từ vấn nạn “ bản quyền” có lẽ là khi đoàn kiểm tra của tỉnh, Thành phố thu gom băng, đĩa phim truyện Việt Nam in sang bán, cho thuê trái phép ở các quầy, cửa hàng cả nước đều được phạt hành chính một khoản  tiền quá nhỏ so với những tổn thất mà họ gây ra cho nhà sản xuất. Với hệ thống video gia đình có một kiểu ăn cắp bản quyền lịch sự hơn, tử tế hơn là một số ít cửa hàng lớn từng khu vực đăng ký mua băng hình gốc và một ít con tem và sau khi nhận một băng hình gốc về họ in ra hàng chục băng khác để giao vòng 2 . Tất nhiên là từ vòng 2 đến vòng 10 hay hơn nữa nhà sản xuất cũng không được một xu. Một kiểu ăn cắp bản quyền phim thứ 3 là các công ty quản lý băng, đĩa hình địa phương, ví dụ: địa phương có 500 tụ điểm video họ chỉ mua của nhà sản xuất vài ba băng gốc với giá 35.000đ/băng còn lại là họ mua tem chỉ từ 3.000 đến 5.000đ/tem nhưng họ ép mỗi cửa hàng phải mua của họ 1 băng gốc do họ in sang và một số con tem. Các cửa hàng video sẽ in sang bao nhiêu là tùy vào sức nóng của mỗi phim và sức hưởng thụ phim qua video gia đình của người xem.

(TGĐA) - Từ những năm 1990 Nhà Nước cho phép tư nhân và các tổ chức xã hội được hợp tác cùng một Hãng phim sản xuất và phát hành phim trong và ngoài nước.


Poster phim Gái nhảy

Các nhà sản xuất phim, nhất là phim truyện được sản xuất từ nguồn vốn xã hội hóa bắt đầu quan tâm đến bản quyền. Khi hàng loạt phim chiếu rạp mới, ngày một, ngày hai đã được bán và cho thuê video vô tội vạ ở hệ thống video gia đình cả nước. Người ta tự do ăn cắp bản quyền, in sang và bán, cho thuê công khai. Nhiều nhà sản xuất nóng ruột chịu không nổi có làm đơn gửi Sở VHTT hoặc Sở Công an hoặc các cấp cao hơn nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Có trường hợp bắt được thủ phạm ăn cắp bản quyền nhưng cũng chỉ xử phạt hành chính với mức vài triệu đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi hệ thống video gia đình chưa có hầu như chưa phải quan tâm đến bản quyền. Nếu có bị xâm phạm bản quyền bằng một, vài hoặc mấy trăm buổi chiếu phim ở một điểm chiếu nào đó thì tổn thất nhà sản xuất phải gánh chịu không đáng là bao so với tổng số tiền mà nhà sản xuất thu được. Mọi việc về bản quyền tác phẩm điện ảnh sẽ hoàn toàn khác khi hệ thống video gia đình hoạt động bao trùm cả nước từ thành phố đến xóm, ấp. Một tác phẩm điện ảnh bị chiếm đoạt bản quyền và được tung lên hệ thống video gia đình để bán hoặc cho thuê thì đó chính là thời điểm về cơ bản nhà sản xuất đã bị chấm dứt doanh thu. Với phim nhập khẩu là phim hành động thì sẽ bị mất doanh thu khoảng 70% -> 85% do xem rạp mới được thưởng thức âm thanh hiện đại. Còn với phim Việt nam thì khi phim bị tung lên hệ thống video nhà sản xuất sẽ bị tổn thất từ 80% đến 95%, có thể là 100%. Một số trường hợp vừa phát hành trên rạp được 1, 2 ngày là bị mất bản quyền, nhà sản xuất bị lỗ 100% vốn sản xuất và lỗ vốn cả tiền quảng cáo, phí phát hành phim …Một điều tệ hại nhất ở Việt Nam đối với người sản xuất phim là một phim được sản xuất với giá thành 4 tỷ VNĐ, phí quảng cáo, tiếp thị, phát hành khoảng 01 tỷ VNĐ, cộng tổng chi phí là 5 tỷ VNĐ, khi bị ăn cắp bản quyền tung lên hệ thống video gia đình, bản thân người ăn cắp thu lợi bất chính cũng chỉ được tối đa khoảng 01 và vài chục triệu VNĐ, vì hơn 90% băng, đĩa bán, cho thuê tại quầy video gia đình cũng lại là ăn cắp lại, in sang vô tội vạ. Trường hợp này, người sản xuất phải chịu tổn thất kinh tế trên 100% giá thành sản xuất.

Nói chung đề tài bản quyền phim nhất là phim truyện ở Việt Nam là đề tài đã được mọi người trong ngành và các cơ quan quyền lực ở cấp vĩ mô đã từng rất quan tâm. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới với nhiều mối lo toan đã nhiều lần tổ chức nhiều chiến dịch kiểm tra thu gom, phạt vạ nhưng cho đến nay kết quả đạt được khá khiêm tốn, thậm chí còn tệ hơn để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất về bản quyền phim. Chúng ta đều hiểu với 5 tỷ đồng nhà sản xuất đầu tư để có một phim nhựa 35 ly, 90 phút là vật chất hữu hình. Khi phát hành phim, doanh thu bị người khác chiếm đoạt qua việc chiếm đoạt bản quyền bằng các hình thức nêu trên, bản quyền phim của nhà sản xuất 5 tỷ đồng đó trở trành vô hình bởi nó được hàng trăm cửa hàng, tụ điểm video ăn cắp và hàng ngàn người chiếm đoạt . Mọi người chỉ thu được lợi trên việc chiếm đoạt bản quyền chỉ là một khoản thu rất nhỏ so với 5 tỷ đồng của nhà sản xuất bị mất. Chính từ phân tích từ gốc độ này mà luật bảo hộ bản quyền cho thấy với một băng đĩa hình người vi phạm thu lợi không đáng kể. Do đó mà luật quy định phạt một băng đĩa hình vi phạm bản quyền một khoản tiền quá nhỏ so với tổn thất của nhà sản xuất. Hơn nữa, số kinh phí thu được qua việc phạt hành chính sẽ xung vào công quỹ và trả lương, thưởng cho lực lượng kiểm tra chứ không phải trả lại nhà sản xuất bị mất bản quyền. Trong khi công dân bị mất một chiếc xe đạp trị giá một triệu đồng, khi cơ quan pháp luật bắt được kẻ cắp thu lại được chiếc xe, chiếc xe đó không bị xung công quỹ mà được trả lại cho người mất xe. Sự khác biệt này giữa người bị mất bản quyền phim và người mất xe đang có sự khác biệt rất căn bản từ trong tư duy và quan điểm của việc làm luật và việc thực thi pháp luật. Ví dụ: Hãng phim Giải Phóng năm 2003 phát hành phim “Gái Nhảy” bị mất bản quyền. Đoàn Kiểm tra của Sở VHTT Quảng Ninh đã bắt được quả tang một trường hợp bán hơn 100 đĩa VCD ở Hội chợ Hạ Long. Hãng phim Giải Phóng hạ quyết tâm truy tìm thủ phạm ăn cắp bản quyền, được Bộ trưởng Bộ VHTT và Bộ Công an chỉ đạo giao cho Thanh tra Bộ cùng Sở VHTT và Sở Công an quảng Ninh xử lý. Nhưng kết quả là xử lý hành chính vài triệu đồng xung công quỹ. Hãng phim Giải Phóng nhận được một công văn của sở Công an Quảng Ninh về việc đối tượng chỉ là tiêu thụ hàng gian không phải là người ăn cắp bản quyền, theo luật không thể làm gì hơn.

Kính thưa Quý vị! Câu chuyện về bản quyền phim “ Gái Nhảy” của Hãng phim Giải Phóng chúng ta có thể hiểu luật bản quyền về điện ảnh đối với bản quyền phim là chưa chuẩn. Luật bản quyền mà không bảo vệ bản quyền cho người sản xuất. Hơn nữa, luật để cho kẻ vi phạm bản quyền thao túng, in sang lậu tràn lan không chỉ riêng với điện ảnh mà hầu hết các loại hình nghệ thuật phát hành bằng băng, đĩa hình và tiếng đều đang trong một tình trạng rất xấu khó để duy trì hoạt động. Để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và đầu tư cho sản xuất điện ảnh tôi xin có đề nghị như sau:

- Hoạt động Điện ảnh muốn thực hiện xã hội hóa thành công đưa Điện ảnh Việt Nam phát triển- phải có luật bản quyền cho hoạt động Điện ảnh.

- Luật bản quyền phải thực sự công bằng và nghiêm minh bằng những điều khoản đủ sức trừng phạt kẻ cố tình vi phạm bản quyền.

- Bất cứ bằng hình thức nào người kinh doanh vi phạm bản quyền phim đều phải bồi thường bằng tổn thất của người sản xuất. Người tiêu thụ đồ gian chính là người đồng lõa chiếm đoạt bản quyền. Tôi nghĩ rằng đây chính là mấu chốt của vấn đề bản quyền phim để 20 năm qua chúng ta vẫn cứ loay hoay như gà mất tóc, thậm chí mức độ vi phạm bản quyền phim ngày càng nặng nề, ngày càng coi thường pháp luật một cách trắng trợn, do mức độ trừng phạt còn quá nhẹ, quá hình thức.

- Tôi nhớ bản thân tôi không dưới mười lần có bài phát biểu trong các diễn đàn như buổi tọa đàm này và trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình về vấn đề bản quyền phim – từ cấp vĩ mô cũng đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo giải quyết nhưng kết quả đến hôm nay là rất hạn chế. Nguyên nhân chính là những quy định thời gian qua về thưởng phạt không nghiêm, cơ quan quản lý và các cơ quan thực hiện việc kiểm tra, thưởng phạt chưa nghiêm.

- Nhìn lại, việc chấp hành giao thông ở Việt Nam có lẽ đứng vào hàng kém nhất thế giới. Tôi nhận thấy nguyên nhân chính là chúng ta đã để cho các loại xe máy và cả xe thô sơ lưu hành chung với xe hơi trong những thành phố chưa có hệ thống cầu vượt để giảm đường cắt. Luật khá nặng tay với người lưu thông xe hơi trong khi những người đi xe máy và xe thô sơ lại phạt nhẹ tay. Chính đối tượng này đã làm mất trật tự giao thông ở nước ta. Tôi nghĩ về vấn đề bản quyền ở nước ta cũng vậy. Luật bản quyền hoặc văn bản dưới luật ban hành phải thật sự nghiêm ở bất cứ một cửa hàng, tụ điểm nào kinh doanh phim dưới mọi hình thức mà không có bản quyền.

- Đây là vấn đề lâu dài và kiên trì nhưng nó lại là mấu chốt của việc phát triển Điện ảnh ở một tầm cao mới. Nếu chúng ta cứ mãi để tình trạng bản quyền phim như hiện nay thì ngay cả việc hoạt động Điện ảnh ở mức độ hiện tại cũng thật là khó.

Nguyễn Thái Hòa

Giám đốc Hãng phim Giải Phóng.