Thực trạng điện ảnh Việt Nam và 3 điều trách

(TGĐA) - "Chiều nào tôi cũng từ cơ quan (Hội Điện ảnh Việt Nam - 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đi qua số 4 Thụy Khuê - địa chỉ này là niềm tự hào của tôi, của những người đã từng làm ở Hãng phim truyện Việt Nam - thì mới về nhà được. Nhà tôi ở đầu đường Lạc Long Quân, cuối phố Thụy Khuê. Khỏi phải nói mỗi lần đi qua nơi mình từng công tác - lòng tôi không khỏi rưng rưng nhớ. Rưng rưng buồn. Rưng rưng thương cảm và cả rưng rưng trách giận nữa. Những điều rưng rưng trên thì hiểu được nhưng điều rưng rưng cuối cùng cần phải nói ra mọi người mới đồng cảm cho chăng? Trách giận gì và trách giận ai?"

NTHN

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội ĐAVN

Điều trách thứ nhất:

Tại sao số 4 Thuy Khuê - nơi hãng phim truyện VN đóng ở đây đã nửa thế kỷ, nơi từng là thương hiệu nổi tiếng của ĐAVN mà nay lại tiều tụy tiêu điều làm vậy? Ai đã để nó ra nông nỗi này? Ai đã bắt nó đang sản xuất phim bình thường theo guồng quay bài bản, đầy tính chuyên nghiệp của nó bỗng dưng bắt nó phá tan ra để “thích ứng với cơ chế thị trường?”- bắt nó đang từ doanh nghiệp công ích thành doanh nghiệp - rồi lao đao với lúc thì công ty cổ phần hay công ty TNHH một thành viên cứ tít mù, tối tăm mặt mũi... Ai bắt một cơ quan văn hóa nửa thế kỷ đã quen với việc săn bắt nghệ thuật đã làm ra những tác phẩm lớn để đời như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chim vành khuyên, Chị Tư hậu, Vợ chồng A Phủ và nhiều bộ phim để đời khác giờ phải biết kinh doanh như những người buôn thúng bán mẹt? Để kiếm sống và có tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên cơ quan phải cử người đi tứ tán khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm kiếm hợp đồng. Từng có một đội ngũ chuyên môn tay nghề cực giỏi mà đâu đâu nhìn vào cũng phải thèm - thì nay chỉ là anh đi đánh thuê, đi làm thuê, thuê gì cũng làm, từ phim truyền hình ngắn dài tập đến video quảng cáo, đám ma đám cưới...làm tất miễn là có tiền nuôi vợ con, sắm xe pháo, nhà cửa để sống được như thiên hạ. Đội ngũ làm nghề cứ thế tan dần, niềm đam mê săn bắt nghệ thuật - mơ làm được những tác phẩm lớn cũng vì thế mà tan theo. Đang từ những người mang trong mình những khát vọng cao cả biến thành những cái máy chỉ biết lăn lóc kiếm tiền. Đừng trách họ - những nghệ sĩ mẫn cảm của phim truyện VN. Đừng đòi hỏi ở họ tại sao chúng tôi cần những tác phẩm lớn mà các anh không có? Sống và làm việc trong hoàn cảnh và điều kiện tan hoang như thế ai còn lòng dạ nào để thai nghén những tác phẩm lớn bây giờ?

CongvaoHangphim

Cổng Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê

Điều trách thứ hai

Những người từng lĩnh trọng trách của Hãng Phim Truyện VN - ai cũng đã làm hết sức mình có thể, kể cả người viết bài này - nhưng thời cuộc nó như vậy - nó khiến anh bơi không thể đến bờ - muốn gồng lên để gánh cũng không gánh nổi bởi: Đất đai ở số 4 Thụy Khuê là đất vàng. Hơn 1000 mét đất vàng .Ngồi trên đống vàng mà chịu chết đói . Đất rộng, đẹp, ở địa thế lý tưởng bên Hồ Tây, gần Cổng Đỏ, gần Lăng Bác - nửa thế kỷ nay Hãng Phim Truyện VN sống lơ mơ trên mảnh đất chả có giấy tờ gì. Người ta viện vào cớ đó để không cấp cho anh sổ đỏ. Có sổ đỏ mới “liên doanh liên kết” mới có cơ hội đổi đời như nơi nơi người ta từng làm. Cạnh đó lại luôn luôn có tin Trên sẽ lấy. Trên sẽ lấy. Trên là ai? Là cấp nào khiến Hãng Phim Truyện VN luôn trong tâm trạng hoang mang. Rồi lại có tin Hãng sẽ phải di dời đi chỗ khác. Giống như 1000 mét vuông ở 6 Thái Văn Lung - TP HCM cũng vậy. Do vị giám đốc thời kỳ ấy nhắm mắt ký bừa - thế là đi tong 1000 mét – văn phòng đại diện của Hãng ở phía Nam và từng có đủ phòng hậu kỳ sản xuất những cảnh quay ở phía Nam. Chính vì cái miệng rất to của nền “kinh tế thị trường” lúc nào cũng ngoác ra để, hễ có cơ hội là đớp hết, ngoạm hết những chỗ đẹp, chỗ ngon mà nghệ sĩ - vốn chỉ giỏi sáng tạo nghệ thuật - đã chịu lép vế, chịu vuột khỏi tay nhiều cơ hội vàng. Vì thế nên chả có gì ngạc nhiên khi nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương được cấp kinh phí xây dựng khang trang hoành tráng thì số 4 Thụy Khuê ngày một hoang vu là điều không khó hiểu nhưng thực sự đau lòng.

Conchimvanhkhuyen

Cảnh trong phim Con chim vành khuyên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất


Điều trách thứ ba:

Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo gần gũi nhất, có tác động trực tiếp nhất với các Hãng, với toàn ngành đó là Cục Điện ảnh mà không chịu động não, không năng nổ tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho ngành bằng cách trình bày với Cấp Trên những biện pháp tối ưu nhằm giữ vững đội ngũ, tìm ra những cơ chế thích hợp thúc đẩy sản xuất thì đã chán rồi. Chán hơn nữa, có kinh phí Cấp Trên cho (thực sự là tiền của Dân) cấp cho để hoạt động, để phát triển ngành mà cũng không quản được, giữ được (đây mới chỉ trách ở chỗ quản lý thôi, chưa dám nghi ngờ gì ) để đến nỗi thất thoát lớn như vừa xảy ra ( ngày 3-6 các báo đã đưa tin) gây mất uy tín nghiêm trọng cho ngành - chứ không chỉ riêng các vị ấy - đó thực sự là điều rất buồn. Nói ra điều này không phải là ghét bỏ gì các vị ấy - những người mà trước đây tôi đã từng quí mến, tin cậy và hy vọng. Tôi nói ra sự trách cứ này là bởi vì tôi là một trong rất nhiều người đã từng gắn bó máu thịt với nơi tôi làm việc – số 4 Thụy Khuê, và cả ở 147 Hoàng Hoa Thám, trụ sở của Cục Điên ảnh nữa. Địa chỉ 147 này cũng từng là niềm tự hào của các nhà Quản lý Ngành qua nhiều thời kỳ. Ở những nơi đó tôi cùng đồng nghiệp đã dâng hiến bao nhiêu công sức của mình mà bây giờ nhìn lại Hãng Phim Truyện VN nói riêng, ngành ĐA nói chung tan hoang như vậy, có họa là gỗ đá mới không cảm thấy đau buồn Cho dù yếu kém, thiếu trách nhiệm như thế, cho dù đến giờ phút này Cấp Trên vẫn yêu mến và tin cậy các anh - Những nhà quản lý của Cục điện ảnh hiện thời - thì chúng tôi, các nghệ sĩ vẫn rất buồn đau và thất vọng!!! Không ai bắt được trái tim chúng tôi đừng đau, đừng thất vọng, không ai bắt được trái tim chúng tôi phải vui lên, phấn khởi lên khi hiện thực đau buồn như thế.


Và, ngày lại ngày, tôi về nhà lần nào cũng đi qua số 4 Thụy Khuê - địa chỉ yêu dấu của tôi, của biết bao nhiêu đồng nghiệp - thấy nó ngày một tan hoang hơn, khó khăn hơn. Có người “mũ ni che tai”, có người mặc kệ mọi chuyện muốn đến đâu thì đến, ai làm gì kệ ai miễn là không động đến mình. Lòng tôi nhiều lúc cũng đã tặc lưỡi như vậy, nhưng tôi không thể bắt trái tim tôi hãy ngừng xúc động, ngừng câm nín khi thực tế đang là như vậy và diễn ra như vậy!

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát