Thu muộn – Tình câm lặng không dễ lãng quên

(TGĐA) - Là sản phẩm hợp tác của điện ảnh Trung Hàn với những ngôi sao tên tuổi, Thu muộn phiên bản năm 2011 được kỳ vọng sẽ gây tiếng vang lớn khi được ra mắt công chúng, đạt mức doanh thu kỷ lục hay để lại dấu ấn sâu đậm cho người xem. Nhưng trái ngược lại, bộ phim không thực sự thu hút được số đông công chúng.

Kén người xem trên mọi phương diện: kịch bản, diễn xuất, hiệu ứng hình ảnh dẫn đến doanh thu phát hành ở cả hai thị trường Trung Hàn đều không mấy khả quan, nhưng càng về sau Thu muộn càng được ca ngợi từ cả phía khán giả và giới phê bình. Bí mật nào thu hút sự lại háo hức và tranh luận sau thời điểm ra mắt rất lâu này?

f_poster

Tranh cãi về câu chuyện

Nữ tù nhân người Mỹ gốc Hoa Anna (Thang Duy) phạm tội ngộ sát người chồng vũ phu 7 năm về trước, được thả tự do trong vòng 3 ngày để về Seattle dự đám tang mẹ. Trên chuyến xe bus trở lại Seattle, Anna tình cờ gặp gã trai bao gốc Hàn Hoon (Hyun Bin) ít nói, có vẻ ngoài hiền lành. Hai con người nói hai ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn có thể hiểu nhau mà không cần nhiều lần trò chuyện. Và tình cảm của họ cứ lớn dần lên trong vòng 72 giờ định mệnh.

Thu muộn được làm lại từ tác phẩm cùng tên được thực hiện năm 1966 của đạo diễn thiên tài Lee Man Hee, gây cơn sốt một thời không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở các nước châu Á. Nhưng vì nhiều lý do, phiên bản Thu muộn năm 1966 đến nay đã không còn lưu giữ được những thước phim trọn vẹn, vì vậy đối với các nhà đạo diễn Hàn Quốc hiện nay, việc làm lại bộ phim này mang một ý nghĩa to lớn.

Phiên bản gốc của Thu muộn nói về câu chuyện như thế nào, ít ai biết, chỉ biết rằng phiên bản mới lần này của Kim Tae-yong đang phát sóng hiện nay đã được sửa đổi kịch bản, thay vì bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Seoul như trong nguyên tác, thì tác giả đã chuyển sang bối cảnh tại thành phố Seattle của Mỹ. Chuyện tình yêu giữa hai nhân vật chính có quá nhiều yếu tố khó tin: bất đồng ngôn ngữ, thời gian quá ngắn để nảy sinh tình cảm, quá khứ chồng chéo khó lý giải của nhân vật…

fullsizephoto157308

Không thể phủ nhận rằng, nội dung bộ phim không thiếu những điểm nhấn nhưng tiết tấu của Thu muộn chậm rãi và sự tiết chế lời thoại tối đa khiến bộ phim dễ gây cảm giác nặng nề, mới xem cảm thấy phim không thể hiện được những xung đột. Những cảm xúc trong phim được thể hiện ra một cách mơ hồ, hời hợt, chung chung, vô vị. Khi ba người bọn họ gồm Anna, Huân cùng anh người yêu đầu của Anna gặp nhau trong đám tang mẹ Anna. Đây là lúc diễn viên nữ chính thể hiện những cảm xúc dâng trào, dường như không gì có thể kiểm soát được, tuy nhiên đạo diễn đã thêm thắt vào đó những câu nói mang tính hài hước, và như vậy đã làm vai mờ đi những cay đắng mà cô gái đang phải chịu đựng. Đoạn kết của phim cũng gây tranh cãi khi nhìn lại, đa số người xem không nói về tình yêu mà lại là suy đoán người chồng của cô gái tên Anna do ai giết, nhân vật nam chính sau này có còn sống sót trở về để gặp lại Anna hay không?

Nhưng rồi, đó cũng chính là lý do khiến nhiều khán giả xem lại Thu muộn thêm lần nữa, nhiều lần nữa để thấy rằng kết cục không quan trọng bằng cảm giác khoảnh khắc của một tình yêu.

Tranh cãi về hình ảnh

Một bộ phim tình cảm với diễn viên ngôi sao nhưng Thu muộn không có những cảnh quay lãng mạn đẹp bóng bẩy theo xu hướng hiện tại. Nữ diễn viên chính Thang Duy không trang điểm hầu hết hết các cảnh quay, việc thay đổi và chuyển cảnh cũng ít diễn ra khiến bộ phim như một cuốn phim đẹp và buồn về thân phận và hồi ức.

fullsizephoto138980

Không ít người xem Trung Quốc đã bình luận mình đang xem một bộ phim suy luận không đầu không cuối với hai nhân vật “nói chẳng chịu nói, hành động không hành động”. Không cảnh nóng trực diện, không bạo lực miêu tả ở thì hiện tại, về mặt hình ảnh, Thu muộn thiếu đi những yếu tố dễ gây sự chú ý của khán giả nhất. Nhưng, sự tiết chế trong việc chuyển đổi cỡ cảnh, ánh sáng, động tác máy quay đã khiến những cảnh phim trong Thu muộn đạt được sự chân thực và gần gũi, dễ tiếp cận. Sau tuần đầu tiên công chiếu bị ghẻ lạnh, phim thu hút được đông đảo khán giả thành thị với tỷ lệ xem lại trên 50%, tổng doanh thu của phim giữ kỷ lục trong các phim Hàn trình chiếu tại Trung Quốc và không hề thua kém các bom tấn của chính quốc gia này.

Tranh cãi về vai diễn

Thang Duy nhận lời vai diễn này khi chiến dịch hạn chế hình ảnh của cô mới có những dấu hiệu giảm nhẹ. Một bộ phim hợp tác không mấy triển vọng trình chiếu thương mại là lựa chọn có vẻ an toàn cho cô tại thời điểm đó nhưng mặt khác lại là thách thức với cô với hàng tháng trời luyện nói tiếng Anh kiểu Mỹ và đối mặt với bi kịch tinh thần của nhân vật.

Mỗi khoảnh khắc của bộ phim đều gây khó cho tôi, cái khó khi nghĩ về cuộc đời và những xúc cảm của Anna. Khi gặp Hoon, cô ấy cảm thấy như đó là lần đầu tiên được nhìn thấy mặt trời nhưng thứ tình cảm đó cảm giác không tới được.

fullsizephoto149242


Huyn Bin cũng nhận vai diễn này trước thời điểm lên đường nhập ngũ và ở giai đoạn mối tình của anh với Song Hye Kyo bắt đầu giai đoạn khủng hoảng. Anh từng nói vai diễn Hoon là người sợ bộc lộ cảm xúc, có những ký ức đau buồn và che dấu nó với vẻ ngoài tươi vui. Dù nhân vật này khác anh khá nhiều ngoài đời nhưng về cơ bản, đó cũng sẽ là cách anh đối diện với nỗi đau của mình.

Thang Duy đã trở thành diễn viên ngoại quốc đầu tiên tại Hàn Quốc nhận được giải Annual PaekSang Arts lần thứ 47 dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là một giải thưởng cao quý của ngành nghệ thuật Hàn Quốc, được giới nghệ thuật Hàn Quốc đánh giá như Oscar Hàn Quốc. Giải thưởng được trao dựa trên kết quả bình chọn của 84 phóng viên, đại diện cho 42 tờ báo lớn của Hàn Quốc. Đối với người Trung Quốc, họ đã quen thuộc với phong cách diễn xuất của cô qua bộ phim Sắc giới, vì vậy khi cô đưa hình ảnh một Vương Gia Chi trong Sắc giới khoan dung, kiên nghị vào vai diễn Anna, người xem đánh giá khả năng xử lý nhân vật của Thang Duy không cao, không có gì mới lạ. Ngược lại, đối với Huyn Bin, anh nhận được phản hồi tốt từ phía thị trường Trung Quốc, còn trên sân nhà, anh đối mặt với những nhận xét không mấy khả quan. Họ cho rằng, hai diễn viên vài vai không ăn khớp, không ăn nhập với nhau. Hiện tượng này có thể gói gọn lại trong câu nói của các cụ “bụt chùa nhà không thiêng.”

Việt An