Thị trường điện ảnh Nga: chưa có sự tiến bộ rõ rệt

 

(TGĐA) - Tám
năm gần đây doanh thu của ngành chiếu phim ở Nga cứ tuần tự tăng lên – cũng như
số lượng các rạp chiếu phim. Nhưng khi nói về vấn đề này, các ý kiến của những
người tham gia thị trường vẫn ít lạc
quan. Ngành sản xuất phim ở Nga hiện tại chưa phải là một công việc béo bở.
Nhưng dù sao các nhà sản xuất phim và các nhà đầu tư vẫn nuôi ý định tiếp tục
hoạt động của mình, đồng thời tăng cường quy mô sản xuất.


Cảnh trong phim Kuka

Sự phát triển như vũ bão

Thoạt tiên trong 11 năm qua ở Nga đã hình thành một nền công nghiệp chiếu phim và phát hành phim, đã xuất hiện ngành sản xuất điện ảnh thương mại. Năm 2000 cả nước có 56 rạp chiếu phim hiện đại, năm 1997 – chỉ có 1. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2007, theo số liệu của hãng “Nevafilm Research”, ở nước Nga có 1397 màn ảnh hiện đại đang hoạt động tại 622 rạp chiếu phim. Năm 1996 cả nước có 1 hãng phát hành phim tư nhân – Gemini Film International. Hiện nay trên thị trường có 20 cơ sở phát hành phim, trong đó có đại diện của 6 hãng phim lớn của Hollywood – Disney và Sony Picture, XX Century Fox, Universal Pictures và Paramount, Warner Bros. Theo số liệu của tạp chí “Kinh doanh điện ảnh ngày nay”, năm 2000 doanh thu ở c ác nước SNG (kể cả Ukraina) đạt 34,5 triệu USD, còn năm 2006 – 412 triệu USD. Năm 2000 doanh thu của các bộ phim Nga đạt 1,5 triệu USD, năm 2005 – 94 triệu. Ngành điện ảnh Nga có những thành tựu rõ rệt. Doanh thu của hai bộ phim của Timur Bekmambetov – “Tuần tra đêm” và “Tuần tra ngày” đạt 50,3 triệu USD. Tưởng như sự tiến bộ là hiển nhiên. Nhưng thật kỳ lạ, chính những người tham gia thị trường lại tỏ ra hoài nghi đối với những thành tựu và tương lai sắp tới của nền kinh doanh điện ảnh nước nhà.

Ảo tưởng của nền công nghiệp

Cho đến nay sản xuất phim ở nước Nga chưa trở thành một ngành có lợi nhuận – đó là kết luận được rút ra từ những lời phát biểu của các nhà đầu tư.

“Đó là một nền kinh tế giả tạo”, - chủ tịch “CTC Media” Aleksandr Rodnyansky nói như đinh đóng cột. – Lợi nhuận của nền điện ảnh cực kỳ thấp trong khi nguồn vốn lưu động rất lớn. Không thể so sánh nó với thu nhập của các hãng phát thanh. Ở “CTC Media” lợi nhuận đạt 46%, đối với các nhà sản xuất những con số đó là vô nghĩa”.

“Bản thân tôi không thể trả lời câu hỏi: số tiền chúng tôi đầu tư cho sản xuất biến đi đâu. Quả là không thể nào thu hồi được chúng. Chúng tôi đã thuê các nhà tư vấn tài giỏi, lập ra các kế hoạch kinh doanh sáng suốt, để rồi chúng đổ vỡ ngay vào sáng hôm sau”, - ông Andrey Shtorkh, chủ tích tập đoàn truyền thông “Renova” than phiền như vậy, khi phát biểu tại hội nghị “Công nghiệp điện ảnh “ do báo “Vedomosti” tổ chức. Trong những điều kiện như vậy thật khó phê phán các nhà quản lý về những thành tích yếu kém trong công việc hiện tại của họ, ông nói tiếp. Mới đây “Renova” đã đầu tư gần 8 triệu USD vào sản xuất và quảng cáo bộ phim “1612” của đạo diễn Vladimir Khotinenko.

Thậm chí ông Mikhail Shvytkoy, người lãnh đạo cơ quan văn hoá và điện ảnh Liên bang Nga cũng nhất trí rằng trên thị trường Nga chỉ mới chỉ tạo ra ảo tưởng về sự tồn tại của “nền kinh tế điện ảnh thực sự và nghiêm túc”. Doanh thu lớn không có nghĩa là lợi nhuận lớn, ông giải thích và nói: “Nếu một bộ phim thu về 30 triệu USD, giá thành 45 triệu USD, còn sau đó rạp chiếu phim thu 50%, nhà phân phối thu 10-15%, thì nhà sản xuất chỉ còn lại 35%, như vậy là không kinh tế”, - ông dẫn chứng.

Quá đắt đỏ

Hai năm gần đây giá thành sản xuất một bộ phim tăng lên ba lần, ông Pol Het, tổng giám đốc hãng phim Monumental Pictures, phàn nàn. “Hiện nay quay một bộ phim ở Moskva hay Peterburg cũng tốn ngần ấy tiền, nếu không nói là đắt hơn ở các nước Tây Âu”, - ông nói. “Chúng tôi đã thử làm một phép tính như sau: lấy bộ phim “Sảng khoái bệnh lý” với chi phí sản xuất 780.000 USD, và tính xem hiện nay nó giá bao nhiêu – 2,2 triệu USD, - ông Rodnyansky dẫn chứng. – Và đó là bộ phim mà trong đó không ai xây lâu đài, không ai đua ngựa, và không phải chuẩn bị trang phục”. Theo ông Het, phần lớn chi phí tăng là do phải trả lương cho các thành viên của đội quay và bộ phận phục vụ. Nếu ta lấy bộ phim với ngân sách sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu USD, thì 30 – 35% là tiền lương và tiền diễn xuất, 15-18% là tiền cho hậu kỳ (dựng phim, hiệu chỉnh màu, v.v…), còn lại là các chi phí cho kịch bản – dàn dựng (bối cảnh, đồ gỗ, trang phục, hoá trang, đạo cụ), thiết bị quay, giao thông, khảo sát của đội quay, ông Leonid Vereshchagin, tổng giám đốc hãng “TRITE” của đạo diễn Nikita Mikhalkov, nói.

Còn một vấn đề khác liên quan tới các chi phí sản xuất phim – đó là tiền thuế. “Bộ phim “Peter FM” sản xuất hết 1,1 triệu USD (kể cả tài trợ của cơ quan văn hoá Liên bang Nga) , - ông Igor Tolstunov, tổng giám đốc hãng “Profit”, nói. – Sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận thu về là 3 triệu USD. Theo logic thông thường, cần trả thuế từ 2 triệu USD vì tôi đã chi 1 triệu, và mức thuế phải khác. Thế nhưng ở ta tình hình lại diễn ra như sau: một phần mười ngân sách của bộ phim được trích để nộp thuế chi phí, và bộ phim được trừ khấu hao trong 10 năm. Mỗi năm phải nộp tiền khấu hao 100.000 USD. Kết quả là tôi phải trả thuế không phải từ 2 triệu, mà từ 2,7-2,8 triệu USD”.

Tất nhiên, khi thu nhập vượt quá ngân sách hai hoặc ba lần thì rất tốt. Nhưng ở Nga, ông Tolstunov nhấn mạnh, thường gặp phải một tình huống khác. Giả sử, nhà sản xuất quay một bộ phim hết 100 rúp, còn khi phát hành thu được 130 rúp. Đây là một tình huống bình thường trong kinh doanh - lợi nhuận 30%. Hiển nhiên, cần trả thuế từ 30 rúp. Nhưng không. Người sản xuất sẽ trả thuế từ 120 rúp. Kết quả là anh ta không những không có lợi nhuận mà còn mắc nợ nhà nước. “Thật hết sức phi lý, - ông Tolstunov kết luận. – Tình huống này không tạo điều kiện cho sự phát triển. Kết quả là tôi phải xây dựng kế hoạch kinh doanh bằng cách nào đó để thu được một lợi nhuận khổng lồ nào đấy. Mà trong điện ảnh điều đó không thể thực hiện được”.

Định mức khấu hao được ghi trong Luật thuế có thể làm phá sản bất cứ hãng phim nào mới ra đời, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Fyodor Bondarchuk rút kết luận về những lời than phiền của các nhà sản xuất phim. “Hiện nay cần phải khuyến khích hoạt động kinh doanh, nhưng hệ thống hiện hành chỉ khuyến khích người ta sản xuất ra những thứ không ai cần đến, - ông nói. – Không có lợi nhuận – thì cũng không có thuế”.

Không chỉ nền sản xuất phim trở nên đắt đỏ. Giá thành phát hành phim từ năm 2005 đã tăng lên 4 lần, ông Pol Het nói. “Chúng tôi (những nhà phát hành phim) buộc phải ngày càng đầu tư nhiều cho sự phát hành, kết quả là lợi nhuận kinh doanh của chúng tôi ngày càng tụt hậu nghiêm trọng so với doanh thu”, - ông Mikhael Shlikht, tổng giám đốc hãng “XX Century Fox SNG” giải thích. Ngoài ra, chi phí cho quảng cáo phim cũng tăng lên. Hiện nay giá thành quảng cáo một bộ phim nhiều khi tương đương giá thành sản xuất nó, nhưng số tiền này được chi tiêu không hợp lí – ông Eduard Pichutin, người sáng lập hãng quảng cáo phim đầu tiên nói. Nhà sản xuất Elena Yatsura bổ sung thêm rằng việc quảng cáo các bộ phim của nước Nga còn đắt hơn cả các chiến dịch quảng cáo phim Hollywood được tiến hành ở Nga. “Chất lượng các sản phẩm của Hollywood thì khán giả đã rõ, - giám đốc phát hành của hãng “Karo Premier” Roman Isayev nói. – Các nhà sản xuất phim Nga cần dẫn dụ khán giả đến với điện ảnh”. Theo đánh giá của ông Isayev, trung bình chi phí quảng cáo một bộ phim của Hollywood ở Nga từ 0,5 đến 1 triệu USD. Còn chi phí cho chiến dịch quảng cáo một bộ phim Nga bắt đầu từ 2 triệu USD.

Nói chung, thành công kinh tế của ngành điện ảnh Nga hiện vẫn còn là câu chuyện hoang đường. Mặt khác, các nhà sản xuất đang đuổi theo ảo tưởng này bằng việc sản xuất ra ngày càng nhiều những bộ phim mới, khi họ vẫn chưa bị phá sản. Ông Mikhael Shlikht lưu ý tới những mặt tích cực của quá trình này: trong nền công nghiệp xuất hiện những con bạc nghiêm túc, am hiểu quá trình sản xuất và có tiền.

Cảnh trong phim Inspiring


Không gì hay bằng có tiền

Có lẽ, lĩnh vực duy nhất mà ở đó các nhà điện ảnh không cảm thấy thiếu thốn là đầu tư và vay tiền. Tất nhiên, không ai cho vay một số tiền khổng lồ. Thế nhưng, hiện nay trên thị trường có nhiều nhà doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền sản xuất phim mà không cần một sự bảo hành nào hết, chỉ cần lời nói danh dự, - ông Dmitry Rudovsky, tổng giám đốc hãng Art Pictures nói. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn - “Interros”, AFK “Hệ thống”, “Renova”- đang đầu tư vào sản xuất phim (với những kết quả khác nhau) . Ngoài các nhà đầu tư tư nhân các nhà sản xuất phim hiện nay được tiếp cận với các hình thức tín dụng. Nếu như trước đây việc vay tín dụng để quay phim là hoàn toàn không thể, thì hiện nay một số ngân hàng sẵn sàng cho vay tiền để sản xuất phim. “Chúng tôi bắt đầu cho các nhà sản xuất phim vay tiền vào năm 2003, và từ năm 2003 đến cuối năm 2006 đã cho vay 45 triệu USD để sản xuất phim, - bà Yulya Golygina, phó giám đốc thường trực Ngân hàng Nga, nói. – Năm nay chúng tôi đã xác định tổng mức cho vay là 70 triệu USD”.

Hiện nay vay tiền không khó, cái khó là sau đó thanh toán như thế nào, nhà sản xuất phim Sergey Selyanov kết luận. Nhưng sớm hay muộn các nhà sản xuất phim cũng sẽ phải học cách chịu trách nhiệm về số tiền họ được uỷ thác, ông Michael, giám đốc điều hành hãng phim Anh Spice Factory phát biểu. Hãng của ông vừa thành lập quỹ đầu tư quốc tế Global CineFund, thu hút được 150 triệu USD, trong đó 10% được dự định chi cho việc làm phim ở Nga. “Trong một năm rưỡi sắp tới sẽ ngày càng ít người sẵn sàng mạo hiểm với tiền bạc như vậy”, - ông Cowan quả quyết. Ở nước Nga phải xuất hiện những công cụ tài chính, bảo đảm cho sự mạo hiểm của các nhà đầu tư, ví dụ như cái gọi là completion bond, chủ tịch Pacifica Ventures , ông Aleksandr Shapiro qủa quyết. Completion bond là một dạng giấy bảo hiểm của nhà đầu tư. Văn bản này được cấp bởi ngân hàng, hoặc là một hãng đặc biệt nào đó, bảo đảm cho việc hoàn thành bộ phim đúng lúc, theo thời hạn và theo dự toán đã được nhà đầu tư phê duyệt. Khả năng nhận được completion bond ở Nga không chỉ sẽ giúp đỡ các nhà sản xuất phim mà còn làm cho đất nước trở nên hấp dẫn hơn đối với Hollywood, ông Shapiro quả quyết. Hiện tại chỉ có hãng Film Finance Rus - liên doanh giữa hãng phim Nga Russian World Studios và Film Finances của Mỹ- tuyên bố về các kế hoạch cung cấp loại dịch vụ tương tự.

Câu chuyện phân phối lợi nhuận

Một số người tham gia thị trường điện ảnh Nga đang bàn về sự cần thiết thay đổi chế độ phân phối lợi nhuận chiếu phim hiện hành. Theo số liệu của Aleksandr Semyonov, tổng biên tập tạp chí “Kinh doanh điện ảnh ngày nay”, hiện nay những người tham gia thị trường điện ảnh đang tranh luận các phương án tăng tiền trích cho các nhà phát hành phim Nga tới 70%. Trái lại, các nhà phân phối điện ảnh nghệ thuật lại đề nghị tăng tiền trích cho các rạp chiếu bóng. Tuy nhiên, bản thân ông Semyonov coi các cuộc tranh luận này là vô nghĩa, khi mà tỷ lệ 50/50 hiện nay vẫn làm vừa lòng phần lớn những người tham gia thị trường. Tất nhiên, ông nói, các nhà sản xuất phim Nga muốn tăng tiền trích sao cho có lợi cho mình. Điều này là không thoả đáng, nếu ta lưu ý rằng phần lớn các bộ phim Nga không hoàn được vốn khi phát hành. Nếu như phim bị thất bại, thì đơn giản nhất là rạp chiếu phim không chiếu nó nữa. Tán thành ý kiến của ông Semyonov, giám đốc phát hành phim “Central Partnership Sales House” Andrey Radko cho rằng những ý đồ thay đổi thông lệ hiện nay đang làm mất ổn định thị trường và gây tác hại cho sự phát triển của ngành. “Chúng ta hãy hình dung rằng một số nhà phát hành phim sẽ đặt ra cho các rạp chiếu phim một điều kiện: phí phát hành phải được tăng lên đối với những bộ phim nào đấy. Nhưng các rạp chiếu phim cũng có các đồng minh của mình. Họ sẽ đưa ra yêu sách: đối với những bộ phim không hứa hẹn thu nhập cao thì tỉ lệ phần trăm cần phải được thay đổi có lợi cho các rạp chiếu phim”, - ông Radko giải thích.

Ở Mỹ lợi nhuận giữa các nhà sản xuất phim Hollywood, thông thường cũng là các nhà phân phối các bộ phim của mình, và mạng lưới các rạp chiếu phim được phân chia theo một công thức phức tạp. Trong tuần phát hành phim đầu tiên nhà sản xuất có thể thu đến 90% lợi nhuận, còn đến cuối thời kỳ phát hành, kéo dài 2-3 tháng ở Mỹ, chứ không phải 4-5 tuần như ở Nga, phần lớn nhất thuộc về các nhà phát hành phim. Nếu như tính tổng thu nhập của cả hai bên, thì kết quả là tiền bán vé của bộ phim được chia đều giữa nhà sản xuất và rạp chiếu phim theo tỉ lệ 50/50 hoặc 55/45 nghiêng về phía nhà sản xuất – phân phối.

Quả thật, ông Andrey Shtorkh lại đưa ra những con số khác. Theo tính toán của ông, trung bình các rạp chiếu phim phương Tây nhận được 30-35% thu nhập của bộ phim. Như vậy, các rạp chiếu phim Nga giữ lại cho mình gần 15% thu nhập “thừa”, khoản tiền này theo kinh nghiệm thế giới, lẽ ra phải thuộc về nhà sản xuất và phân phối, - ông Shtorkh nói.

Cảnh trong phim Vice


Truyền hinh vào cuộc

Các nhà sản xuất và phát hành có ý kiến cho rằng tương lai của nền công nghiệp điện ảnh với tư cách một ngành độc lập phụ thuộc vào các kênh truyền hình. Ông Aleksandr Rodnyansky quả quyết điều đó. Các hãng phim lớn của thế giới cùng kiểm soát hơn 80% thị trường điện ảnh, luôn luôn nhận thức rõ ràng về sự cần thiết liên kết theo ngành dọc ở tất cả các giai đoạn sản xuất phim. Những hãng đó được gọi là hãng chính, không phải vì họ sản xuất nhiều phim hơn , mà là vì họ làm chủ mạng lưới phân phối của mình, trong đó có các kênh “không phải rạp chiếu phim” như: vô tuyến truyền hình, internet và điện thoại di động. Nhưng ở Nga hiện nay không có các hãng chính. Các hãng sản xuất phim Nga không thể kỳ vọng vào vai trò này, bởi vì thị phần của mỗi hãng lớn nhất ở đây chiếm không quá 7-8%. Môi trường duy nhất, trong đó các hãng chính của Nga có thể phát triển là vô tuyến truyền hình, - ông Rodnyansky thừa nhận. Ý kiến của ông được củng cố bởi một số luận cứ. Thứ nhất, các hãng truyền hình hiện nay là những đơn vị đặt hàng và tiêu thụ chủ yếu của của điện ảnh Nga. Vào giờ cao điểm của các kênh truyền hình Nga có 90-95% thời lượng phát sóng dành cho các chương trình của Nga, còn phần chương trình nước ngoài thường xuyên bị giảm bớt – nhu cầu của khán giả như vậy. Ở Nga mỗi năm các kênh truyền hình dành hơn 7000 giờ chiếu các bộ phim nhiều tập. Một khối lượng đơn đặt hàng lớn tạo nên nhân tố thứ hai, chứng minh mối liên hệ chặt chẽ của truyền hình Nga và ngành sản xuất phim: tại các kênh truyền hình tập trung đội ngũ những tác giả có trình độ chuyên môn cao. Từ đây xuất hiện nhân tố thứ ba – vô tuyến truyền hình có thể bảo đảm sự thẩm định chất lượng sáng tạo và công nghệ của sản phẩm điện ảnh. Nhân tố thứ tư là các kênh truyền hình có khả năng tài chính lớn. Điều này dễ nhận thấy, khi chúng ta so sánh thu nhập của các rạp chiếu phim ở Nga và thị trường quảng cáo truyền hình: đến năm 2011, theo dự báo của Pricewaterhouse Coopers, bộ phận thứ nhất chiếm 680 triệu USD, còn bộ phận thứ hai – 9 tỉ USD.

Như vậy, các kênh truyền hình sẽ đầu tư sản xuất phim để nhận được bản quyền lâu dài về nội dung, - ông Rodnyansky kết lụân. Có một điểm quan trọng khác: khi đã nắm sản xuất trong tay, các nhà truyền hình được kiểm soát các khoản chi phí. Sự gia tăng của chúng, như đã trình bày ở trên, khiến các nhà đầu tư hết sức lo ngại. Như vậy, nếu như các kênh truyền hình Nga kết hợp một cách ổn định trong các dự án điện ảnh của mình sự an toàn kinh doanh mang tính chiến lược và sự kiểm soát các khoản chi phí, thì họ có cơ hội hình thành nên một đội ngũ các hãng phim chính của nước nhà.

Con đường điện ảnh tác giả

Thị trường tiềm năng của điện ảnh Nga hết sưc to lớn: trên thế giới có 250 triệu khán giả nói tiếng Nga, trong đó ở Nga – 140 triệu. Nhưng các bộ phim Nga hiện tại vẫn chưa có thể khoe khoang về những khoản thu nhập lớn ở nước ngoài.

Sự thiếu vắng tiềm năng xuất khẩu là điểm yếu của nhiều bộ phim châu Âu, ông Claude-Eric Poiroux tổng giám đốc hiệp hội điện ảnh Europa Cinemas thừa nhận. Điện ảnh dân tộc châu Âu chiếm một thị phần lớn trong tất cả các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Thu nhập của các phim Pháp đôi khi vượt quá tiền bán vé của các phim Hollywood, nhưng ngoài biên giới nước Pháp chúng chưa bộc lộ những thành công đó. Trong số 800-850 bộ phim được sản xuất ở EC mỗi năm chưa đầy 150 phim vượt qua biên giới tổ quốc mình. Gây trở ngại cho kết quả phát hành phim nước ngoài là những đặc điểm tâm lý của cư dân các nước khác nhau và sự thiếu vắng dàn ngôi sao điện ảnh của toàn châu Âu, ông Poirouxnói. Lịch sử xuất khẩu phim thành công nhất thuộc về điện ảnh tác giả, phần lớn là nhờ các cuộc liên hoan phim quốc tế, bảo đảm cho các bộ phim đó một sự nổi tiếng rộng rãi, ông nhận xét.

Điều này cũng hoàn toàn có liên quan tới các bộ phim Nga, ông Joel Chapron, phó chủ tịch hiệp hội UNIFRANCE, chuyên quảng cáo phim Pháp ở nước ngoài, nói tiếp. Trong 40 năm gần đây ở châu Âu, điện ảnh Nga tạo nên hình ảnh điện ảnh tác giả. Ở đây người ta xem phim của Tarkovsky và Paradzhanov, còn các bộ phim khác không ra khỏi Liên Xô. Các nhà phát hành châu Âu nghiên cứu rất kỹ những người hâm mộ nghệ thuật đỉnh cao, vì vậy hiện nay họ hào hứng nhận phát hành hạn chế những bộ phim tác giả hơn cả nền điện ảnh lớn của Nga. “Việc phát hành phim của Sokurov ở châu Âu dễ hơn ngàn lần so với “Đại đội 9”, - ông Poiroux quả quyết. Các nhà phát hành và các nhà phân phối phim phương Tây ngại bỏ ra nhiều tiền cho các chiến dịch quảng cáo các bộ phim hoành tráng của Nga, bởi vì họ không biết ai sẽ đến xem loại phim đó. Phụ trách việc phát hành phim “Tuần tra đêm” ở châu Âu, hãng Fox đã tiến hành một chiến dịch quảng cáo rầm rộ và đã nhân bản một số lượng lớn (chỉ riêng ở Pháp đã có 130 bản), nhưng thu nhập chỉ đạt mức trung bình.

Năm 2008 điện ảnh Nga nhận được một cơ hội mới: đầu năm trên màn ảnh các rạp chiếu phim châu Âu sẽ xuất hiện cùng lúc 5 bộ phim Nga. Đó là “Hải đảo” của Pavel Lugin, “Tuần tra ngày”, bộ phim về Litvinenko, “Người Mông Cổ” của Sergey Bodrov và “Phát vãng” của Zvyagintsev. “Chúng tôi trông cậy vào phim “Người Mông Cổ” do một hãng phim lớn của Pháp đưa vào phát hành, và hy vọng rằng, nếu có một chiến dịch quảng cáo tốt thực sự , bộ phim này sẽ làm thay đổi hình ảnh của điện ảnh Nga”, - ông Shapron kết luận.

Và điều đó có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của nhà nước, - ông Chapron bổ sung. Nhà nước phải đầu tư cho việc quảng cáo nền điện ảnh dân tộc ở nước ngoài, bởi vì các nhà phát hành phim nước ngoài không đảm bảo mức độ nổi tiếng cần thiết của bộ phim. Chỉ có nhà nước mới có khả năng bảo đảm mức độ quảng cáo và phân phối đối với bộ phim hài “Taxi-4” và bộ phim của Godar, - ông Chapron kết luận.

Cảnh trong phim Two in one


Vấn đề cũ

Những người tham gia thị trường điện ảnh Nga nói về vấn đề đạo phim với giọng mệt mỏi: người ta đã làm nhiều việc để trừ diệt nó, nhưng các biện pháp đã thực hiện tỏ ra không mấy hiệu quả - quy mô của hiện tượng quá lớn. “Ở châu Âu và Mỹ, đương nhiên cũng có vấn đề đạo phim, nhưng không đến mức độ như ở Nga”, - ông Pol Het nhận xét. Một bộ phim xuất hiện trên màn ảnh châu Âu hoặc Mỹ tiền bán vé thu về 20%-25% tổng thu nhập. Còn lại 75% , đôi khi là 85% thu nhập, lấy từ các nguồn bổ sung: truyền hình phải trả tiền, rạp chiếu phim gia đình… Ở Nga thì ngược lại: nhà sản xuất nhận được từ 75 đến 80% thu nhập nhờ bán vé. Điều đó có nghĩa là với quy mô đạo phim đang tồn tại trên thị trường hiện nay khả năng thất bại tài chính đối với nhà sản xuất phim ở Nga cao hơn nhiều so với ở các nước khác, - ông Het giải thích.

Đạo phim không chỉ đánh vào túi tiền của những người tham gia thị trường điện ảnh mà còn cả túi tiền của Nhà nước trong một chừng mực rất đáng kể, - ông Mikhael Shlikht nhấn mạnh. Chính quyền đã làm nhiều việc để trừ diệt tai họa này. Số lượng đĩa DVD hợp pháp đã bán được trong hai-ba năm gần đây tăng lên gấp hai lần: nếu như năm 2005 bán được 22 triệu đĩa, thì năm 2006 – đã bán được 44 triệu đĩa, còn năm nay số đĩa bán ra dự báo ở mức 76 triệu. Chỉ tiếc rằng cái xu thế tích cực này hiện vẫn chỉ là giọt nước trong đại dương, - ông Shlikht than thở.

Mặc dù có những khó khăn nêu trên, tại hội nghị “Nền công nghiệp điện ảnh”, những người tham gia thị trường điện ảnh đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục tăng cường sản xuất và phát hành phim ở nước Nga. Lý giải quan điểm chiến lược của các nhà đầu tư, ông Andrey Shtorkh đã so sánh sự phát triển của thị trường điện ảnh Nga với sự phát triển của thị trường bảo hiểm mà mấy năm trước còn hết sức lạc hậu, nhưng khi xuất hiện các nhà đầu tư lớn, thị trường này đã nhanh chóng khởi sắc và hiện nay đang gặt hái nhiều kết quả. Theo ông Shtorkh, sự xuất hiện các doanh nghiệp lớn trong điện ảnh có thể đóng một vai trò xây dựng quan trọng và đưa ngành kinh doanh điện ảnh tiến lên một trình độ mới.

Trần Hậu (dịch từ Vedomosti)