The Hundred-Foot Journey: Hành trình tới Oscar 2015

(TGĐA) - Lấy bối cảnh nước Pháp, nhưng có thể xảy ra ở bất cứ vùng đất kỳ diệu nào trên thế giới nơi mà kẻ thù trở thành bạn bè tốt nhất và “một con chuột chù già” cáu bẳn hóa ra lại sở hữu một trái tim vàng, The Hundred-Foot Journey dựa theo cuốn tiểu thuyết của Morais, vốn được tờ New York Times mô tả là một phiên bản của Slumdog Millionaire và Ratatouille . Đạo diễn Hallstrom đã tạo nên bộ phim “có trái tim Hollywood” và đưa người xem vào một thế giới không thể cưỡng lại bởi sự tinh tế ẩm thực và những hình ảnh màn đêm tuyệt đẹp của Paris, nơi Hassan (Manish Dayal) – nhân vật chính của phim đến để tìm kiếm vận mệnh của mình.

100FootJourney53cea5c28a3d7-1

The Hundred-Foot Journey là câu chuyện về Hassan Kadam, người đàn ông ngay ở tuổi thiếu niên đã sớm phát hiện ra mình có năng khiếu đặc biệt về vị giác và niềm đam mê nấu ăn. Sau một chuyến du lịch dài ngày ở châu Âu, gia đình Hassan trở về nhà ở Ân Độ và chứng kiến nhà hàng yêu quý của họ đã bị đốt cháy trong một cuộc bạo loạn. Để tránh phải mất mạng vô ích bởi cuộc chiến ngu ngốc, gia đình Hassan đã chạy trốn khỏi đất nước của mình. Họ quay trở lại châu Âu. Khi hệ thống phanh xe của họ bị trục trặc trên một khúc cua lưng chừng đồi ở vùng nông thôn nước Pháp, Papa (Om Puri) của gia đình Hassan khẳng định đó là một dấu hiệu từ người vợ quá cố của mình. Ông quyết định chọn nơi đây làm điểm dừng chân và mở một quán ăn mới nằm trong thị trấn duyên dáng ở dưới chân đồi. Họ mua một ngôi nhà cũ, sửa chữa lại và khởi động công việc kinh doanh của gia đình mà không quan tâm đến một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất trong tất cả các nhà hàng của Pháp tọa lạc ngay trên con phố chỉ cách đó 100 bước chân. Gia đình Hassan cũng không bận tâm đến việc những người dân ở đây không hề biết gì về các món ăn Ấn Độ. Tuy vậy, Papa vẫn có niềm tin mãnh liệt vào các món ăn truyền thống của mình cũng như vào con trai ông – Hassan – một đầu bếp trẻ, tài hoa.

The-Hundred-Foot-Journey-Movie-Wallpapers

Trước sự xuất hiện của gia đình Ấn Độ, bà chủ hàng Pháp nổi tiếng cách đó 100 bước chân là Madame Mallory (Helen Mirren đóng) dĩ nhiên là không hài lòng. Đôi bên âm thầm bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhưng theo thời gian mối quan hệ lạnh lẽo của hai gia đình bắt đầu nóng dần. Đặc biệt là khi bà Mallory đích thân đến nhà hàng Ấn để công nhận tài năng của đầu bếp Hassan với ẩm thực Ấn Độ và Pháp. Rằng anh xứng đáng để trở thành một đầu bếp tuyệt vời.

the-hundred-foot-journey-new-trailer-poster-a-L-rIegeM_3

The Hundred-Foot Journey do Steven Knight chuyển thể kịch bản, đặc biệt phim được điều hành bởi hai nhà sản xuất là hai tên tuổi lớn của ngành giải trí Mỹ: Steven Spielberg và Oprah Winfrey. Không giống như các bộ phim đề cập đến hiện thực xã hội kinh dị gai góc mà Knight đã viết trong quá khứ như Pretty Things Dirty hay Eastern PromisesThe Hundred-Foot Journey đã được gia giảm để trở thành một tác phẩm “phổ thông” đậm màu sắc Hollywood nhưng không kém phần sâu sắc, cảm động. Câu chuyện và các tình tiết trong phim đã dung hòa được yếu tố kịch tính, hài hước khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến căng thẳng sắc tộc, di dân, sự khác biệt về văn hóa vốn là rất phổ biến ở châu Âu hiện nay.

hundredfoot_journey_xxlg

Nhìn chung, The Hundred-Foot Journey có xu hướng dễ đoán cái kết cũng như thiết lập diễn tiến câu chuyện khá dễ hiểu nên nó trở thành bộ phim thích hợp cho mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là phần hình ảnh của phim. Thành công này có đóng góp không nhỏ của đạo diễn Lasse Hallström và giám đốc hình ảnh Linus Sandgren. Phim là tổng hòa của những bức tranh tuyệt đẹp được vẽ bằng ánh sáng mặt trời tại một vùng nông thôn Saint-Antonin-Noble-Val tuyệt đẹp của nước Pháp. Ngoài ra, nhà quay phim cũng táo bạo sử dụng thủ pháp làm cũ hình ảnh giữa các cảnh nhằm làm thỏa mãn thị giác người xem. Tuy nhiên, điều đáng tiếu là yếu tố kỹ thuật đó lại không liên quan đến bất kỳ ý nghĩa sâu xa nào của câu chuyện khiến cho The Hundred-Foot Journey giống như một tấm bưu thiếp đẹp hơn là một bức tranh có hồn.

The Hundred-Foot Journey là một câu chuyện mà ở đó sự khác biệt về văn hóa không chỉ phương thức để con người tìm hiểu để cùng tồn tại, mà còn là công cụ để hòa giải giữa họ.


Thùy Linh