SX phim thế giới: Những "chân kiềng" quyền lực

Hollywood và “chiếc kiềng quyền lực”

Những đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, diễn viên Củng Lợi… được coi là “tài sản quốc gia”, có vị trí vững chắc trong chiếc kiềng quyền lực, được đối trọng bởi lợi ích quốc gia.


Mô hình “kiềng ba chân” ở các nền điện ảnh phát triển thì quá rõ. Những nơi như Hollywood, khái niệm “quyền lực” được thể hiện rõ nét và sâu sắc nhất. Cả thế giới được biết đến những cái tên như Clint Eastwood, Oliver Stone, Steven Spielberg, James Cameron hay Brad Pitt, Tom Cruice, Nicole Kidman, Tom Hank…

Khi dự án được triển khai bởi những nhân vật “quyền lực”, mọi việc sẽ đơn giản hơn, thành bại được quyết định bởi một vài người cụ thể. Nhưng nhân vật quyền lực là ai? Là những người mà số phận và sự nghiệp của họ được trả giá bởi tác phẩm.

Tác phẩm thành công, uy tín của những người làm ra chúng lên như diều, trở thành những cái tên được săn đón, đương nhiên họ đang trên đường đi đến “quyền lực”. Từ bước này sang bước khác, thành công này tạo đà cho thành công kia, họ trở thành những nhân vật thượng tôn. Mọi ý tưởng, lời nói đều là quyết định.

6.jpg
Titanic - Bộ phim được đánh giá là thành công nhất mọi thời đại với 11 giải Oscar và doanh thu 1,8 tỷ USD.

Đạo diễn nổi tiếng James Cameron là một ví dụ: Ông bắt đầu sự nghiệp bằng phim nhỏ có kinh phí thấp Battle Beyond the Star, Piranha II: The Spawning. Năm 1984, ông viết kịch bản và đạo diễn cho phim hành động khoa học giả tưởng Terminator I, bộ phim làm nên tên tuổi của diễn viên Arnold Schwarzenegger. Tiếp sau đó là một loạt các phim khoa học giả tưởng ăn khách khác: Alien, Terminator 2, Judgment Day, True Lies (Kinh phí 100 triệu USD)…

Những thành công này là bảo chứng để James thuyết phục được Hãng 20th Century Fox đầu tư dự án dựng lại câu chuyện bi thảm về con tàu Titanic huyền thoại. Bộ phim được đánh giá là thành công nhất mọi thời đại với 11 giải Oscar và doanh thu 1,8 tỷ USD.

Với bối cảnh hoành tráng, đòi hỏi công việc khắt khe, và những yêu cầu chưa từng có trong lịch sử điện ảnh, James được gọi là Jim “sắt” về sự khó tính, nhưng mọi yêu cầu của ông đều được thỏa mãn. 20th Century Fox choáng váng vì khoản ngân sách đội dần lên gấp đôi số ban đầu (gần 200 triệu USD) vào thời điểm 1997, kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Hollywood.

Làm việc dưới quyền lực tối thượng của Jim “sắt”, cả nhà sản xuất và mọi thành phần đều chịu sự đòi hỏi khắc nghiệt. Diễn viên Kate Winslet tuyên bố cô “có thể không làm bao giờ làm việc tiếp với James nữa, trừ khi với con số rất lớn”. Thế nhưng có kết quả mỹ mãn như Titanic thì việc “phụng sự” James là hoàn toàn xứng đáng.

7.jpg
Phim Cướp biển vùng Caribbean

Hollywood cũng có những nhà sản xuất quyền lực được coi là các “bố già” trong ngành điện ảnh Mỹ như Jerry Bruckheimer (NSX của các phim “bom tấn” như Cướp biển vùng Caribbean, Trân Châu cảng, Beverley Hills Cop, The Rock, Enemy of the State, Armageddon) có quyền chọn lựa, thay đổi mọi thành phần đoàn phim, kể cả đạo diễn.

Nhà sản xuất quyền lực còn có cả những cái tên như đạo diễn Steven Spielberg, diễn viên Tom Hanks, Tom Cruise, và rapper Eminem.

Thành công và sức ảnh hưởng kỳ diệu của loạt truyện Harry Potter cũng biến tác giả JK Rowling thành nhân vật tối thượng trong làng điện ảnh. Bà được quyền chi phối mọi khâu sản xuất series phim này của hãng Warner Bros, từ việc chọn đạo diễn, diễn viên đến ý đồ sản xuất, quảng bá hình ảnh…

Hollywood cũng quá quen với những đòi hỏi “trên trời dưới biển” của các ngôi sao diễn viên thượng thặng. Họ là ông hoàng bà chúa, NSX và mọi thành phần chỉ nhất nhất thỏa mãn yêu cầu, đôi khi cả việc mời hay không mời ai đó đóng cùng họ. Những cái tên như Jonny Deep, Brad Pitt, Angelina, Will Smith… là sự đảm bảo doanh số của bộ phim. Họ hiển nhiên là những nhân vật quyền lực.

Kẻ mạnh là người thắng, điều đó chẳng có gì bàn cãi, và kẻ mạnh không đứng cạnh người yếu. Đạo diễn giỏi chỉ làm việc với NSX uy tín, và đối tác của họ chỉ có thể là những cây viết hàng đầu.

Chiếc kiềng đẳng cấp không thể có chân khấp khểng. Mọi sự thất bại sẽ bị trả giá bằng chính quyền năng của họ.

Làm vì mình hay làm vì “người khác”?

Trở lại điện ảnh Việt Nam, ai là nhân vật quyền lực? Không có!

Điện ảnh Việt Nam không có “chiếc kiềng quyền lực” mà là “chiếc kiềng quan hệ”. Người ta không làm việc vì uy tín, vì trách nhiệm của mình mà vì những sự ràng buộc với người khác.

Sẽ dễ dàng nhận ra ông giám đốc hãng phim A đưa vào sản xuất phim từ kịch bản của ông C vì ông C là thành viên hội đồng thẩm định. Hoặc dự án X được giao cho đạo diễn M vì M thân với ông XYZ… vẫn được biết đến qua thuật ngữ quen thuộc “cơ chế xin – cho”.

Khi đã xin – cho thì cũng đừng nói quyền lợi và trách nhiệm. Ông giám đốc không chọn kịch bản vì chất lượng, không săn đón tác giả vì ông ta có ý tưởng hay, có thể mang lại tầm vóc cho hãng phim – là trách nhiệm của giám đốc hãng - mà ông đang “ban ơn” cho nhà biên kịch. Mà đã “ban ơn” thì đừng đòi hỏi, đừng mong quyền lợi với hợp đồng nọ kia, kịch bản được dùng cho là tốt lắm rồi, thắc mắc nhiều lần sau nghỉ khỏe.

8.jpg
Cảnh trong phim Em muốn làm người nổi tiếng.

Đạo diễn cũng vậy, được giao làm phim là vinh dự, phải “biết điều”, phải “có ý” để các bậc đàn anh chia sẻ, lần sau anh còn chiếu cố, và để còn dò ý các sếp trên muốn làm thế nào. Sản phẩm không được đảm bảo bằng uy tín những người làm ra chúng, mà đảm bảo bằng sự “lâu dài” của những mối quan hệ.

Mà uy tín làm gì? Lần này có cố sức làm tốt, nhưng lần sau vẫn chưa chắc đến lượt. NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát than thở, Hodafilm của chị đã làm hai dự án Đặng Thùy Trâm và Em muốn làm người nổi tiếng. Gần đây kịch bản mới nhất của chị, Hoa đào ơi hoa đào, được duyệt đưa vào sản xuất, nhưng lại được giao cho hãng khác vì “sợ hãng khác không có việc”. Hoặc có đạo diễn vừa làm ra những sản phẩm dở tệ, chẳng có giá trị gì ngoài việc thâm hụt ngân sách, nhưng ngay sau đó vẫn được giao dự án khác.

Vậy thì khái niệm uy tín làm gì tồn tại? Ai cần cố sức làm việc vì uy tín, bởi uy tín không đi đôi với quyền lực, cao – thấp chia đều, cần gì nỗ lực?

Khái niệm quyền lực có chăng (vẫn) chỉ tồn tại ở vài hãng phim tư nhân, nhưng quyền lực này chỉ chi phối ở một phạm vi nhất định. Họ có thể làm chủ khâu sản xuất, nhưng mọi sự kiểm duyệt, điều phối, phát hành, bảo hộ vẫn dưới cơ chế chung. Quyền lực của họ được quyết định và tồn tại ở một thị trường nhỏ, khi đề cập cái gì hơn thế như “quốc gia” “khu vực”, họ vẫn cần nhiều điều kiện nữa.

Điện ảnh Trung Quốc: kinh nghiệm cho Việt Nam?

Quốc gia láng giềng có cơ chế xã hội, văn hóa gần giống với Việt Nam đang trên đường phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trong đó có điện ảnh.

Khoảng 20 năm trở lại đây, với sự bứt phá của thế hệ đạo diễn thứ 6, điện ảnh TQ gặt hái nhiều thành tựu to lớn. Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… TQ đang vươn lên hình thành tam giác Âu – Mỹ - Á trên bản đồ điện ảnh quốc tế. Trong đó, Trung – Hàn đang được đánh giá ngang tầm điện ảnh Mỹ, Nga, Pháp.

Giống như Việt Nam, Trung Quốc ảnh hưởng chủ yếu của điện ảnh Nga, những người làm điện ảnh TQ cũng được gửi sang đào tạo ở quốc gia này.

Nhưng khi Học viện điện ảnh Bắc Kinh được thành lập, TQ bắt đầu hình thành được dòng phim riêng của mình, dựa trên nền văn hóa – lịch sử độc đáo lâu đời của họ.

9.jpg
Cảnh phim Bá Vương biệt cơ của đạo diễn Trần Khải Ca

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam đang ở thời kỳ giống như những năm 1980 của Trung Quốc, nghĩa là giai đoạn ngành điện ảnh tái hưng thịnh sau Cách mạng văn hóa. Công nghiệp điện ảnh Trung Quốc gặp khó khăn trước sự cạnh tranh từ các loại hình giải trí khác trong khi những bộ phim có tính giải trí như kinh dị, bạo lực… lại rất khó vượt qua được sự kiểm duyệt.

Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Trương Quân Chiêu, Điền Tráng Tráng là thế hệ đạo diễn đầu tiên ra đời sau Cách mạng văn hóa, khi đó ngành điện ảnh TQ vẫn nặng thiên hướng tuyên truyền và cũng sống hoàn toàn bằng tài trợ nhà nước.

Những đạo diễn này hiểu rằng Nhà nước – Nhà đầu tư thực sự muốn gì, và họ đã cho ra những tác phẩm thỏa mãn hai tiêu chí: bản sắc văn hóa và đột phá nghệ thuật. Trong đó phải kể đến những Cao lương đỏ, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu và Bá Vương biệt cơ của Trần Khải Ca. Những bộ phim làm mưa gió tại các kỳ liên hoan phim quốc tế uy tín và mở toang cánh cửa điện ảnh Trung Quốc với thế giới.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng, những bộ phim mang bản sắc văn hóa Trung đi khắp thế giới, hình ảnh các người đẹp Trung mặc sườn xám sải bước trên thảm đỏ quốc tế là sự quảng bá tuyệt vời nhất cho đất nước họ.

Một loạt chính sách hỗ trợ điện ảnh, các trường quay, cơ sở vật chất, con người được đầu tư. Những đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, diễn viên Củng Lợi… được coi là “tài sản quốc gia”, có vị trí vững chắc trong chiếc kiềng quyền lực, được đối trọng bởi lợi ích quốc gia.

Việt Nam đang đứng trước những cân nhắc, đổi mới to lớn những hãng phim nhà nước. Trong chiếc kiềng sản xuất phim của ta, có chân nào dành cho mục đích to lớn này?

Theo VietNamNet