Sự hồi sinh của hình tượng nhà tình báo trong điện ảnh Nga hiện nay

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhân vật điện ảnh hoặc là bọn bịp bợm, trộm cướp, hoặc là các chiến sĩ công an và nhân viên điều tra. Chỉ riêng về nhân vật chiến sĩ công an đã có một vài trăm tập phim (“Đường phố những ngọn đèn vỡ”), “Ký sự lò sát sinh”, “Phân xưởng đúc, 4”…). Thực ra, ngay cả hiện nay nhân vật công an và bọn cướp vẫn dễ đứng đầu bảng xếp hạng trên truyền hình Nga.

(TGĐA) - Khi ngành công nghiệp điện ảnh Nga được giải phóng khỏi các hội đồng nghệ thuật và đơn đặt hàng quốc gia, đã xuất hiện “các nhân vật chắc ăn”.


Mặc dù vậy, điện ảnh Nga hiện nay đang tìm kiếm một cách tích cực kiểu nhân vật có sức hấp dẫn chung đối với tất cả mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Đã xuất hiện những bộ phim về bác sĩ phụ khoa, về chuyên gia hình sự, về linh mục ở nông thôn, về nhà báo, luật sư, sĩ quan…Và khán giả rất vui lòng xem tất cả những bộ phim đó, thế nhưng các nhân vật vẫn không nhận được một tình yêu chung của mọi người. Những bộ phim truyền hình dài tập về cuộc sống của giới văn phòng cũng thu được thành công đặc biệt – tuy nhiên thành công đó không gắn liền với nghề nghiệp của nhân vật.

Gần đây khán giả Nga đã được xem cùng lúc một số bộ phim tình báo tuyệt vời – “ Sứ đồ”, “Cái chết cho bọn gián điệp”, “Biệt kích”. Có thể bổ sung vào danh sách này bộ phim tình báo nhiều tập “Sự huỷ diệt”. Theo một số kết quả điều tra xã hội học mới nhất, nhân vật nhà tình báo lại chiếm được cảm tình lớn của đông đảo khán giả Nga hiện nay. Các chiến sĩ trên mặt trận vô hình dễ dàng “qua mặt” những nhân vật ướt át, uỷ mị và các đại diện của những nghề khác. Vậy, đâu là bí quyết thành công?


So sánh những bộ phim truyền hình dài tập nổi tiếng nhất hiện nay, có thể rút ra một công thức thành công nào đó.

Vào đầu những năm 90, tưởng như đề tài cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã được khai thác cạn kiệt. Đã có hàng chục bộ phim lớn, hàng trăm cuốn sách, hàng ngàn bài hát về đề tài này. Hơn nữa, vì sự xuất hiện mạnh mẽ của dòng phim công an săn bắt cướp nên cũng không ai nhắc tới đề tài chiến tranh.

Nhưng vào đầu thiên niên kỷ mới, hoá ra tính chất anh hùng của cuộc chiến tranh vĩ đại vẫn được ưa chuộng và xếp hàng đầu tiên. Tại sao lại như vậy? Rõ ràng, quả là không một đề tài nào khác động chạm đến nhiều người như đề tài chiến tranh. Có lẽ, đây là đề tài duy nhất vẫn như xưa liên kết toàn xã hội. Như vậy, yếu tố thứ nhất là vấn đề thời đại.

Yếu tố thứ hai là sức cảm hoá của nhân vật nhà tình báo trong các bộ phim trước đây. Đầu tiên là hình tượng Shtirlits-một chiến sĩ tình báo mạnh mẽ, thông minh và thành đạt. Tuy nhiên hình tượng này đã trải qua những bước thăng trầm nhất định. Ban đầu thuần tuý là nhân vật-kẻ chiến thắng, gần như là vị thánh. Sau đó nhiều năm liền là nhân vật của những chuyện hài hước. Và hiện nay trở lại là người anh hùng.

Tuy nhiên, khác với các nhà tình báo Liên Xô, các nhân vật nhà tình báo mới không phải bao giờ cũng tin tưởng rằng Tổ quốc bảo vệ họ. Trong “Sứ đồ” Evgeny Mironov là con tin của tình thế. Gia đình anh bị chế nhạo. Trong “Sự huỷ diệt” nhân vật của Vladimir Mashkov, David Gotsman buộc phải đấu tranh với kẻ thù lẫn chính quyền Xôviết…

Thật kỳ quặc là hiện nay phải nhắc lại điều này, nhưng trước Vyacheslav Tikhonov và nhân vật Shtirlits của ông, nhà tình báo Liên Xô chính, biểu tượng và thần tượng là Pavel Kadochnikov trong phim “Chiến công nhà tình báo”. Trong phim này bọn Đức phát xít được mô tả như những kẻ ngớ ngẩn thực sự, khiến cho Kadochnikov dễ đánh lừa chúng. Nhưng quả thật, không vì thế mà bộ phim trở nên ít được yêu mến hơn.

Trong khi đó tất cả những bộ phim tình báo về sau đều xây dựng hình tượng kẻ thù thông minh và mạnh mẽ, và để chiến đấu với kẻ thù như vậy đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải thông minh và mạnh mẽ hơn.

Vào cuối những năm 60 đã xuất hiện cùng lúc 5 bộ phim về các chiến sĩ tình báo đã trở thành kiệt tác trong nền điện ảnh Nga: “Thanh kiếm và lá chắn”, “Chiến dịch “Trest”, “Mùa chết”, “Đường tới “Sao Thổ” và “Sai lầm của Tổng thống”.Trong suốt 40 năm, nghĩa là cho tới năm 2008, ở Nga chưa có một mùa phim tình báo nào bội thu như vậy! Rất có thể tinh thần phản gián tích cực đó liên quan tới sự bùng phát những tình cảm ái quốc trong xã hội lúc bấy giờ. Cuối những năm 60 đó là những đại công trường thanh niên, là sự vượt trội của Nga trong thể thao, đó là chiến thắng liên tục trong không gian vũ trụ. Và đã xuất hiện những kẻ thù. Vì thế phải có những siêu anh hùng chiến đấu chống lại chúng…

Thật khó coi nhẹ ảnh hưởng của những bộ phim này đối với nhiều thế hệ. Rất có thể chúng đã trở thành cơ sở của tự ý thức xã hội. Phải chăng vì thế mà khi trả lời câu hỏi của Donatas Banionis: có phải ngài đã chọn nghề tình báo sau khi xem phim “Mùa chết” không, Thủ tướng Nga đã trả lời đồng ý.

Nhưng bộ phim của tất cả mọi thời đại và mọi dân tộc, tất nhiên là “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”. Cho đến tận bây giờ chưa một tác phẩm điện ảnh nào có thể vượt qua thành công của nó.

Trần Thanh Hằng

(Theo báo Nga)

Ảnh: Các cảnh trong phim Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt