Spirit’s Homecoming: Chuyện bi thương bây giờ mới kể

(TGĐA) - “Họ hỏi tôi tại sao lại muốn xát muối vào vết thương cũ? Họ không muốn nhìn thấy quá khứ bởi nó giống như một sự xấu hổ”. Đó là những lời tâm sự đầy chất chứa của đạo diễn Cho Jung Rae sau 14 năm ròng rã không mỏi mệt để tìm đường “cứu” đứa con tinh thần của mình. 14 năm vì một tác phẩm điện ảnh nhạy cảm và đầy đau đớn đã được đền đáp bằng những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên má của những khán giả đến rạp chiếu phim và cái cúi đầu xin lỗi của thủ tướng Nhật Bản sau khi trận chiến đã khép lại từ rất lâu.

spiritsawakening trailer1

14 năm loay hoay tìm đường

Đạo diễn Cho Jung Rae cho biết, ông làm bộ phim này sau khi nhìn thấy bức họa kinh hoàng về phụ nữ mua vui cho lính Nhật vào năm 2002. Nằm trong cuốn hồi ký Virgins being burnt alive của một người phụ nữ 87 tuổi, bức họa miêu tả cảnh cô gái trẻ đau ốm bị thiêu sống trong doanh trại quân đội Nhật ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc). Bức họa này chính là khởi nguồn để ông đi tìm gặp 50 người phụ nữ may mắn sống sót cuối cùng trong số hơn 200.000 ngàn phụ nữ trẻ Hàn Quốc đã bị chết sau chuỗi ngày dài đau khổ bị đày ải làm “thú tiêu khiển” cho quân đội Nhật trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Và để có thể hoàn thành bộ phim đạo diễn đã phải trải qua một hành trình vô cùng gian nan, thậm chí có lúc “chính tôi cũng muốn từ bỏ vì cảm thấy bế tắc” – Cho Jung Rae kể lại.

20160301033423 828934 2784 1856

Ông bắt đầu từ việc viết kịch bản phim và đào bới các tư liệu về thời kỳ đen tối đó. Tuy nhiên, khó khăn chồng chất khó khăn, rất nhiều người đã ngăn cản ông và một số khác lại muốn ông hãy dừng lại ý tưởng có vẻ hơi điên rồ của mình. Một số thì tỏ ra e ngại về khả năng thành công của bộ phim và luôn luôn đặt ra các tình huống hoài nghi khiến ông mệt mỏi. Một số diễn viên ban đầu nhận lời tham gia bộ phim nhưng sau đó họ bị chính các công ty quản lý khuyến cáo và ngăn cản với lý do đây là bộ phim có chủ đề quá nhạy cảm và có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển sự nghiệp trong tương lai của họ ở Nhật Bản. Bên cạnh đó vấn đề chi phí sản xuất của bộ phim cũng khiến đạo diễn và êkip làm phim vô cùng hoang mang khi ngân sách cũng như các nhà tài trợ gần như đều lắc đầu chào thua dự án vừa khó thành công, mang tính may rủi nhiều và rất nhạy cảm này.

spirits homecoming still 2 credit waw pictures res

Và những điều kỳ diệu sau 14 năm

Năm 2012, sau khi vấn đề “phụ nữ mua vui” trong chiến tranh được chính thức đưa ra công luận, tất cả dư luận và công chúng Hàn Quốc đã có một cái nhìn rất nhân ái và thương cảm về số phận của những người phụ nữ tuổi đời còn rất trẻ bị làm nhục trong chiến tranh. Chính từ đây, hơn 73.000 phụ nữ đã chung tay đóng góp tiền cho bộ phim và giải quyết được hơn một nửa kinh phí đầu tư sản xuất. Từ hành động này, sức lan tỏa của dự án còn truyền lửa sang cả những diễn viên tham gia trong đoàn làm phim. Toàn bộ êkip diễn viên chính – phụ đều đồng ý không nhận catse. "Ai cũng cảm thấy có lỗi với những người đã phải làm nô lệ tình dục trong chiến tranh. Là phụ nữ, tôi cho rằng đây là câu chuyện cần phải được kể lại" - nữ diễn viên kỳ cựu Son Sook (70 tuổi) nhận xét.

38f864b7kys0bqk7m3m0

Hơn nữa, vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục và giết chết trong chiến tranh đã khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng suốt thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ Spirit’s Homecoming, hai nước đã đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Nhật Bản sẽ lên tiếng xin lỗi và cung cấp khoản hỗ trợ một tỷ yên (8,5 triệu USD) cho 50 nạn nhân may mắn còn sống sót.

sj3P4zlgpz7WLu0puLb0PgooQx6

Điều kỳ diệu tiếp theo đó là Spirit’s Homecoming từ ngày khởi chiếu 24/2 cho tới nay đã liên tục nằm trong top những bộ phim ăn khách nhất của Hàn Quốc. Và sau hơn một tháng chính thức công chiếu, bộ phim đã thu được 6,5 triệu USD, vượt qua sự kỳ vọng ban đầu của đạo diễn.

fullsizephoto687664

Spirits' Homecoming được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về một người phụ nữ Hàn từng bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản - hay còn được gọi với cái tên "phụ nữ mua vui” - trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cô bé 14 tuổi Jung Min (Kang Ha Na đóng) nhân vật chính của phim bị bắt vào trại phục vụ lính Nhật trong suốt thế chiến thứ hai, bắt đầu từ năm 1943. Tại đây, cô cùng nhiều cô bé khác bị ép phục vụ tình dục và có một cuộc sống như địa ngục. Năm 1991, sau nửa thế kỷ, Eun Kyung (Choi Ri đóng) nửa tỉnh nửa mê vì bạo lực tình dục và là con gái của một pháp sư. Khi Eun Kyung mơ thấy những người phụ nữ bị cưỡng bức trong thế chiến, cô quyết định an ủi và đưa linh hồn họ trở về nhà thông qua một nghi lễ. Với tinh thần: “Tôi hy vọng khán giả xem bộ phim như một vở kịch về đời người, chứ không phải phản ánh một vấn đề chính trị giữa Hàn – Nhật”, đạo diễn Cho Jung Rae đã mang tới một câu chuyện bi thương khiến tất cả những người phụ nữ Hàn Quốc hôm nay phải đồng cảm và chia sẻ.

Hương Giang