Slogan trong phim truyền hình: "Đắt" và "độc"

Không ít nhân vật và tác phẩm được nhớ đến chỉ bằng một vài từ cửa miệng. Trong dàn “sao” hài hội tụ tại “Gặp nhau cuối năm” Tết Kỷ Sửu của Đài Truyền hình Việt Nam, diễn viên Đức Hiệp (Hiệp "gà") có lẽ là người được nhắc đến nhiều nhất với “tuyên ngôn”: “Mình phục mình quá”.

Để làm nên thành công cho một bộ phim, ngoài những vai trò có ý nghĩa xương sống là đạo diễn, biên kịch, diễn viên... còn có một yếu tố mà nhờ nó, khán giả nhớ đến “xương sống” nhiều hơn. Đó là những câu nói cửa miệng độc đáo mà trong nghề, các đạo diễn gọi đó là “câu slogan” của nhân vật.


Nổi tiếng nhờ slogan

Hiệp "gà" có lẽ là người được nhắc đến nhiều nhất với “tuyên ngôn”: “Mình phục mình quá”

Trước đó, Đức Khuê từ một diễn viên vốn “im hơi lặng tiếng” bỗng tràn ngập trên các báo chỉ sau một câu nói: “Trời không mưa vẫn mặc áo mưa” trong một tiểu phẩm hài.

Và trong lĩnh vực phim truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được coi là người khá sáng tạo trong việc “khai sinh” ra những câu nói độc đáo mà nhờ đó làm nổi bật tính cách cho nhân vật cũng như sự nổi tiếng cho diễn viên.

Diễn viên Đức Khuê nổi tiếng với câu Slogan "Trời không mưa vẫn mặc áo mưa"

Trong “Đất và người”, hai nhân vật được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm đắc nhất là ông Hàm (NSƯT Duy Hậu đóng) và Chu Văn Quềnh (Hán Văn Tình đóng). Quềnh là nhân vật nhỏ nhưng câu nói cửa miệng của anh ta: “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” đã nhanh chóng trở thành câu cửa miệng của nhiều khán giả. Diễn viên Hán Văn Tình cũng công nhận mỗi khi khán giả nhắc đến câu: “không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại”, họ lập tức nhớ đến người phát ngôn.

Nói về “cơ duyên” khi gặp câu nói này, “ông nông thôn” cho biết: Ngay từ đầu, tôi và biên kịch đã bàn với nhau phải tìm một câu nói nào đó thật ấn tượng cho nhân vật Quềnh, một câu nêu bật được tính cách của một Chí Phèo hiện đại. Cũng có nhiều câu làm “ứng cử viên” như, lúc đầu, nghĩ anh ta như một mõ làng, ở đâu có tiệc tùng là sấn vào giết chó mổ gà nên các câu slogan chỉ tập trung vào việc “băm, chặt”.

Một bữa, biên kịch Phạm Ngọc Tiến trong cuộc trà dư tửu hậu đã tỉnh cả rượu khi nghe người bạn của mình nói “không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại bác ạ”. Hôm sau anh vui mừng tuyên bố đã tìm được câu rất “đắt” cho nhân vật Quềnh. Và quả thực, nó đã tạo thành một “trào lưu”... ra ngõ là “sung sướng”.

Chu Văn Quềnh do nghệ sĩ Hán Văn Tình được khán giả nhớ đến với câu "Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại"

Hiểu rõ giá trị và sức lan toả của slogan, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lại “vắt óc” khi làm “Gió làng Kình”. Tuy không “đắt” và “độc” như của nhân vật Quềnh nhưng câu cửa miệng của nhân vật Khoái mà Công Lý thủ vai cũng tạo nên một hiệu ứng. “Lần này thì không tình cờ nữa mà là phải nghĩ và thêm thắt. Nhân vật Khoái là một tay hay chửi bậy. Nếu cho anh chửi “mẹ kiếp” thì sẽ “sạch sẽ” quá. “Thánh họ” là câu rất lạ vì chưa ai chửi như thế cả. Trong nhà chùa, các sư khi mắng các tiểu thường nói “bá ngọ”, cũng giống như mình hay chửi là “tiên sư mày”. Nhưng nếu bê nguyên vào thì “báng bổ” đến nhà chùa. Vì thế, tôi đã thay nó bằng từ “thánh họ”. Và vì anh ta tên là Khoái nên cũng đẻ thêm một câu “khoái phải biết” cho sinh động”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể.

Và một bộ phim nữa cũng sử dụng slogan khá thành công là “Lập trình cho trái tim” đang được đông đảo khán giả truyền hình theo dõi. “Tôi thề, tôi hứa, tôi đảm bảo” là kết quả mà đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà cùng êkip đã phải bàn bạc, lựa chọn rất nhiều. “Đây là câu nói không có trong kịch bản, chỉ đến khi thực hiện, chúng tôi nghĩ, nhân vật Mạnh là người hay gây cười cho phòng G5 thì phải nghĩ cho anh ta một câu nói nào đó để ghi dấu ấn. Ông này sợ vợ và rất hay thề nên lúc đầu câu đó là “Anh thề đấy”, rồi “anh hứa đấy” để đẩy tính cách lên. Sau mỗi người thêm thắt vào và thành “Anh thề, anh hứa, anh đảm bảo”. Và tất cả chúng tôi đều cười phá lên khi nó được bật ra”, Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Hiệu quả nhưng không dễ

Công Lý với vai diễn hay chửi thề trong "Gió làng Kình"

Khác với đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà, khi quay mới tìm câu nói cho nhân vật thì đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi viết kịch bản hay đặt viết kịch bản đều đã ấn định chủ ý đó trong đầu. Ông cho rằng, để tạo nên một câu cửa miệng độc đáo cho nhân vật là điều không hề dễ. Câu nói gây cười mà chúng ta gặp trong đời sống rất nhiều nhưng để tạo hiệu ứng mạnh thì câu đó phải mới và điều quan trọng là làm thế nào để chỉ trong giới hạn của câu nói ngắn gọn nhưng phải nêu bật lên được tính cách đặc trưng của nhân vật.

“Trước hết đạo diễn phải tạo ra được tính cách của nhân vật thì mới tải được ý nghĩa nào đó mà chúng ta muốn. Đó có thể là hành động hay bằng ngôn ngữ thoại. Chẳng hạn, nhân vật ông Hàm trong “Đất và người” là một tay lắm mưu nhiều kế, hành động nói lên tính cách đó của ông ta được diễn viên Duy Hậu nghĩ ra bằng một chi tiết ẩn dụ, đó là cái tăm mà ông ta dùng hàng ngày.

Với cái tăm vừa to vừa dài, hành động xỉa răng của ông ta cũng rất khác người, nó cho thấy ông ta là người có thế và xảo trá. Đối lập với ông ta là Quềnh, hồn nhiên, ít học nhưng sẵn sàng làm liều thì không thể có hành động “cao thủ” đó được. Câu nói của anh ta cũng phải thật dân dã, vừa tục vừa thanh. Nghĩa là mỗi câu nói phải “ăn” được với tính cách của nhân vật vì nếu đặt vào miệng một người không có tính cách thì sẽ không tạo được hiệu ứng thú vị. “Cũng có nhiều người cho rằng “không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” là một câu “bậy bạ”, như vợ tôi chẳng hạn. Bà ấy bảo, “phim của anh toàn chửi bậy”. Nhưng tục mà thanh vốn là một phần trong đời sống của người nông dân cơ mà. Và có nhiều khán giả còn khuyên tôi phải tục “mạnh tay” hơn nữa để có hứng hơn khi xem phim”, “ông nông thôn” nói.

Theo Gia đình & Xã hội