Sau hơn 20 năm, Chuyện tử tế tới Viennale 2008

Thưa đạo diễn, được biết đạo bộ phim Chuyện tử tế của ông vừa được trình chiếu tại LHP Viennale (Áo)?

Chuyện tử tế đi cùng trời cuối đất, trên generic bao giờ cũng có chữ “Tập 2”. Mọi người sẽ đều hỏi không biết tập 1 của nó đâu. Dòng chữ này chính là sự ra đời li kỳ của bộ phim.


Sau hơn 20 năm ra đời, bộ phim Chuyện tử tế (The Story of Kindness) của đạo diễn Trần Văn Thủy được trình chiếu vào ngày 25/10/2008 tại LHP Viennale – Vienna International Film Festival (Áo) với những lời đánh giá: “Chúng tôi sẽ sớm trình chiếu tại LHP bộ phim nổi tiếng và rất hợp thời cuộc của ông, Chuyện tử tế ” (John Gianvito).

Đạo diễn John Gianvito

Vâng. Chuyện tử tế được trình chiếu tại LHP Viennale (Áo) vào ngày 25/10 vừa rồi. Theo BTC, đây là LHP quốc tế lớn nhất và lâu đời nhất của Áo được tổ chức 2 năm 1 lần. LHP không tranh giải, chương trình bao gồm khoảng 120 phim truyện và phim tài liệu dài, và khoảng 50 phim ngắn từ khắp nơi trên thế giới. Các phim được LHP chú ý là những bộ phim mang tính nghệ thuật và chính trị.

LHP Viennale chỉ trình chiếu những phim được sản xuất 2 năm gần đây, trong khi Chuyện tử tếđã ra đời cách đây hơn 20 năm?

Vâng, đây cũng là câu hỏi mà tôi băn khoăn khi nhận được lời mời. Chuyện tử tế khởi quay cách đây 23 năm và ra đời cách đây 21 năm (1987). Tôi đã email cho ban tổ chức và nhận được câu trả lời cụ thể. LHP Viennale trình chiếu những phim được sản xuất trong năm 2007 – 2008, nhưng bên cạnh đó, mỗi kỳ LHP còn vinh danh một số cá nhân đặc biệt cùng những chương trình về lịch sử điện ảnh. Chuyện tử tế được trình chiếu trong mục này.

Cảnh trong phim Chuyện tử tế

Do đâu LHP này biết tới Chuyện tử tếvà họ đánh giá như thế nào về tác phẩm này?

Bà Verena, BTC LHP đã email cho tôi rằng, Chuyện tử tế được chọn bởi một đạo diễn người Mỹ - ông John Gianvito (đaọ diễn phim The Mad Songs of Fernanda Hussein, Profit Motive and the Whispering Wind), người chịu trách nhiệm một số chương trình của LHP. Chương trình này bao gồm các phim: Chuyện tử tế (Trần Văn Thủy, 1987), Time of the Locust (Petern Gessner, Mỹ, 1966), Interviews by My Lai Veterans (Joseph Strick, Mỹ, 1970) và SayKomSay (Robert Kramer, Pháp, 1998). Chương trình này có tên là Lessions and lesions: Vietnam. Bà Verena cũng nói rằng họ mong muốn được biết nhiều hơn về Việt Nam, nền điện ảnh Việt Nam để có được những cái nhìn mới so với quan điểm dập khuôn trước đây. Tôi cũng nhận được thư của John Gianvito. Chúng tôi đã từng quen nhau tại Hội thảo phim Robert Flaherty vào năm 2003 tại New York. John nói rằng, sở dĩ ông chọn Chuyện tử tế để trình chiếu ở LHP Viennale vì nó “nổi tiếng và rất hợp thời cuộc”.

LHP quốc tế chắc hẳn sẽ đòi hỏi một bản phim đảm bảo chất lượng, Chuyện tử tế có gặp khó khăn gì không?

LHP đã tìm kiếm mọi nơi để có bản 35mm tốt nhất. Họ liên lạc với Nhật, nơi từng chiếu Chuyện tử tế năm 1989 trong khuôn khổ khai mạc LHP tài liệu Yamagata lần thứ nhất (Yamagata International Documentary Film Festival). Bản phim là bản 35mm được bảo quản rất tốt nhưng lại phụ đề tiếng Nhật. Họ lại liên lạc với Pháp, nơi từng mua bản quyền chiếu bản phim nhựa trong khuôn khổ LHP Cinéma du Réel nhưng bản này phụ đề tiếng Pháp. Họ tìm cả ở Đức, bộ phim được LHP Leizig chiếu và trao giải Bồ câu Bạc năm 1988 nhưng cũng không được, các bản của các đài Chanel4 (Anh), SBS (Úc) phụ đề tiếng Anh nhưng lại không phải phim nhựa. Họ liên lạc với tôi để tìm bản gốc ở Việt Nam, nhưng bản gốc hiện giờ đã bị hỏng và thủ tục để xin được bản này sẽ rất phức tạp. Tôi cũng hỏi rằng, có nhất thiết phải chiếu bản 35mm hay không thì nhận được trả lời là họ luôn cố gắng trình chiếu bộ phim như khi nó được sản xuất, cũng là để thể hiện sự tôn trọng với bộ phim cùng các yếu tố âm thanh, hình ảnh…Họ cũng rất quan tâm đến việc phục hồi phim thông qua việc giữ gìn các bản phim tại các viện phim Châu Âu.

Cảnh trong phim Chuyện tử tế

Cảm xúc của ông khi Chuyện tử tếđược nhớ tới?

Một bộ phim đã ra đời từ rất lâu mà vẫn được người ta mất công để tìm xem như vậy là một niềm vui đối với chúng tôi. Chuỵên tử tế cũng là một bộ phim đặc biệt trong cuộc đời làm phim tài liệu của tôi. Đây là bộ phim khác thường từ khi ra đời và cũng có rất nhiều kỳ bí quanh cuộc sống của nó. Chuyện tử tế đi cùng trời cuối đất, trên generic bao giờ cũng có chữ “Tập 2”. Mọi người sẽ đều hỏi không biết tập 1 của nó đâu. Dòng chữ này chính là sự ra đời li kỳ của bộ phim. Tháng 10/1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì cuộc họp gồm các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu chuẩn bị cho việc ra Nghị quyết 05 giải phóng cho văn nghệ sỹ. Giờ giải lao, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói với tôi rằng tôi nên làm tập 2 cho Hà Nội trong mắt ai. Khi ý này được đề cập đến trong cuộc họp, tôi đã lóe lên ngay trong đầu mình và bật lên rằng: “tập 2 của Hà Nội trong mắt ai sẽ có tên là Chuyện tử tế ạ!”. Tôi cũng rất nhớ tới các đồng nghiệp của tôi: Hồ Chí Phổ, Lê Văn Long, Đỗ Duy Hùng, Lê Huy Hòa, Phan Minh Hương … đã cùng tôi vượt mọi gian nan để thực hiện bộ phim này.

Thúy Phương (thực hiện)