"Đại chiến Xích Bích" và "chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu"!

Từ câu chuyện điện ảnh...

Hai phần bộ phim "Đại chiến Xích Bích" của Trung Quốc Ngô Vũ Sâm nói rằng: chẳng nên chủ quan hay tự ti nhỏ bé (kiểu "nhược tiểu") quá, đến mức thấy ngần ngại, không còn muốn làm gì trước sự phô trương thanh thế của người.


2.jpg
Nghệ sĩ Lê Vân

Trong tự truyện xôn xao "Lê Vân yêu và sống", cô Duyên của "Bao giờ cho đến tháng mười" dành hẳn một chương có tên "Chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu!" để khẳng định về tài nghệ của vị đạo diễn trứ danh Trung Quốc:

"... Mỗi cuốn phim mới của ông là một sự phủ định cái trước. Ông tìm tòi cái mới mà không hề sợ thất bại. Ông đã đánh trúng vào nỗi khao khát của tôi về một thứ thẩm mỹ nghệ thuật kiểu như thế. Đúng là tôi bị sốc nặng.

Sau cú sốc, tỉnh mộng, tôi nhìn lại mình, nhìn lại những bộ phim mình đã làm và nhìn rộng ra toàn cảnh bức tranh điện ảnh Việt Nam, tôi đau xót nhận ra một sự thật: những thứ đó chưa phải là nghệ thuật điện ảnh. Tôi thấy mình như bị tắc tị, bị rơi vào ngõ cụt. Không lối thoát (...).

Sẽ thật khôi hài nếu nói tôi bỏ nghiệp diễn chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu!"

Đó không phải là nỗi mặc cảm mà là ý thức nghề nghiệp, thái độ "thôi thì thôi nhé có chừng ấy thôi". Xin đừng có ai bực tức vì sự dũng cảm ấy của diễn viên - nghệ sĩ Lê Vân, vì đó là góc nhìn, sự thẩm thấu riêng, mang tính cá nhân của chị. Lê Vân nói không có nghĩa là chị mệnh danh hay đứng lên đại diện cho ai cả.

"Biết mình" thế và Lê Vân chỉ dám khẽ khàng đặt hy vọng với người, rằng: "Tôi âm thầm vụng trộm mơ ước đến ngày điện ảnh Việt Nam cho ra đời một đạo diễn đầy cá tính, thích phá phách kiểu như thế. Cứ cho là không thể thành công ngay, nhưng chí ít họ cũng dám sáng tạo, khai hoang tìm một con đường đi của riêng mình".

Hy vọng thì chẳng "động" đến ai và ai cũng có thể hy vọng nên nhiều đạo diễn Việt Nam đã không quản ngại trong mấy ngày Tết Kỷ sửu 2009 vừa rồi ra rạp xem "Đại chiến Xích Bích 2" (Red Cliff), cũng như không thể không tham khảo những thước phim như "Cao lương đỏ", "Thu Cúc đi kiện", "Đèn lồng đỏ treo cao", "Phải sống", "Anh hùng", "Thập diện mai phục", "Hoàng Kim Giáp"... của đạo diễn họ Trương.

Rồi bỗng dưng trong dịp này này, khi nhắc đến doanh thu của 3 phim Việt Nam chiếu tết người ta lại túm cả "Red Cliff 2" của Trung Quốc ra so sánh!

xichbich.jpg

Cảnh dùng mưu để đoạt lấy 10 vạn tên của quân Tào trong "Đại chiến Xích Bích" (Red Cliff 2)

Bài toán là nếu "Xích Bích" nhập về 1 tỷ, khi chiếu rạp VN, nếu thu về được 10, 15 tỷ thì có thể xảy ra trường hợp: Vì doanh thu, về sau các nhà sản xuất kiêm phát hành của ta sẽ "ngại" làm phim Việt (thu về kịch kim được 10 hay 15 tỷ đồng nhưng phí đầu tư đã ngấp nghé số này!).

Điều đó cũng đáng lo; nhưng lo hơn hẳn là cái bóng của những "Đại chiến..." quá lớn kia (ít nhất cũng là khoản đầu tư đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh châu Á - tới 80 triệu USD; chưa bàn đến nội dung, ý nghĩa) dễ khiến nhà làm phim VN nản lòng, thấy khó cạnh tranh. Biết đâu lại có lời thốt lên kiểu "Chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu" như một dạo nghệ sĩ Lê Vân phải nói thay cho sự tuyên bố rút lui có trật tự của minh.

Nói đến phim "Red Cliff" thì trong một cuộc đại chiến, nhà làm phim vẫn không quên khắc họa số phận những con người nhỏ bé (như nhân vật "Thùng nước gạo" nói với "Heo mập" trước khi chết nơi chiến trận: "Bây giờ đệ còn muốn leo cao nữa không?", hay con ngựa Mân Mân khi lớn được tặng cho Khổng Minh - Gia Cát Lượng kèm lời nhắn nhủ lúc kết phim: "Huynh chăm sóc đừng để nó phải than gia vào chiến tranh nhé!"...).

Những điều đó có khi gây ấn tượng sâu sắc với khán giả không thua gì những đại cảnh hoành tráng và dễ khơi dậy cảm xúc khán giả hơn.

"Đại chiến Xích Bích" còn nhiều điều khiên cưỡng như nhận định trên một số diễn đàn điện ảnh. Nhưng có vào rạp mới biết, người xem đều ở lại đến phút chót và thốt rằng nó "hay", nó không khiến người xem phải bực tức lúc kết thúc như nhiều bộ phim trong và ngoài nước khác. Tính "ăn khách" và sự ồn ào của "Red Cliff" còn diễn ra ở nhiều nước khác.

Cũng dễ hiểu bởi đạo diễn đã thành danh ở Hollywood (với những phim như Face/ Off, Mission: Impossible 2...) Ngô Vũ Sâm đã ấp ủ nó từ quá lâu rồi. Làm "Đại chiến Xích Bích" với sự quy tụ dàn ngôi sao nổi danh nhất (Lương Triều Vỹ, Triệu Vy, Kim Thành Vũ, Lâm Chí Linh...) được xác định là sự trở về ấn tượng của ông ở Đại lục.

Trong khi đó, cùng ra chiếu Tết với phim này có 3 đại diện của Việt Nam là "Giải cứu thần chết", "Huyền thoại bất tử" và "Đẹp từng centimet". Trong bài toán kinh doanh thì phải có so sánh, cân đối và việc này tự các nhà sản xuất phải tính đến; nhưng ở đây, chúng ta cũng không thể so sánh nội dung, ý nghĩa của từng phim vì rất nhiều yếu tố (điều kiện, hoàn cảnh, tài năng, sự trải nghiệm, tính đa nghĩa của nghệ thuật...).

Dù vậy, hãy nhìn vào một điều quan trọng: Khi khán giả trầm trồ trước sự hoành tráng đến phô trương; đi kèm với đó là... giật mình trước những thông điệp về lẽ sống, về tình yêu, tình bạn bè bằng hữu không phân định lớn bé - to nhỏ, về thông điệp phản chiến mà "Đại chiến Xích Bích" đem tới thì có nhà làm phim nào của VN bị đánh động: Liệu rằng ta có thể làm được một bộ phim khơi được những điều ấy trong khán giả, trước hết là VN? Nhìn "uy lực" của phim người, ta có phải thốt lên "Chỉ tại ông Ngô Vũ Sâm!" như cách Lê Vân từng thốt?!

... Đến bài học sống của chính Trung Quốc

11.jpg

Phim "Huyền thoại bất tử" tôn vinh tình mẫu tử và tinh hoa võ cổ truyền VN mang tính "Chủ nghĩa hiện thực ngập ngừng" - chữ của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn

Một phim nhỏ (đầu tư thấp về tiền bạc, lực lượng diễn viên, số ngày triển khai...) không có nghĩa là sẽ lép vế hoàn toàn trước những phim hoành tráng. Điều đó đã được nhiều đạo diễn, nhà nghiên cứu phim ảnh thừa nhận, chứng minh trong phim "độc lập" hay phim "chủ lưu", phim "thị trường" hay phim "nghệ thuật". Vì điều này cũng giống như một bức tranh nhỏ trong khung, không hẳn sức ảnh hưởng thua một bức tranh đại cảnh khổ lớn, vì nghệ thuật là rất vô cùng...

Người ta đã chứng minh bằng nền điện ảnh Iran có điều kiện làm phim chỉ nhỉnh hơn VN một chút. Kể từ sau thành công vang dội của bộ phim "The taste of cherry" (Hương vị anh đào), thế giới đã bị "đánh động" bởi phim ảnh nước này.

Như đạo diễn Việt Linh đã từng tâm sự: "Tôi quan tâm tới những nền điện ảnh có điều kiện tương đồng với Việt Nam vì qua họ, ta có thể so sánh và học hỏi. Đó là những nền điện ảnh bị câu thúc bởi các vấn đề văn hóa, chính trị, kinh tế. Thí dụ như trước đây là Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc. Gần đây là điện ảnh Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ…

NgoVuSamchidao.jpg

Đạo diễn Ngô Vũ Sâm chỉ đạo diễn xuất trong "Đại chiến Xích Bích"

Hầu như các phim tôi giới thiệu – mà ở VN rất ít người xem - đều nói lên điều này: Không phải cứ có nhiều tiền là có được phim hay. Phim hay là khi nó quan tâm thật sự tới số phận con người".

Nếu nói đến phim "Red Cliff" thì trong một cuộc đại chiến, nhà làm phim vẫn không quên khắc họa số phận những con người nhỏ bé (như nhân vật "Thùng nước gạo" nói với "Heo mập" trước khi chết nơi chiến trận: "Bây giờ đệ còn muốn leo cao nữa không?", hay con ngựa Mân Mân khi lớn được tặng cho Khổng Minh - Gia Cát Lượng kèm lời nhắn nhủ lúc kết phim: "Huynh chăm sóc đừng để nó phải than gia vào chiến tranh nhé!"...). Những điều đó có khi gây ấn tượng sâu sắc với khán giả không thua gì những đại cảnh hoành tráng và dễ khơi dậy cảm xúc khán giả hơn.

Cần biết người thế nào, nổi trội hơn mình ra sao, có điều gì khiến người khác phải "kinh hoàng"; nhưng cũng chắc chẳng nên chủ quan hay tự ti nhỏ bé (kiểu "nhược tiểu") quá, đến mức thấy ngần ngại, không còn muốn làm gì trước sự phô trương thanh thế của người.

Khi quyết định "im tiếng" hay "đáp trả" trước hành động chèn ép của Tào Tháo, phía liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị cũng phải dằng dai, chất vấn, băn khoăn rất nhiều. Không thể húc đầu vào đá và cũng không thể chỉ biết quay lưng, mắc tội với thiện hạ.

Hiểu rõ mình mạnh - yếu thế nào, thực sự muốn gì, tiến hành chiến tranh vì đâu và lấy điều gì để giải thích cho mục tiêu chính đáng - những điều đó đã được chính đoạn kết của "Đại chiến Xích Bích 2" thể hiện qua lời của Chu Du nói trước Thừa tướng bại trận Tào Tháo. Đấy là còn chưa nhắc đến tính "ngụ ngôn" của những câu chuyện như "đứng trên vai người khổng lồ" hay chuyện "kiến giết voi" (!)

Trận chiến Xích Bích cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc (năm 208). Bộ phim đạo diễn John Woo (Ngô Vũ Sâm) dựng lại kia dựa theo cuốn "Tam quốc chí" của Trần Thọ hơn là theo tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, vì thế được cho là sát với lịch sử hơn.

Khi quyết định "im tiếng" hay "đáp trả" trước hành động chèn ép của Tào Tháo, phía liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị cũng phải dằng dai, chất vấn, băn khoăn rất nhiều. Không thể húc đầu vào đá và cũng không thể chỉ biết quay lưng, mắc tội với thiện hạ. Thế rồi, con số 5 vạn quân của Tôn Quyền - Chu Du "đấu" với 80 vạn quân của Tào Tháo cũng nói lên được nhiều điều khi "chấu đã đá được xe".

Đó là một trong những trận đánh hiếm hoi với sự mất cân đối lớn về lực lượng mà phe chính nghĩa đã kết thêm được tình bằng hữu, rồi đảo ngược được vị thế bằng những kế sách nhu - cương mềm dẻo của Gia Cát Lượng, hùng khí và sự "đắc nhân tâm" của Chu Du.

Những người cầm cương đã hoạch định được đúng đường đi nước bước. Và, trước uy lực kiểu "lấy thịt đè người" thì kết cuộc, phía chính danh đã chẳng phải thốt lên "Chỉ tạo ông Tào Tháo!"

Đó là lịch sử chứ không chỉ là phim ảnh nữa! Và có lẽ, đó cũng là chuyện cuộc sống chứ không hẳn là bài học phim ảnh cao siêu gì.

Theo TuanVietNam