"Chiếc bánh" thị phần và người làm điện ảnh

Điều chỉnhLuật Điện ảnh mới nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, theo kịp sự phát triển là cơ cở nền tảng để điện ảnh trong nước đi lên, còn chìa khóa để phát triển điện ảnh trong nước vẫn phải trông vào yếu tố con người. Theo đó, những tranh luận về xiết chặt hạn ngạch hay tháo bỏ quota với phim nhập, tuân thủ cam kết WTO hay công ước quốc tế về đa dạng văn hóa của UNESCO, làm sao để tiếp sức cho điện ảnh nước nhà -  đều gặp nhau ở một điểm là sự điều tiết của Nhà nước để chiếc bánh thị trường phim ảnh to ra và nâng cao tầm vóc cho đội ngũ làm nghề. 

Hình thành một lớp công chúng điện ảnh sành phim và những người làm phim giỏi - chính là mục tiêu mà Dự luật Điện ảnh điều chỉnh và bổ sung được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trình Quốc hội tại kỳ họp này cần đạt tới.


Mùi vị và kích cỡ chiếc bánh thị phần

Phim "bom tấn" nước ngoài không ngừng tấn công rạp chiếu phim VN

Phải coi là điều mừng khi khán giả đang nô nức đến rạp chiếu phim, không kể đó là ngày cuối tuần hay ngày thường, cho dù chủ yếu là... xem phim nhập.

Các rạp chiếu một thời lực bất tòng tâm, phải chuyển đổi mục đích sử dụng (cho thuê, sang nhượng hay nằm mốc rêu chờ thời), thì nay đang hồi sinh. Rạp ở Hà Nội và TP.HCM đã đua nhau nâng cấp để cạnh tranh và để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khán giả.

Công chúng đến rạp, chủ động bỏ tiền thưởng thức vì có nhu cầu đi xem phim thực sự - đó luôn là "môi trường" lý tưởng của bất cứ nền điện ảnh hay bất cứ bộ phim nào. Việc phân loại công chúng với mỗi bộ phim và trong mỗi nền điện ảnh, để có cách tiếp cận khác nhau, cũng là điều hết sức bình thường.

Công chúng số ít thích xem phim nghệ thuật, công chúng số đông thích xem phim giải trí và có lớp công chúng đòi hỏi phải có những bộ phim đạt được cả hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Nhu cầu luôn đa dạng, vấn đề là trình độ thưởng thức của khán giả có ngày càng "nhích" lên không.

Quyền chủ động lựa chọn với khán giả trong nước hôm nay, ngày càng đa dạng. Không mua trên phố, gửi mua nước ngoài hay tự "nhập" về qua mạng thì đến rạp cũng được xem nhiều bộ phim ra mắt mới hôm qua hôm kia ở Âu - Mỹ.

Ngoài yếu tố định hướng từ các cơ qua chức năng, thế vai trò của các nhà phê bình điện ảnh luôn được đề cao, các giải thưởng phim ảnh chính thống và danh giá vẫn luôn được chờ đợi... Nhưng định hướng ở đây là định hướng tôn trọng quy luật thị trường, điều kiện văn hóa và quyền lựa chọn của mỗi chủ thể tiếp nhận.

Trong bối cảnh nền điện ảnh chịu sự lấn át mạnh mẽ của phim nước ngoài như hiện nay tức là chiếc bánh thị phần bị méo mó. Nhưng nền điện ảnh mà phim sản xuất trong nước chưa đủ cả về chất lượng và số lượng, trong khi đó thắt chặt việc nhập phim nước ngoài thì cũng là một nền điện ảnh teo tóp, buồn tẻ.

Khi đó khán giả bị hạn chế quyền lựa chọn phim tốt, đa dạng để nâng cao trình độ thưởng thức, khả năng tiếp cận đa văn hóa. Chính các nhà làm phim Việt cũng sẽ "đói" phim Tây mà chưa chắc đã được "no" phim ta. Thị trường điện ảnh dễ tuột lùi lại như ngày xưa với các rạp chiếu "trống vắng chiều nay" như đã từng xảy ra khi dòng "phim mì ăn liền" của VN thoái trào và khi các nhà nhập khẩu phim còn chưa xuất hiện năng động như bây giờ.

Để "cá lớn" không nuốt "cá bé" nếu dỡ bỏ hạn ngạch nhập phim như cam kết gia nhập WTO, để nền điện ảnh nội có cơ may bật dậy thì không thể để chiếc bánh thị phần bị méo mó, càng không thể để nó teo tóp nếu thiếu đi cả phim nội và ngoại. Làm cho chiếc bánh ấy to ra và có mùi vị ngon hơn mới là thượng sách. Khi mở rộng hạn ngạch thì chúng ta cũng phải khống chế phim nhập bằng nhiều cách khác, ví dụ tăng thuế nhập phim, giá bán, giờ chiếu...

Phim Việt cũng phải tự tin để tìm hướng cạnh tranh với phim ngoại trong điều kiện lớp công chúng chịu bỏ tiền xem phim đang ngày hình thành rõ. Còn phim nội, chắc chắn là khán giả dù có thích pizza, hamburger thì cũng không quên món ăn Việt khi nó thân thuộc với mình, được bày biện phong phú và ngày càng ngon hơn.

Nói như ông Trần Vũ Hoài, Tổng giám đốc đơn vị vừa sản xuất vừa nhập phim Thiên Ngân: "Khuyến khích phim nội không có nghĩa là cấm phim ngoại, vì trong bối cảnh hiện nay, điều đó sẽ làm cho thị trường trong nước không phát triển được. Khi thị trường điện ảnh VN phát triển mạnh như Trung Quốc, đủ năng lực sản xuất 1000 phim mỗi năm thì khi đó việc đặt ra quota mới có giá trị thực tế".

Người làm phim ta trong cuộc chạy đua

Phim "Dòng máu anh hùng" của VN khi chiếu ở Trung Quốc đã được khán giả và báo chí đón nhận và đánh giá cao

Để phim Việt nhiều và hay hơn, chứ không phải như thực tế phũ phàng hiện nay là "ngày càng xa lạ với người dân" theo phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận thì Luật Điện ảnh sửa đổi bổ sung nên mở ra thêm về chuyện đào tạo điện ảnh. Đó là căn cứ để có một hoạch định chiến lược cho việc phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Không phải vu vơ mà thị trường điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, Thái Lan... được như ngày hôm nay và nền điện ảnh của các nước này nay đủ sức cạnh tranh trên sân nhà chỉ là nhờ đã áp hạn ngạch nhập khẩu hay có cơ chế thẩm định gắt gao như lầm tưởng.

Một nước nếu chỉ cho nhập chục phim đoạt giải Oscar, giải Cannes một năm mà thiếu lực lượng làm phim trong nước, không có chính sách phát triển nền điện ảnh với tầm nhìn dài hạn thì cũng không có tên trên bản đồ phim ảnh.

Trung Quốc đã có những nhà làm phim thành danh ở bên ngoài, tiếng tăm vang dội về trong nước như Ngô Vũ Sâm hay tiếng tăm từ trong nước ra đến bên ngoài nể phục như Trương Nghệ Mưu. Nền điện ảnh lớn lên là nhờ những tên tuổi và tác phẩm cụ thể. Đôi khi, người trong nước không xem các phim của họ coi như là... chưa xem phim, sẽ không có trải nghiệm để bàn luận về các bộ phim ấy khi chúng được truyền thông, báo chí làm "sôi" lên.

Còn Hàn Quốc, nước này có chính sách đào tạo cho lực lượng làm phim cũng rõ ràng như quy định với phim nhập khẩu. Hàng trăm nghệ sĩ, người theo đuổi đam mê điện ảnh đã được gửi đi học tập, nghiên cứu làm phim tại Mỹ và một số nước có nền điện ảnh mạnh. Trở về, chính họ góp phần làm thay đổi bộ mặt của nền điện ảnh, dẫn dắt công chúng đi theo những bộ phim của mình. Những nhà làm phim chỉ qua đào tạo trong nước cũng phải lăn lộn rất nhiều để cạnh tranh và đứng vững.

Với Việt Nam, đội ngũ làm phim đã tăng lên, nhiều hơn, nhưng chưa tinh nhuệ. Lực lượng còn mỏng nhưng bao năm nay đã luôn phải mất công tranh luận thế nào là phim thị trường, thế nào là phim nghệ thuật, làm phim cất kho và làm phim ăn khách loại nào "oai" hơn... Các liên hoan phim, trao giải điện ảnh còn tư duy cào bằng, lưng chừng để... hòa cả làng. Các trường đào tạo vẫn bùng nhùng giữa sân khấu và điện ảnh, diễn viên thiếu chuyên nghiệp đến mức hôm nay lên sân khấu, mai đóng phim truyền hình ngày kia quay phim nhựa, ranh giới giữa phim truyền hình và phim nhựa không được phân biệt rõ.

Yếu tố con người cũng được một số nhà làm phim cấp tiến, biết nghĩ đến đường dài thực thi: lập trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (như mô hình của Trung tâm TPD) hay tự bỏ tiền túi, xin học bổng du học, chọn con đường làm phim độc lập... nhưng đó mới là những nỗ lực cá nhân ít ỏi.

Trong sự mở đường của chính sách dài hơn phát triển điện ảnh, phải có được những nhà làm phim đầu tàu, dẫn dắt lối chơi cùng với một số "điểm nhấn" là các bộ phim "nội" gây được tiếng vang về chất chứ không phải về lượng thì phim Việt mới ngày càng bớt "xa lạ" với người dân.

Theo Việt Nam net