Phục trang và diện mạo nhân vật trong phim truyện

Điện ảnh là trực quan. Có rất nhiều nhân vật chỉ lướt qua trên màn ảnh, do vậy việc tạo hình cần chú ý đến nét đặc sắc, gây ấn tượng cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.Việc chọn diễn viên vào vai diễn là một thách thức nghề nghiệp cũng như  là một nghệ thuật của người đạo diễn. Một số đạo diễn thích chọn những diễn viên đang ăn khách hay nổi tiếng.Thói quen này chưa chắc mang đến thành công cho bộ phim, khi người diễn viên đó không phát huy được khí chất, diện mạo và tài năng vốn có của mình.

(TGĐA) - Phục trang góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo nhân vật và luôn là một trong những thách thức lớn với những người làm phim. Chính kiểu loại, màu sắc, chất liệu... trang phục như những biên niên sử của từng thời đại, hoàn cảnh của mỗi nhân vật và bối cảnh, không khí của câu chuyện phim.


Ngoại hình diễn viên và diện mạo nhân vật:

Phim “Cơn lốc đen” về tai hoạ diệt chủng được tổ chức quay tại Căm-pu-chia.Cảnh trong phim là một công xã lao động cực nhọc với rất đông những người lao động Khơ me. Để quay được cảnh này, đoàn làm phim đã huy động hàng trăm lượt diễn viên quần chúng là người địa phương cùng tham gia đóng phim với dàn diễn viên chuyên nghiệp từ Việt Nam sang. Do nước da người tại chỗ vốn ngăm ngăm cháy nắng, còn diễn viên ta vốn đã trắng hơn, lại được đánh phấn hoá trang, nên bị chỏi ra, không ăn nhập gì với nhau. Cũng tương tự như thế, trong bộ phim ”Cao nguyên F101” diễn viên đóng vai cô gái người Thượng để ngực trần đã bị khán giả phát hiện là “dỏm” vì thiếu chân thật, do nước da quá trắng, đã thế lại còn có vết hằn không bắt nắng trên ngực vì lớp áo lót trong. Cũng lỗi do hoá trang trong phim “Tình Xa” mà trên màn ảnh diễn viên trong vai mẹ(Thùy Liên) lại trẻ hơn cả diễn viên đóng vai con rể (Thế Anh)! Đã không ít lần có diễn viên không muốn cho hoá trang làm mình già đi, xấu đi. Chờ lúc ít người để ý, đã tranh thủ “tẩy trang”, xoá bớt các nếp nhăn và mấy sợi tóc bạc mà chuyên viên hoá trang vừa làm theo yêu cầu của kịch bản.Với điện ảnh các nước, chuyên viên hoá trang dưới quyền chỉ đạo trực tiếp từ hoạ sĩ; nhưng ở nước ta, tổ hoá trang lại trực thuộc đạo diễn.

Phục trang nhân vật không phải là quần, áo, trang sức… của diễn viên

Phục trang góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo nhân vật và luôn là một trong những thách thức lớn với những người làm phim. Chính kiểu loại, màu sắc, chất liệu... trang phục như những biên niên sử của từng thời đại, hoàn cảnh của mỗi nhân vật và bối cảnh, không khí của câu chuyện phim. Lịch sử Điện ảnh thế giới đã từng có không ít những tác phẩm có số lượng trang phục đồ sộ cả về số lượng lẫn giá trị thẩm mỹ. Những bộ phim như: ”Nữ Hoàng Cléopatre”(mà người ta từng phải dùng đến hai hoạ sĩ thiết kế phục trang chính, một cho riêng trang phục của nhân vật Nữ Hoàng và một hoạ sĩ tập trung nghiên cứu trang phục của các vai khác), các phim khác như“Giải phóng Châu Âu”, “Chiến tranh và Hòa bình” (Điện ảnh Nga), “Titanic”,“Thằng gù nhà thờ Đức Bà”… (Điện ảnh Mỹ), “Hồng Lâu Mộng”, “Hoàng Đế cuối cùng”, “Bá vương biệt cơ”,”Tam Quốc Chí”,“Thủy Hư”,“Ngoạ hổ Tàng Long”,“Thập diện mai phục”(Trung Quốc)...vẫn còn được nhắc đến mãi mãi những kiểu trang phục đặc sắc. Những trào lưu đua theo trang phục cc ngơi sao trong phim nổi tiếng đã làm cho nhiều nhà kinh doanh hốt bạc.

Hoạ sĩ Đào Đức lúc sinh thời đã tâm sự:”Tôi nghĩ khó nhất là kinh phí dành cho công việc thiết kế phục trang còn ít quá.Nhiều phim bối cảnh chưa đạt, không phải do hoạ sĩ không có tài mà phải tiết kiệm, phải tận dụng những đạo cụ, những phục trang cũ để làm phim.Phim lịch sử của thời nào cũng mà cũng phục trang như nhau thì không thể ra tấm ra món được”. Nhiều khi khi cầm bản thống kê chi tiết các khoản chi tiêu dành cho việc thiết kế, phục trang, đạo diễn đã giật mình vì nếu dùng ngần ấy tiền thì tốn quá nửa kinh phí làm cả phim. Vậy là đành “phải chắp vá, mượn tạm nhiều đồ không đúng với giai đoạn lịch sử của phim”. Những khi được khen về cách hiết kế mỹ thuật, phục trang cho phim nhưng có hoạ sĩ vẫn không vui, bởi lẽ chưa được làm hết sức mình.

Tại Hội Thảo về “Vị trí và vai trò của thiết kế mỹ thuật trong quá trình làm phim tại Việt Nam”, NSƯT-họa sĩ Phạm Nguyên Cẩn trao đổi: “Phục trang đóng vai trò hết sức quan trọng trong một bộ phim truyện. Nó xuất hiện cùng với diễn viên, với nhân vật trong từng cảnh phim để cùng nhân vật tạo được cảm xúc thẩm mỹ nơi người xem”.... Cũng theo nhận xét của hoạ sĩ – NSUT Phạm Nguyên Cẩn, bộ phim sân khấu “Trần Quốc Toản ra qun” tái hiện lại không gian lịch sử thời Trần, song họa sĩ lại dùng nhiều đồ vật thời nhà Nguyễn để trang trí nội thất, những thứ mà đến mấy trăm năm sau mới xuất hiện như Tranh Lý Ngư Vọng Nguyệt tranh Tố Nữ hàng Trống…; Trong bộ phim dã sử “Thăng Long đệ nhất kiếm”, đã lộ rõ tình trạng diễn viên tìm được đồ gì, mặc luôn đồ ấy. Chưa kể những đạo cụ thiếu chuẩn xác như: khiên, giáo, các đồ trang sức khác, thì trang phục tráng sĩ : đầu đội nón có viền lông thỏ hay lông cọp trắng, áo da beo chéo từ vai xuống, áo trong nơi cổ tay và lai áo được trang trí các hoa văn của Tây Nguyên, khiến khán giả không thể biết nhân vật này là người Mông Cổ, Trung Quốc, hay ở Tây Nguyên? Chưa nói tới các đồ trang sức khác, nhiều nhân vật trong bộ phim này không có đặc điểm gì là của người Việt, ngoài đôi xà cạp dưới chân.

Ở các nền điện ảnh Âu-Mỹ, phục trang là một bộ phận độc lập và nó có mặt trong hệ thống giải thưởng của phim (như OSCAR hàng năm của điện ảnh Mỹ), có nghĩa là nó đứng ngang hàng với các thành phần khác như đạo diễn, quay phim, họa sĩ, diễn viên… Trong khi đó, ở các nền điện ảnh của các nước XHCN trước đây, thì phục trang chỉ là một tổ trong bộ phận thiết kế mỹ thuật, ngang hàng cùng các tổ đạo cụ, dựng cảnh, trang trí, mỹ công…

Phục trang trong phim có thể tạm chia làm ba nhóm, bao gồm: Phim về các thời đại cổ xưa, phim về các thời kỳ lịch sử cận đại và đương đại. Trong cả ba nhóm này đều có các đề tài phim về chiến tranh, tâm lý xã hội và hành động… vv…


Từ những sử liệu ít ỏi có được của triều Nguyễn, ta có được ý niệm chung về trang phục các vua, chúa, quan chức đến những người giàu có, cả đàn ông và đàn bà, đều mặc áo dài, khăn đóng; song sự khác nhau lại chính là ở chỗ chất liệu vải, màu sắc, hình tượng trong các mẫu thêu mà trong số đó không hiếm những loại vải sang trọng, quý hiếm được nhập từ nước ngoài vào… thể hiện phân biệt từng địa vị xã hội cao, thấp, sang, hèn khác nhau. Với quần chúng nhân dân, người lao động nghèo thì quần, áo, váy, khăn… được may bằng thứ vải thô ít màu sắc. Những chất liệu này được dệt thô, màu nhuộm từ thiên nhiên nguyên sơ như quả nâu, bùn đen. Vì thế, những kiểu loại quần áo bằng chất liệu tơ, lụa, với màu sắc sặc sỡ như một số phim cổ trang Việt Nam đã làm là không đúng.Một thực tế chớ treu là nhiều bộ phim Việt Nam khi phải thể hiện bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử phong kiến cũng chỉ dùng một kiểu loại phục trang, nên một ông vua thời Lý cũng khoác bộ đồ như hệt ông vua thời Nguyễn kể cả về kiểu loại, chất liệu, màu sắc, họa tiết trang trí thêu thùa …bất chấp sự cách nhau trước sau tới 600-700 năm của hai vị vua này. Nguyên nhân đó chính là do sự thiếu hiểu biết về lịch sử, sự thiếu nghiêm túc khi chỉ làm cho có.Về phục trang các bộ phim dã sử, ngoài hai nhóm Tám Trống và Công Minh chuyên về sân khấu, đa phần diễn viên tự lo mọi thứ. Bởi thế, trang phục chủ yếu là để thỏa mãn sự làm đẹp cho các “ngôi sao”. “Đào” “kép” nào cũng muốn bộ cánh của mình đẹp mắt hơn của bạn diễn khác. Họ đòi người làm phục trang phải may sao cho thật giống phim Hồng Kông, Đài Loan, phải có càng nhiều kim tuyến, kim sa lấp lánh, bắt mắt càng tốt, bất chấp tuồng tích mình đang diễn là gì, thậm trí ngay cả những kịch bản có nội dung về truyền thông văn hóa dân tộc cũng vậy.

Đối với những bộ phim thuộc thời cận đại, phục trang nhân vật được cho là dễ kiếm hơn, song phim Việt cũng bộc lộ những lúng túng nhất định. Khi làm phim “Thủ lĩnh áo nâu” về Hoàng Hoa Thám, nhân vật được trang bị khăn the, áo dài đen như bức chân dung bán thân của ông mà chúng ta vẫn thấy.Nhưng chân dung theo sử liệu thì chỉ là nửa người phần trên. Đoàn làm phim không biết phải cho nhân vật của mình mặc kiểu loại quần và đi giầy, dép gì, nên đành làm đại cho xong. Trên thực tế, bộ trang phục áo dài, khăn đóng mà ta vẫn thấy trong ảnh xưa để lại là bộ đồ trang trọng được ông dùng trong lúc đại sự hay nghi lễ. Vậy những lúc bình thường trong chiến đấu, sinh hoạt… ông mặc như thế nào, không lẽ chỉ mỗi bộ đồ đó? Ngoài ra, những nghĩa quân Đề Thám nếu được trang bị đồng phục như trong phim đã làm là không đúng, mà đáng ra phải có gì mặc nấy, bởi vì đây là lực lượng không chính quy được tập hợp từ nhiều nơi, có người từng là lính khố xanh, khố đỏ, có người là dân tộc thiểu số, có người từng là lục lâm hoàn lương, hay nông dân nghèo từ dưới xuôi lên… mà giặc pháp vẫn quen gọi là”thổ phỉ”;Trong bộ phim”Sao Tháng Tám”, nhân vật chị Nhu là một nữ cán bộ hoạt động nội thành; có lúc phải giả làm người bán hàng để che mắt bọn mật thám. Vậy mà, những người làm phim đã để cho nhân vật mặc áo tứ thân, nổi bật, tách biệt khỏi cách ăn vận của các nhân vật khác như áo cánh trắng, nâu, đầu vấn khăn… nên đã phá vỡ tính cách cần phải có của nhân vật.

Đến các bộ phim thời hiện đại, có đủ mọi lý do để xem nhẹ khâu phục trang nhân vật, trong đó là để “giảm chi phí”, nên nhiều đoàn phim đành cho diễn viên mặc sức tự do lo trang phục cho chính nhân vật mà mình sẽ vào vai. Như thế mới có cảnh dở khóc dở cười khi cả đoàn phim phải ngồi chớ người ta chạy về nhà lấy lại chiếc áo, chiếc quần, hay chiếc váy mà nhân vật đáng ra phải mặc nó trong cảnh quay theo rắc-co của nội dung kịch bản, song lại đang ngâm trong chậu chưa giặt ở nhà của diễn viên đó.

Cũng như vậy, trong phim” Những chiến sĩ đặc công rừng Sác”, những người làm phim đã cho các nhân vật chiến sĩ mặc quần ngắn ôm sát người, ở trần, đầu đội nón vải mềm có in hoa ngụy trang. Đó là loại đồ chính quy của đặc công thủy khi đánh mục tiêu.Trên thực tế ở chiến trường miền đông và miền tây nam bộ, chỉ trừ các đơn vị mới từ miền bắc vào chi viện mới được trang bị như vậy. Còn thường thì các chiến sĩ đã chiến đấu lâu ở vùng sông nước nam bộ hay dùng quần ny-lon và áo vải pô-pơ-lin- loại vải mau khô và nhẹ. Họ không đi dép râu mà đi dép Thái Lan, hoặc đi chân đất. Khi vào trận, với quần đùi ny-lon bó sát người, phần thân trên được xoa bằng một lớp bùn hoặc nhọ nồi để ngụy trang, và ai cũng có một ống thở giống nhau khi lặn dưới nước.

Những “hạt sạn” tưởng nhỏ nhưng phản cảm từ trang phục khi nhân vật mặc bộ đồ còn nguyên nếp gấp mới toanh; hay các miếng vá xanh, đỏ, tím, vàng được gắn gượng ép trên những bộ váy, áo còn mới chưa hề mòn, rách… là những lỗi rất đáng chê trách. Có những nhân vật nghèo trong phim mặc chiếc áo bà ba đen vá víu, nhưng miếng vải vá lại trắng tinh, thậm chí còn có màu đỏ làm cho chiếc áo càng trở nên nổi bật như trang phục của người bệnh tâm thần.

Đồng bào dân tộc Mèo (H’Mông) thường ở rất cao, sống gần như biệt lập, phong tục, tập quán, trang phục, nhà cửa, đồ dùng thường khá đơn điệu, một sắc chàm chủ đạo kể cả nhà giàu có như Thống Lý.Váy cô gái Mèo còn có hoạ tiết hoa văn, còn nam giới thì không. Nếu đúng y nguyên quần áo của họ thì chẳng nói lên điều gì. Khi làm phim” Vợ chồng A Phủ” hoạ sĩ Ngọc Linh đã bỏ ra hai tháng lên Mộc Châu, Phu Nhung, Tuần Giáo, vào các nhà cả nghèo lẫn giàu để nghiên cứu trang phục cũng như mọi sinh hoạt tập quán, trang trí, nhà cửa, bếp núc, bàn, ghế, đồ dùng cá nhân kể cả hoa màu, hoa thuốc phiện. Kết quả là, khi chàng A Phủ (Trần Phương) mặc chiếc áo có những hàng cúc trắng nổi bật trên nền chàm, từ cổ áo đến tay áo có những hoạ tiết vui mắt.Chiếc gi-lê khoác lên người vừa vặn cùng chiếc mũ nồi, làm cho diễn viên giống hệt người Mèo. Mỵ (Đức Hoàn) có thân hình cân đối, trắng trẻo, ăn vận bộ áo váy chàm rất hợp, lại thêm nhiều hoa văn hoạ tiết độc đáo lên phim rất đẹp gây ấn tượng. Bộ trang phục nhân vật hồi ấy có giá trị bằng một lượng vàng, khi xem phim, đồng bào Mèo tại Tây Bắc rất hoan nghênh, tự hào vì trang phục trong phim không những rất giống, lại có phần đẹp hơn mẫu gốc.Khi làm phim” Lửa Rừng”, cũng chínhNgọc Linh mò đến cả Mường Xén, Keng Du giáp biên giới Lào, lùng vào các bản để tìm trang phục cho diễn viên.Ông phát hiện ra một điều trang phục của đồng bào Mèo ở vùng này không giống ở Tây Bắc.Cái khăn đội đầu của các cô gái là tấm vải dài gần hai mét, quấn quanh rồi túm lên trên đỉnh thành củ ấu, vòng thêm một dải băng trắng nữa.

Mạnh Thắng trong Tạp chí điện ảnh Ngày nay (số 84/2002) đã nhấn mạnh: “Ở ta, việc nhìn nhận về thiết kế mỹ thuật và phục trang điện ảnh còn chưa đúng với tầm vóc của nó. Không thể quan niệm, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật và phục trang chỉ là người giữ quần áo và dụng cụ điện ảnh. Phải đánh giá việc thiết kế mỹ thuật phục trang, đạo cụ là công tác cần thiết để tạo ra không khí, thời gian lịch sử của nội dung phim”….

Đạo diễn- nhà báo Tô Hoàng đã rung hồi chuông báo động về “tình trạng không chuyên nghiệp ở khâu thiết kế trang phục trong quá trình dàn dựng một bộ phim” khi nhận thấy:”Gian phòng lưu giữ trang phục, đạo cụ của một Hãng phim lớn lổng chổng mấy cái hòm sắt, mấy chiếc kệ phủ đầy bụi, những bộ quần áo lèo tèo, cũ nát, bốc mùi ẩm mốc.Cái xưởng trang phục này bỗng làm sống dậy hình ảnh một của hàng mua bán của các hợp tác xã ở nông thôn miền bắc vào thời bao cấp”… .

Khi làm phim “Thời xa vắng”, muốn biết quân phục rõ ràng của đặc công, hoặc trang phục của một ông tướng thời kỳ đó, ngoài việc lục lại album truy cập mạng Internet, vào bảo tàng, thư viện…đạo diễn Hồ Quang Minh còn hỏi han các chuyên gia -những nhân vật sống giàu kinh nghiệm -nhà văn -phóng viên chiến trường như Nguỵ Ngữ, Lê Lựu.

Đừng hiểu Phục trang nhân vật là áo, quần, khăn, váy, mũ, nón của diễn viên. Có trường hợp trang phục bị mất, nên dù đã có trong nhiều cảnh quay, cũng đành phải quay lại vì chiếc áo đó liên quan đến sự liên tuc của những cảnh chưa quay.Lỗi sơ ý không loại trừ bất cứ bộ phim nào cho dù đó là siêu phẩm hay thậm trí đoạt nhiều giải Oscar. Người xem phim từng hồi hộp, mê say với bộ phim hấp dẫn như “Cánh Đồng chết” (The Killing Foelds) của đạo diễn người Anh Roland Joffee- bộ phim được làm năm 1984-1985 về tai hoạ diệt chủng tại Căm-pu-chia. Tác phẩm trở thành phim ăn khách thứ nhì Mỹ vào năm đó với chỉ tuần đầu đã thu hút hơn 600 ngàn lượt người xem và đoạt 7 giải Oscar trong đó có Oscar cho hai diễn viên chính Sam Waterslon và Haing S’Ngor (Vai Dith Pran). Thế nhưng cái lỗi dễ thấy của phim lại thuộc về công việc thiết kế mỹ thuật.Trong phim, nhân vật nhà báo Khơ me Dith Pran đã phải lăn lóc, lang thang nhiều ngày chạy trốn trong rừng giữa cái đói, rét và sự hoảng loạn thật mong manh giữa cái sống và cái chết.Trong nhiều cảnh, anh ngã nhào xuống hố sâu đầy xác người, quần áo bị gai rừng cào rách thê thảm... Vậy mà đến cảnh gần kết phim, khi anh gắng trèo lên được đỉnh đồi cao nơi biên giới, để nhìn xuống thung lũng thấy lán trại tỵ nạn- nơi bên kia đất Thái Lan, thì trang phục của anh lại là chiếc sơ-mi trắng tinh còn mới nguyên nếp gấp.Trong phim, không hề có cảnh nhân vật thay áo mới. Sự vô lý này là lỗi sai racord mà người làm phim –cụ thể là thiết kế mỹ thuật - phục trang phải chịu trách nhiệm.

Đỗ Lệnh Hùng Tú