Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng Ngát về "Nhìn ra biển cả" - Bộ phim làm về Bác Hồ

Thưa bà, vì sao bà lại có ý định viết kịch bản này?

(TGĐA) - Nhà biên kịch – Giám đốc Hãng phim Hondafilm Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Viết về Bác nhưng tôi ý thức được tính hấp dẫn của bộ phim”


Đoạt cú đúp hai giải thưởng, một là giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hai là giải đã có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động do Ban Tuyên giáo Trung Ương trao tặng, kịch bản Nhìn ra biển cả của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã được Nhà nước đặt hàng làm phim nhân dịp Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010).

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Thứ nhất là đã từ lâu, tôi vốn rất quý nhà văn Sơn Tùng và rất thích cuốn Búp sen xanh của ông. Từ một tác giả không phải chuyên viết cho thiếu nhi nhưng với cuốn sách này, ông đã dựng lên hình tượng Bác Hồ từ khi sinh ra đến khi rời bến nhà Rồng, đi tìm đường cứu nước và để lại dấu ấn rất sâu đậm. Thứ hai là hồi mới từ Nga trở về nước, tôi đã có một thời gian công tác tại Xưởng phim thiếu nhi của Hãng phim truyện Việt Nam. Khi đó, tôi đã có ý định muốn làm một chuyên đề về Bác Hồ với thiếu nhi. Thế rồi bẵng đi hàng chục năm sau, ý tưởng đó vẫn luôn được tôi ấp ủ. Hai năm trước đây, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, tôi cũng chưa nghĩ sẽ viết một cái gì về Bác. Vì thời điểm đó, tôi còn đang bận chuẩn bị cho các dự án phim truyện Em muốn làm người nổi tiếng, Đừng đốt và phim hoạt hìnhNgười con của Rồng. Nhưng sau đó được nhiều bạn bè đồng nghiệp khích lệ và động viên cộng với ý tưởng muốn làm một bộ phim về Bác Hồ với thiếu nhi từ ngày trước nên tôi bắt đầu tìm đọc các tư liệu về Người. Tôi đã đến gặp nhà văn Sơn Tùng – một người rất am hiểu về Bác để khai thác những tư liệu liên quan đến Bác từ những năm 45 trở lại đây. Sau đó, tôi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh và đã tìm thấy ở đó thêm nhiều tư liệu vô cùng quý giá. Đó là các bút tích cũ do chính những người từng là học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh viết lại cách đây khoảng hơn chục năm. Qua những lời kể bằng văn bản của họ, tôi mới có thể dựng lại ngôi trường Dục Thanh bằng hình ảnh và con chữ của mình. Hơn nữa, tôi lại là con dâu Nghệ An nên mảnh đất này cũng có khá nhiều duyên nợ với mình. Tất cả điều đó dường như đã kết tủa vào một thời điểm khiến tôi quyết tâm viết kịch bản Nhìn ra biển cả.

Sau này, khi kịch bản đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng Cuộc vận động thì rất tiếc tôi lại đang ở Úc và con gái tôi đã thay mặt đến nhận giải. Hiện nay, kinh phí dự kiến cho phim này khoảng 7, 8 tỷ đồng gì đó và tôi đang chờ được duyệt tổng dự toán.

Bà chắc chắn con số đó sẽ đủ để thực hiện?

Tôi nghĩ là được vì đây cũng không phải là phim chiến tranh chỉ là phim tâm lý xã hội, không có máy bay, quả nổ. Còn thông thường những phim chiến tranh thì kinh phí dự kiến phải trên 10 tỷ. Đối với phim này, khâu quan trọng nhất là việc phục hồi lại tất cả những bối cảnh, phục trang của những năm đầu thế kỷ XX (1908 – 1910) và phục hiện lại một số bối cảnh của vua quan triều Nguyễn giai đoạn vua Hàm Nghi …

Theo kinh nghiệm của một nhà biên kịch, bà thấy làm phim về đề tài lãnh tụ nói chung và về Bác Hồ nói riêng thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Có lẽ, thuận lợi nhất là tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể từ Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung Ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế Hoạch & Đầu tư, BộTài chính, Cục Điện ảnh... trong việc thực hiện bộ phim này. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành bộ phim vừa hấp dẫn và vừa kịp ra mắt đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật của Bác vào năm sau và nằm trong các hoạt động nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Cảnh trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong

Tôi nghĩ cái khó ở đây vì Bác Hồ là một nhân vật kiệt xuất. Bác dung dị như bao người thầy khác nhưng lại cũng không giống những thầy giáo bình thường. Bác là người học thức uyên thâm, suy nghĩ sâu sắc, có tư tưởng vô cùng lớn lao mà không ai có thể sánh được. Khó khăn đặt ra sẽ là phải viết như thế nào và diễn xuất ra sao để lột tả được sự uyên bác của Người bên ngoài sự dung dị đó. Điều này phụ thuộc cả vào ba khâu kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Tôi thấy những bộ phim trước đây làm về Bác như Hà Nội mùa đông năm 46, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong mỗi phim mỗi vẻ và đều phản ánh từng giai đoạn trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác. Tôi cũng vậy. Với kịch bản Nhìn ra biển cả, tôi cũng chỉ lấy mốc hai năm ở trường Dục Thanh (1910 – 2/1911), lúc đó thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang ở độ tuổi đôi mươi, trẻ trung, dung dị và hết lòng thương yêu các học trò của mình. Bên cạnh đó tôi còn khắc họa thêm hình ảnh một số nhà chí sĩ, nhân sĩ yêu nước – những người đã sáng lập ra trường Dục Thanh và có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, sự quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Bác sau này như cụ Hồ Tá Bang, ông Nguyễn Quý Anh, ông Nguyễn Hiệt Chi... Ở đây, Nhìn ra biển cả tuy là phim lịch sử nhưng lại gắn với vấn đề của ngày hôm nay. Đó là người thầy giáo phải gương mẫu và biết thương yêu, hết lòng mở mang trí đức cho học trò. Tôi chắc chắn những hình ảnh đó sẽ dễ thể hiện và bộ phim sẽ hấp dẫn, sẽ hóm hỉnh hơn khi có sự xuất hiện của những nhân vật học trò lứa tuổi 12 – 15.

Tuy viết về Bác nhưng tôi cũng ý thức được tính hấp dẫn của bộ phim. Tôi chú trọng đến sự hấp dẫn về màu sắc, đó là màu của những năm đầu thế kỷ XX. Tôi hình dung ra màu nâu mộc mạc, chân chất và nếu có thể được thì cái phông của bộ phim cũng sẽ dựa trên nền đó (điều này còn tuỳ thuộc vào đạo diễn). Tôi hy vọng nó sẽ gây được sự hấp dẫn tối đa về mặt thị giác. Bên cạnh đó là sự hấp dẫn về địa danh, về phong tục tập quán, về mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau, về kịch tính trong các mối quan hệ. Mọi tình tiết sẽ liên tục có sự đan cài tính hấp dẫn để công chúng không chỉ được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh về Bác Hồ mà còn lôi cuốn được một lượng lớn khán giả đến rạp, đặc biệt là đối tượng trẻ, chứ không phải làm phim để cốt chiếu phục vụ những ngày Lễ Tết và sau đó cất vào kho.

Bà kỳ vọng điều gì vào bộ phim này?

Bộ phim là tấm lòng thành của không chỉ riêng tôi mà còn là của cả nhóm sáng tác (đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ…) mong sao khắc họa lại được những năm tháng trẻ trung, đẹp đẽ và đáng nhớ của một vị Chủ tịch kính yêu nhất trong lịch sử cách mạng. Tôi cho rằng Bác là một người duy nhất rất tuyệt vời về mọi mặt và chiếm được rất nhiều tình cảm của người Việt Nam trước đây cũng như bây giờ. Kể từ khi đất nước ta chưa có tên trên bản đồ thế giới cũng nhờ Bác lãnh đạo thì mọi người mới biết đến hai chữ Việt Nam và cũng nhờ Người mà nước nhà mới hòa bình thống nhất. Tôi mong muốn và hy vọng Nhìn ra biển cả sẽ rất dung dị, cảm động, sâu sắc và hấp dẫn và có dấu ấn riêng khác với những bộ phim trước đây đã làm về Bác.

Cảnh trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong

Bà có thể cho biết thách thức lớn nhất hiện nay đối với Hãng phim là gì?

Đối với bộ phim này, thách thức lớn nhất đó là không phải quay ở miền Bắc nhưng cũng không phải quay ở miền Nam mà sẽ được thực hiện ở miền Nam Trung Bộ. Vì ở đó có bối cảnh và có không khí riêng. Hơn nữa, gương mặt của diễn viên cũng khác người ngoài Bắc. Hai, ba tháng “vật lộn” ở trong đó sẽ có nhiều thách thức cho đoàn làm phim. Điều khó khăn nhất là phải làm sao tái dựng được cái phông của những năm đầu thế kỷ XX một cách chân thực và hiệu quả nhất. Do vậy, gánh nặng trước mắt sẽ được đặt trên vai của người họa sĩ thiết kế. Tiếp đó là nhà quay phim và một số các thành phần khác như âm nhạc, âm thanh, tiếng động. Chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng để cho ra đời một sản phẩm điện ảnh cao cấp.

Hãng phim Hội nhà văn đã rất tiếc vì không mời được đạo diễn Trần Lực về làm diễn viên trong phim Hành trình qua ba bể (cũng một bộ phim làm về Bác Hồ). Trong khi đó, Hondafilm lại nhanh chân mời anh về làm đạo diễn. Tại sao, Hãng lại có quyết định này?

Thực ra, khi kịch bản tôi mới viết xong còn chưa biết có được giải hay không thì tôi đã đưa cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh đọc và mong muốn hai người lại trở lại với phim nhựa kể từ sau Canh bạc - bộ phim đầu tiên của chúng tôi. Lưu Trọng Ninh cũng rất hào hứng nhưng sau đó thì Cục Điện ảnh lại giao cho anh làm phim Mùi cỏ cháy của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Còn Nhìn ra biển cả không biết bao giờ mới có tiền để làm. Vì thế tôi đã mời đạo diễn Trần Lực. Trần Lực trước đây đã từng đóng vai Bác Hồ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong nên đó là sự thuận lợi đầu tiên vì anh đã có thời gian nghiên cứu những tư liệu về Bác từ những ngày ấy. Thứ nữa, bộ phim này làm về giai đoạn Bác còn rất trẻ trung, lại có sự xuất hiện của đám học trò nhỏ tuổi nên chắc chắn sẽ hợp với chất của Trần Lực – một người rất có duyên khi làm việc với các diễn viên nhí như trong bộ phim truyền hình Cô bé bên hồ cũng là kịch bản đầu tiên của tôi cộng tác với anh. Bên cạnh đó, Trần Lực nguyên là diễn viên nên các chi tiết cũng như cách dàn dựng diễn xuất trên hiện trường rất có ưu thế cộng với sự hóm hỉnh của anh ấy thì chắc chắn bộ phim này sẽ có nhiều thành công và thú vị.

Trần Kim Anh