Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cần nhấn mạnh đầu tư có trọng điểm

(TGĐA) - Nhìn chung, Bản Dự thảo được xây dựng bài bản, công phu, nội dung phong phú, trình bày sáng rõ, tôi chỉ xin được góp thêm một vài ý kiến nhỏ.

IMG_7922

Về phần Mục tiêu, theo tôi, có lẽ không nên ghi rõ là “đến năm 2020, nền Điện ảnh Việt Nam trở thành nền Điện ảnh hàng đầu trong khu vực”. Bởi điều này phần lớn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta mà còn phụ thuộc vào sự xuất hiện (hay không xuất hiện) các tài năng điện ảnh lớn, hay sự phát triển cụ thể của điện ảnh các quốc gia láng giềng. Nên sửa là “đến năm 2020, ĐAVN xây dựng được một nền điện ảnh dân tộc, hiện đại, có vị thế cao (hay là được thừa nhận) ở châu Á”. Bởi từ nay đến đó chỉ còn 7 năm nữa thôi - 7 năm đang yếu trở thành mạnh trong tình hình điện ảnh còn ngổn ngang như vậy sợ khó khả thi mà dùng ngôn từ lớn thể hiện khát vọng lớn như vậy chỉ có tính chất động viên nhau mà thôi. Cái chúng ta cần ở đây là sự khả thi.

Chỉ khi chúng ta thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể, chúng ta sẽ có cơ may đạt tới mục tiêu tổng quát là xây dựng được một nền điện ảnh dân tộc, hiện đại, có vị thế được thừa nhận (thông qua thực trạng chiếm lĩnh thị phần khán giả trong nước, thông qua kết quả các LHP Quốc tế, thông qua thực trạng xuất khẩu phim Việt Nam).

Về phần Nội dung chiến lược. Ở mục I, “Sáng tác, sản xuất”, tôi đề nghị nhấn mạnh “đầu tư có trọng điểm” tránh tình trạng dàn trải về đối tượng tác giả, nghệ sỹ hoặc dàn trải về đề tài như vẫn thường gặp bấy lâu nay. Cụ thể nên nói là “Nhà nước đầu tư có trọng điểm để sản xuất các tác phẩm điện ảnh qui mô lớn, gắn với các sự kiện lịch sử dân tộc, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, các phim về đề tài truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, đề tài thiếu nhi và đặc biệt là đề tài đương đại phản ánh đất nước và con người Việt Nam hôm nay. Sở dĩ, tôi nhấn mạnh điều này vì nhiều năm qua chúng ta có phần xao nhãng phản ánh hiện thực cuộc sống trong các tác phẩm điện ảnh được nhà nước đặt hàng. Đây là đề tài quan trọng, thiết thực mà các nhà lãnh đạo của những năm trước đây rất chú trọng, khuyến khích. Cũng nên bỏ cụm từ “có nhiệm vụ quảng bá” vì phim hay là có yếu tố quảng bá ở trong đó rồi.

Ở mục II- “Phát hành, phổ biến phim”. Nên xuống dòng đoạn “Khôi phục chương trình mục tiêu quốc gia….” Vì đây là một ý lớn, cần được nhấn mạnh nên phải xuống dòng.

Trước khi tính đến chuyện xây mới các rạp chiếu bóng, cần ưu tiên giải quyết tình trạng vận hành, kinh doanh kém hiệu quả của hệ thống rạp chiếu bóng quốc doanh nói riêng và cả hệ thông phát hành phim nhà nước nói chung hiện nay hoàn toàn lép vế so với tư nhân.

Bao năm qua chúng ta đã bỏ trống trận địa này - Thị trường phim ảnh rộng lớn đã để cho nước ngoài và tư nhân thu lợi lớn.

Ở mục III - “Phát triển cơ sở kỹ thuật và công nghệ...”, tôi đề nghị thêm ở mục 3, từ nay đến 2015 , tiếp tục đầu tư có trọng điểm bằng vốn ngân sách vào cơ sở kỹ thuật, các hãng phim nhà nước để bổ sung hoàn chỉnh các thiết bị tiền kỳ và hậu kỳ. (Tôi thêm 2 chữ hậu kỳ vì như thế kỹ thuật mới đồng bộ) tại hai nơi là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Hoàn chỉnh các thiết bị dựng phim phi tuyến, kỹ xảo, đồ họa 3D, hệ thống hòa âm hiện đại (tôi bổ sung thêm phần này)

Cần nhấn mạnh việc cần thiết phải hoàn thành dứt điểm việc xây dựng Trường quay quốc gia (tại Cổ Loa) đảm bảo cho các đoàn làm phim có điều kiện làm việc chủ động tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Cần khắc phục triệt để tình trạng nhập trang thiết bị hiện đại mà không đi kèm với việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên thành thạo tương xứng, dẫn đến tình trạng máy móc nhập về bị “đắp chiếu” trong khi phần hậu kỳ của nhiều phim phải thực hiện ở nước ngoài rất bị động, lãng phí và tốn kém.

Ở mục IV - “Phát triển nguồn nhân lực”.

Mục 1 chỉ nên ghi là Có chế độ chính sách (bỏ từ hỗ trợ) bồi dưỡng nhân tài ..

Mục 5, đề nghị thêm vào và nhấn mạnh “Cần phối hợp với Bộ GD & ĐT dành chỉ tiêu học bổng từ ngân sách Nhà nước hàng năm cho việc gửi sinh viên các chuyên ngành đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển” (bỏ từ khuyến khích) như vài chục năm trước đây đã thực hiện khá hiệu quả.

L_trao_gii_Cnh_diu_l_mt_hot_ng_thng_nin_ca_Hi_in_nh_Vit_Nam

Với phương châm “lấy nhà sản xuất phim làm trung tâm trong quy trình tổ chức sản xuất phim” (thay vì đạo diễn là trung tâm như trước đây, tôi nghĩ đây là nét mới, cách nhìn nhận mới của Chiến lược phát triển điện ảnh lần này. Và như vậy sẽ nổi lên vấn đề cần đào tạo gấp một cách chính quy, bài bản các nhà sản xuât phim có trình độ cao khả dĩ đáp ứng nhu cầu của sự phát triển điện ảnh.

Ở mục V- “Công tác lưu trữ và nghiên cứu, đề nghị thêm “và nghiên cứu”. Công tác lưu trữ cần đi kèm nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử Điện ảnh Việt nam và thế giới trong phạm vi có thể, góp phần phát triển nền lý luận phê bình điện ảnh hiện còn chưa được quan tâm đúng với vị trí quan trọng của lĩnh vực này.

Nhân đây cũng xin nói thêm là trong Dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh, lĩnh vực Lý luận –Phê bình điện ảnh đáng tiếc là cũng chưa được đề cập đến thành một mục riêng).

Phần 3 “NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC”, theo tôi, nên bổ sung thêm mục “Tăng cường đầu tư tài chính cho điện ảnh”. Mục này rất quan trọng, nếu không có mục này thì cả chiến lược công phu mà chúng ta đề ra ở trên sẽ không thể thực thi.

Trong mục “Tăng cường đầu tư tài chính cho điện ảnh” có các nội dung đáng chú ý sau :

- Cần dứt điểm việc thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”, luật hóa các nguồn cung cấp kinh phí cho Quỹ này, đề xuất các nguyên tắc vận hành của Quỹ.

- Trước đây, với từng dự án phim, Bộ tài chính đều chuyển thẳng cho các Hãng mà không qua Bộ VH,TT&DL cũng là điều tốt, là ưu điểm (đi đường thẳng bao giờ cũng nhanh hơn đường vòng). Nhưng đó chỉ là những dự án nhỏ, lẻ. Hôm nay, do yêu cầu của thực tế, để phát triển ngành điện ảnh được đúng định hướng, giảm tối đa cơ chế xin, cho qua nhiều đầu mối, và cũng để đúng chức năng Quản lý trực tiếp ngành điện ảnh của Bộ VH,TT&DL, đề nghị: Ngân sách thực hiện các dự án điện ảnh hàng năm cần được Bộ Tài chính chuyển về Bộ VH,DL &TT để Bộ được chủ động hơn trong việc phân bổ nguồn kinh phí này thông qua đấu thầu mà Bộ Tài chính giữ vai trò giám sát, kiểm tra.

Nguyễn Thị Hồng Ngát