Phim Việt giờ "vàng": Đừng tạo thói quen... chuyển kênh cho khán giả

Kể từ đầu năm 2008 tới nay, để đảm bảo được 50 % phim nội phát sóng trên truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam đã tiên phong trong việc ưu tiên cho phim Việt phát sóng vào “giờ vàng” các tối từ thứ Hai  đến thứ Sáu. Nhờ “chính sách kích cầu” này mà ngoài các đài truyền hình trung ương và địa phương, các công ty, các hãng phim cũng tham gia vào việc làm phim như BHD, Lasta, Đông A, M & T Picture... tạo nên một làn gió mới cho phim nội.

Sau nhiều bộ phim truyền hình dài tập như: “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Luật đời”, phát sóng vào “giờ vàng”, phim Việt Nam ít nhiều tạo được dấu ấn và thói quen ngồi trước màn hình vào mỗi buổi tối của phần đông khán giả.


Tuy nhiên, gần đây, ngoài “Lập trình cho trái tim”, những bộ phim còn lại cho thấy dù được “kích cầu” bằng “vàng” thì vẫn không thể “nâng đời”...

Làm “tụt hạng” kịch bản

Dàn diễn viên trong "Những người độc thân vui tính" chỉ còn một vài người còn bám trụ lại

Sau khi bộ phim dài tập “Cô gái xấu xí” kết thúc, Hãng BHD “thừa thắng xông lên” bằng một dự án dài hơi khác với bộ phim cũng mua kịch bản của nước ngoài “Có lẽ nào ta yêu nhau”. Tuy nhiên, kịch bản ngoại, diễn viên hạng “sao” và sự đầu tư mạnh tay không phải lúc nào cũng mang lại thành công. Lâu nay, mỗi khi nói đến những thất bại của phim Việt, người ta hay đổ cho kịch bản. Nhưng từ “nhân chứng vật chứng”: “Có lẽ nào ta yêu nhau”, “Những người độc thân vui vẻ” đã cho thấy “căn nguyên” của “bệnh nan y” chính là ở đạo diễn và diễn viên.

Có thể nói, điển hình nhất cho sự thất bại của đạo diễn cũng như diễn viên là “Những người độc thân vui vẻ”. Được mua kịch bản được coi là thành công của Trung Quốc, lại được đầu tư riêng một trường quay hiện đại hàng triệu USD cùng dàn diễn viên hùng hậu nhất miền Bắc... khiến người trong cuộc cũng như khán giả đều lạc quan tin tưởng vào sự thành công của bộ phim sitcom đầu tiên của Việt Nam. Vậy nhưng, sau vài tập phát sóng, bộ phim gây không ít phản ứng từ khán giả. Tiếp thu những ý kiến đó, một số tập của series này cũng được đầu tư hơn, có chọn lọc hơn, nhưng càng về sau càng bộc lộ rõ tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Nghệ sĩ Chí Trung, một diễn viên trung thành và tâm đắc với “Những người độc thân vui vẻ” cho hay: “Ngay từ đầu, cả đạo diễn và diễn viên đều không hiểu về phim sitcom và chủ quan cho rằng làm phim đó quá dễ, rằng chỉ cần ra trường quay là diễn. Nhiều đạo diễn, diễn viên còn không đọc trước kịch bản. Vì thế, được vài tập, cả ê kíp gần như “ngã ngựa” vì nó còn khó hơn cả làm phim truyền hình.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho biết: “Ở phim “Những người độc thân vui vẻ”, vai trò của đạo diễn là không có nhiều. Ngoài việc “Việt hóa” kịch bản, ra trường quay, đạo diễn cho quay nhiều máy, sau đó chọn xem “đúp” nào đạt là lấy để đảm bảo “tiến độ” 2-3 ngày một tập của phim sitcom. Trong khi đó làm phim truyền hình, đạo diễn và diễn viên phải nghiên cứu kịch bản rất kỹ, diễn viên ngoài việc diễn bằng khả năng của mình còn có sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao của đạo diễn. Chính vì vậy, trong “Những người độc thân vui vẻ”, người ta chỉ thấy diễn viên chứ không thấy sự hóa thân vào vai diễn như đáng ra phải thế”.

Cảnh trong phim "Có lẽ nào ta yêu nhau"

“Có lẽ nào ta yêu nhau” cũng là một thất bại tương tự. Điều bất lợi cho bộ phim này là khi xem, khán giả cũng đồng thời so sánh với kịch bản gốc của Hàn Quốc khá thành công. Thay vì diễn tả câu chuyện một cách dung dị, đạo diễn và diễn viên lại quá “lên gân” nên càng xem, khán giả càng cảm thấy mệt mỏi với những chi tiết rườm rà, nặng nề. Những thử nghiệm và tìm tòi của đạo diễn Tống Thành Vinh trong một ê kip và điều kiện còn nhiều khập khiễng đã gây tác dụng ngược cho bộ phim.

Phim hay, giờ nào cũng xem

Tất cả những cái dở đó diễn viên, đạo diễn có lẽ đều biết nhưng sẽ không nhiều người đủ dũng cảm ra đi để bảo vệ thương hiệu của mình. Nghệ sĩ Chí Trung cho biết, sau hàng loạt những phản ứng không tốt dành cho “Những người độc thân vui vẻ”, nghệ sĩ Vân Dung đã nói lời chia tay với bộ phim và đạo diễn đã phải nghĩ ra tình huống không có trong kịch bản là cho nhân vật Mai Lệ bội tình với giám đốc Hào Hùng để đi Pháp.

“Sau này, chúng tôi vẫn đùa với nhau rằng nếu đạo diễn ghét ai đó thì cách tốt nhất là hãy để cho nhân vật... đi Pháp”, nghệ sĩ Chí Trung hài hước nói. Sau Vân Dung, nghệ sĩ Quang Thắng cũng rậm rịch ra đi mấy lần nhưng đã trót đi trên một con thuyền, nên vẫn hy vọng cùng với đạo diễn làm cho bộ phim tốt lên. Nhưng những nỗ lực và mong muốn làm thay đổi cách nhìn của khán giả với “độc thân”, cuối cùng nghệ sĩ Chí Trung cũng không đủ kiên nhẫn để ở lại. Giờ đây, dàn diễn viên hùng hậu của “Những người độc thân vui vẻ” những ngày đầu chỉ còn vài nhân vật bám trụ.

Một ví dụ điển hình cho phim “không giờ vàng” là “Những nàng công chúa nổi tiếng” của Hàn Quốc đang được phát sóng vào 22 giờ mỗi ngày. Bỏ qua yếu tố kịch bản và đạo diễn, điều “sờ nắn” được đó là diễn xuất của diễn viên khá phong phú và hấp dẫn. Không chỉ mang lại tiếng cười mà còn khiến khán giả xúc động, yêu ghét với những vấn đề mà ở gia đình châu Á nào cũng gặp phải.

Bộ phim "Những nàng công chúa nổi tiếng" của Hàn Quốc dù được chiếu vào giờ "không vàng" cũng vẫn thu hút đông đảo người xem

Phải rất nỗ lực các nhà làm phim mới tạo được thói quen xem phim Việt Nam cho khán giả giữa thời buổi phim ngoại xâm lấn. Nhưng cũng chính những bộ phim quá dở (dù vẫn được xuất phát từ nỗ lực đáng khuyến khích đó) cũng đang làm thói quen... chuyển kênh của khán giả mỗi khi đến “giờ vàng phim Việt”.

Theo Gia đình & Xã hội