Phim truyền hình có bắt được nhịp của cuộc sống?

Việc Mùa chim én xôn xao (Hãng phim Giải Phóng chế tác) đã phát sóng và Mùa cưới (Hãng phim truyện Việt Nam chế tác) đang phát sóng nhận được nhiều ý kiến phản đối về chất lượng phim quá kém đã đặt ra câu hỏi: Liệu các Hãng phim Nhà nước có nên vì giải quyết vấn đề công ăn việc làm mà phải chấp nhận ký kết hợp đồng chế tác những bộ phim với kịch bản dở do các hãng phim tư nhân và công ty truyền thông tham gia làm phim đặt vấn đề hợp tác?

(TGĐA) - Ít phim cập nhật đời sống hiện nay, người làm phim bị áp lực phải “hút” quảng cáo và chịu sự chi phối của nhà tài trợ, khả năng thâm nhập thực tế không sâu sắc… đó là hạn chế của đa số những bộ phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Chính vì không bắt nhịp với đời sống nên nhiều bộ phim trở thành giả tạo.


Cảnh trong phim Mùa chim én xôn xao

Chất lượng giả

Một thành viên trong đoàn phim Mùa chim én xôn xao cho biết: Kịch bản phim này đã vốn dở từ khi còn trên giấy, chính vì thế nó bị đưa đi, đẩy lại qua tay vài đạo diễn. Kết quả là ai cũng nói lời từ chối, bất đắc dĩ mới đến tay đạo diễn Lê Hữu Lương. Anh còn nói thêm, rằng Trần Ngọc Phong và Lê Hữu Lương là những đạo diễn chuyên phải ngậm ngùi làm những bộ phim bị các đạo diễn khác… “chê”. Hợp đồng đã ký kết thì phải thực thi, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng phải chăng ngay từ đầu, lượng của kịch bản để đến nỗi bút sa gà chết: Hợp đồng chế tác đã ký, chẳng lẽ lại hủy? Và nói một cách thẳng thắn thì dường như các hãng phim tư nhân vì biết kịch bản dở nên đã mượn đến uy tín đạo diễn thuộc các Hãng phim nhà nước để những mong vớt vát lại chút gì đó.

Cảnh trong phim Gia tài bác sĩ

Lúc này, Mùa cưới hiện đang phát sóng trên HTV, mới được vài tập đầu đã khiến khán giả thất vọng. Một thành viên đoàn làm phim “đính chính” vội qua điện thoại: Về sau sẽ hay hơn chứ không như mấy tập mở màn đâu ạ! Sao lại có chuyện ngược đời thế chứ? Những mặt hàng mới xuất hiện bao giờ cũng có chất lượng tốt hơn – Đó là một trong những nguyên tắc thu hút khách hàng trong kinh doanh. Chẳng lẽ các nhà sản xuất phim – cụ thể là công ty đầu tư làm phim để mua sóng của nhà đài lại không biết đến điều đó? Tuy nhiên, việc này không quan trọng bằng sự đánh giá công tâm của khán giả. Chắc chắn rằng, ngay từ đầu đã gây thất vọng thì mai mốt họ cũng hết hứng và không muốn phí công chờ đến hồi sau.

Sự kém chất lượng của những bộ phim do các hãng phim nhà nước gia công nói trên vô tình đã tạo nên một tiền lệ không tốt về mặt tâm lí ở các đài truyền hình địa phương. Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương… một loạt đài truyền hình địa phương (mỗi đài có ít nhất 2 kênh) tại khu vực phía Nam đang miệt mài ngày đêm tung lên sóng những bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc. Danh mục phim Việt Nam, nếu có, thật nghèo nàn và hiếm hoi. Nhu cầu khán giả là một chuyện, nhưng nếu có những bộ phim Việt Nam hấp dẫn, chắc chắn các đài truyền hình nói trên không bỏ qua. Vấn đề là bản thân các đài truyền hình này không đủ khả năng sản xuất phim hay không có tiền làm phim? Cộng với suy nghĩ: Phim do các hãng phim nhà nước, uy tín là vậy mà còn dở, huống chi là mình. Cũng vẫn ngần ấy tiền, họ đã mua được một bộ phim truyền hình nước ngoài để phát sóng, vừa đơn giản, tiện lợi, lại đảm bảo về tỉ suất người xem.

Cảnh trong phim Hương phù sa

Và bối cảnh giả

Có một nghịch lý là khi xem những bộ phim truyền hình nước ngoài, khán giả được mát nhãn thưởng thức những khuôn hình đẹp với bối cảnh là những địa danh du lịch nổi tiếng trên khắp thế giới trong khi đó phim truyền hình Việt Nam chỉ loanh quanh những địa điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Hạ Long... Những bộ phim truyền hình quay tại nước ngoài vẫn chỉ là tương lai còn xa vời vợi. Bởi lẽ, phần lớn bối cảnh trong phim Việt Nam vẫn hết sức nghèo nàn. Kinh phí làm phim hạn chế và không có trường quay hiện là vấn đề lớn làm đau đầu các nhà làm phim ở nước ta. Nhưng nó chỉ đúng với một số bộ phim mà thôi, còn chủ yếu bị coi là cái cớ vin vào.

Nhưng nếu giả sử tình huống phim xảy ra ở Hong Kong hay Thái Lan thì cũng không quan trọng, chỉ cần chọn một nơi nào đó làm giả bối cảnh là được. Phim bảo đó là Thái Lan thì người xem cứ cố mà hình dung nhân vật của phim đang ở Thái Lan. Và hơn nữa, điều không thuyết phục khán giả và cũng không đánh vào thị giác của người xem là dường như việc chọn bối cảnh thay đổi đi từ A đến B (Từ Nha Trang về Phú Quốc hay từ Phan Thiết chạy vèo lên Sapa) cũng chỉ là cái cớ phải đi chứ không có sự gắn kết chặt chẽ với nội dung kịch bản yêu cầu phải thế. Đại để là người xem có cảm giác rằng câu chuyện xảy ra ở đâu cũng được: Thành phố A, thành phố B…, tùy vào ngẫu hứng của người viết. Nói không quá lời là khi viết phân cảnh, bất chợt người viết nghĩ ra một cái địa danh nào đó và… điền vào… cũng vẫn ăn khớp. Nhưng thường thì phải thay đổi càng xa càng tốt để “giải ngân” nguồn kinh phí và đổi gió cho cả đoàn. Xét cho cùng thì phim ảnh – trên nguyên tắc là giả (theo nghĩa không có thật) nhưng nó không vì thế mà không chạm tới sự rung động với người xem. Còn các nhà làm phim cũng đừng nên viện cớ giả theo nghĩa giả tạo để làm ra một sản phẩm không có sức thuyết phục, không tạo được cảm xúc từ công chúng…

Cảnh trong phim Chạy án

Bài học từ những bộ phim Giờ Vàng

Nhìn tổng thế, một bộ phim dở không chỉ đổ tại bối cảnh xấu. Nó là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Bởi, sẽ rất không công bằng nếu yêu cầu một bộ phim có bối cảnh đẹp trong khi nguồn kinh phí đầu tư ít ỏi. Nếu vậy, mong các nhà làm phim hãy chú trọng nhấn mạnh đến tình huống, nội dung của câu chuyện để phim có thể bị người xem chinh phục ở các yếu tố này mà không cần có bối cảnh quá phức tạp, dàn trải, chỉ gói gọn trong một vài không gian nhất định.

Dù có khó tính đến mấy, khán giả cũng phải công nhận một điều: Những bộ phim Giờ Vàng của VTV và HTV nhìn chung là những bộ phim khá. Những cái tên như Dốc tình, Hương phù sa, Chạy án, Ma làng… và gần đây nhất là Gia tài bác sĩ, Bỗng dưng muốn khóc đều có sự nghiêm túc trong nghề nghiệp. Chất lượng phim vì thế cũng hơn hẳn. Có thể thấy được sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ khâu kịch bản, phục trang, đến hình ảnh trong các bộ phim này. Đó là chưa kể đến nét tự nhiên, khá chân thật trong diễn xuất của diễn viên khi bản thân đạo diễn đã tỏ ra là người có con mắt tinh tường trong khâu casting. Hoàn thành một bộ phim như thế mất bao nhiêu thời gian? Đạo diễn, diễn viên phải vất vả thế nào? Đoàn làm phim phải cực nhọc ra sao? Công sức họ bỏ ra được đền đáp đến đâu? Chưa hết, họ đã phải chịu sức ép gì? Gánh nặng khẳng định tên tuổi, tay nghề của mình trong mắt đồng nghiệp? Hiếm ai chịu khó làm một phép so sánh và có cái nhìn tổng lược về vấn đề này. Tất nhiên không thể phủ nhận một điều: Cần phải có sự hỗ trợ tương đối tốt của điều kiện làm việc, họ mới đủ sức cho ra đời một bộ phim được khán giả ghi nhận. Và theo một logic tự nhiên, nếu như tất cả các hãng phim tư nhân hay nhà nước đều có các series chất lượng như vậy, nền công nghiệp sản xuất phim truyền hình Việt Nam sẽ có một bộ mặt hoàn toàn khác.

Cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc

Tuy nhiên, các đài truyền hình cũng nên mở rộng hơn nữa đề tài của các bộ phim phát sóng giờ Vàng chứ không chỉ gói gọn trong câu chuyện về cuộc sống, tình yêu của giới trẻ, vấn đề tham nhũng, điểm nóng đất đai, cơ chế của nông thôn thời mở cửa v..v... Và để có được sự linh hoạt trong đề tài thì việc chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ quảng cáo giữa các đài truyền hình và đơn vị sản xuất phim cũng cần phải được tính toán kỹ. Sau đó là khâu nhuận bút cho người viết kịch bản, dựng phim, quay phim và diễn viên. Phim đề tài khác nhau thì tỷ lệ chia lợi nhuận cũng cần khác nhau chứ không nên cào bằng… Như thế sẽ giúp các đơn vị sản xuất phim thoát khỏi cái bóng của nhà tài trợ; các biên kịch và đạo diễn có điều kiện thâm nhập thực tế và tự do sáng tác theo chủ đề mình muốn.

Lưu Thảo