Phim trường Việt: Chuyện dài kỳ chưa có hồi kết

Phim trường đầu tiên được giới làm phim nội địa nhắc tới thuộc về sở hữu của nhà sản xuất - diễn viên - giám đốc hãng phim tư nhân Hai Nhất. Phim trường Nhất Phương của ông thực ra rất nhỏ, nằm gọn trong khuôn viên của nhà hàng cùng tên.

"Cả dải đất Việt Nam là một phim trường khổng lồ. Chỉ cần đạo diễn gật đầu, tổ chủ nhiệm thực hiện đúng bài năn nỉ, ỉ ôi là đã có trong tay một bối cảnh đúng ý. Làm phim không trường quay mãi quen rồi, cái khó tức khắc sẽ ló cái khôn mà" - một đạo diễn dạn dày với kinh nghiệm cỡ vài chục đầu phim truyền hình cười như mếu khi nghe nhắc đến khái niệm phim trường, đến quy trình sản xuất phim theo đường hướng chuyên nghiệp hoá...


Những phim trường… còn xa mới đạt chuẩn

muingogai-quay.jpg
Phim trường Mùi ngò gai

Cũng cầu cong, cũng tượng đúc, cũng dăm bảy con thú nhốt trong chuồng. Lọt vào ống kính mấy bộ phim dã sử, cổ trang những năm 90 của thế kỷ trước trông còn tàm tạm chứ nhìn ngoài thì nhôm nhoam, chẳng mấy hấp dẫn.

Mãi tới sau này, phim trường Mã Phi Hải - lấy tên của ông chủ vốn là một hoạ sĩ thiết kế có tiếng của Hãng phim Giải phóng - mới trở thành địa chỉ quen thuộc mà giới làm phim thường lui tới thuê mướn, nhờ vả.

Nép mình trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sĩ, chỉ khiêm tốn cỡ 800m2 nhưng nhờ sự tháo vát của chủ nhân, đây được xem như phim trường Việt Nam đầu tiên được thiết kế và trang bị khá chu đáo với từng khu vực riêng biệt (phòng hoá trang, phục trang, phong dựng…)

Làm phim kiểu nhà nghèo, thiếu phim truờng là nỗi lo thường trực. Vậy là khu đất trống, dãy nhà kho… đều có thể tận dụng để quay phim. Nhà kho cho 39 độ yêu, dãy nhà hoang cho Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Khu nhà tập thể của Hội phụ nữ VN ở Thuỵ Khuê (Hà Nội) vẫn còn giữ nguyên nếp sinh hoạt thời bao cấp đã xuất hiện trong cỡ… 100 phim truyền hình.

Rồi những "làng Hollywood", theo cách nói trào lộng của các đạo diễn, thi nhau bước lên phim, từ Phú Cường - Sóc Sơn tới Tây Mỗ, Tây Tựu. Một phim đã quay được là có cả chục đoàn kéo nhau về thu hình. Tạm bợ, manh mún, cảnh các đoàn phim phải đội nắng hứng mưa, phải khóc dở, mếu dở khi ông trời "đỏng đảnh" đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

docthanvuive-phimtruong.jpg docthanvuive-aVnE3.jpg
Phim trường Những người độc thân vui vẻ

Người làm phim phía Bắc đã từng biết tới một phim truờng mang tên Cổ Loa, do nước bạn Trung Hoa và CHDC Đức hỗ trợ xây dựng cách đây đã vài chục năm. Nhìn từ bên ngoài, trường quay này giờ hoang phế, điêu tàn như một khu đất bị bỏ quên. Dự án hồi sinh khu truờng quay đã mấy lần khiến dân trong nghề mừng hụt, bởi thời hạn khởi công - hoàn tất cứ lùi đi lùi lại mãi.

Năm 2008 đánh dấu cái mốc Chính phủ đã duyệt dự án mang tầm quốc gia. Theo kế hoạch, trường quay có quy mô hiện đại này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 2009, đầu tiên là để kịp phục vụ những dự án làm phim chào mừng Thăng Long ngàn tuổi.

Đó là chưa kể một vài phim trường được dự báo là "khá quy mô" nhưng loanh quanh vẫn nằm trên giấy. Phim trường của Đài TH TP.HCM với diện tích 50 ha vì nhiều lý do vẫn chậm trễ khởi công. Phim trường của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu liên doanh với một công ty thiết kế xây dựng, 5 năm qua vẫn chỉ là… dự định. Rồi phim trường của Điện ảnh CAND, quỹ đất đã có nhưng thời hạn đưa vào sử dụng thì… chưa biết tới bao giờ.

Từ nhu cầu xã hội hoá

Thời ttuyền hình - điện ảnh nô nức xã hội hoá, phim truyền hình dài tập đủ thể loại từ sitcom tới telenovela chen chân lên sóng giờ Vàng của VTV, HTV, trường quay đã trở thành nhu cầu vô cùng bức thiết. TFS làm phim sitcom Lẵng hoa tình yêu, ít nhất cũng phải kiếm cho ra một khu đất trống để ghi hình, thu tiếng trực tiếp liên hoàn.

Gia đình Việt kết hợp với CJ Hàn Quốc làm Mùi ngò gai cũng lại phải lo ngay một phim trường nhỏ ở quận 9 để còn dễ bề chủ động. Rồi những phim ngắn cỡ hai chục tập, dài cỡ cả trăm, cứ nơm nớm đi thuê mướn, rồi ngồi lo bị chủ nhà nổi hứng bất tử đuổi ra thì còn tâm trí đâu mà sáng tác.

cogaixauxi-quay.jpg
Phim trường Cô gái xấu xí

Từ thực tế ấy, nhu cầu ấy, hàng loạt phim trường - đa phần thuộc về các đơn vị làm phim tư nhân nối nhau ra đời. TFS thuê cả khu du lịch Củ Chi làm bối cảnh mà bộ phim nhiều tập Lục Vân Tiên được "khai màn". Nhà cửa, sông nước, thuyền bè sẵn đấy cứ theo nhau vào phim thật sống động.

Hãng phim Chánh Phương của nam tài tử Chánh Tín cũng đã kịp sở hữu một phim trường cỡ 2000m2, mang phong cách rất "Hollywood" tại huyện Hóc Môn. Một studio với đầy đủ thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại theo công nghệ nước ngoài luôn sẵn sàng phục vụ. Tự nhận là phim trường mini nhưng nó cũng ngốn của gia đình ông cỡ 5 tỷ (vào thời điểm cách đây 2 năm).

Sản xuất mỗi năm cỡ 350 tập phim nhưng VFC vẫn chưa có được một phim trường đúng nghĩa, tính cho tới trước thời điểm bấm máy phim TH tương tác Nhật ký Vàng Anh. Và cũng chỉ tới khi dự án sitcom hàng trăm tập Những người độc thân vui vẻ được khởi động, anh em đạo diễn mới được hưởng niềm vui lần đầu làm việc trong trường quay rộng cỡ 700m2, có tới chục phòng để thay đổi bối cảnh. Nằm ở Hưng Yên, cách Hà Nội vài chục cây số, trường quay do Công ty Mesa tài trợ này còn xây dựng một khu nhà nghỉ phục vụ cho ê kíp làm phim.

BHD sau những lần vất vả thuê mướn phim trường cho các dự án ngắn hạn trước đó đã quyết định đầu tư một phim trường nghiêm chỉnh cho dự án phim tiểu thuyết truyền hình dài 169 tập Cô gái xấu xí.

Có trường quay đàng hoàng, đội ngũ hoạ sĩ thiết kế thoả sức bay bổng. Chủ động trong lịch sản xuất, tạo tâm lý thoải mái giúp ê kíp làm phim thoả sức sáng tạo, tiết kiệm rất nhiều chi phí làm phim… là những cái lợi nhãn tiền mà các đơn vị có trường quay đều nhìn thấy.

Đến những dự án phim trường triệu đô

Bốn trường quay hiện đại phục vụ sản xuất cả phim điện ảnh lẫn truyền hình; trường đào tạo kỹ thuật phim trường, nhà nghỉ, nhà hàng, hồ bơi, sân tennis…, tất cả những hạng mục công trình đó sẽ tập trung ở Cánh đồng mơ ước (Dream Field Studio).

phimtruongVinaUniversal.jpg
Toàn cảnh vùng biển Sa Huỳnh, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - nơi sẽ được Tập đoàn Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh) quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch - phim trường Vina Universal. (Ảnh: Minh Thu - Tuổi Trẻ)

Với quy mô 10 ha, phim trường đồ sộ này do Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt đầu tư 100%, Công ty Shinn (Hàn Quốc) thiết kế dưới sự trợ giúp về kỹ thuật và đào tạo của SBS (tập đoàn truyền thông tư nhân HQ).

Khởi công tại khu liên hợp công nghiệp dịch vụ Bình Dương, với số vốn đầu tư 20 triệu đô la, phim trường dự kiến "có quy mô và chất lượng ngang tầm Đông Nam Á này sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cùng lúc nhiều đoàn làm phim. Là phim trường đầu tiên tại VN kết hợp với kinh doanh du lịch, cũng phải cuối năm 2009, Cánh đồng mơ ước mới có thể hoàn thành toàn bộ.

Quần thể khu du lịch - phim trường Vina Universal do Công ty CP Tân Tạo làm chủ đầu tư với tổng kinh phí lên tới 50 triệu đô la, diện tích 1000 ha đã được khởi công tại Sa Huỳnh - Phổ Thạnh - Đức Phổ - Quảng Ngãi vào đầu năm 2008. Được phân chia thành nhiều giai đoạn, đây sẽ là một phim trường - một trung tâm du lịch giải trí đạt chuẩn quốc tế.

Câu chuyện dài kỳ về phim trường Việt vẫn chưa đi đến hồi kết. Con đường hướng tới chuyên nghiệp còn dài. Mong lắm có một cái kết thật vui.

Theo VTV