Phim lấy bối cảnh đại dương: Bí mật chuyện hậu trường

(TGĐA) - Làm phim lấy bối cảnh đại dương thực sự là một cuộc chơi xa hoa, tốn kém. Những tấm gương từ Jaws, Titanic hay phim hành trình Life of Pi là những minh chứng rõ nhất cho điều đó. Tuy rằng trước khi khiến người xem dựng tóc gáy thì trong quá trình thực hiện, các siêu phẩm này đã kịp làm cho nhà sản xuất vài lần suýt vỡ tim, do đội kinh phí vì các cảnh quay mạo hiểm… Nhưng đại dương như một sức hấp dẫn bí ẩn, các bộ phim thuộc thể loại này vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các hãng phim ở Hollywood. Đặc biệt, quá trình sản xuất Jaws, Titanic được thu hình lại như dạng phim tài liệu và thu hút sự chú ý của công chúng không khác gì bản thân các bộ phim.

Titanic – Những câu chuyện chưa bao giờ kết thúc

Khi đã nhắc đến những bộ phim lấy bối cảnh đại dương và chuyện hậu trường, không thể không nhắc đến Titanic – một bộ phim tốn kém và ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Trn_trng_quay_Titanic

Ngay cuộc khảo sát để tìm tư liệu về con tàu thật bị đắm đã khiến Jim (tên thân mật của James Cameron) gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng đó lại là chất liệu tuyệt vời để ông tạo nên nên một thiên tình sử diễm lệ trên con tàu đắm nổi tiếng suốt 100 năm qua. Bộ phim đã bị đội kinh phí lên rất nhiều so với các kỷ lục trước đó là Waterworlds, Cleopatras, Heaven’s Gates. Một khu nghỉ mát gần bãi biển tồi tàn thuộc khu vực Rosarito, Baja California, Mexico được chọn làm địa điểm xây dựng khu phức hợp trường quay với bể chứa nước nhân tạo khổng lồ mô phỏng đại dương rộng lớn. Nơi đây, họ sẽ hạ thủy con tàu mô hình khổng lồ cao 775 feet, tương đương tòa nhà 10 tầng, để quay phim. Trước đó, họ đã đặt mua một mô hình tàu Titanic có kích cỡ bằng chiếc thùng của xe bán tải mang ra đó và… cưa làm đôi. Trên bờ biển, Jim bắt đầu nghiên cứu các yếu tố liên quan tới độ sáng, hướng mặt trời, hướng gió, vị trí của của con tàu gần các vách đá để sao cho vẫn có thể nhìn thấy biển… Việc hoàn thiện khu trường quay hoành tráng quy mô cũng là để các diễn viên cảm nhận được không khí của bộ phim cũng như có những trải nghiệm thật sự để nhập vai.

making_of_titanic_27

Lý do phim tốn thêm 110 triệu USD so với con số dự trù ban đầu chính là quy trình đánh đắm con tàu huyền thoại. Con tàu được dựng thành hai phần, mỗi phần được được điều khiển bởi một hệ thống thủy lực cực lớn để nó có thể chìm dần từ góc 3 độ, sau đó đến 6 độ. Nửa thân trước của con tàu có một vách ngăn cho phép nó chìm sâu tới 30 feet. Boong tàu nghiêng từ 0 đến 90 độ… Các chuyên gia nhận định nếu như Titanic được thực hiện trong thời điểm hiện nay, sẽ có nhiều công đoạn được thực hiện trên máy tính và điều này giúp cho các nhà làm phim khá nhiều. Nhưng vào thời điểm đó, trên con tàu cao 800 feet với 500 diễn viên quần chúng chạy dọc boong tàu thì riêng việc tìm vị trí để đặt máy quay cũng là điều không mấy dễ dàng bên cạnh hàng trăm ngàn khó khăn khác. Trong một cảnh quay nội, lúc tàu đang chìm dần, còn Kate và Leo đang tìm kiếm lối thoát. Họ nhìn thấy một người đàn ông ôm đứa trẻ. Tiếp đến sẽ xuất hiện một bức tường nước ập vào từ một cánh cửa và cuốn họ đi... Hàng tấn nước, nhưng vì một lý do nào đó, lần quay đầu tiên trông chỉ giống như lượng nước tháo ra từ chiếc máy giặt và lập tức nó đã được quay lại. Với Jim, nếu kế hoạch A không như ý, kế hoạch B sẽ được tiến hành với rất nhiều khó khăn hơn. Và trong trường hợp này, kế hoạch B là số lượng nước lớn gấp 3 so với ban đầu, cùng lúc đổ xuống từ các thùng chứa đặt trên cao, sẵn sàng cuốn Jim cùng với các diễn viên của ông đi xa hàng trăm mét. Làm việc dài ngày với một bộ phim không có gì bất thường nhưng khó khăn với các nhà làm phim Titanic là họ phải làm việc dài ngày trong nước. Việc phải lội nước cả ngày, thì riêng sự di chuyển chậm chạp cũng đã đủ khiến họ mệt mỏi. Vì thế, thường vào cuối ngày, tất cả mọi người đều như muốn ngã quỵ. Để đảm bảo an toàn cho các diễn viên, hãng phim đã thuê khoảng 20 nhân viên cứu hộ từ San Diego tới phục vụ hiện trường. Mỗi nhân viên cứu hộ phải chịu trách nhiệm cho mười người. Có những thời điểm, bể nước khổng lồ tuy chỉ sâu có 3,5 feet nhưng nó cũng hoàn toàn bị đóng băng. Và nhiệm vụ của đội cứu hộ là đưa từng người ra khỏi hiện trường để tăng thân nhiệt và chuẩn bị cho lần quay kế tiếp. Riêng cảnh quay nước biển nuốt chửng căn phòng Grand Staircase (phòng khách lớn) của con tàu, các nhà làm phim chỉ quay 1 lần bởi vì toàn bộ đạo cụ và các đồ dùng sẽ bị phá hủy trong quá trình quay. Có một cảnh khá thú vị là khi Rose trượt chân từ mũi tàu thì vị trí tiếp đất của cô chỉ cách đó khoảng… 1 mét.

kate-winslet-middle-front-with-James-cameron-TITANIC-set

Cuộc sống trên biển của hổ và cá mập

So sánh quy trình thực hiện Life of Pi với Jaws để thấy rằng ngoài yếu tố nội dung thì công nghệ đã thực sự khiến cho điện ảnh thăng hoa theo thời gian. Life of Pi ra đời nhờ sự hỗ trợ tối đa của công nghệ kỹ thuật số. Bối cảnh phim cũng được thực hiện tại một bể nước nhân tạo có sức chứa khoảng 1,7 triệu gallon nước và có thể lướt sóng ở trong đó. Là một nhà làm phim tự nhận là được đào tạo về “cảm quan” hơn là “giác quan” nên đạo diễn Lý An có xu hướng thể hiện những hình ảnh mà có thể nói lên xúc cảm của nhân vật. Ngoài Pi, phim còn có một nhân vật chính khác nữa là con hổ Bengal hung dữ có tên Richard Parker và là một phần của câu chuyện kỳ diệu trong cuộc đời của Pi. Quay một bộ phim với một con hổ chính là thách thức trong thế giới thực bởi các nhà làm phim không muốn diễn viên của họ bị… ăn thịt. Chính vì thế, con hổ xuất hiện trong bộ phim là một sáng tạo kỹ thuật số của các chuyên gia hiệu ứng đặc biệt đến từ công ty Rhythm & Hues. Phiên bản kỹ thuật số của Richard Parker được nhóm kỹ sư sáng tạo tham chiếu hình ảnh của một con hổ thật. Và con hổ này đã được đưa đến quay những cảnh chỉ có mình nó xuất hiện trong khuôn hình như cảnh hổ bơi trên biển. Để có thể có được những hình ảnh này, bốn con hổ thật cùng với một huấn luyện viên đã được đưa đến trường quay trong một chiếc cũi khổng lồ và các nhà làm phim dùng một con thuyền di chuyển xung quanh nó để ghi hình.

5.Making_of_Life_of_Pi

Making_of_Life_of_Pi_1

Lùi lại gần 40 năm, bộ phim Jaws thực sự là một cuộc thử nghiệm tính kiên trì của các nhà làm phim. Các con cá mập có tên là Bruce 1 và 2 nặng 1,5 tấn/con và có giá 150.000 USD, được đặt hàng tại một xưởng sản xuất sau đó được chở đến trường quay bằng xe tải. Chúng hoạt động trên mặt một tấm ván phẳng đặt dưới nước ở độ sâu 70feet, do một cánh tay cần cẩu giữ thăng bằng. Chính vì cá luôn phụ thuộc vào tấm ván này nên có lần tấm ván đã bị lật úp trong lúc nó được hạ xuống biển và một nhóm thợ lặn đã phải lặn xuống để... mò cá mập. Vào thời điểm đó, việc tạo nên một bồn nước khổng lồ như trong Titanic hay Life of Pi là không thể nên trường quay của Jaws chính là biển. Và những rắc rối đã phát sinh khi bờ biển California luôn có những những chiếc thuyền buồm lọt vào khung hình. Ngoài ra, có một vài sự cố trên phim trường mà không ai muốn nhớ đó là: Một chiếc tàu chở diễn viên đã suýt chìm. Các diễn viên thường xuyên say sóng biển. Diễn viên Gottlieb suýt bị chân vịt của tàu cứa đứt đầu và diễn viên Dreyfuss có lần đã mắc kẹt trong lồng thép…

Making_of_Jaws_2

Lam_phim_Jaws

Nói về bộ phim Jaws, trong nhật ký của mình, đạo diễn Steven Spielberg tiết lộ:Trong 12 giờ/ngày, đoàn phim chỉ có 4 giờ để quay phim thật sự, thời gian còn lại là để xử lý các sự cố không mong muốn.

Anh Đào