Phim hoạt hình Việt Nam: Mừng nhưng vẫn tiếc...

(TGĐA) - Phim hoạt hình trong Liên hoan phim VN lần thứ 17 đã đề cập đến rất nhiều đề tài phong phú và đa dạng. Nổi bật là đề tài lịch sử và truyền thuyết có phim Người con của Rồng, Giấc mơ Loa thành, Cổ vật đêm rằm; Đề tài về bảo vệ môi trường có phim Quái vật hồ sen, Mẹo vặt; Đề tài về cuộc sống thường nhật của trẻ em có phim Cánh diều hoạ mi, Trẻ con là thế đấy, Ước mơ của Bi; Đề tài về nhân bản có phim Chiếc lá, Cầu vồng chắn mưa, Vũ điệu ánh sáng, Chiếc lông công, Chiếc cầu xoay… Điều đáng mừng là bên cạnh phim 2D truyền thống đã có thêm loại phim 3D đạt được thành công bước đầu.


Liên hoan phim VN lần thứ 17 đã quy tụ được 16 phim hoạt hình của 5 đơn vị sản xuất phim trong cả nước tham gia: Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Hội Điện Ảnh VN, Trung tâm sản xuất phim Truyền hình –VFC và Công ty TNHH MTV Bamboo Animation.

Chiecla

Cảnh trong phim hoạt hình Chiếc lá - Bông Sen Vàng LHPVN lần thứ 17

Về nội dung các phim hoạt hình Việt Nam trước kia không ít người có ấn tượng phim hoạt hình Việt nam thường mang tính áp đặt và giáo dục trẻ em một cách cứng nhắc. Tuy nhiên nhiều phim hoạt hình dự thi đã tránh được nhược điểm này. Thí dụ phim Chiếc lá, các tác giả chỉ cần thông qua hình tượng một chiếc lá cuối cùng trên cây đã cố đem hết nhựa sống cuối cùng để bảo vệ lũ chim non chống chọi với mưa bão đã thể hiện được lòng nhân ái cao cả của con người đối với những kẻ hoạn nạn trong cộng đồng. Phim Quái vật Hồ Sen thông qua số phận một con Chép vàng xinh đẹp bị tác động của môi trường ô nhiễm đã biến dạng thành quái vật nhưng biết giành lại sự sống cho mình và cư dân trong hồ đã thể hiện được tinh thần dũng cảm và hy sinh của nhân vật trong việc bảo vệ môi trường.

GiacmoLoaThanh

Đáng tiếc cho Giấc mơ Loa Thành khi câu chuyện bị dang dở

Về hình thức thể hiện tất cả các phim tham gia đều sử dụng kỹ thuật vi tính để sản xuất phim 2D và phim 3D. Điều đáng mừng là bên cạnh phim 2D truyền thống đã có thêm loại phim 3D đạt được thành công bước đầu. Loại phim này mới xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn 10 năm nhưng nay chỉ trong liên hoan phim lần này đã có tới 5 phim 3D, trong đó có các phim đạt được hiệu quả cao như Chiếc lá, Người con của Rồng... Ngoài ra còn có những thử nghiệm phim kết hợp giữa 2D và 3D cũng đạt được hiệu quả nghệ thuật rất đáng trân trọng như phim Giấc mơ Loa thành.

Trước đây chúng ta thường chỉ sản xuất các bộ phim ngắn 10 phút thì nay đã có những bộ phim dài có thể chiếu cả buổi ở ngoài rạp như phim Người con của Rồng dài 90 phút, bộ phim Trẻ con là thế đấy dài 61 phút, bộ phim Giấc mơ Loa thành dài 30 phút.

Điều đáng mừng nữa là ngày nay một số cơ sở đã có đủ kinh phí và nguồn nhân lực để làm phim hoạt hình dài tập. Đáng tiếc là có cơ sở vì lý do nào đó mới chỉ thực hiện được một phần của câu chuyện đáng ra có thể làm khoảng 60 phút thì mới hoàn chỉnh nhưng chỉ làm được 30 phút, nghĩa là một nửa của câu chuyện, khiến người xem có cảm giác tác phẩm chưa thật hoàn chỉnh. Thí dụ như phim Giấc mơ Loa thành mới chỉ làm đến phần xây Loa thành còn phần rất hấp dẫn về sau là chuyện An Dương Vương và Cao Lỗ sử dụng Loa thành và nỏ thần để chống giặc thì lại chưa được thực hiện.

Vudieuanhsang

Cảnh trong phim hoạt hình Vũ điệu ánh sáng

Nhược điểm nổi bật của không ít bộ phim hoạt hình, nhất là một số phim không được giải kỳ này là việc sử dụng ngôn ngữ hoạt hình bị hạn chế. Tính khoa trương cường điệu, biến ảo giữa thực và hư là một lợi thế rất lớn của hoạt hình được thể hiện trong phim rất ít nếu không nói là nghèo nàn. Thậm chí một số phim còn quá nệ thực, toàn bộ câu chuyện và các hành động xảy ra giống hệt như đời thường, thiếu hẳn sự tưởng tượng phong phú, bay bổng mà trẻ em vốn rất ưa thích .

Điều này trước hết là do kịch bản. Tác giả kịch bản đã sử dụng ngôn ngữ của phim truyện để viết kịch bản phim hoạt hình. Dó đó đạo diễn dù cố gắng cũng không làm sao thể hiện được bằng ngôn ngữ hoạt hình. Bên cạnh đó là do một số đạo diễn cũng không thoát được sự hạn chế của kịch bản mà cũng lại kể chuyện phim theo kiểu phim truyện, khiến bộ phim không sao cất cánh lên nổi. Một số đạo diễn chưa phát huy được cái hay của kịch bản mà chỉ dừng lại ở mức độ gần như là minh hoạ kịch bản.

Điều đáng mừng là trong liên hoan phim lần này chúng ta đã có phim Chiếc lá (Đạo diễn Phạm Hồng Sơn) đã được giải Bông sen vàng. Phim đã đã kết hợp được yếu tố kịch bản tốt với nghệ thuật dàn dựng, tạo hình nhân vật bối cảnh, diễn xuất, âm nhạc đều xuất sắc. Việc sử dụng ngôn ngữ hoạt hình khá nhuần nhuyễn trong phim nên đã xây dựng được hình tượng nhân vật chiếc lá thật đẹp đẽ, cao cả, đem lại cảm xúc và ấn tượng sâu sắc cho người xem. Chính vì vậy mà phim Chiếc lá còn được giải kịch bản xuất sắc nhất, đạo diễn và hoạ sĩ xuất sắc nhất. Bộ phim không chỉ dành cho trẻ em mà người lớn cũng rất ưa thích.

Bộ phim Người con của Rồng (Đạo diễn Minh Trí) được giải Bông sen bạc là bộ phim về lịch sử hoành tráng, có nhiều tìm tòi, sáng tạo. Phim còn được giải nhạc sĩ xuất sắc nhất. Bộ phim Quái vật Hồ Sen (Đạo diễn Phương Hoa) được giải Bông Sen bạc là bộ phim về bảo vệ môi trường cũng có nhiều thành công về dàn dựng và nghệ thuật tạo hình, diễn xuất…

Nguoiconcuarong

Một cảnh trong bộ phim hoạt hình Người con của Rồng

Để mở ra một bước phát triển mới cho phim hoạt hình Việt Nam sau liên hoan phim lần này, phim hoạt hình ngoài việc phát triển các đề tài lịch sử, truyền thuyết, thần thoại, cổ tích quen thuộc cần mạnh dạn đi vào đề tài hiện đại với nội dung phong phú, đa dạng. Bên cạnh phim dành cho trẻ em, cần phát triển thêm loại phim dành cho người lớn hoặc phim cho cả trẻ em và người lớn.

Về mặt kịch bản cần mang nhiều tính chất hoạt hình, tính dân tộc, giàu trí tưởng tượng, tính sáng tạo và thích hợp với tâm lý con người, nhất là trẻ em, tránh những nội dung đã cũ mòn, ý tưởng nghèo nàn.

Công tác đạo diễn cần có tính chuyên nghiệp cao, sử dụng ngôn ngữ hoạt hình điêu luyện, có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật dàn dựng. Công tác hoạ sĩ chú ý tạo hình nhân vật đẹp, dễ thương, có tính cách, bối cảnh đẹp, diễn xuất thật sống động, tránh tạo hình nhân vật phản cảm hoặc ít thiện cảm với người xem, khắc hoạ không đúng tính cách nhân vật.

Chiecla1

Chiếc lá đã hoàn toàn chinh phục BGK tại LHPVN lần thứ 17

Về hình thức thể hiện ngoài loại phim 2D quen thuộc cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa loại phim 3D với thế mạnh rất lớn về tạo hình nhân vật, bối cảnh, diễn xuất động tác, tạo hình ảnh có chiều sâu…

Ngoài các phim thông thường có độ dài 10 phút, cần phát triển mạnh loại phim cực ngắn từ 30 giây đến vài phút và loại phim dài 45- 90 phút. Loại phim dài này rất thích hợp với việc chiếu ở ngoài rạp vì có thể chiếu trọn một buổi.

Đặc biệt phim hoạt hình Việt Nam cần phấn đấu mang tính hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc cả về nội dung lẫn hình thức, tránh lối sao chép và bắt chước phim nước ngoài một cách thô thiển.

Trên đây là một vài suy nghĩ quanh các bộ phim tham gia liên hoan phim lần thứ 17. Hy vọng các cơ sở làm phim khắc phục những nhược điểm và phát huy những ưu điểm của phim sản xuất trong thời gian qua để thời gian tới có những phim hoạt hình đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của khán giả yêu hoạt hình, nhất là trẻ em.

Nhà biên kịch Vũ Kim Dũng