Phim Hoa ngữ không thể bỏ qua nửa cuối năm 2014

(TGĐA) - Trải qua một nửa đầu năm khá trầm lắng, điện ảnh Hoa ngữ sẽ tái ngộ khán giả với một diện mạo khởi sắc và đáng để kỳ vọng hơn trong thời gian sắp tới. Cùng với sự trở lại của thế hệ đạo diễn gạo cội gồm Trương Nghệ Mưu, Ngô Vũ Sâm, Hứa An Hoa…, người yêu điện ảnh sẽ có dịp chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt của dàn sao hạng A thực lực: Chương Tử Di, Thang Duy, Song Hye Kyo, hứa hẹn cống hiến cho ảnh đàn một bữa tiệc phim thịnh soạn và hấp dẫn.

Yu_t_hai_ong_vai_tro_quan_trong_trong_phim_Mt_bc_xa_xi

Yếu tố hài đóng vai trò quan trọng trong phim Một bước xa xôi

Không có bất cứ tác phẩm nào đặt trong bối cảnh hiện đai, điện ảnh Trung Quốc nửa cuối năm 2014 dường như muốn đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về quá khứ, kể những câu chuyện thuộc thời đại cũ, khơi gợi những cốt truyện kinh điển một thời nhưng gửi gắm nhiều thông điệp luôn mới trong đời sống xã hội. Tâm lý là thể loại được sử dụng nhiều nhất trong mùa phim cuối năm, ngoài ra, lịch sử, chiến tranh và hài cũng là những yếu tố được tận dụng hợp lý để làm nên chất riêng cho từng tác phẩm.

Thời đại hoàng kim – Đạo diễn: Hứa An Hoa

Kể về cuộc đời thăng trầm, nhiều biến cố của nữ văn sĩ nổi tiếng Tiêu Hồng, Thời đại hoàng kim không đơn thuần khắc họa hình tượng một nhân vật, mà còn đi sâu tái hiện xã hội Trung Quốc trong giai đoạn chiến tranh từ thập niên 20 tới thập niên 40 thế kỷ trước. Hiện lên trong bối cảnh loạn lạc của phim sẽ là những khát vọng hạnh phúc và tham vọng của con người đương thời.

Xoay quanh câu chuyện về một nhân vật nữ kinh điển của Trung Quốc, lại được dàn dựng dưới bàn tay của nữ đạo diễn Hứa An Hoa, Thời đại hoàng kim chứa dựng nhiều chất liệu nữ tính, với cách kể chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng gửi gắm thông điệp nhân văn sâu sắc và dữ dội. Sự hóa thân trọn vẹn của cô đào xinh đẹp Thang Duy cũng được xem là điểm sáng đáng chờ đợi của tác phẩm này.

Nữ nhân vương triều Dương Quý Phi – Đạo diễn: Thập Khánh, Điền Tráng Tráng, Trương Nghệ Mưu

Là một trong tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Hoa, Dương Quý Phi từng được đưa lên sân khấu kịch và màn ảnh vô số lần, với nhiều biến tấu về tình tiết và diễn xuất của các nghệ sĩ khác nhau. Điều này khiến cho Nữ nhân vương triều Dương Quý Phi rơi vào vòng nghi ngại đối với giới làm nghề. Theo chia sẻ từ phía đơn vị sản xuất, phiên bản mới năm 2014 sẽ đẩy mạnh khai thác các mâu thuẫn trong hoàng tộc nhà Đường và chốn cung đình, tạo nên điểm nhấn khác biệt so với các bản phim lúc trước. Bên cạnh đó, sự hợp tác của bộ ba đạo diễn tên tuổi cũng phần nào bảo chứng cho chất lượng phim.

Về dàn diễn viên, những tên tuổi hàng đầu ảnh đàn gồm Phạm Băng Băng, Lê Minh, Ngô Tôn, Ninh Tịnh tuy không thể dán mác phim nghệ thuật cho Nữ nhân vương triều Dương Quý Phi, song đủ sức đảm bảo bộ phim không thể lỗ vốn về mặt doanh thu.

Thái Bình luân – Đạo diễn: Ngô Vũ Sâm

Năm 1945, khi quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc, hàng vạn người dân Thượng Hải tranh nhau chiếc vé lên tàu Thái Bình để sơ tán tới Đài Loan, nhưng chiếc tàu không may gặp nạn và bị chìm trong chuyến hành trình ấy. Lấy cảm hứng từ sự kiện chìm tàu Thái Bình kinh hoàng trong lịch sử, Thái Bình luân của đạo diễn Ngô Vũ Sâm khắc họa những câu chuyện tình yêu, tình thân nhiều nước mắt trong bối cảnh rối ren thời kháng chiến chống Nhật.

ao_si_xung_nui_lp_lanh_mau_sc_bac_hoc_quen_thuc_trong_phim_Trn_Khai_Ca

Đạo sĩ xuống núi lấp lánh màu sắc “bác học” quen thuộc trong phim Trần Khải Ca

Phim là sự kết hợp hoàn hảo của các thể loại tâm lý, chiến tranh và thảm họa, được ví như phiên bản châu Á của siêu phẩm một thời Titanic và được xem là “bom tấn” của điện ảnh Hoa ngữ trong năm nay. Đặc biệt, sự góp mặt của dàn sao đình đám đến từ nhiều quốc gia gồm Song Hye Kyo, Chương Tử Di, Huỳnh Hiểu Minh, Kim Thành Vũ... cùng bàn tay dàn dựng có nghề của đạo diễn Ngô Vũ Sâm chính là điểm sáng bảo chứng cho sức hút và thành công của phim.

Đạo sĩ xuống núi – Trần Khải Ca

Cũng lấy bối cảnh thời đại Dân quốc, nhưng Đạo sĩ xuống núi lại truyền tải những thông điệp đáng suy ngẫm về dục vọng, khát vọng và bản năng của con người. Bộ phim đánh dấu sự trở lại ảnh đàn của một trong các bâc đại danh gia của điện ảnh Trung Quốc – Trần Khải Ca. Vị đạo diễn tên tuổi sẽ một lần nữa thử sức chính mình với thể loại võ hiệp kết hợp nhuần nhuyễn cùng yếu tố tâm lý và kỹ xảo 3D hiện đại.

Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về hành trình lần đầu xuống núi, lần đầu va vấp thế giới trần gian của ba vị đạo sĩ trẻ. Trong đó, sự xuất hiện của “nữ thần dục vọng” Lâm Chí Linh sẽ là cửa ải thách thức lớn đối với ba nhân vật nam chính, qua đó làm nổi bật cái nhìn độc đáo của người làm phim về cuộc sống.

Đạo sĩ xuống núi quy tụ dàn diễn viên tên tuổi gồm Vương Bảo Cường, Trương Chấn, Quách Phú Thành, Lâm Chí Linh, Ngô Kiến Hào…

Một bước xa xôi – Đạo diễn: Khương Văn

Mở đầu bằng một cuộc thi tuyển chọn vũ nữ ở vũ trường Thượng Hải, phim điện ảnh Một bước xa xôi đưa người xem lần lượt lật mở những bí mật động trời của kinh đô hoa lệ thập niên 20. Để khắc họa chân thực và trọn vẹn thế giới người thượng lưu tại Thượng Hải sầm uất và xa hoa của thế kỷ cũ, đạo diễn Khương Văn và tổ thiết kế đã dành nhiều tâm huyết, chăm chút kỹ lưỡng cho công tác dàn dựng bối cảnh cũng như thiết kế tạo hình cho các diễn viên. Những trường đoạn các cô chân dài nhảy múa gợi cảm dưới ánh đèn long lanh của vũ trường chắc chắn sẽ làm đã mắt ngay cả những vị khán giả khó tính nhất.

Cùng với các yếu tố chủ đạo là hành động và tâm lý, tính chất hài hước ẩn chứa ngụ ý châm biếm thâm sâu cũng được cài cắm khéo léo trong phim, thông qua sự tung hứng nhịp nhàng của bộ đôi nghệ sĩ gạo cội Khương Văn và Cát Ưu. Ngoài ra, sự góp mặt của nữ thần sexy Thư Kỳ với dáng vẻ lả lơi, xinh đẹp cũng là một điểm đáng chú ý của bộ phim.

Ng_Kin_Hao_co_tao_hinh_c_va_la_trong_phim_ao_si_xung_nui

Ngô Kiến Hào có tạo hình độc và lạ trong phim Đạo sĩ xuống núi

Lang đồ đằng – Đạo diễn: Jean Jacques Annaud

Năm 1967, hưởng ứng lời hiệu triệu của cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc, hai chàng thanh niên người Bắc Kinh rời bỏ quê hương để tới miền thảo nguyên Mông Cổ hoang dã. Tại đây, họ có dịp hòa mình vào cuộc sống “trần trụi với thiên nhiên” của con người bản địa và làm quen với chó sói – loài động vật được kính trọng nhất tại đây. Hành trình bảo vệ chó sói Mông Cổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng khiến các nhân vật trong phim lĩnh ngộ nhiều bài học nhân sinh quan đáng quý.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên một thời lập kỷ lục doanh thu xuất bản, nhưng Long đồ đằng vẫn gặp không ít khó khăn khi sản xuất. Đạo diễn Jean Jacques Annaud đã trải qua bốn năm với vô số trở ngại để đưa được dự án phim này ra mắt khán giả. Tuy nhiên, vốn kinh nghiệm tích lũy trong vòng hai năm nuôi chó sói của ông cũng có nhiều hỗ trợ tích cực cho quá trình bộ phim bấm máy.

Vòng vây núi Uy Hổ - Đạo diễn: Từ Khắc

Đúng như ý nguyện đã ấp ủ bấy lâu, đạo diễn Từ Khắc cuối cùng cũng có thể đưa câu chuyện kinh điển Lâm hải tuyết nguyên lên màn ảnh rộng, với tên gọihoàn toàn mới Vòng vây núi Uy Hổ. Tiếp tục là một bộ phim đặt trong thời đại Dân quốc, song bộ phim này tập trung xoay quanh câu chuyện giai đoạn nội chiến Trung Quốc liên miên, sau ngày chiến tranh chống Nhật kết thúc.

Tiếp nối hiệu ứng của series Địch Nhân Kiệt, Từ Khắc một lần nữa khiêu chiến với định dạng 3D trong bộ phim của mình. Ông cũng hứa hẹn mang đến nhiều sự sáng tạo mới lạ trong cách thức kể chuyện và dàn dựng. Tuy nhiên, sự “xuống tay” và thị trường hóa của họ Từ trong các phim gần đây khiến giới làm nghề cũng như khán giả có lý do để nghi ngờ về chất lượng nội hàm của Vòng vây núi Uy Hổ.

Phong Kiều