Phim Cánh đồng hoang và ba chữ S

Phim Mùa gió chướng có sự hợp lực của cả quân và dân. Cần một tiểu đoàn cho trận đánh, chiến sĩ ta hào hứng giơ cả hai tay, lăn lê bò lết trên đồng cả buổi, mỗi chiến sĩ thậm chí nhận thù lao một cái bánh bao. Vai quần chúng bao nhiêu cũng có, người nào được đứng trước ống kính, không nhận thù lao mà sau đó còn mời đoàn làm phim về nhậu. Vất vả mà vui. Quan trọng hơn tôi bắt đầu biết thế nào là phim và có thể nói tôi đã nắm được “bí quyết” việt kịch bản phim. Sau này, có người hỏi tôi, viết văn với viết kịch bản phim khác nhau chỗ nào, tôi trả lời ngắn gọn, viết văn phải có văn, viết kịch bản điện ảnh thì phải có hình.

(TGĐA) - Cũng từ hình ảnh của đứa bé, tôi mơ mơ màng màng nghĩ đến một phim về chiến tranh. Mười hai năm sau mới viết. Tôi viết Cánh đồng hoang vào buổi sáng ngày 18 tháng 12 năm 1978.


Cảnh làm phim Cánh đồng hoang

Phim Mùa gió chướng, lần đầu tiên tôi viết kịch bản phim, nhà quay phim tài năng Hồng Sến lần đầu tiên làm đạo diễn phim truyện, Lâm Tới – diễn viên nổi tiếng lần đầu tiên làm phó đạo diễn chỉ đạo diễn xuất, Thùy Liên vốn là diễn viên sân khấu lần đầu tiên đóng vai chính cho phim (Sáu Linh), Thúy An cô gái bán nước sinh tố trong Thảo cầm viên đóng vai cô giáo Liên (bé Ba), ai cũng vừa bỡ ngỡ vừa hăng hái. Với một đội ngũ như vậy, đạo diễn Mai Lộc giám đốc hãng phim đề nghị tôi cùng đi theo đoàn và đi theo đoàn từ lúc đi chọn cảnh cho đến hậu kỳ. Về nhạc, tôi đề xuất chọn nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Từ cái “bí quyết” ấy, khi Mùa gió chướng đóng máy, trên chiếc ô tô chạy theo con đường đá dọc theo bờ sông Tiến, tôi nghĩ đến kịch bản Cánh đồng hoang.

Năm 1966, từ Hà Nội vượt Trường Sơn tôi về chiến trường Đồng Tháp Mười, tôi theo giao liên trên chiếc xuồng qua bao nhiêu cánh đồng vào mùa nước nổi. Là một chiến trường rất đặc biệt. Một chiến trường không có núi non, rừng thì rừng tràm, từng cụm lưa thưa. Chiến sĩ cán bộ đều sống trên chiếc xuồng lênh đênh trên mặt nước. Không hầm hố tránh bom đạn. Nước là một công sự mênh mông. Tránh pháo, tránh bom, tránh rốc két từ trực thăng băng xuống chỉ có một cách duy nhất là lặn. Dân Đồng Tháp ai mà không biết bơi, biết lặn, biết chèo, biết chống. Tôi là dân đồng nước, mọi chuyện đó, với tôi là sự thường. Nhưng những đứa nhỏ một hai tuổi thì sao? Nhà nào có con nhỏ, thì cha mẹ đã có sẵn bao ni lông. Bom đạn tới thì cha mẹ bỏ đứa nhỏ vào bao ni lông nhấn nó xuống nước, bom đạn dứt thì trồi lên, mở miệng bao ni lông cho nó thở. Nhìn đứa nhỏ được cha đưa ra khỏi bao ni lông, mặt nó ngơ ngơ ngác ngác, tôi bần thần, bị ám ảnh rất lâu. Cũng từ hình ảnh của đứa bé, tôi mơ mơ màng màng nghĩ đến một phim về chiến tranh. Nghĩ vậy thôi chứ chưa viết, không biết viết thế nào và nếu viết được thì lúc bấy giờ không thể nào thực hiện được. Vậy là tôi ngậm lại, để đó. Mười hai năm sau mới viết. Tôi viết Cánh đồng hoang vào buổi sáng ngày 18 tháng 12 năm 1978.

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang

Sau phim Mùa gió chướng tôi thấy hào hứng, như được đà xông lên vậy. Kịch bản không trao cho ai ngoài đạo diễn Hồng Sến, ngoài tài năng và tâm huyết của anh, tôi với anh có cùng một vốn sống. Đạo diễn và tác giả kịch bản có cùng một vốn sống là một yếu tố quan trọng cho sự thành công. Và vai chính cũng không ai bằng Lâm Tới, anh đã xuất sắc qua vai ông Tám Quyện trong Mùa gió chướng, và anh cũng là người sinh ra ở đồng nước.

Có một điều băn khoăn, tôi nói với Hồng Sến, làm sao có một đứa nhỏ, và ai dám cho con mình đóng một vai nguy hiểm như vậy, chắc là phải làm con búp bê thay cho đứa nhỏ. Hồng Sến: “Việc đó anh để tôi lo, yên tâm đi”. Hồng Sến là người mê sen, trong Mùa gió chướng chơi sen hơi nhiều. Tôi nói: “Lần này đừng lập lại sen nữa, phải chơi bông súng”, Hồng Sến gật đầu. Một điều khó nữa, phim phải có trực thăng. Lúc đầu tôi định viết một bầy trực thăng, một bầy ít nhất phải mười hai chiếc, một bầy rợp trời sẽ ầm ĩ, rung động cả trời đất. Đến khi tìm hiểu được biết, HU1A của Mỹ bỏ lại có vài chiếc thôi. Vậy là tôi viết một đội, ba chiếc, ba chiếc cũng đủ gây sóng gió rồi, thực tế ở chiến trường, có khi chỉ một chiếc cũng khiếp lắm. Không có ba chiếc trực thăng thì bộ phim coi như dẹp. Hết sức tình nghĩa, các đồng chí quân đội không chỉ giúp đỡ mà cảm thấy có trách nhiệm với bộ phim về chiến tranh. Không thuê mướn gì hết, xăng dầu thì tính vào xăng dầu tập bay. Hãng phim không tốn một đồng xu (chuyện này bây giờ làm sao có). Phim về chiến tranh mà thiếu sự hỗ trợ của quân đội, rất khó thành công. Ba diễn viên phi công đã diễn rất xuất sắc.

Bây giờ xem lại, ba chiếc trực thăng khi quần đảo trên bầu trời, khi là trên ngọn cây, ngọn cỏ càng phục tài năng quay phim Đoàn Tuấn Ba.

Cảnh làm phim Cánh đồng hoang

Về nhạc phim này, tôi đề xuất mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn nổi tiếng về ca khúc nhưng chưa bao giờ làm nhạc phim, sao lại mời Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn thường hay về quê tôi. Sơn biết trời đất, sông nước, cả mưa cả gió, đặc biệt tánh cách của người dân, người dân quý yêu anh một cách lạ. Một buổi chiều, Trịnh Công Sơn, Hồng Sến và tôi vào một quán lá ở thị xã Cao Lãnh. Một cái bàn gần đó, có người nhận ra Trịnh Công Sơn.

Một tiếng reo, Trịnh Công Sơn, thế là cả chục người trai trẻ vây lấy bàn ba đứa tôi. Thế rồi cây ghi ta chẳng biết từ đâu đưa đến trước mặt Trịnh Công Sơn.

- Hát cho tụi em một bài đi anh.

Trịnh Công Sơn rất tự nhiên, rải một chuỗi âm thanh, rồi cất tiếng hát:

- Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang

Tiếng hát Trịnh Công Sơn như dậy sóng trong lòng mọi người. Tiếng vỗ tay của quán nhậu đang rào rào như mưa thì có một chàng trai người dày, da đậm, chen vào, bước đến, giọng oang oang:

- Anh Sơn! Em là trưởng trạm giam ở đây, là chúa ngục. Anh có ai là bạn bè đang kẹt trong trại, anh cho em biết, em thả ngay.

Tiếng vỗ tay lại rào rào như ốc đổ. Một người kêu lên:

- Vui hết chỗ nói! “Dô!”.

Đêm ấy, Sơn say nằm thẳng cẳng. Một đêm say hạnh phúc.

Khi tôi ngỏ lời mời làm nhạc, Sơn trầm ngâm rất lâu. Sơn nói, đây là lần đầu tiên, chẳng biết sao, trong lúc chẳng viết được ca khúc nào về Đồng Tháp, thì đây là dịp để mình góp phần nhạc vào bộ phim chiến trường Đồng Tháp vậy.

Sau khi phim Cánh đồng hoang được trình chiếu thì anh em nói đùa là bộ phim của “Sơn, Sến, Sáng”, sau gọi là phim của ba chữ S.

Năm rồi, tôi về Cao Lãnh, thăm anh Tư Hữu, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, gặp tôi anh hỏi: “Bây giờ chỉ còn có một chữ S phải không?”.

Tôi bùi ngùi, hai chữ S đã mãi mãi đi rồi! Thương tiếc biết bao!

18/7/2005

Nguyễn Quang Sáng