Sống:

Ông lão mài dao

(TGĐA) - Tôi luôn thích chia sẻ và giúp đỡ người khác, không chờ hàm ơn hay nhận lại thứ gì. Cái đặc tính này đã đóng ở cung mệnh, có lẽ vì thế mà trong cuộc đời tôi luôn gặp may mắn lặt vặt nhiều hơn rủi ro, kiểu như đi đâu về vừa bước vào nhà thì trời đổ mưa to, trời đang mưa to bước ra đường thì trời lại tạnh. Giúp đỡ, chia sẻ và làm từ thiện thì không được kể công, thậm chí còn phải quên đi ngay không được nhớ đến nó, nếu không đang tốt lại thành xấu, đang vô tội lại thành có tội. Đức Phật bảo thế. Nhưng có một câu chuyện tôi không thể không nhớ. Đó là chuyện về ông lão mài dao cách đây 10 năm.

ong lao mai dao

Ấy là 10 năm trước, khi tôi vừa chuyển đến ngôi nhà đang ở hiện nay thì tình cờ gặp một ông lão mài dao. Ông trạc tám mươi, gầy gò, nhỏ bé, tươi cười, mặt phúc hậu, ngồi mài dao ở một góc không ai thèm ngồi ở gần chợ. Tôi mang hai con dao ra mài, trong lúc ngồi chờ thấy rõ là ông lão ế xưng, mỗi con dao mài được vài ngàn, cả ngày may được dăm chục ngàn. Tôi có thói quen ngồi đâu cũng quan sát công việc kinh doanh của mọi người và bắt đầu hoạch định ý tưởng trong đầu giùm họ dù chẳng ai nhờ, từ hàng bún đậu mắm tôm, hàng tào phớ cho đến đại siêu thị.

Tôi bảo: Cụ ngồi đây là không có khách đâu. Thứ nhất là chẳng ai để ý đến cụ. Thứ hai là nếu có biết hàng mài dao ở đây thì cụ cũng ngồi thất thường, chẳng ai biết cụ có mặt giờ nào để mang dao ra mài. Thứ ba là giả sử có biết chắc chắn hôm nay cụ ngồi đây, người đi chợ cũng rất ngại mang túi dao đi mài, lích kích lắm, lại phải căn giờ xem lúc nào cụ mài xong rồi quay lại lấy. Giờ cụ cứ ra ngồi ngay dưới chân khu chung cư nhà cháu, cụ nhớ ngồi vào giờ tan tầm, người đi làm về ngang qua thấy cụ ngồi đó là mang dao xuống cho cụ mài, lát sau sai trẻ con xuống lấy. Nhà ai mà chẳng có dao cần mài nhỉ.

Tôi cho ông cụ địa chỉ. Tưởng nói chơi nói bời vậy mà hơn tuần sau đã thấy ông cụ cặm cụi ngồi mài dao ngay dưới chân tòa nhà tôi ở, ngay góc vườn hoa. Trước mặt có vài chục con dao. 6000 đồng/con. Mỗi nhà có chừng 5 con. 10 nhà cần mài dao thì cụ thu được 300 ngàn trong vài tiếng đồng hồ làm việc. Có lẽ ông cụ thấy được ích lợi của việc ngồi mài dao quèn quẹt ngay trước cổng nhà thiên hạ nên đã luân phiên ngồi dưới chân tất cả các tòa nhà cao tầng không chỉ khu chung cư nhà tôi mà ở toàn thành phố. Cứ vài tháng một lần lại thấy cụ quay trở lại, dụng cụ có mỗi bàn đá và chút nước sạch. Lần nào đi làm về tôi cũng lao thẳng xe vào gara và nhắc cô cháu mang tất cả dao xuống mài, luôn kèm theo lời nhắc “Ông cụ bảo bao nhiêu trả bấy nhiêu, không được mặc cả”. 10 năm trôi qua, tôi chưa nói chuyện lại với ông cụ lần nào, mặc dù thi thoảng vẫn gặp. Mỗi lần nhìn thấy ông cụ xuất hiện, lại mừng trong lòng, nghĩa là cụ vẫn còn khỏe mạnh. Nhìn thấy đống dao chất ngất trước mặt ông cụ, mừng thêm điều nữa là cụ kiếm sống cũng ổn, bằng một nghề rất đáng kính trọng, ở tuổi gần đất xa trời.

ong lao mai dao

Cho đến một ngày cũng gần đây, hôm ấy tôi ở nhà một mình, trẻ con đi học hết không còn ai để sai mang dao xuống, tôi đành lục ra 9 con dao to nhỏ rồi mang xuống sân. Tôi bảo tôi phải vội đi bây giờ, khi nào xong cụ cứ gửi bảo vệ. Vui miệng tôi nhắc lại chuyện cũ: 10 năm trước, cháu là người đã gợi ý cho cụ ra ngồi dưới khu chung cư này, cụ còn nhớ không nhỉ?

Đang mải mê đẩy qua đẩy lại con dao trên thớt đá, cằm tì lên hai đầu gối gập trước ngực, ông cụ dừng phắt, ngẩng lên thất thanh.

- Linh đấy à?

Tôi sững người. Kinh ngạc. Ông cụ hoàn toàn không nhớ mặt tôi, nhưng lại nhớ rất rõ tên tôi. Không có lý do gì bạn phải nhớ tên một người khi chỉ gặp qua một lần trong đời, trong có vài phút, trong số hàng ngàn, hàng vạn người bạn đã từng gặp mặt (nếu bạn làm nghề gì đó liên quan đến khách hàng). Và tuổi tác khó mà để ông cụ nhớ được một cái tên người tận hơn một thập kỷ. Chẳng còn lý do nào khác, ngoài cái ý tưởng kinh doanh dịch vụ mài dao chợt nghĩ ra trong một giây đã giúp cụ có nguồn thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn trong chừng ấy năm.

Từ giờ phút được ông lão nhắc lại tên, tôi biết rằng, ví thử có sai cô cháu gái mang dao xuống mài, bảo: Dao này là... của cô Linh. Thế nào con bé cũng thành khách VIP. Nhưng mà chẳng bao giờ tôi dám nhắc đến tên mình lần thứ hai, chỉ sợ ông lão giảm giá còn 50% thì đang vô tội lại thành có tội.

Tôi từng được nhiều người cảm ơn, nhiều không đếm xuể, vì những gì tôi đã làm cho họ, và họ nói rằng điều đó đã có ý nghĩa đối với họ như thế nào và đã giúp ích thế nào cho cuộc sống và công việc của họ. Những lúc ấy cũng thấy vui trong lòng, vì sự chia sẻ của mình thực sự có ý nghĩa và mang lại niềm vui cho người khác, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác cảm động.

Thi thoảng cũng có người nhận ra tôi vì đã nhìn thấy đâu đó trên truyền hình. Cũng chút vui trong lòng, nhưng không hạnh phúc và cảm động.

ong lao mai dao

Ông lão không cảm ơn tôi và cũng không nói rằng ý tưởng của tôi đã có ích thế nào cho ông cụ, cũng chẳng bình luận thêm câu nào nữa, ngoài nụ cười và bảo “Ừ, hồi ấy tôi còn ngồi ở góc chợ”.

Nhưng hôm ấy, tôi thực sự hạnh phúc và cảm động.

Hôm ấy tôi có chuyện khá buồn, đầu đuôi cả ngày chẳng muốn nói một lời, vậy mà sau đó đến trường học, vui đến nỗi gặp ai cũng chào, hỏi han tíu tít, và tôi vui suốt những tiếng đồng hồ còn lại của ngày. Niềm vui ấy so sánh cũng bằng được một giải thưởng lớn có giá trị cả về danh tiếng lẫn tiền bạc.

Vẫn biết nếu ta mang niềm vui đến cho mọi người, rồi một ngày nào đó, chính niềm vui ấy sẽ nhân lên và trở lại với mình, nhưng khó hình dung theo cách này.

Đôi khi Nhân - Quả chỉ đơn giản như vậy, khi mỗi lần giúp đỡ ai đó bằng cách giới thiệu họ đến gặp người này người kia, họ thường hỏi: Đến đó em phải nói thế nào? Tôi nói giản dị: Chỉ nhắc đến tên chị là đủ. Hoặc đơn giản đến một ngày lễ nào đó của thiếu nhi, rất nhiều bạn bè gọi điện đến chúc mừng cô con gái nhỏ. Và người ta không thể yêu quý một đứa trẻ nếu như người ta ác cảm với mẹ của nó. Điều này thực chính là niềm vui. Mà niềm vui là thứ tài sản quý giá nhất của con người. Đức Phật bảo vậy.

Di Li