Ở đâu thị trường điện ảnh Việt Nam

(TGĐA Online) - Hoạt động điện ảnh là một chu trình công phu đầy phức tạp, cần nhiều tài năng, vốn liếng, thiết bị hiện đại cùng thị trường rộng lớn; kể từ Sáng tác, Chế tác đến Phát hành, Chiếu phim. Các khâu trong chu trình khép kín này đều là những mắc xích kết nối chặt chẽ, tác động nhau hết sức sâu sắc. Nếu một trong các khâu đó nghẽn tắt, toàn bộ chu trình hoạt động rơi ngay vào ngưng trệ. Nếu khâu chiếu phim – thị trường điện ảnh đình đốn hoặc lệch hướng, sản xuất phim dễ dàng sa vào sụp đổ, phá sản.

Gi_nhy_c_coi_l_b_phim_th_trng_u_tin_ca_AVN_thi_k_i_mi

Gái nhảy được coi là bộ phim thị trường đầu tiên của ĐAVN thời kỳ đổi mối

Do đó, sức sống của thị trường phản ánh rõ nét sức mạnh sản xuất của điện ảnh quốc gia. Khi sản xuất trong nước yếu, vẫn có thể có thị trường mạnh, do được bù vào bằng tiêu thụ phim ngoại nhập; song khi thị trường yếu, thì chắc chắn không thể có sản xuất mạnh. Thị trường điện ảnh, do đó có uy lực chi phối, thậm chí khuynh đảo xu hướng sáng tác cũng như quy mô sản xuất phim. Tầm quan trọng quyết định có tính nguyên lý của thị trường đối với toàn bộ hoạt động điện ảnh, là ở đó.

Hơn 100 năm qua, hoạt chiếu phim luôn diễn ra liên tục trên các vùng miền của Việt Nam, đặc biệt sôi nổi ở các đô thị tiêu biểu: Hà Nội, Sài Gòn – TP.Hồ chí Minh. Thời kỳ trước, với số lượng rạp chiếu khá dày đặc so với tỷ lệ cư dân, dân chúng cả Hà nội và Sài gòn luôn nhộn nhịp dưới ánh đèn cinema. Phương thức chiếu hồi đó khá đa dạng: có rạp chiếu “thường lệ” theo suất giờ quy định; có rạp chiếu “thường trực”, liên tục không theo suất; có rạp chiếu “chuyên đề”, hoặc chuyên chiếu phim cũ chọn lọc, hoặc chỉ chiếu phim võ thuật, phim của một quốc gia riêng biệt.

Tại Hà Nội, từ đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, “rạp Grand café” trong khách sạn Metropole đã mở màn bằng bộ phim câm Thần cọp. Tiếp sau là sự ra đời của các rạp Tonkinois (phố Hàng Quạt), Palace, Family (phố Hàng Buồm), rạp Hội Âm nhạc (phố Đinh tiên Hoàng), Majestic (phố Hàng Bài)…Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, hệ thống rạp chiếu phim nội đô được củng cố trên cơ sở một số rạp cũ và tăng cường mới, gồm có: Tháng Tám, Kim Đồng (phố Hàng Bài), Bắc Đô (phố Hàng Giấy), Hòa Bình (phố Đinh Tiên Hoàng), rồi Đặng Dung, Mê Linh, Bạch Mai, Dân Chủ, Đống Đa cùng loạt bãi chiếu ngoài trời như: Cầu Giấy, Mai Động, Gia Lâm, Khương Thượng…

Tại Sài Gòn, trong số gần 60 rạp cả sang trọng lẫn bình dân, rất nhiều rạp lớn quây tụ tại quận 1, quận 3 và rải rác trên nhiều quận khắp đô thành. Đến giờ, nhiều người còn nhớ những tên rạp quen thuộc một thời: Majestic, Eden, Rex, Lê Lợi, Kim Đô, Đại Nam, Khải Hoàn, Quốc Thanh, Đại Quang, Hào Huê, Việt Long, Đại Đồng, Kha Lạc, Long Vân, Oscar…Sau năm 1975, hệ thống rạp này tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển tải phim Việt đến đông đảo công chúng, tạo nguồn thu quan trọng cho nghành. Về sau, trải qua những thăng trầm khó lường trước của ngành; phần lớn rạp,với các vị trí đắc điạ nhất ở tất cả các thành phố, thị xã lớn nhỏ của cả nước đều rơi vào cơn lốc tan rã, không còn tên. Nhiều rạp đã bị cải hoán thành cao ốc kinh doanh, sàn giao dịch chứng khoán, nhà hát, khách sạn, văn phòng, cữa hàng, nhà sách, shop thời trang, siêu thị…hoặc bị đập phá.

Đến nay, sau nhiều biến động, thị trường điện ảnh tại Hà Nội đã hình thành bộ mặt mới, trong đó xen lẫn các rạp đơn truyền thống với hệ thống cụm rạp do các nhà đầu tư trong, ngoài nước dựng lên, như CGV, Lotte, Platinum, TT Chiếu phim Quốc gia... Tại Tp. Hồ Chí Minh cũng hình thành một bộ mặt chiếu bóng khác hẳn: ngoài một số ít ỏi các rạp cũ còn lại hoạt động kém hiệu quả, đã xuất hiện loạt cụm rạp hiện đại được đặt riêng hoặc đặt trong các trung tâm thương mại lớn do các nhà đầu tư trong, ngoài nước dựng lên. Đó, cũng là CGV (sang nhượng từ Megastar) thuộc Tập đoàn giải trí Hàn Quốc đang mạnh mẽ phát triển hệ thống rạp chiếu trên toàn cầu; hiện đã đầu tư xây dựng 13 cụm rạp tại 7 tỉnh, thành Việt Nam và đang có kế hoạch phát triển tới 30 cụm rạp đến năm 2017; trở thành tổ hợp chiếu phim lớn nhất, có khả năng thâu tóm công nghiệp chiếu phim tại Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư nước ngoài khác như Lotte, Cinebox , cùng vài nhà đầu tư Việt: Galaxy và BHD.

Nếu năm 2008, doanh thu chiếu phim ở Việt Nam chỉ đạt 6 triệu USD, thì năm 3013, con số này đã tăng 10 lần, đạt 60 triệu USD. Theo thống kê của tạp chí Hollywood Reporter, tỷ suất gia tăng của doanh thu chiếu bóng Việt Nam đến năm 2012 đạt mức kỷ lục là 614% - mức tăng nhanh và cao nhất trong số 13 thị trường điện ảnh nóng nhất thế giới. Kết quả này cho thấy tiềm năng hết sức to lớn của thị trường điện ảnh 90 triệu dân của chúng ta, cùng tầm quan trọng của việc quản lý, làm chủ thị trường này – không chỉ về doanh thu mà cả về tác động tổng hợp đối với xã hội và công chúng.

Poster_phim_V_Anh_s_tr_li

Để phục hưng hoạt động điện ảnh, Nhà nước ta đã ban hành Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó thiết kế cụ thể phương hướng cùng các chỉ tiêu cần đạt được đối với khâu chiếu phim: Tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với hoạt động phát hành – phổ biến phim ; xây dựng thị trường điện ảnh thống nhất; đảm bảo tỷ lệ phim truyện Việt Nam tại hệ thống rạp đạt 40% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030; phát triển thị trường nội địa song song với phát triển thị trường quốc tế; hiện đại hóa công cụ phổ biến phim nhằm đạt hiệu quả thương mại tối ưu; nâng cấp và xây mới hệ thống rạp trong cả nước; phát triển các công nghệ chiếu phim hiện đại 3D, 4D…

Phim_Hot_boy_ni_lon

Hành động kịp thời và hiệu quả để giành lại, ổn định và phát triển thị trường điện ảnh vào thời điểm này là đã chậm trễ, nhưng vẫn hết sức bức bách,cần thiết. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật quan trọng bậc nhất, vừa có khả năng đồng thời tiếp cận đông đảo công chúng, trực tiếp truyền đạt tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ; vừa có sức mạnh kinh doanh nội địa và xuyên quốc gia, mà không nghệ thuật nào khác có thể sánh bằng. Để điện ảnh phát huy sức mạnh văn hóa và xã hội vốn có, phải cùng lúc chăm lo cả khâu sản xuất lẫn khâu tiêu thụ. Thị trường điện ảnh Việt Nam, hiện đã và đang tuột khỏi bàn tay quản lý truyền thống của Nhà nước, trôi tự do theo hướng kinh doanh đơn thuần; cơ bản chỉ đáp ứng lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư. Khi xa rời thị trường chiếu phim, tức là lúc mất quyền chủ động điều phối phổ biến phim trong thực tế; lúc đó phim Việt sẽ dể dàng “nhẹ nhàng” bị loại ra khỏi sân chơi dưới nhiều chiêu thức khác nhau, ngay chính trên sân nhà của mình.

Do vậy, ngay lúc này, cần nhận thức và hành động sát hợp, kịp thời; tăng cường quản lý nhà nước một cách thiết thực, hiệu quả với chính sách, cơ chế phù hợp; đồng thời thực hiện thấu đáo Quy hoạch phát triển điện ảnh, nhằm thiết thực bảo vệ thị trường điện ảnh – cũng là thiết thực bảo vệ nền điện ảnh dân tộc phát triển đúng hướng, vững bền.

PGS Tiến sĩ Trần Luân Kim