NSƯT - Quay phim Nguyễn Quốc Thành: Gieo cảm xúc từ những ca khúc

(TGĐA) - Nguyễn Quốc Thành sinh ngày 4/2/1958 tại Nam Định. Sự nghiệp của anh có gần 40 năm lăn lộn cùng chiếc máy quay. Năm 1981,  Quốc Thành từng là người đầu tiên và duy nhất quay tư liệu bằng phim nhựa 35 ly về con tàu thăm dò dầu khí của Liên Xô cũ (Nga ngày nay) ở Vũng Tàu. Năm 1988, là người duy nhất ở Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu Tp.Hồ Chí Minh đi Trường Sa trên tàu Hồng thập tự Quốc tế quay bằng phim nhựa 35 ly thực hiện phóng sự Trường Sa nhưng không xa.

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Nhà quay phim Trương Thành Hỷ - Người con kiên cường của Mười Tám thôn Vườn trầu
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Ra mắt cuốn sách Quay phim điện ảnh & truyền hình của NSƯT Phạm Thanh Hà
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc NSƯT Nguyễn Văn Nẫm – Nhà quay phim trong lửa
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Nhà quay phim Lý Thái Dũng – Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Dựa vào hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc

Học sinh “cá biệt” đậu trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Quốc Thành đã rất mê vẽ. Ba mẹ anh đã rất vất vả để tìm cho cậu con trai cây viết chì mềm 2B cùng hộp pha màu nước và mấy tờ giấy vẽ. Khi học lớp 5 trường phổ thông cấp 2 Trung Liệt, Đống Đa Hà Nội, Thành vinh dự đoạt giải 3 cuộc thi vẽ về chủ đề đường phố Hà Nội do Nhà Văn hóa thiếu nhi Hà Nội kết hợp với Tổng lãnh sự quán Cộng Hòa Dân chủ Đức tổ chức. Ngoài bằng khen, Thành nhận được hộp típ vẽ màu và tập giấy vẽ ngoại. Song thật lạ, do quá quý món quà này nên anh đã không dám dùng mà cứ cất kỹ đến gần 1 năm sau mới dám lôi ra vẽ chút xíu một lần duy nhất rồi lại cất đi…Và rồi những ngày tháng chiến tranh phải đi sơ tán, cậu học trò mê vẽ cứ tiếc quay quắt vì món quà này đã thất lạc… Từ đó trở đi, cậu cũng bỏ luôn không vẽ nữa.

Hết cấp 3, nguyện vọng của anh là thi vào trường Đại học Xây dựng, song khổ nỗi một trong những tiêu chuẩn để thi vào đại học phải là Đoàn viên thanh niên. Vốn là một học sinh “cá biệt” bởi tính hiếu động hay nghịch, phá nên trong lớp, Thành cùng với một bạn trai nữa không được kết nạp Đoàn.

Tình cờ đọc trên tờ báo Nhân dân có mẩu thông tin tuyển sinh khóa quay phim của trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mà không cần điều kiện là Đoàn viên, Thành sướng rơn vì một trong hai môn thi có môn vẽ là trúng tủ rồi. Và linh tính như mách bảo, anh cầm mấy bức tranh vẽ ngõ phố Hà Nội của mình đi và mạnh dạn đưa cho thầy giáo xem…Kết quả sau khi thi môn chụp hình, “khoe” mấy bức tranh, anh nhận được thông tin trúng tuyển khóa 1 lớp quay phim 4 năm của trường vào năm 1977.

Do thời điểm đó trường đóng ở Cổ Loa, anh lại học ngoại trú, hàng ngày đạp xe đạp, phải qua đò thường xuyên đến trường nên tạo được thói quen quan sát các bối cảnh, sự kiện, con người diễn ra trên đường. Trong lớp có 22 sinh viên, điều mà anh nhận ra là hầu hết mọi người đều có đam mê được chụp hình và nhanh chóng được quay phim. Đội ngũ các thầy đều là những anh cả trong làng quay phim rất tâm huyết trong việc truyền nghề và truyền lửa nghề như: Trần Thế Dân, Nguyễn Mạnh Lân, Minh Ngọc, nhất là thầy Kim Côn chuyên dạy môn nhiếp ảnh rất khó tính luôn góp ý, chấn chỉnh học viên nếu có biểu hiện lười, ẩu. Hơn một năm sau, trường sát nhập được liên thông lên hệ Đại học và chuyển về khu Mai Dịch (Cầu Giấy). Tại đây anh được các thầy có nhiều kinh nghiệm giảng dạy từng được đào tạo tại Liên Xô và Trung Quốc về định hướng học và quay phải bằng những cảm nhận, cảm xúc qua từng động tác máy. Và bài tập, tác phẩm đầu tay của anh được phân nhóm cùng Nguyễn Thước quay phim còn Khải Hưng làm đạo diễn bài Chú bé mở khóa quay bằng phim nhựa 35 ly của Đức. Kết quả chung của nhóm đạt loại khá.

Nhớ lại một kỉ niệm vào cuối năm thứ hai, anh cùng anh Thế Quân chung lớp rủ nhau vào Sài Gòn chơi bị quá đà, không kịp ra dự thi môn chính trị quốc gia, thế là hai người liều nghĩ kế mua cây thuốc lá để ra “hối lộ” và năn nỉ thầy giáo vụ cho thi. Ai ngờ mới vừa kịp xin lỗi, đặt vấn đề nguyện vọng được thi lại (chưa kịp hối lộ cây thuốc ) đã nhận ngay thái độ niềm nở ôn hòa của ông: “2 cậu nói buồn cười nhỉ, các cậu đi học, nhiệm vụ của tôi là phải tổ chức thi cho các cậu chứ…” Vừa bất ngờ, vừa cảm động trước tình yêu, trách nhiệm của những người thầy với mình, (chứ như quy định, hai anh sẽ phải nợ lại môn năm sau mới được thi tiếp)…từ đấy giúp anh thêm ý thức, cùng tạo niềm đam mê với môn học.

Cậu sinh viên có tay máy uy tín khi xin về thực tập tại Xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc
Từ trái qua: PV Đình Trân, Quốc Thành, chủ nhiệm đoàn 125 hải quân, đạo diễn Lê Mạnh Thích, quay phim Đinh Tuấn

Chính vì vậy đến năm thứ 3 (1980), anh tự xin vào Xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương để thực tập. Thật may mắn đúng vào dịp thầy Lê Mạnh Thích đang thực hiện phim tài liệu Đường dây lên sông Đà, thế là anh được xưởng và thầy tín nhiệm cho đi cùng. Là thanh niên có sức khỏe lại nhanh nhẹn, anh được thầy giao toàn bộ quay những cảnh có độ cao như cảnh kéo dây điện, móc tụ điện, cột điện… nhất là xử dụng các động tác máy lia, pal, fix, phim nhựa 35 ly đen trắng khá hiệu quả. Sau này khi về dựng hậu kỳ, thầy khá hài lòng trước những thước phim của cậu sinh viên thực tập đã góp phần tạo nên thành công cho bộ phim đoạt giải sau này. Từ đấy anh được xưởng quyết định cho đi quay chính và may mắn còn được nhận ăn lương hợp đồng phụ động . Năm 1981, cùng với đạo diễn Ma Cường, anh quay chính những thước phim tư liệu đầu tiên cho phim tài liệu Việt Nam tìm thấy dầu (quay ở Vũng Tàu). Anh cũng chính là người đầu tiên và duy nhất quay phim nhựa 35 ly về tàu thăm dò dầu khí Việt Nam- Liên Xô của Liên Xô cũ. Anh nhớ lại kỉ niệm. Do phía giàn khoan của bạn muốn giữ bí mật về hình ảnh, chi tiết về tàu khoan dầu, nên phóng viên chỉ được quay, chụp ngoài dàn khoan thôi. Do quen thân với anh Trần Thăng ở báo Nhân Dân, nên 2 người nghĩ kế liều mạng, lợi dụng người phụ trách sơ hở, bí mật chui vào cái giỏ lưới của cây cẩu…thế là được cẩu tới tận nơi rồi mạnh ai người ấy nhanh chóng tác nghiệp. Kết quả khi về dựng được tin thời sự 1 cuốn rất ý nghĩa. Cũng tại xưởng phim, từ đó anh được quay nhiều phóng sự và tài liệu với nhiều đề tài. Anh cũng là một trong những quay phim được tín nhiệm, phân công đi quay các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cao cấp là các ông Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Trường Chinh. Thời điểm, đó anh còn được các đồng nghiệp gọi đùa là người quay “Ba đồng chinh”. Hồi đó anh còn dám để tóc dài, đi quay chuyến công tác của ông Lê Duẩn tại Đà Lạt. Khi nhìn thấy anh, ông Ba hỏi bâng quơ “Các chú ở đây có thích thanh niên để tóc dài hay ngắn ?”. Thế là đạo diễn Phạm Thục đi cùng anh vội vàng nói nhỏ với anh “Ông Ba đang nói mày đấy, nấp đi…”

Trong lần đi quay chuyến công tác của ông Trường Chinh lên Lạng Sơn gặp đúng vào mùa lạnh, mưa nhiều nên thời tiết xấu…không ngờ ông rất chia sẻ, thông cảm với êkip quay rồi nói “Các chú đừng ngại cứ hoãn lại, chờ mai thời tiết tốt thì quay tiếp…”

Năm 1982, khi làm bài tốt nghiệp, xưởng luôn tạo thuận lợi giúp anh để thực hiện phim tài liệu làng nghề ở Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Nội là Khảm trai và Trạm bạc 2 cuộn màu. Chị Thu Vân làm đạo diễn . Bộ phim được Xưởng đánh giá bậc 5 là bậc cao nhất, còn ở trường được chấm loại giỏi nhất.

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc
Quốc Thành (phải) khi làm phim tại Campuchia

Cuối năm 1982 chính thức “nhập khẩu” tại Xưởng phim

Trong suốt thời gian thực tập tại Xưởng, anh học được rất nhiều về nghề, bản lĩnh và đạo đức nghề. Anh thầm biết ơn và trân quý các thầy như: Ma Cường, Lưu Xuân Thư, Đào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích, Thanh An… Họ là những người truyền lửa nghề và nhâncách sống của người làm nghề cho anh từ đấy. Chính vì vậy anh đã xin nhà trường viết giấy giới thiệu cho anh được xin vào làm việc chính thức tại Xưởng phim. Tại đây, anh được phân công tham gia làm nhiều phim tài liệu ở rất nhiều địa phương, tiêu biểu như: Trí thức ở lại, Bến xe miền Tây cùng đạo diễn Võ Huế; Trường tôi cùng đạo diễn Phạm Thăng; Thiếu nhi ba nước Đông Dương Việt Nam- Lào- Campu chia cùng nữ đạo diễn Bùi Thị Hiền; Chị Ngừng cùng nữ đạo diễn, quay phim Thu Vân; Kỉ niệm 30 năm Giải phóng Thủ Đô cùng hai đạo diễn Lê Mạnh Thích và Đào Trọng Khánh. Bộ phim vinh dự nhận giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1984 (chưa có giải Cánh diều)… Đến cuối năm 1984, anh được phân công cùng đạo diễn Lê Mạnh Thích thực hiện phim tài liệu Nối những nhịp cầu (cầu Thăng Long), thời gian thực hiện hơn cả năm trời mà mới quay được 2/3 phim thì tới tháng 2/1985 anh nhận được lệnh đi nghĩa vụ quân sự vào miền Nam, đóng quân tại quân khu 7.

Nhập ngũ… vẫn là tay máy cừ khôi và đón nhận giải thưởng lớn đầu tiên

Dấu ấn và niềm tự hào đầu tiên khi thời gian đầu nhập ngũ là anh nhận được tin vui về bộ phim tài liệu Nối những nhịp cầu đoạt giải quay phim xuất sắc nhất tại LHPQG lần 7, năm 1985. Đây là giải thưởng cao nhất đầu tiên của anh.

Khi về phòng tuyên huấn quân khu 7, anh được điều xuống Sư đoàn 371 (dự bị động viên) và 4 tháng trời lăn lộn thực hành diễn tập tại thao trường, 4 quay phim của Xưởng (cùng nhập ngũ): Quốc Thành, Lưu Ngọc Hà, Doãn Bằng và Công Thành Đức được phân về các quân khu trong cả nước. Riêng Quốc Thành được phân về miền Nam Quân khu 7. Được biết thế mạnh của anh là quay phim nên Sư đoàn giao cho anh nhiệm vụ đi quay các hoạt động diễn tập, sinh hoạt và phim giáo khoa của chiến sĩ… Ngoài ra, thời gian ở tại đây, cơ hội được làm phim luôn đến với anh. Năm 1986, anh nhận được công văn của Xưởng phimTSTLTW đề nghị Sư đoàn cho anh được tham gia thực hiện bộ phim tài liệu Bác Hồ ở Trung Quốc với hai đạo diễn Thanh An và Đào Trọng Khánh cùng quay phim Hoàng Tấn Phát. Đoàn phim được chia thành 2 nhóm sang Trung Quốc gần 2 tháng trời tại 3 tỉnh Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm để thực hiện bộ phim. Anh nhớ mãi hình ảnh gặp người vợ của ông Lưu Thiếu Kỳ rất xúc động và nhiều lần đã khóc khi kể lại nhiều kỉ niệm với Hồ Chủ Tịch. Anh chứng kiến những nhân vật hơn 90 tuổi kể nhiều câu chuyện về Bác. Trong năm 1987 anh tiếp tục được Xưởng phim mời tham gia quay tiếp hai phim: Đưa hài cốt vua Duy Tân về nước cùng đạo diễn Lê Mạnh Thích quay ở TP.HCM và Huế (sau đoạt giải thưởng cao) và Dòng sông đỏ thắm (nói về ông Lê Duẩn) cùng đạo diễn Lưu Xuân Thư. Đến ngày chuẩn bị ra quân, sau 2 năm trong quân ngũ, do được tín nhiệm về tay nghề, anh được Sư trưởng 371 Nguyễn Trung Kiên gợi ý tiếp tục ở lại quân đội phục vụ và nếu anh đồng ý thì chỉ sau một tuần Sư đoàn sẽ kết nạp anh vào Đảng. Song do quá nặng lòng với Xưởng phim TSTLTW nên anh quyết định ra quân.

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc
NSƯT Quốc Thành say mê với những khuôn hình

Ngôi nhà mới – Hãng phim Nguyễn Đỉnh Chiểu thành phố Hồ Chí Minh

Trong thời gian nhập ngũ, gia đình anh đã chuyển hẳn vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống, do yêu cầu của ba cũng muốn anh chuyển về Nam để tiện chăm sóc cha mẹ cao tuổi. Hồi đó chuyển hộ khẩu vào Tp. Hồ Chí Minh là cực kỳ khó khăn, song do anh đã nhập ngũ nên được xét ưu tiên chuyển thẳng và nhập khẩu chung với gia đình. Chính vì vậy anh quyết định xin về đầu quân tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cũng trong năm 1987. Và bộ phim tài liệu khai máy đầu tiên về Hãng là cùng nữ đạo diễn Hằng Nga. Năm 1988, là người duy nhất ở Hãng phim đi Trường Sa trên tàu Hồng thập tự Quốc Tế để làm phim phóng sự 1cuốn 35 ly Trường Sa nhưng không xa. Trong chuyến đi này anh gặp lại đạo diễn Lê Mạnh Thích ở Xưởng phim TSTLTW và nhà báo Trần Bình Minh ở Đài truyền hình Việt Nam. Khi ra biển hầu như các phóng viên, nhà báo đều bị say sóng, riêng anh thì chẳng hề hấn gì. Và trong suốt quá trình ở đảo anh luôn nghĩ tới và thấm thía bởi những ca từ trân quý vô cùng ý nghĩa “… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai…” trong ca khúc Một đời người - Một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Và cứ thế anh nhanh chóng cố gắng lựa chọn những cú máy và động tác máy hiệu quả nhất.

Sau đó, tình cờ anh gặp nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn rủ đi mặt trận 479 ở Campuchia để làm phim về các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Cùng đi có cả anh Quân quay phim của Hãng. Dịp này, nhân sự kiện ông Hun xen đi thăm đền Ang kor Wat thế là anh em kết hợp đi quay luôn. Tại chuyến đi, ông Hun xen bất ngờ nảy ý tiếp tục đi thăm đền Ang kor Thom mà các đội quay của bạn không hề biết…Thế là một mình anh hào hứng cầm máy quay toàn bộ hình ảnh độc quyền tại đền Ang kor Thom bằng phim nhựa 35 ly. Sau này khi về nước, anh Trần Bình Minh đã xin anh những thước phim quý giá đó để bổ sung cho bộ phim tài liệu của mình. Năm 1990, anh thực hiện bộ phim Người hoa tiêu (nói về ông Tôn Thọ Khương - anh hùng hoa tiêu hàng hải). Đây cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên do anh làm đạo diễn. Cùng đạo diễn Văn Lê và Bảo tàng phụ nữ thực hiện tiếp phim Một thời đáng nhớ (nói về nữ thanh niên xung phong trong và sau chiến tranh).

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc
Cùng các đồng nghiệp trên trường quay phim Mặt trận không tiếng súng

Đặc biệt trong thời gian này anh còn được Hội Điện ảnh Việt Nam mời tham gia phim Kỉ niệm 300 năm Sài Gòn cùng hai đạo diễn Thanh An và Lê Mạnh Thích. Khi phong trào xã hội hóa, nhiều hãng phim tư nhân nở rộ, cũng như bao đồng nghiệp với thương hiệu và uy tín anh nhận được khá nhiều lời mời làm phim, kể cả phim truyện. Và bộ phim truyện video đầu tiên của anh là Cánh hoa hoang dại của đạo diễn Xuân Cường.

Về Hãng phim Giải phóng thực hiện nhiều phim tài liệu và phim truyện

Năm 1997, Nguyễn Quốc Thành quyết định chuyển qua Hãng phim Giải Phóng, bởi trước đây anh từng cộng tác làm nhiều phim với các đồng nghiệp của đơn vị này. Bộ phim chính thức đầu tay anh quay cho Hãng là Niềm vinh quang lặng lẽ cũng với anh Văn Lê. Nhớ lại kỉ niệm khi làm phim này, anh chia sẻ: Vô cùng xúc động được nghe và ghi lại rất nhiều hoàn cảnh của các chị từng rất dũng cảm nơi chiến trường, mà giờ đây trong thời bình lại chịu cuộc sống vất vả, quá bi thương. Trong đó có người phụ nữ từng nhiều lần cầm đèn soi cho công binh làm cọc tiêu cho xe chạy qua những tuyến đường ngập nước…Giờ, sau giải phóng chị lại cũng cầm chiếc đèn pin soi rọi từng quả trứng vịt lộn để mưu sinh qua ngày… Phim Làng Lòi (nói về người phụ nữ ở Nghệ An chỉ mong có đứa con mà không cần có chồng); H.nơn (nói vể cô y tá Tây Nguyên)… Được cùng làm phim với anh Văn Lê là điều may mắn cho những người làm phim trẻ. Thành vừa trân quý vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm làm phim của anh nên luôn xem Văn Lê như một người thầy, một người đồng nghiệp thân thiết. Hầu như giữa họ đều có duyên khi cùng nhau làm phim để rồi nhận được những giải thưởng cao. Năm 2000, anh thực hiện bộ phim tài liệu Di chúc của những oan hồn - phim nhựa màu 35 ly cùng biên kịch Châu Thổ, đạo diễn Văn Lê. Phim đoạt giải Bông sen Vàng tại LHPVN lần thứ XIII năm 2001 và giải A Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2000. Năm 2001, anh quay phim video phim tài liệu Chiến dịch khai quang, biên kịch Văn Lê, đạo diễn Phan Quang Minh. Phim đoạt giải B, Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001. Cũng trong năm 2001, anh làm đạo diễn bộ phim tài liệu thứ 2 Dòng máu (là phim đầu) ở Hãng phim Giải Phóng; Cánh tay nhà nông và nhiều phim khác. Đến năm 2005, anh làm tiếp bộ phim tài liệu Văn minh rừng. Đây là bộ phim tài liệu cuối cùng để sau đó anh chuyển qua chuyên quay phim truyện video và phim nhựa 35 ly. Trước đó, vào năm 1990 anh quay phim truyện video Vị đắng tình yêu 3, đạo diễn Hồ Ngọc Xum. Năm 1995, anh quay phim truyện video 90 phút Lòng mẹ, đạo diễn Lê Hữu Lương. Sắc hoa màu nhớ, đạo diễn Xuân Cường. Năm 1999, anh quay phim truyện video 90 phút Vầng trăng bị che khuất, đạo diễn Xuân Cường. Năm 2000, anh quay phim truyện video 90 phút tiếp Nước mắt thơ ngây, đạo diễn Xuân Cường; Kế hoạch P76, đạo diễn Lý Sơn…

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc
NSƯT Quốc Thành và đạo diễn Trần Ngọc Phong

Bộ phim truyện nhựa màu 35 ly đầu tay anh quay vào năm 2001 là phim Ba người đàn ông, đạo diễn Trần Ngọc Phong. Phim đoạt giải Đặc biệt của ban giám khảo LHPVN lần VIII (trước đó vào năm 1985 anh từng quay phối hợp bộ phim truyện nhựa đen trắng Tình khúc 68 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng ). Năm 2002, anh quay phim truyện nhựa màu 35 ly Người đàn bà không hóa đá, đạo diễn Đào Bá Sơn; Sau đó là Cú đấm truyện nhựa màu 35 ly, đạo diễn Phạm Ngọc Châu, Lấy vợ Sài Gòn, đạo diễn Trương Dũng…

Trong thời điểm này anh hợp tác làm phim với Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh, Hãng phim Thanh niên và Hãng Senafilm các phim video tiêu biểu như: Duyên trần thoát tục, đạo diễn Lê Cung Bắc; Vai diễn đầu đời, đạo diễn Đinh Đức Liêm; Cỏ dại, đạo diễn Trương Dũng; Hướng nghiệp, đạo diễn Châu Huế; Mặt trận không tiếng súng, đạo diễn Lê Dân; Giận hờn, Con sói trở về đạo diễn Châu Huế, Lỡ tàu, đạo diễn Trương Dũng…

Năm 2006, anh trở lại quay phim tài liệu Đám mây dừng lại cho Hãng phim Giải Phóng với đạo diễn Đào Bá Sơn. Đây cũng là bộ phim đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất tại LHPQG năm 2008.

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc
Cảnh làm phim Con sói trở về

Năm 2007, anh xin nghỉ hẳn tại Hãng phim Giải Phóng và chuyển qua Hãng phim tư nhân Senafilm. Ban đầu làm giám đốc hình ảnh (DOP) bộ phim truyền hình nhiều tập Lọ lem thời @, Hồi xuân, sau đó chuyển qua làm công tác đạo diễn và bộ phim đạo diễn đầu tiên là phim truyền hình nhiều tập Thiên đường ở quanh ta, Các phim tiếp theo là: Người giúp việc, Nhảy cùng ước mơ….

Ngoài ra, anh còn được mời làm Ban giám khảo phim tài liệu tại LHPQG và tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2007, anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT.

Nguyễn Quốc Thành - tay máy điển trai ngày nào…giờ vẫn vậy…Cái sự “gàn gàn” đáng yêu ở anh vẫn luôn phát sinh bất cứ lúc nào, kể cả khi ngồi cùng chia sẻ những kỷ niệm thiêng liêng cao quý khi làm nghề. Con người Thành vẫn đậm cái chất, cái tình của người nghệ sỹ, nhất là lòng biết ơn với những người thầy cùng tình cảm luôn đong đầy được anh trân quý qua từng khuôn hình từ những thước phim…

nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Nhà quay phim Trương Thành Hỷ - Người con kiên cường của Mười Tám thôn Vườn trầu
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Ra mắt cuốn sách Quay phim điện ảnh & truyền hình của NSƯT Phạm Thanh Hà
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc NSƯT Nguyễn Văn Nẫm – Nhà quay phim trong lửa
nsut quay phim nguyen quoc thanh gieo cam xuc tu nhung ca khuc Nhà quay phim Lý Thái Dũng – Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Dựa vào hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước

Vũ Liên