NSND Trà Giang: “Anh Trần Đắc chân thành, nghiêm túc và luôn tin vào khả năng sáng tạo của diễn viên”

(TGĐA) - Tuy chỉ có một lần làm việc chung với đạo diễn, NSND Trần Đắc (với một vai diễn ít phân đoạn nhất, khoảng 6 cảnh) nhưng NSND Trà Giang vẫn có ấn tượng sâu sắc về người anh, người đồng nghiệp đáng kính. Trong bộ phim Bài ca ra trận của đạo diễn Trần Đắc, nghệ sỹ Trà Giang đảm nhận vai nhân vật cô giáo xuất hiện trên bục giảng trong giấc mơ của chiến sĩ Lê Mã Lương.

Năm 1973, sau khi Trà Giang nhận giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Quốc tế Mátxcơva lần 8 trở về, cùng lúc chị nhận được lời mời tham gia phim của 2 đạo diễn (thời điểm đó mà nhận được 2 lời mời thế này là hạnh phúc vô cùng), vì 1 phim vào vai nữ chính, còn vai kia là vai phụ rất nhỏ. Sau khi đọc kịch bản, cả 2 nhân vật đều gieo cho chị những cảm xúc khó tả. Song, hồi đó bé Bích Trà còn quá nhỏ, mới 6 tháng tuổi, nếu nhận vai chính, phải xa con quá lâu, chị không thể cầm lòng nên quyết định nhận vai nhỏ của phim anh Đắc quay ngắn ngày dễ hoàn thành vai hơn.

H1

Từ trái qua: Nhà quay phim Phạm Thiện Thuyết, nhà báo Trịnh Mai Diêm, đạo diễn Trần Đắc

và nghệ sỹ Trà Giang, nhà báo Phó Văn Hợi tham dự LHPVN 1993 tại Hải Phòng

Tuy tham gia đoàn phim không nhiều, nhưng chân dung đạo diễn Trần Đắc - một nghệ sỹ được đào tạo bài bản ở Nga (Liên xô cũ), vẫn ghi dấu ấn trong chị về sự nghiêm túc với nghề. Anh hiền lành, nhưng thể hiện rõ tình yêu nghề mãnh liệt và đặc biệt luôn tin vào khả năng sáng tạo của diễn viên. Khi đạo diễn đưa kịch bản cho chị, anh chỉ phân tích rất ít và luôn muốn được lắng nghe những cảm nhận và chính kiến những nỗ lực diễn xuất của diễn viên. Kỷ niệm sâu đậm nhất của Trà Giang về đạo diễn Trần Đắc là vào khoảng năm 1966, sau khi đi học ở Liên xô về, anh được phân công phụ trách đoàn kịch Điện ảnh. Đúng thời điểm chiến tranh, nên đoàn chủ trương chỉ tập những vở kịch ngắn để đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Mỗi lần, sau đợt diễn về, anh đều họp đoàn tổng kết, nêu rõ những ưu khuyết của vở diễn. Anh mổ xẻ, góp ý rất nghiêm túc từng vai diễn của các diễn viên. Đây là điều rất bổ ích cho những diễn viên luôn cầu thị tiến bộ. Cũng có một nghệ sỹ tỏ thái độ không tiếp thu, nhưng anh không hề nóng giận mà vẫn ôn tồn, kiên trì phân tích, thuyết phục, góp ý…Tính anh là thế luôn có tâm, rất rõ ràng trong sự chuyên nghiệp của nghề.

h2

Từ trái qua: Đạo diễn Hải Ninh, nghệ sỹ Trà Giang và đạo diễn Trần Đắc tại LHPVN lần 8 năm 1988 tại Đà Nẵng

Ngoài ra, Trà Giang còn nhớ mãi về một bài báo của anh viết về chị. Hồi đó vào năm 1963, đoàn Điện ảnh Việt Nam sau khi dự LHP ở Liên xô trên đường về nước bằng đường tàu lửa, đã nhận được lệnh dừng lại ghé thăm Trung Quốc. Tại đây, đoàn được thủ tướng Chu Ân Lai đón tiếp và nói chuyện thân mật. Sau đó, ông hỏi cả đoàn “Các vị đã xem phim Người thứ 41 chưa?”. Hầu hết đều trả lời “chưa xem”. Riêng Trà Giang rất hồn nhiên trả lời “Dạ, cháu xem rồi ạ”. Ông liền hỏi tiếp “vậy cháu có thích không?”, Trà Giang trả lời ngay “Dạ cháu thích”. Ông liền phê bình ngay “thế là không được rồi, nội dung bộ phim là nữ chiến sĩ Hồng quân khi nhận lệnh giải tên bạch vệ mà lại đem lòng yêu kẻ thù là không được, về mặt tư tưởng của bộ phim là xét lại đấy…” rồi ông nhìn cô gái hỏi tiếp “Thế nào?”. Nhưng không ngờ, Trà Giang vẫn giữ lập trường rất tự tin trả lời “Cháu vẫn thích”...Còn với đạo diễn Trần Đắc, trong bài viết về Trà Giang, anh thực sự khâm phục cô diễn viên trẻ, bởi chính chị mới là người có tầm nhận thức đồng nhất với tư tưởng của bộ phim.

Những ngày đạo diễn ốm nặng, Trà Giang sống tại Sài Gòn, nên không thường ra thăm anh được. Một lần ra Hà Nội công tác, chị tìm đến thăm anh tại căn nhà nhỏ gần chợ Mơ – nơi anh sống với người vợ hiền lành, chịu thương, chịu khó… Gặp người đồng nghiệp mà mình rất trân trọng, Trà Giang cảm động trước hình ảnh quá nghị lực của anh. Anh đau mà vẫn miệt mài bên chiếc bàn gỗ nhỏ đặt ngay trên giường. Để đọc sách và vẫn say mê viết…

Hồng Liên