NSND Như Quỳnh: Luôn nhớ Bài ca ra trận

(TGĐA) - Bộ phim Bài ca ra trận của cố đạo diễn Trần Đắc mang một ý đặc biệt với diễn viên, NSND Như Quỳnh. Bởi, đó là tác phẩm đưa chị từ sân khấu cải lương rẽ ngang sang điện ảnh và gắn bó với ống kính, với trường quay… cho tới bây giờ. Y tá Mai của Bài ca ra trận chia sẻ cảm xúc về đạo diễn của bộ phim - một người mà chị rất ngưỡng mộ và trân trọng.

Cơ duyên nào đưa chị đến với bộ phim Bài ca ra trận của đạo diễn Trần Đắc?

Năm 1973, cố đạo diễn Nông Ích Đạt đang tìm diễn viên cho bộ phim Hai người mẹ. Và khi nhìn bức ảnh của tôi do phó đạo diễn đưa tới, ông

"Sau khi bộ phim Bài ca ra trận hoàn thành và được công chiếu cho bộ đội xem, tôi nhận được rất nhiều thư của các anh lính ở chiến trường trong đó có gửi kèm ảnh của tôi mà họ cắt ở đâu đó trên báo, để xin chữ ký. Điều đó khiến tôi rất vui. Tôi cho rằng nhân vật cô y tá Mai trong phim đã mang đến cho những người chiến sỹ tình yêu quê hương và sự dũng cảm để họ đương đầu với mọi khó khăn".

đã quyết định mời tôi tham gia phim. Nhưng sau đó, vì lý do sức khỏe, ông không làm đạo diễn bộ phim đó nữa. Cùng thời gian đó, đạo diễn Trần Đắc bắt tay vào làm phim Bài ca ra trận. Được đạo diễn Nông Ích Đạt giới thiệu và gửi tấm ảnh của tôi, ông đã rất thích và mời tôi đảm nhận vai y tá Mai trong phim. Thời điểm đó, dù mới 19 tuổi và chưa biết điện ảnh là gì nhưng do được đào tạo về diễn xuất nên tôi vào phim rất suôn sẻ. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn biết ơn đạo diễn Trần Đắc vì ông là người đã phát hiện và tạo cơ hội cho tôi đến với điện ảnh. Với tôi, Bài ca ra trận không chỉ mang ý nghĩa là bộ phim đầu tiên mà vai diễn y tá Mai của tôi cũng đã để lại ấn tượng tốt cho các đạo diễn khác và nhiều đồng nghiệp trong hãng, là bước đệm thuận lợi để tôi tiếp cận các bộ phim khác.

Cách làm việc của đạo diễn Trần Đắc với các diễn viên để lại cho chị ấn tượng như thế nào?

Trước khi tham gia Bài ca ra trận, tôi đã có nhiều năm biểu diễn trên sân khấu cải lương, nhưng với điện ảnh thì hoàn toàn là lính mới. Đạo diễn Trần Đắc đã dìu dắt, chỉ bảo tôi hết sức tận tình cách diễn xuất trước ống kính và cách thể hiện mối quan hệ giữa hai người bạn diễn với nhau trong phim. Tôi nhận thấy, đạo diễn Trần Đắc có cách làm việc mà tất cả các diễn viên khi hợp tác với ông đều cảm thấy yên tâm và có sự tin tưởng rất lớn. Đó là: Ông luôn tạo cho diễn viên sự thoải mái, sự tự tin trong lúc diễn. Cụ thể với bộ phim Bài ca ra trận, tôi vào vai cô y tá trạm quân y ở phía sau chiến tuyến nhưng bản thân chưa đi biểu diễn ở chiến trường bao giờ và cũng không biết đời sống của bộ đội ra sao, nhưng đạo diễn Trần Đắc – vốn đã làm phim ở chiến trường nhiều lần – đã phân tích rất chi tiết cho tôi. Ông kể cho tôi nghe chuyện về các chiến sỹ đang chiến đấu ngoài mặt trận và các lán thương binh ở phía sau chiến tuyến là như thế nào để tôi có thể hình dung một cách rõ nhất về không khí của cuộc chiến tranh. Và điều cốt lõi ở nhân vật Mai là sự hết lòng vì thương binh, xem những vết thương và sự đau đớn của họ cũng là nỗi đau trên thân thể mình để từ đó cô có thể chăm sóc và động viên họ vượt qua sự đau đớn về thể xác. Ở góc độ diễn xuất, ông theo dõi rất kỹ để trao đổi với tôi, thỉnh thoảng góp ý: “Động tác đưa tay ra thế này là của sân khấu đấy” mỗi khi tôi thể hiện vài động tác hoặc có cách đi lại mang tính sân khấu hóa. Đó là những gì mà tôi đã tiếp nhận được khi làm việc với đạo diễn Trần Đắc trong Bài ca ra trận. Ngoài ra, cách ứng xử với đồng nghiệp của đạo diễn Trần Đắc cũng để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Ông vui vẻ với mọi người, mọi diễn viên, luôn động viên để họ thể hiện khả năng diễn xuất tốt nhất.

NSND_Nhu_Quynh


Sau khi bộ phim Bài ca ra trận hoàn thành và được công chiếu cho bộ đội xem, tôi nhận được rất nhiều thư của các anh lính ở chiến trường trong đó có gửi kèm ảnh của tôi mà họ cắt ở đâu đó trên báo, để xin chữ ký. Điều đó khiến tôi rất vui. Tôi cho rằng nhân vật cô y tá Mai trong phim đã mang đến cho những người chiến sỹ tình yêu quê hương và sự dũng cảm để họ đương đầu với mọi khó khăn.

Có phải vì thế mà bộ phim thứ 2 chị làm việc với đạo diễn Trần Đắc, Gánh hàng hoa, thuận lợi hơn vì đạo diễn và chị đã hiểu nhau?

Phim Gánh hàng hoa có bối cảnh lịch sử những năm 1940, là phim video. Tôi nghĩ mình được đạo diễn Trần Đắc mời tham gia là do gương mặt tôi mang nét của người Hà Nội xưa. Khi vấn khăn, mặc áo tứ thân gánh hàng đi bán, trông tôi rất… ăn hình (cười). Thêm lý do nữa là tôi đã vào vai một cô gái xứ Kinh Bắc trong phim Đến hẹn lại lên nên có chút ít kinh nghiệm. Gánh hàng hoa là phim video nên quá trình làm phim có phần đơn giản hơn. Nhưng dù là phim điện ảnh hay phim video thì đạo diễn Trần Đắc vẫn luôn để diễn viên tự làm theo cảm xúc của họ. Ông không bao giờ ép diễn viên phải diễn như thế này, hoặc như thế khác mà để họ tự cảm nhận trường đoạn này thì nên diễn như thế nào. Sau đó, nếu cảm thấy chưa ưng, ông mới góp ý, bổ sung.

Làm phim ở thời đó khác, người làm phim ở thời đó cũng khác so với hiện nay. Nếu được trở lại với không khí của Bài ca ra trận của Gánh hàng hoa, chị nhớ nhất điều gì?

Ở thời điểm đó, kỹ thuật làm phim rất thiếu thốn, phải nói là cũ kỹ so với thế giới nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn có nhiều bộ phim với những khuôn hình mà cho đến bây giờ có thể nói là chuẩn mực dùng để dạy cho sinh viên trường điện ảnh. Đó là những điều khiến thế hệ diễn viên chúng tôi tự hào khi được tham gia trong những bộ phim đầu tiên - những tác phẩm vẫn đọng lại trong lòng khán giả tới tận hôm nay. Với đạo diễn Trần Đắc, dù phương tiện kỹ thuật làm việc chưa thực sự tốt và tân tiến để có thể đáp ứng mong muốn của ông và người quay phim nhưng ông vẫn chau chuốt từng khuôn hình cho diễn viên. Để lấy được một khuôn hình đẹp với khuôn mặt trong sáng nhất của diễn viên, cùng cảm xúc tốt nhất mà họ thể hiện, ông không ngại phải quay 2 lần hay 3 lần mà sẽ quay cho tới khi nào ông đọc được cảm xúc cao nhất trên nét mặt của người diễn viên thì mới lấy hình đó.


Lưu Thảo