Nỗi đau của Người trở về…

(TGĐA) - Sau tròn 10 năm kể từ bộ phim Tiếng cồng định mệnh được sản xuất, Điện ảnh Quân đội nhân dân mới lại có bộ phim truyện điện ảnh thứ hai ra mắt với tên gọi Người trở về . Dựa trên truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh, Người trở về đi sâu vào tâm lý nhân vật, kể câu chuyện của Mây, người trở về bến sông quê đúng ngày người yêu xưa cưới vợ và gia đình, đang chuẩn bị đám giỗ tròn một năm có giấy báo tử gửi về. Phim do nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền thực hiện; quay phim Trịnh Quang Tùng và dàn diễn viên Lã Thanh Huyền, Trương Minh Quốc Thái, Phạm Tiến Lộc… ra mắt trong Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 năm nay.


DSC_0342

Một năm sau ngày giải phóng, Mây khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San – mối tình thề hẹn trước ngày ra trận. Trớ trêu thay, ngày Mây về lại là ngày cưới của San, đồng thời gia đình cũng đang chuẩn bị làm đám giỗ khi nhận được giấy báo tử của cô tròn một năm trước. Không muốn thêm một người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định “cùng nhau làm lại từ đầu” của San. Không chỉ hàng ngày chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh – vợ San cố phô bày; sự dằn vặt, dùng dằng của người yêu cũ mà những vết thương, sự ám ảnh chiến tranh, sự hy sinh của đồng đội cũng hiện về đêm đêm ám ảnh Mây trong từng giấc ngủ. Để tránh khó xử cho cả ba người, Mây rời nhà ra bến đò, sống cô độc, cho đến ngày Quang tìm về tận bến sông Châu tìm cô. Người lính trinh sát miền Nam ở chiến trường năm ấy, vì những cơ duyên nơi chiến trận, đã rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào chỉ với một địa chỉ mơ hồ “ở bến sông Châu”. Quang nguyện ở lại, dùng tấm chân tình, yêu thương, chăm sóc cô suốt cuộc đời này. Nước chảy thì đá cũng mòn, nhưng ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được sự thật: vết thương thời chiến đã lấy mất đi khả năng làm mẹ. Không muốn Quang phải chịu thiệt thòi, Mây hắt hủi, xa lánh Quang và nói dối rằng, cô vẫn còn yêu San tha thiết. Vào một đêm mưa bão, vợ San đẻ khó và Mây là người cứu cánh đỡ đẻ cho mẹ tròn con vuông. Cũng một đêm mưa gió, cám cảnh phận đời mình, Mây ra bến sông, bỏ làng, thả thuyền trôi theo dòng sông Châu vô định. Và trong mù mịt gió mưa, Quang xuất hiện, băng qua dòng nước lũ để tới được thuyền Mây. Cả hai cùng con thuyền trôi xuôi về dưới hạ nguồn…

DSC_0827

Lần đầu tiên đứng cương vị đạo diễn một bộ phim truyện điện ảnh nhưng Đặng Thái Huyền đã được biết đến trước đó với thành công của bộ phim truyền hình một tập 13 bến nước. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16, bộ phim của cô đã mang về 6 giải thưởng quan trọng trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Là một đạo diễn nữ, điểm mạnh của Huyền chính là chất “nữ tính” trong phim. Sự cảm thông sâu sắc tới nhân vật nữ, ở Người trở về là Mây, cũng như các nhân vật phụ khác như Thanh – vợ San, Liễu điên… khiến cô quan tâm tới những chi tiết nhỏ, khai thác tới tận cùng tâm lý nhân vật cũng như tạo môi trường để các nhân vật có thể bộc lộ tâm tư của mình. Đó chính là thứ khiến Người trở về kết dính với khán giả và thuyết phục họ dù đề tài không mới. Sự tiết chế trong các chi tiết đó vừa đủ để các nhân vật, dù phụ, tạo được thân phận của mình cũng như không quá sa đà để mất đi mạch chính của bộ phim. Chính vì thế, ngoài Lã Thanh Huyền đã có diễn xuất nổi bật trong Người trở về với vai Mây thì các nhân vật phụ khác cũng ghi được dấu ấn trong mắt người xem. Một điểm kết hợp khá ăn ý là những khuôn hình mềm mại của quay phim Trịnh Quang Tùng, được biết đến là một quay phim cứng của hãng phim Tài liệu & khoa học TW. Bên cạnh những cảnh quay khốc liệt nơi chiến trận là những khuôn hình không kém chất thơ ở bối cảnh sông Châu. Những cơn mưa trong khuôn hình, những lớp lang được sắp đặt ẩn ý đầy tính truyện như sự đồng cảm mà tay máy này dành cho các nhân vật…

Ở nơi chiến trường lửa đạn, bức ảnh San đã cứu Mây khỏi cái chết khi cô lao ra nhặt lấy, đúng lúc quả bom rơi xuống lán của đơn vị. Trở về bến sông Châu với nỗi ám ảnh sống sót, tưởng được xoa dịu bằng hạnh phúc đợi chờ. Trớ trêu thay, sự trở về còn khốc liệt hơn chiến trường đầy bom đạn...

Phương Ngọc