Những tài năng mới của điện ảnh Nhật Bản

Đạo diễn Hayao Miyazaki

Với một quốc gia có dân số đông thứ bảy và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại có một chế độ kiểm duyệt thông thoáng, thị trường điện ảnh Nhật là một mảnh đất màu mỡ cho cả phim nội địa lẫn phim nước ngoài. Và đây cũng là mảnh đất ươm mầm cho những tài năng vàng.


(Tiếp theo Bài 1 - Điện ảnh Nhật Bản: Hương từ xứ lạ)

Thị trường điện ảnh Nhật: mảnh đất màu mỡ

Nhật là một trong năm thị trường điện ảnh nước ngoài lớn nhất của Hollywood (cùng với Anh, Đức, Pháp, Ý) và là thị trường lớn nhất ở châu Á. Mới đây nhất, dàn ngôi sao của quả bom tấn Transformers 2 chọn Nhật là thị trường đầu tiên trên thế giới để quảng bá và trình chiếu bộ phim này. Bộ phim hình sự căng thẳngI Come with the Rain của đạo diễn Trần Anh Hùng cũng chọn Nhật là nơi trình chiếu đầu tiên. Tác phẩm có kinh phí 18 triệu USD này của Trần Anh Hùng thu được đến 3 triệu USD chỉ sau 2 tuần phát hành. Thị trường Nhật mở cửa với tất cả các bộ phim nước ngoài và đem đến nguồn thu rất đảm bảo. Hai tập phim Xích Bích (kinh phí 80 triệu USD) nhưng đạt doanh thu riêng tại Nhật đã lên tới 108 triệu USD, cao hơn cả thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan cộng lại.

Nói như thế không có nghĩa là điện ảnh Nhật… thả cửa cho Hollywood và các nước khác tự tung tự tác. Sức mạnh điện ảnh nội tại và nền văn hóa giàu bản sắc khiến điện ảnh nước này để các nhà làm phim trong nước cạnh tranh tự do với điện ảnh quốc tế và hầu như không có chế độ bảo hộ. Sau một thời gian dài để Hollywood lấn sân trên sân nhà, điện ảnh Nhật đã dần dần lấy lại được vị thế. Thập niên 90 của thế kỷ trước, Hollywood hầu như chiếm sân ở bảng doanh thu. Sang những năm của thập niên đầu tiên thế kỷ mới, tỷ lệ này gần cân bằng và đang dần dần nghiêng về thị trường nội địa. Năm ngoái, có đến 7 bộ phim Nhật trong Top 10 phim có doanh thu cao nhất, trong đó 3 vị trí đầu tiên đều thuộc về điện ảnh Nhật. Nửa đầu năm 2009, tỷ lệ này tiếp tục được giữ vững.

Ông vua của phòng vé tại Nhật Bản thuộc về Hayao Miyazaki, đạo diễn phim anime (hoạt hình) nổi tiếng nhất tại Nhật Bản và được cả thế giới ngưỡng mộ. Hayao Miyazaki là đạo diễn thứ hai của Nhật Bản sau Akira Kurosawa được Time bình chọn (đứng thứ năm trong số 12 người) nhà tư tưởng và nghệ sĩ vĩ đại nhất châu Á. Thế giới tưởng tượng đầy kỳ ảo, đẹp đến choáng ngợp, lối kể chuyện giàu ảnh hưởng văn chương và đặc biệt rất dụng công (ông khước từ sử dụng công nghệ dàn dựng bằng máy tính mà chủ yếu bằng vẽ tay với cả trăm nghìn bức vẽ cho mỗi phim) khiến phim của Hayao luôn tạo thành những cơn sốt vé tại Nhật.

Vị đạo diễn sinh năm 1941 tại Tokyo này khởi nghiệp từ phim truyền hình từ những năm 1970 nhưng mãi đến năm 1997, với bộ phim hoạt hình Princess Mononoke, ông mới bắt đầu tạo nên đế chế của mình. Năm 2001, cuộc phiêu lưu của cô bé Chihiro đi cứu bố mẹ trong bộ phim Spirited Away đã đem về cho Hayao giải Gấu vàng tại LHP Berlin (lần đầu tiên được trao cho một bộ phim hoạt hình) và giải Oscar cho phim hoạt hình (lần đầu tiên và cho một bộ phim không nói tiếng Anh). Riêng tại Nhật, bộ phim tạo nên cơn sốt vé hàng tháng trời và đem về khoản doanh thu khổng lồ 230 triệu USD tại Nhật (kỷ lục doanh thu tại nước này). Những câu chuyện vừa kỳ ảo vừa vui nhộn và đặc biệt là sức sáng tạo có một không hai của Hayao tiếp tục chinh phục khán giả Nhật qua hai bộ phim hoạt hình gần đây là Howl’s Moving Castle (2004, doanh thu 190 triệu USD tại Nhật và thêm 40 triệu nữa tại thị trường nước ngoài); Ponyo on a Cliff (2008, doanh thu 165 triệu USD).

Ngoài ông vua phòng vé Hayao Miyazaki, nhiều tên tuổi của điện ảnh thương mại cũng chinh phục khán giả nội địa. Sau anime, các thể loại phim có sức hút đối với khán giả trẻ nước này là phim chuyển thể từ truyện tranh (manga); phim kinh dị (J-Horror, ảnh hưởng đến nhiều nền điện ảnh châu Á khác như Hàn Quốc, Hồng Kông và được Hollywood mua kịch bản để dàn dựng lại ); phim dành cho khán giả teen và các thể loại khác như tội phạm bạo lực (thể loại Yakuza, kiểu gangster như Hollywood); tình cảm lãng mạn; hài hước…

Những bộ phim nghệ thuật – chạm vào cảm xúc

Khác với thế giới sôi động và lúc nào cũng lôi cuốn số đông khán giả đại chúng như anime, manga, J-horror…, ở một kênh trầm lắng hơn, nhiều đạo diễn chọn những bộ phim độc lập kinh phí thấp để đặc tả chân dung những con người đời thường của nước Nhật và thể hiện ngôn ngữ điện ảnh cá nhân. Họ kế thừa sức sáng tạo và cách tân của Kurosawa, thế giới tinh thần thuần khiết của Ozu, sự dữ dội nội tâm của Shohei Imamura, tình dục đầy ám ảnh của Nagisa Oshima… để đến gần hơn với hiện thực, để chạm sâu hơn vào cảm xúc của người xem. Họ là những chân dung của điện ảnh hiện thực Nhật Bản.

Đó là Takeshi Kitano, một kẻ ngỗ ngược và đa tài đến ngạc nhiên của điện ảnh Nhật Bản hiện đại. Nổi tiếng với biệt danh Beat Takeshi, ông vừa là đạo diễn, biên kịch, diễn viên vừa làm thơ, viết tiểu thuyết, vẽ tranh và còn là người dẫn chương trình truyền hình. Ở lĩnh vực nào, ông cũng để tại thành tựu đáng kể, trong đó nổi bật nhất phải là điện ảnh.

Bắt đầu từ năm 1989, đến nay Kitano đã giới thiệu 13 bộ phim, trong đó có nhiều bộ phim xuất sắc như Hana-bi (Pháo hoa, giải Sư tử vàng tại LHP Venice 97), Kikujiro (99), Brother (2000), Zaitoichi (2003). Kitano kế thừa xuất sắc dòng phim Yakuza Nhật Bản, với những câu chuyện về thế giới tội phạm, băng đảng và được dàn dựng theo phong cách tả thực. Bạo lực trong phim của Kitano dữ dội đến ngạt thở. Tuy nhiên, Kitano không mô tả cái thế giới tội phạm bạo lực để giải trí đơn thuần mà đặt nó trong một thế giới của những con người bình thường, giản dị để làm nổi bật sự tương phản và để thể hiện quan điểm “dùng bạo lực để chống bạo lực” trong phim của mình. Người xem vừa khiếp sợ những cảnh máu chảy lênh láng trong phim của Kitano lại vừa rung cảm những khoảnh khắc khắc đầy tình người. Hani-bi là một bộ phim như thế. Viên cảnh sát Nishi (do Kitano đóng) vừa thay trời hành đạo, xả súng không thương tiếc vào bọn yakuza vừa trân quí những khoảnh khắc riêng tư ngắn ngủi mà ông ta dành cho người vợ đang chết dần bởi bệnh bạch cầu. Tính giải trí trong phim (nghệ thuật) của Kitano khiến phim của ông luôn được đón nhận bởi số đông.

Năm 1997, cùng năm Takeshi Kitano đoạt giải Sư tử vàng với Hana-bi, Shohei Imamura đoạt giải Cành cọ vàng (lần thứ 2) với Unagi (Con lươn), một nữ đạo diễn trẻ Nhật Bản cũng giành được giải Camera vàng cho phim đầu tay Moe no suzaku. Lúc đó Kawase Naomi mới 28 tuổi. Và nữ đạo diễn hiếm hoi trong một nền điện ảnh thuần các ông lớn này tiếp tục chứng minh tài nghệ kể chuyện đầy xúc cảm của mình, với Shara (đề cử Cành cọ vàng năm 2003) và đặc biệt là The Mourning Forest (Giải thưởng Lớn tại Cannes 2007). Bộ ba phim đều về đề tài gia đình hoặc những thân phận nhỏ nhoi bên lề xã hội, đều chậm rãi, tinh tế và buồn da diết nhưng tiếng vọng sau mỗi bộ phim của cô vẫn còn ngân mãi, bởi tình yêu cuộc sống.


Cảnh trong phim The Mourning Forest

Cũng được điện ảnh phương Tây phát hiện là đạo diễn Hirokaru Koreeda với những bộ phim xuất sắc như Illusion (1995), After Life (1998), Nobody Knows (2004) và Still Walking (2008)… Koreeda hay chọn chủ đề về cái chết, sự hoài niệm, bối cảnh nhỏ, góc quay tĩnh tại, nhịp điệu trầm lắng ảnh hưởng từ phong cách của Ozu. Nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Roger Ebert đã gọi những bộ phim này là những kiệt tác của điện ảnh đương đại còn Koreeda là “người tiếp nối những giá trị nhân bản của Kurosawa, Bergman và nhiều tên tuổi lớn khác của điện ảnh”. Bộ phim gây tiếng vang lớn nhất của đạo diễn sinh năm 1962 này là Nobody Knows, nói về cuộc sống của những đứa trẻ bị quên lãng giữa Tokyo đô hội. Bộ phim đã đem về cho cậu bé Yuya Yagira (14 tuổi) giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2004.


Cảnh trong phim Tokyo Sonata

Năm 2008 vừa qua cũng là một năm đáng nhớ của điện ảnh Nhật Bản. Sau hơn 50 năm, điện ảnh Nhật Bản đoạt giải Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất (Departures của đạo diễn Yojiro Takita). Tokyo Sonata của đạo diễn chuyên trị dòng phim kinh dị Kyoshi Kurosawa đoạt giải BGK của hạng mục “Un Certain Regard” (cho những bộ phim thể nghiệm) tại LHP Cannes 2008. Còn tại giải thưởng điện ảnh châu Á đầu năm 2009, ba bộ phim Nhật chiếm trọn những giải quan trọng nhất: Tokyo Sonata giành giải phim và kịch bản xuất sắc nhất, Still Walking đem về cho Hirokaru Koreeda giải đạo diễn xuất sắc và Departures giúp Masahiro Motoki đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

“Thập niên 1990 có thể được coi là giai đoạn chuyển giao của điện ảnh Nhật Bản. Khi Akira Kurosawa qua đời (năm 1998), điện ảnh Nhật đã có những gương mặt kế thừa xuất sắc, như Hayao Miyazaki - ông vua mới hay Takeshi Kitano – kẻ ngỗ ngược đa tài. Ở một dòng phim trầm lắng hơn, thế giới của những bộ phim art-house kinh phí thấp nhưng giàu dấu ấn sáng tạo cá nhân, cũng nổi lên nhiều gương mặt mới, được phát hiện tại các LHP quốc tế lớn. Một Nhật Bản của đời thường hiện hữu gần gũi và cảm xúc hơn qua những bộ phim của họ.


Đón đọc Bài 3 - Đạo diễn Vinh Sơn: 10 người làm phim hết 9 thích Ozu!

Theo Thể thao Văn hoá