Nhìn lại 10 năm xã hội hóa của điện ảnh Việt Nam

(TGĐA) - Trước hết, cần khẳng định, xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nó khơi dậy tiềm năng và nguồn vốn của các nhà đầu tư, các tập đoàn truyền thông trong nước và quốc tế. Điều đó khiến thị trường điện ảnh nước ta thêm sôi động. Hàng trăm cụm rạp mới với tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng. Hàng trăm hãng phim tư nhân ra đời.  Hàng trăm bộ phim mới  ra mắt công chúng. Trung bình cứ khoảng 1 tuần có 1 phim mới. Mỗi bộ phim đầu tư trung bình khoảng 6-15 tỷ. Và thị trường điện ảnh nước ta có sức tăng chóng mặt. Các nghiên cứu cho thấy, con số doanh thu đạt đến hơn 100 triệu USD vào năm 2015. Và con số này còn tăng lên nữa.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam Những con số ấn tượng của 'Giải thưởng phim ngắn HTV 2018'
nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam Phim Việt kiều: Xu hướng phát triển mới của Điện ảnh Việt Nam

Song tiến trình xã hội hóa điện ảnh đã bộc lộ nhiều vấn đề hết sức nguy hại. Đó là chính sách xâm lăng văn hóa của các tập đoàn điện ảnh hùng mạnh nước ngoài. Cùng với đó là sự thu hẹp của các hãng phim Nhà nước. Đó là sự bùng nổ của các Hãng phim tư nhân với hàng trăm phim thương mại, giải trí. Bên cạnh đó là sự hạn chế của dòng phim nghệ thuật, dòng phim tuyên truyền vốn là bản sắc của Điện ảnh Việt. Đó là sự gia tăng của các phòng chiếu phim nước ngoài (đầu ra) và sự dừng lại và xuống cấp của các phòng chiếu phim Nhà nước. Tất nhiên, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà, có thể, khi ban hành chủ trương, chúng ta chưa hình dung được những nguy cơ. Chúng tôi sẽ đề cập từng vấn đề một cách cụ thể dưới đây.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam
Việc nhập phim nước ngoài ở Việt Nam hiện hết sức thoải mái

Vấn đề nhập khẩu phim nước ngoài

Nhập phim nước ngoài hết sức thoải mái:

Theo số liệu tổng kết của Cục Điện ảnh, trong khoảng 10 năm, từ 2007 đến 2016, chúng ta đã nhập khoảng 1.380 phim nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Số lượng nhập phim nước ngoài ngày càng tăng. Ví dụ, năm 2015, nhập 199 phim; năm 2016, nhập 177 phim. Và năm 2017, số lượng phim nhập từ nước ngoài đã lên đến 300 bộ. Vì số lượng phòng chiếu ngày càng gia tăng. Trên khắp các màn ảnh rộng của nước ta, tràn ngập phim nước ngoài. Phim Việt Nam ngày càng vắng bóng.

Vấn đề nhập phim nước ngoài về Việt Nam một cách thoải mái như vậy đang làm đau đầu các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam. Trong khi ngành sản xuất phim của Nhà nước ngày càng nhỏ thì phim nước ngoài như làn sóng nhấn chìm phim nội địa. Trong khoảng 10 năm đó, chúng ta chỉ sản xuất được khoảng 200 phim. Trong số 200 phim này thì phim do các Hãng tư nhân chiếm khoảng 150 phim. Trung bình cứ khoảng 7 – 10 phim nước ngoài mới có 1 phim Việt.

Vì sao có tình trạng này?

Khi gia nhập WTO, chúng ta không có điệu luật nào hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài để bảo vệ thị trường điện ảnh trong nước. Điều này khác hẳn với các quốc gia khác, cụ thể là Trung Quốc. Khi gia nhập WTO, trong 5 năm đầu, Trung Quốc chỉ cho phép mỗi năm nhập 10 phim Mỹ. Những năm sau, số lượng mới được nới dần. Cụ thể, cho đến năm 2018, mỗi năm Trung Quốc chỉ cho phép nhập khoảng 30 phim nước ngoài. Và chúng ta cũng nên biết, thị trường điện ảnh Trung Quốc vô cùng rộng lớn. Họ có khoảng 33.000 cụm rạp. Và hầu hết các cụm rạp này do Chính phủ Trung Quốc quản lý, chứ không như Chính phủ Việt Nam, chỉ quản lý mỗi cụm rạp ở Láng Hạ.

Nội dung những phim nước ngoài:

Hầu hết những phim nước ngoài nhập về Việt Nam phần lớn từ hai thị trường điện ảnh khổng lồ là Mỹ và Hàn Quốc. Đa số những phim này đều mang tình chất giải trí và thương mại. Thể loại của những phim nhập là những phim viễn tưởng, kinh dị, ma quỷ, đồng tính, trả thù v.v… Hầu như vắng bóng những bộ phim nhân văn, ca ngợi vẻ đẹp con người. Các nhà nhập khẩu hoàn toàn không quan tâm đến văn hóa. Họ chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Những cơ sở nhập và phát hành phim tại Việt Nam:

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 3 cơ sở được phép nhập và phát hành phim nước ngoài. Đó là Công ty CGV (thuộc tập đoàn CJ Hàn Quốc); Công ty TNHH Lotte Cinema cũng của Hàn Quốc. Và một công ty khác của Indonesia là Công ty Platinum. Nhưng công ty này không chịu nổi sức cạnh tranh của hai công ty Hàn Quốc.

Chúng ta cũng có một số công ty nhập khẩu phim như Công ty CP Điện ảnh Sài Gòn; Công ty TNHH BHD; Công ty CP Galaxy; Công ty Truyền thông Bạch Kim v.v… Nhưng năng lực tài chính cũng như phạm vi hoạt động của các công ty này không thể so sánh với những tập đoàn nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh như CGV là Lotte.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam
Khan hiếm kịch bản khiến những phim remake lên ngôi trong những năm gần đây

Khâu nhập phim, các công ty nước ngoài chiếm thị phần rất lớn và việc các công ty trong nước cạnh tranh trong việc nhập và phát hành phim nước ngoài đã dẫn đến những hậu quả không ai lường trước được. Ngoài vấn đề thiệt hại về kinh tế, những cuộc xâm lăng văn hóa một cách công khai và rầm rộ diễn ra hàng ngày, tấn công vào giới trẻ Việt Nam, tuyên truyền lối sống ích kỷ, vô cảm mà chúng ta không có phương cách nào chống chọi.

Đó là chưa kể đến việc các công ty nhập khẩu phim nước ngoài đưa về Việt Nam mỗi năm hàng chục phim có nội dung không phù hợp với đạo đức và lối sống của người Việt. Mỗi năm, chúng ta không cho phép phổ biến trên màn ảnh các rạp khoảng 20-30 phim nước ngoài.

Vấn đề người nước ngoài và tư nhân sở hữu các cụm rạp tại Việt Nam (đầu ra của phim)

Hệ thống rạp chiếu của nước ngoài chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê, hiện nay, số lượng cụm rạp chiếu của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam là CGV chiếm 43 % thị phần; Lotte chiếm khoảng 30 % ; Platinum chiếm 10 %; Hai công ty tư nhân của Việt Nam là Galaxy chiếm 9%; BHD chiếm 6%. Hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chỉ có 2%. Ở trung tâm các đô thị lớn đều có cụm rạp của CGV. Và ở các khu dân cư đông đúc, các đô thị mới, đều có cụm rạp của Lotte. Cụ thể là ở Hà Nội, Nhà nước chỉ sở hữu Trung tâm chiếu phim Láng Hạ. Còn rạp Tháng Tám, một thời là địa điểm văn hóa điện ảnh sang trọng của Thủ đô, hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng. Vì rất vắng khách. Trang bị cũ kỹ, lạc hậu.

Tại nhiều đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Nhà nước không hề có một trung tâm chiếu phim nào. Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu của nước ngoài ngày càng tăng. Hiện nay, CGV có 63 cụm rạp; Lotte có 38; Beta có 17; Galaxy có 15; BHD có 9; Starling có 7; Cinestar có 4… Nếu như vài năm trước, hệ thống rạp chiếu của nước ngoài chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì năm ngoái, hệ thống rạp chiếu của Beta đã mở rộng ra các tỉnh như Thái Nguyên, Đồng Nai, Bắc Ninh, Khánh Hòa, An Giang… Và số lượng các rạp chiếu còn vươn xa hơn nữa.

Chính việc đầu ra nằm trong tay nước ngoài đã đặt đặt ra nhiều vấn đề mà rất khó tìm được giải pháp thỏa đáng.

Hậu quả của việc thị phần chiếu phim nằm trong tay nước ngoài.

Thứ nhất, đó là việc các bộ phim nước ngoài tràn ngập các rạp chiếu. Đa số là những phim hành động, viễn tưởng, kinh dị v.v…, không thể không có những pha bạo lực đẫm máu. Mỗi năm nhập khoảng 200 đến 300 phim. Trung bình mỗi tuần, khán giả trẻ tuổi Việt Nam được thưởng thức 4 phim, giải trí cùng Coca Cola và bỏng ngô! Mà khán giả trẻ, tuổi từ 14 đến 25, chiếm đa số. Những bộ phim này dần tuyên truyền cho tuổi trẻ lối sống ích kỷ, văn hóa tiêu xài và thờ ơ với cuộc sống. Chúng ta không có cách nào ngăn được.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam
Thị phần chiếu phim ở Việt Nam năm 2017

Thứ hai, việc các cụm rạp nằm trong tay nước ngoài và tư nhân dẫn đến việc phim Việt Nam, đặc biệt là phim Nhà nước, kể cả phim của các Hãng tư nhân, không có chỗ để chiếu. Những bộ phim do Nhà nước đặt hàng như Cuộc đời của Yến, Những người con của làng, Mỹ nhân, Thầu Chín ở Xiêm, Nhà tiên tri v.v…hầu như không thể có mặt trong các cụm rạp của CGV! Hoặc phim của các Hãng phim tư nhân, nếu phát hành ở các cụm rạp của CGV, ngoài tỷ lệ ăn chia bị lấn át, còn chịu phí quảng cáo của chủ rạp với giá cắt cổ. Họ đã nhận chiếu nhưng lịch chiếu lại xếp vào những giờ hết sức oái oăm như chiếu lúc 11 giờ trưa, 2 hay 4 giờ chiều và cho chiếu ở vài phòng chiếu nằm ở góc khuất. Còn những phòng chính, bắt mắt, họ dành chiếu phim nước ngoài hay phim do họ làm! Vì vậy, phim Việt Nam, dù đầu vào đã ít, đến khi ra rạp, lại bị đối xử rất bất công.

Chúng ta đã thành lập Hiệp hội phát hành và chiếu phim. Hiệp hội này đã gửi nhiều đơn kiện đến những cơ quan có trách nhiệm phản ánh hành động thao túng và lũng đoạn thị trường của các Công ty phát hành phim nước ngoài. Nhưng vấn đề không được giải quyết vì các công ty nước ngoài hoạt động đều đúng luật pháp của Việt Nam!

Người Việt Nam ít được xem phim Việt ngay tại chính quê hương mình. Họ không được thấy những câu chuyện của người Việt về con người Việt Nam. Họ đã bị tước đoạt rất nhiều. Mỗi năm, chúng ta sản xuất được khoảng 40-50 phim. Trong 5 năm gần đây, phần lớn là phim tư nhân, nhà nước không có phim nào. Các nhà sản xuất và làm phim Việt Nam không thể tiếp cận được với hệ thống rạp chiếu của nước ngoài. Phim Việt bị loại ra khỏi hệ thống chiếu phim. Các nhà sản xuất phim Việt thiếu nguồn lực tài chính để cạnh tranh với ngân sách tiếp thị phim khổng lồ của Hàn Quốc.

Các Hãng phim tư nhân phần lớn sản xuất phim thương mại và giải trí

Phim thị trường chiếm đa số

Trong khoảng 5 năm gần đây, các Hãng phim tư nhân đã làm chủ thị trường phim trong nước. Ví dụ: Năm 2015, nước ta làm được 41 phim thì Nhà nước có 6 phim, còn lại 39 phim tư nhân. Năm 2016, chúng ta cũng làm được 41 phim nhưng chỉ có 1 phim Nhà nước, còn lại 40 phim là của tư nhân. Đến năm 2017, nước ta làm được 33 phim. Nhưng Nhà nước không có phim nào, toàn bộ là phim tư nhân. Và năm nay, 2018, tình hình cũng không có gì khả quan hơn.

Các Hãng phim tư nhân hầu như không quan tâm đến những vấn đề của hiện thực đất nước, những số phận của con người mà chỉ tập trung vào việc làm những phim giải trí. Chỉ nghe những tên phim, khán giả có thể tưởng tượng câu chuyện phim thế nào. Ví dụ: Yêu là phải xài chiêu, Vòng eo 56, Thần tiên cũng nổi điên v.v…Hoặc những phim về đề tài ma quỷ như: Ngủ với hồn ma, Hợp đồng bắt ma, Chung cư ma, Bệnh viện ma v.v…Hoặc những phim về đề tài đồng tính, ấu dâm như: Cầu vồng không sắc, Lạc giới, SOS Sói trắng v.v… Hoặc những bộ phim bắt chước một cách sống sượng những phim nước ngoài như Tèo em, Scandal, Sứ mệnh trái tim, Em chưa 18 vv… Hoặc có những phim mua kịch bản nước ngoài và cách làm phim cũng sao chép y nguyên như Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân v.v… Nếu có một số phim không do các nhà làm phim tự viết kịch bản và tổ chức sản xuất như Đời cho ta biết bao lần đôi mươi, Trúng số, Dạ cổ hoài lang v.v… thì đều giống nhau ở chỗ cốt truyện hời hợt, xung đột nông cạn, cách giải quyết vấn đề dễ dãi và người xem thấy nhiều tình tiết khiên cưỡng, giả tạo.

Lý giải vấn đề tại sao phim thương mại, giải trí lại được các hãng phim tư nhân quan tâm. Thứ nhất, bấy lâu nay, nền nghệ thuật chính thống thường đề cao các chức năng như giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ mà không chú ý đến chức năng giải trí. Trong khi đó, nhu cầu giải trí của khán giả càng ngày càng cao. Thứ hai, do làm phim về những vấn đề hiện thực xã hội đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức. Trong khi đó, các nhà làm phim trẻ và các nhà làm phim Việt kiều hầu như đều không có vốn sống và vốn văn hóa. Thứ ba, do khán giả quá dễ dãi nên bất cứ phim nào cũng có thể kéo người xem đến rạp. Và đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng nữa là, trong vài năm gần đây, Nhà nước hầu như không đặt hàng một bộ phim truyện nào cho các Hãng phim do Nhà nước quản lý.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam
Phim Việt do tư nhân sản xuất đa phần vẫn là phim hài giải trí

Xu hướng “tái chế” những bộ phim nước ngoài

Góp phần mạnh mẽ vào xu hướng làm phim thị trường là việc “tái chế” những bộ phim ăn khách của nước ngoài. Xu hướng này có hai cách làm. Cách thứ nhất, do các nhà sản xuất chủ động. Các nhà sản xuất ở đây chủ yếu từ Hàn Quốc, nghĩa là các ông chủ tập đoàn phát hành phim CGV. Họ mua lại những kịch bản tốt, những bộ phim đạt doanh thu cao tại Hàn Quốc và quốc tế, dịch ra tiếng Việt. Sau đó thuê các đạo diễn Việt Nam và Việt kiều làm y chang phim Hàn. Thậm chí có phim, nhà sản xuất Hàn Quốc ra tận trường quay, cầm tay chỉ việc cho các đạo diễn Việt Nam. Tiêu biểu cho cách làm này ví dụ là phim Em là bà nội của anh… Mang tiếng là phim quay tại Việt Nam, đạo diễn Việt Nam, nói ngôn ngữ Việt Nam, nhưng hầu như các đạo diễn và diễn viên không có sự sáng tạo nào. Tất cả đã có “người Hàn Quốc lo”. Đó là cách làm phim mang tính thực dân. Thuê nhân công rẻ mạt, chi phí tối thiểu, đạt lợi nhuận tối đa.

Cách làm thứ hai là, chính các nhà sản xuất Việt Nam, mua kịch bản nước ngoài rồi thuê đạo diễn, diễn viên người Việt tái chế những phim nước ngoài, chuyển bối cảnh câu chuyện về Việt Nam, còn mọi tình tiết, lời thoại, thậm chí trang phục, cách trang điểm hầu như bắt chước theo đúng nguyên bản. Những phim như Bạn gái tôi là sếp, Ngày mai Mai cưới, Sắc đẹp ngàn cân… làm theo phong cách này.

Cả hai cách làm trên chỉ góp phần làm tăng số lượng phim tư nhân, tăng doanh thu phòng vé, song đứng về mặt chuyên môn của các nhà làm phim trẻ thì không có gì đáng bàn.

Những kiến nghị khẩn thiết

Đối với nhiều quốc gia, điện ảnh luôn là một ngành công nghiệp, một ngành nghệ thuật thể hiện tư tưởng của dân tộc. Nhưng hiện nay, điện ảnh Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị nước ngoài xâm lăng và chỉ làm ra những bộ phim dễ dãi cả về hình thức lẫn nội dung.

Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh và mạnh nhất. Theo số liệu công bố, năm 2006, doanh thu bán vé đạt 5 triệu USD, năm 2010 đã đạt 27,7 triệu USD, năm 2012 đạt 47 triệu USD, năm 2014 đạt 82 triệu USD và năm 2015 đã đạt đến con số hơn 100 triệu USD!

Nhưng thật đau lòng, những con số triệu đô đó, hầu như đều rơi vào túi các nhà nhập khẩu và phát hành phim nước ngoài!

Chúng tôi kiến nghị:

Để cứu vãn nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại hạn ngạch nhập phim nước ngoài về Việt Nam. Nên điều chỉnh lại hạn ngạch nhập phim đối với các Công ty nước ngoài và trong nước một cách cụ thể. Không thể để các công ty nước ngoài thao túng và lũng đoạn thị trường nhập phim nước ngoài một cách vô tội vạ như hiện nay.

Cần thiết đề ra những quy định cụ thể buộc các công ty nhập khẩu và phát hành phim nước ngoài tại thị trường Việt Nam điều chỉnh việc sản xuất và chiếu phim Việt Nam. Ví dụ: Công ty nước ngoài, trung bình có thể nhập 3-4 phim ngoại, nhưng phải dành ngân sách để sản xuất 1 phim Việt Nam.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam
Những phim nhà nước như Những đứa con của làng hiếm có chỗ để chiếu

Tại các cụm rạp chiếu phim, phải dành cho phim Việt Nam một số lượng phòng chiếu thích đáng, tỷ lệ thuận với số phòng chiếu dành cho phim nước ngoài.

Đối với phim Việt Nam, cần phải chiếu vào những ngày vàng, những giờ vàng một cách thích đáng.

Vấn đề Quy hoạch và Phát triển Điện ảnh đến năm 2030, dù đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng các địa phương chưa hề triển khai. Đó là việc xây dựng những Trung tâm chiếu phim Quốc gia tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị khác...

Nhà nước cần phải dành ngân sách thích đáng, mỗi năm sản xuất ít nhất 10 bộ phim truyện Việt Nam. Những bộ phim này có nội dung khích lệ lòng yêu nước, đề cao vẻ đẹp của con người Việt Nam. Đặc biệt, đây là những bộ phim mang tính chất tuyên truyền, không nên tính thuế doanh thu.

nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam 'Táo quậy' bất ngờ trình làng hình ảnh ông Táo chiến đấu trong teaser đầu tiên
nhin lai 10 nam xa hoi hoa cua dien anh viet nam 'Gái già lắm chiêu 2': Lần đầu tiên phim Việt tổ chức show thời trang diễn đồ trong phim

Đoàn Tuấn