Nhân việc 26 năm LHP VN trở lại thành phố Hồ Chí Minh: Về đây nghe khúc hát ban đầu ….

Khi nhận được giải Nam diễn viên xuất sắc nhất với vai Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi thật sự xúc động và ngỡ ngàng. Nói thật là vào thời kỳ bao cấp và nhất là khi ấy tôi vừa tốt nghiệp diễn viên khóa 2 nên đầy khí thế say sưa làm việc, cũng không nghĩ mình đóng phim sẽ được giải này giải kia. Sau giây phút ngỡ ngàng khi nhận giải là cảm giác sung sướng, thế là thời gian đèn sách bao năm của mình cuối cùng cũng có kết quả. Mỗi nghệ sỹ, diễn viên khi có phim đi thi đều có năng lực và tôi là người may mắn có giải thưởng khi nhận được một vai cá tính, nhiều đất diễn…

(TGĐA) - Đã 26 năm Bông sen vàng mới lại có dịp quay trở lại để được tôn vinh tại thành phố mang tên Bác. 26 năm trước, tại sân khấu trao giải trước dinh Thống Nhất, bộ phim Thị xã trong tầm tay, Về nơi gió cát cũng như những cái tên như Đặng Nhật Minh, Huy Thành, Trần Phương, Nguyễn Hữu Tuấn, Lý Huỳnh, Hương Xuân, Bùi Cường….đã được xướng lên và vinh danh trong đêm trao giải.


Họ đã tâm sự với Thế giới điện ảnh về thời điểm ngọt ngào 26 năm trước tại Thành phố Hồ Chí Minh đó…

Đạo diễn Huy Thành: Giải Bông sen vàng cho phim, Giải Biên kịch xuất sắc nhất (Phim Về nơi gió cát)

Không khí lúc đó hồ hởi lắm, khán giả hưởng ứng nhiệt liệt với phim Việt Nam, nhất là với điện ảnh phía Bắc sau giải phóng. Để nhận xét thì có thể dùng cụm từ “xông vào thưởng thức” mới diễn tả được sự cuồng nhiệt đó. Chính điều này khiến các nghệ sỹ rất cảm động. Cũng ở thời điểm đó, dù còn nghèo nhưng sự quan tâm của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã khiến ngày hội điện ảnh đúng là một đêm trao giải của LHP quốc gia. Nó khiến chúng tôi nhớ mãi. Tôi rất mong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 này, sau 26 năm quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh, tái hiện lại được điều đó, cả về cảm xúc, sự thu hút cũng như sự quan tâm của nhà nước. Một LHP mà không có khán giả thì buồn lắm…

Nói về cảm giác của đêm trao giải đó, quả thật tôi rất vui vì Về nơi gió cát cũng đã được xướng tên ở nhiều hạng mục, có cái kết hậu cho nỗ lực của cả đoàn làm phim trong suốt 8 tháng làm việc. Đây là bộ phim màu đầu tiên của Việt Nam nên cũng có nhiều xáo trộn. Phim quay lâu, thay đến 4 lần diễn viên nam chính và mấy lần chủ nhiệm đòi đổi quay phim. Ngay cả tôi, bây giờ nhìn lại cũng nghĩ “giá mà được làm lại Huy Thành cũng làm khác”….Nhưng tất cả những bất ổn đó đều do lần đầu tiên tiếp xúc với phim màu. Ai cũng nổ lực và cuối cùng, nó cũng thành công. Đặc biệt, nhà quay phim Lê Đình Ấn đã vinh dự bước lên ngôi vị cao nhất cho giải cá nhân.

Diễn viên – Đạo diễn Bùi Cường: Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (vai Chí Phèo phim Làng Vũ Đại ngày ấy)

Nhớ lại không khí LHP ngày đó rất vui, kỷ niệm cũng nhiều. Vì là lần đầu tổ chức LHP nên Tp Hồ Chí Minh làm rất lớn. Dạ tiệc điện ảnh được tổ chức ở công viên Tao Đàn, khi ấy mỗi hãng phim có một khu vực riêng, từng hãng đều có sân khấu biểu diễn ca nhạc. Anh em nghệ sỹ hai miền Nam Bắc gặp nhau rất đông vui, mọi người thường tụ tập trò chuyện với nhau ở khách sạn Bến Nghé. Cũng tại đây, tôi đã có cơ hội gặp được những nhân vật đặc biệt của điện ảnh Nam bộ như các đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Hồng Sến, diễn viên Lý Huỳnh, Mộng Tuyền, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn….Buổi chiếu ra mắt đầu tiên của LHP tại rạp Rex với bộ phim Bãi biển đời người của đạo diễn Hải Ninh đúng hôm rạp mất điện, không khí trong rạp rất nóng và ngột ngạt. Ban giám khảo ngày đó tôi nhớ có nhà văn Nguyễn Khải, đạo diễn Phạm Kỳ Nam…Tuy nhiên lúc đó mọi người rất hồn nhiên, cũng không ai quan tâm đến thành phần BGK là những ai.

Diễn viên- đạo diễn Tất Bình (vai nhà báo trong phim Thị xã trong tầm tay)

Tp Hồ Chí Minh năm đó họ tổ chức LHP rất hoành tráng, thực sự xứng đáng với tầm cỡ quốc gia, buổi tiếp đón các nghệ sỹ được tổ chức linh đình tại Dinh Thống Nhất. Khán giả của thành phố dành cho điện ảnh một tình yêu rất nồng nhiệt. Ngày ấy, cả hai vai diễn của tôi trong hai bộ phim Thị xã trong tầm tay và Hy vọng cuối cùng đều không được giải, tôi cũng buồn, cố nhà văn Nguyễn Khải khi ấy có nói với tôi rằng: “Em ơi, đời nghệ thuật của em còn dài lắm, giải thưởng nó còn đang ở trước mặt…”. Đó là kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi…

Quay phim Nguyễn Hữu Tuấn: Giải Quay phim xuất sắc nhất (với bộ phim Thị xã trong tầm tay)

Ngày ấy chúng tôi tham gia LHP trong tâm trạng vừa vui sướng, vừa háo hức, tò mò. Anh em nghệ sỹ rất nhiệt tình đi xem phim của nhau. Rạp Rex là nơi diễn ra LHP, khâu tổ chức lúc ấy cũng đơn giản, không có đạo diễn chương trình riêng hoành tráng như bây giờ mà chỉ có một Ban tổ chức chung của Cục Điện ảnh. Giải thưởng mặc dù không có đồng nào, chỉ là một cái bằng khen thôi nhưng mọi người vẫn cảm thấy thật sung sướng và tự hào.

Những nghệ sỹ như chúng tôi lúc đó vì tuổi đời còn trẻ nên rất ít hy vọng có giải, tuy nhiên tôi còn nhớ trước khi trao giải, có một vị giám khảo đã tiết lộ 50% rằng sẽ trao thưởng cho những người trẻ, trong thâm tâm tôi không nghĩ là mình được. Nhưng thật bất ngờ, lần ấy chính tôi lại có giải Vàng - Quay phim xuất sắc nhất với bộ phim Thị xã trong tầm tay (đạo diễn Đặng Nhật Minh) và giải Bạc cho bộ phim Hy vọng cuối cùng (đạo diễn Trần Phương) tôi quay trước đó một năm. Đây cũng chính là hai bộ phim đầu tay trong cuộc đời quay phim của tôi.

Diễn viên Diệu Thuần – Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (vai Thủy trong bộ phim Ngày ấy bên sông Lam và vai Giàng My trong phim Lưu lạc)

Rất tiếc ngày ấy vì bận con nhỏ nên tôi không đến tham dự LHP, chồng tôi - anh Phạm Quang Vĩnh đã thay tôi lên nhận giải. Tôi còn nhớ năm đó chưa có điện thoại, anh ấy vừa về đến nhà đã chạy vào ôm hôn tôi làm tôi vô cùng ngỡ ngàng, xúc động.

Thực sự tôi không nghĩ đóng phim để được giải nhưng nghe mọi người nói tôi được giải thưởng chính bởi lối diễn quá mộc mạc của mình. Phần thưởng tuy không nhiều, chỉ có ý nghĩa động viên nhưng tôi vẫn cảm thấy thật vinh dự và sung sướng.

Nhạc sĩ Cát Vận – Giải Nhạc sỹ xuất sắc nhất (phim Thị xã trong tầm tay)

Thị xã trong tầm tay là một bộ phim có tính triết lý sâu sắc nên phần âm nhạc cho phim tuy được tôi viết trong thời gian khá gấp nhưng đã diễn đạt được ý tưởng của đạo diễn, khiến tôi rất tâm đắc. LHP VN lần thứ VI diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh, lúc đó tôi đang bận công việc tại Đài tiếng nói Việt Nam nên không thu xếp được thời gian để tham gia. Đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi trở về từ LHP đã gửi cho tôi một bức thư trong đó có báo rằng tôi đã đoạt giải nhất về âm nhạc cho bộ phim Thị xã trong tầm tay.

Kèm theo đó là số tiền thưởng 150.000đ cùng với biên lai trích một phần tiền thưởng cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do trong phim sử dụng có sử dụng một ca khúc của nhạc sỹ. Lúc đó tôi thật sự vui mừng và bất ngờ.

Diễn viên Lý Huỳnh: Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Vai Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy)

Liên hoan phim năm đó, lúc được xướng tên bước lên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại sân khấu đêm trao giải tôi cảm thấy rất cảm động. Đây là một vai khác lạ so với các vai diễn trước của tôi, nó khác hẳn trong tư duy của mọi người về tính cách, về một Lý Huỳnh của võ thuật. Thế mà nó đoạt giải, điều đó chứng tỏ được khả năng diễn xuất của tôi – một diễn viên.

Tôi cứ nhớ mãi cái ngày cố đạo diễn Hồng Sến mời tôi tham gia vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy. Lúc đó, tôi lập tức từ chối. Ai đời một người chuyên đóng sỹ quan chế độ cũ, cưỡi ô tô, hách dịch, tướng đi oai vệ như tôi lại nhận vai nông dân vấn khăn, cày ruộng…Làm sao diễn được. Nhưng đạo diễn khuyên mãi, về đọc kịch bản mới thấy: À, đây là một nông dân trung lưu và phải thể hiện cái cương, cái cường, khỏe mạnh của một người nông dân dám đứng lên đấu tranh với những điều bất công.

Chính vì thế, tôi mất 3 tháng để về Long An, theo dõi và học người nông dân cách vê thuốc, nằm võng, ngồi, đi đứng và cày ruộng. Học cả chuyện tức giận nói cà lăm của biên kịch Nguyễn Hồ gốc nông dân Bến Tre, cách đấm ngực của “nông dân một thời” Hồng Sến. Cuối cùng, tôi cũng ra được một hình tượng Hai Lúa.

Giải thưởng Nam diễn viên chính đó chỉ là điểm khởi đầu cho hình tượng Hai Lúa trong lòng khán giả và cho chính cuộc đời tôi. Kể từ năm 1983, tôi “chết tên” với Hai Lúa. Ai gặp cũng chào Hai Lúa, cũng hỏi “thế ông vô hợp tác chưa?” (vì trong phim, Hai Lúa chống chuyện vào hợp tác), tôi cũng đùa lại: “Vô chứ sao không vô”. Rồi người ta gọi dáng đi của tôi là dáng Hai Lúa, mở nhà hàng Hai Lúa khắp nơi từ Sài Gòn đến Buôn Mê Thuột và sang cả Mỹ. Nhiều lần tôi còn được người ta mời miễn phí ăn uống. Tôi rất hạnh phúc vì Hai Lúa có được sức sống như thế.

Vẫn nhớ, sau LHP năm đó, tôi được thưởng 1,5 triệu. Sướng quá, tôi mời hơn 300 quan khách là anh em nghệ sỹ Sài Gòn, anh em bạn bè từ Bắc vô nhằm thẳng Đầm Sen ăn mừng. Hết 15 triệu, gấp 10 lần giải thưởng mà vẫn sướng. Nghệ thuật là vô giá mà…

Diễn viên Hương Xuân: Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Vai Duyên trong Về nơi gió cát)

Nhớ lại không khí LHP VN lần thứ VI thật nhộn nhịp ở TP HCM, hầu như tất cả người dân đều hướng về sự kiện văn hóa nổi bật này. Họ đón chờ từng tên phim, giờ chiếu và sự hiện diện của các diễn viên. Đêm trao giải vô cùng ấn tượng tại rạp Rex. Ban tổ chức vừa cho chiếu trích đoạn các phim được ứng cử, vừa cho các diễn viên chính diễn lại những cảnh “đắt” đó trên sân khấu. Nhớ lại khi đó, tôi ngồi hóa trang mặc bộ áo dài đen để diễn cùng anh Trần Vịnh, thì ở một góc sân khấu anh Chánh Tín vừa cười vừa khịt khịt mũi trêu “ trời có mùi dầu thơm quyến rũ quá ta…”. Đó là chai dầu thơm - kỉ niệm duy nhất của một Việt kiều tại đại sứ quán Angiêri tặng sau khi xem phim Về nơi gió cát . Đồng thời cùng lời chúc đầy ý nghĩa của vị Tổng thống nước này cho riêng chị (khi nghe dịch cái tên Hương Xuân rất đặc biệt ) là: “Hy vọng cái tên của chị sẽ tỏa ngát mãi hương thơm ở mỗi màu xuân…”

Càng quá bất ngờ khi Về nơi gió cát liên tiếp được nhiều lần xướng danh ( Phim, Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim, Diễn viên nữ xuất sắc ). Tôi đã bước lên sân khấu nhận giải và thật sự xúc động nhớ lại câu nói đùa của nhà quay phim Lê Đình Ấn trong thời gian làm phim “ Thôi cô ơi, chịu cực chút đi, mai mốt biết đâu phim đoạt giải, cô lại chảnh chọe cho mà coi…”. Giờ nó đã trở thành sự thật nhưng lúc này tôi đâu có dám “chảnh” mà lại khóc, khóc cho niềm vinh dự, khóc cho số phận của Duyên và nỗi đau của người mẹ, khóc cho 8 tháng cùng đoàn phim vất vả lao động để cùng nhau có được niềm vinh dự hôm nay.

Họa sỹ Phạm Nguyên Cẩn: Giải Họa sỹ xuất sắc nhất (Phim Chiếc vòng bạc)

Đời tôi thật lạ, hai lần tham gia hai bộ phim Chiếc vòng bạcvà Chiếc chìa khóa vàng….rồi đến khi phim đi dự LHP - Chiếc vòng bạc ( LHP lần VI, năm 1983 tại TP.HCM ) và Chiếc chìa khóa vàng (LHP lần thứ 13, năm 2001 tại Vinh ), thì cả hai đều nhận duy nhất giải Họa sĩ xuất sắc nhất. Hình như chữ “Chiếc” của hai tựa phim lại chính là vận may khởi đầu cho sự nghiệp Điện ảnh của tôi thì phải.

Làm phim Chiếc vòng bạc thật gian khổ, suốt 3 tháng liền giam mình giữa rừng sâu, mưa gió liên tục, sống cách biệt bên ngoài, thỉnh thoảng bị bọn Fun-rô đe dọa… Mà nhiệm vụ của tổ thiết kế chúng tôi thật nặng nề, dựng căn nhà rông hoàn toàn mới. Để có được tất cả đạo cụ phục trang, chúng tôi phải lặn lội đi thực tế suốt gần 300 cây số ( từ Gia Lai đến Kum Tum ) tìm các tượng nhà mồ, để nghiên cứu, bám sát văn hóa Tây Nguyên, nắm được nguyên tắc kỹ thuật, nguồn gốc tạo ra vật dụng và họa tiết hoa văn, tượng, màu sắc gồm 4 màu chủ đạo của họ ( đen- đặc trưng của nhựa cây; Trắng- đặc trưng của ngà voi; Xanh tràm-đặc trưng dệt khố lá cây và Đỏ bầm- đặc trưng máu của những con vật được cúng tế…Ngoài ra đoàn còn tới Bình Định tìm mua con trâu phục vụ cảnh quay đâm trâu rất kịch tính.

Liên hoan phim lần thứ VI năm đó, tôi là họa sỹ “lính mới” nên không được nằm trong danh sách các nghệ sỹ tham dự. Rất may, trước đêm trao giải, diễn viên Lý Huỳnh có “nghe phong phanh” rằng Phạm Nguyên Cẩn có giải và ngay lập tức tôi có tên trong danh sách. Nhớ lại đêm hôm đó, tôi rất tự hào vì đây là bộ phim đầu tay mà được giải, hơn nữa lại là người trẻ nhất được đứng trong hàng ngũ nhận giải thưởng hôm đó. Vui hơn là sau đó được đi dự tiệc và được báo chí phỏng vấn rất là nhiều….

Đạo diễn Trần Phương: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Phim Hy vọng cuối cùng)

Hồi đó tôi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, dân miền Bắc còn chất nhà quên, ăn mặc đi lại phải hỏi han suốt. Được nhận giải thưởng cũng cảm thấy sung sướng lắm, chứ không phải vì oai gì. Ngày ấy tôi còn nhớ lúc lên nhận giải thưởng chỉ cầm một tờ giấy trắng (do BTC chuẩn bị không kịp nên trao tạm một tờ giấy trắng), vài ngày sau mới nhận được bằng khen.

Thời gian diễn ra LHP, tôi đang bận làm phim Đằng sau vụ án Hồ Con Rùa, trước khi trao giải một ngày, ông Nguyễn Khải, Trần Vũ có đến chỗ tôi (Khách sạn Tân Bình) báo trước là tôi được giải, mời tôi hôm sau đến nhận.

Nhóm PV

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI

Năm 1983 – Thành phố Hồ Chí Minh

Phim hay nhất:

- Thị xã trong tầm tay

- Về nơi gió cát

Kịch bản xuất sắc nhất:

- Biên kịch Đặng Nhật Minh (Thị xã trong tầm tay)

- Biên kịch Huy Thành (Về nơi gió cát)

Đạo diễn xuất sắc nhất:

Trần Phương

(Phim Hy vọng cuối cùng)

Quay phim xuất sắc nhất:

- Lê Đình Ấn (phim Về nơi gió cát)

- Nguyễn Hữu Tuấn (Thị xã trong tầm tay)

Namdiễn viên xuất sắc nhất

- Diễn viên Bùi Cường

(Vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy)

- Diễn viên Lý Huỳnh

(vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy)

Nữ diễn viên xuất sắc nhất

- Diễn viên Diệu Thuần

(vai Giàng My trong Lưu lạc và Thùy trong Ngày ấy bên sông Lam)

- Diễn viên Hương Xuân

(Vai Duyên trong phim Về nơi gió cát)

- Diễn viên Mộng Tuyền

(vai bác sỹ trâm trong phim Tình yêu của em)

Họa sỹ xuất sắc nhất:

- Đào Đức

(phim Đất mẹ)

- Phạm Nguyên Cẩn

(phim Chiếc vòng bạc)

Âm nhạc xuất sắc nhất:

- Nhạc sỹ Cát Vận

(Phim Thị xã trong tầm tay)

- Phạm Trọng Cầu – Trịnh Công Sơn

(Phim Pho tượng)