Nhân vật và cốt truyện

 Để góp phần làm rõ mối quan hệ này, chúng ta cùng xem xét kịch bản phim Cưng ơi, anh thu nhỏ các con rồi (Honey, I Shrunk the Kids). Chúng ta chọn phim này vì đây là một kịch bản dễ hiểu, dễ theo dõi diễn tiến của câu chuyện mà bộ phim tạo ra.

(TGĐA) - Một kịch bản hay nhất thiết phải xử lý hoàn hảo mối quan hệ giữa nhân vật và cốt truyện. Điều tưởng dễ nhưng không phải cây bút nào cũng làm được.


Giả thiết của bộ phim là: Vượt qua tai ương trong cuộc sống gia đình sẽ giúp con người ta đi đến “cánh đồng vui”. Với một giả thiết như thế, mỗi nhân vật đều có sự vận động của riêng mình. Cốt truyện là cấu trúc những tình huống mà nhân vật phải vượt qua để đưa câu chuyện tiến lên. Để làm được điều đó, cốt truyện được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: khi thì đặt ra trước nhân vật những vật cản buộc họ phải hành động, qua đó nhân vật sẽ bộc lộ trạng thái xúc cảm của mình; khi thì cốt truyện tạo ra kịch tính đối với tác động của cảnh phim. Bằng cách đó, cốt truyện phục vụ cho việc tạo ra vận động của bộ phim nhằm gây được ấn tượng và sức thuyết phục.

Phim mở đầu với cảnh cô thiếu nữ xinh dẹp Amy đang gọi điện thoại trao đổi về cuộc hẹn cho buổi khiêu vũ sắp tới. Cô bé cũng còn phải dành thời gian trông nom cậu em Nick, một tài năng khoa học đang nảy nở. Nick muốn biết “Khi nào mẹ sẽ về?” Amy không thể trả lời câu hỏi khi nào mẹ, Diane, sẽ về. Cha chúng, Wayne, lúc đó đang miệt mài làm việc trên tầng áp mái bên chiếc máy kì dị, cố gắng sẵn sàng cho một cuộc trình diễn quan trọng.

Với cảnh mở đầu ngắn gọn, khán giả bị cuốn vào những gì đang đe doạ các nhân vật. Một điểm quan trọng khác của bộ phim là gia đình này đang lâm vào khủng hoảng ngay khi câu chuyện bắt đầu. Chúng ta bước vào câu chuyện đang diễn tiến cùng các nhân vật đang phản ứng lại những gì đe doạ cuộc sống của họ - gia đình ly tán. Các nhân vật tự bộc lộ mình và mối quan tâm của mình khi phản ứng lại tình huống này.

Tiếp đó những người hàng xóm được giới thiệu. Một người cha đang xung khắc với cả hai cậu con trai, một trong số đó ông muốn phải mạnh mẽ hơn, cậu ấm trẻ hơn muốn được chú ý, được công nhận và sẽ làm mọi chuyện để có được điều đó. Cả hai gia đình đều nghĩ rằng gia đình kia là lập dị - đó chính là nhân tố đẩy họ tới xung đột. Một lần nữa xung đột tiếp diễn khi câu chuyện được mở ra và diễn tiến của câu chuyện sẽ đẩy xung đột đó lên cao trào.

Vì dành hết tâm trí làm cho cỗ máy của mình vận hành có kết quả để có thể trình diễn vào thời hạn chót, Wayne không nhận ra Nick. Nỗ lực của Wayne không đem lại kết quả: cỗ máy không hoạt động. Đang sống xa nhà vì không chịu được thái độ bất bình thường của Wayner, Diane gọi điện về và trao đổi với ông. Wayne tiết lộ với vợ rằng nếu ông làm cỗ máy vận hành được thì mọi việc sẽ lại đâu vào đấy, gia đình sẽ lại đoàn tụ. Hình ảnh Wayne được phác hoạ như một người không “tinh ý” trước nguyên nhân khiến gia đình ông rơi vào khủng hoảng ngay phần đầu bộ phim. Sau đó sự vận động trong tính cách của ông sẽ cho thấy tình yêu của vợ ông và sự an toàn của các con có ý nghĩa lớn lao hơn việc tạo ra một cỗ máy hoàn hảo. Khi câu chuyện mở ra, Wayne cảm nhận được rằng ông chỉ có thể được xem là thành công nếu cỗ máy của ông vận hành tốt. Vì thế khi cỗ máy gặp trục trặc, ông lập tức rơi vào khủng hoảng.

Tiếp đó Nick – nhà khoa học giống cha như đúc - hướng dẫn Ron, một cậu bé hàng xóm, cắt cỏ bằng chiếc máy điều khiển từ xa. Ron trêu Nick là “nhà học giả”, Nick trả đũa bằng việc gọi Ron là kẻ quấy rầy.

Người cha nhà nhà bên xung khắc với cậu con trai Russell. Ông cố thuyết phục cậu có kế hoạch tập luyện làm tăng cơ bắp để có thân hình như ông. Rõ ràng Russell không khoái ý tưởng đó, nhưng cậu lại khoái cô bé Amy - người xem ra không biết đến sự tồn tại của cậu.

Trong những cảnh ngắn đó, tất cả những nhân vật chính cùng xung đột nội tâm của họ đều được xác định, mục đích của họ đều rõ ràng, toàn bộ tình huống của câu chuyện đều tiến triển về phía trước. Đây là công thức, nhưng được thể hiện một cách nhuần nhuyễn.

Trái bóng chày bị Ron đánh bay vào căn phòng áp mái đã tác động đến cỗ máy của Wayne – làm chiếc ghế dài thu nhỏ lại. Ngay lập tức Russell đưa Ron đến thú tội với Amy và Nick. Tình tiết này một lần nữa cho thấy Russell thích Amy.

Tiếp theo, bộ phim chuyển sang cảnh mọi người thách thức Wayne chứng minh lý thuyết của ông trong lúc ông thuyết trình. Cỗ máy không vận hành và Wayne bị xem là thất bại. Tệ hơn, người ta còn cười nhạo ông. Wayne rời khỏi hội nghị trong trạng thái điên cuồng và đối mặt với những gì ông sẽ làm. Ông quyết định tập trung cho gia đình mình.

Cũng vào thời điểm đó, Amy, Nick, Russell và Ron lên lầu để tìm trái bóng và lập tức bị cỗ máy của Wayne thu nhỏ lại. Quá trình thu nhỏ có thể nhìn thấy được cũng phù hợp với những gì những đứa trẻ cảm nhận: Amy và Nick cảm thấy nhỏ bé và không đủ sức để kiểm soát những gì đang xảy ra trong cuộc sống của cha mẹ. Russell và Ron vì những lý do khác, cũng cảm thấy nhỏ bé và bất lực trong cuộc sống của chính mình. Những gì bọn trẻ nhìn thấy trong cuộc sống thường nhật cũng giống như những gì đang diễn ra bên trong mức độ cảm nhận của chúng.

Khi Wayne về đến nhà, ông mải suy nghĩ về những vấn đề của mình đến nỗi không nghe thấy tiếng bọn trẻ và ông đập vỡ cỗ máy. Rồi bằng việc quét các mảnh vỡ của cỗ máy, kể cả những “mảnh vỡ” của bọn trẻ, ông càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sau đó ông tống chúng vào túi rác và vứt ra lối đi ở đầu nhà. Lũ trẻ bị vứt ra đường - điều đó vấn thường xảy ra với con trẻ có cha mẹ ly dị hay có cha mẹ không có được trạng thái tình cảm cân bằng. Đây là bước ngoặt thứ nhất. Rõ ràng lũ trẻ phải làm một điều gì đó. Chúng được đưa vào một hướng hành động.

Cái lũ trẻ quyết định làm là thực hiện một cuộc hành trình qua sân sau. Nhưng ở đây chúng còn đảm nhận cuộc hành trình thứ hai - hành trình của cảm giác. Ngoài ra, theo tiến trình của câu chuyện, mỗi đứa trẻ lại có những vấn đề của riêng mình. Amy vừa lạnh nhạt với Nick vừa lo lắng cho cha mẹ, mục đích rõ ràng nhất của em là buổi khiêu vũ sắp tới. Nick phải giải quyết tình huống bị ghẻ lạnh từ phía Amy và cảm giác rằng cậu không quan trọng đối với cha cậu. Vấn đề của Russell là cậu quá bé nhỏ đối với cha cậu và tính tình vụng về. Cũng có cảm giác không được coi trọng và bị coi thường, Ron còn bị những người khác xem là kẻ chuyên quấy rầy. Thậm chí chú chó cũng được giới thiệu là sợ mèo. Khán giả có thể đồng cảm và chia sẻ tất cả những trạng thái cảm giác đó của các nhân vật.

Một điểm quan trọng nữa là, lúc này nhất thiết không được bỏ qua một khía cạnh rất cơ bản của một câu chuyện hay: trả lời những câu hỏi mà câu chuyện đặt ra.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với bọn trẻ? Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chúng sẽ được giải quyết ra sao?

Tình tiết trên phim khiến khán giả phải chú ý đến các nhân vật và tình huống của họ, thôi thúc khán giả muốn biết điều gì sẽ xảy ra. Nhớ rằng, câu chuyện phải vận động với những nhân vật đang hoạt động xung quanh vấn đề trung tâm ở tình trạng bấp bênh. Nếu hành động của các nhân vật không xoay quanh những gì đang trong tình trạng bấp bênh thì câu chuyện chỉ đặt ra được những câu hỏi yếu ớt hoặc không rõ ràng.

Cũng cần lưu ý rằng, với rất nhiều tình tiết đầy kịch tính, bước ngoặt thứ nhất đưa chúng ta đến với mức độ xung đột cao hơn, nguy hiểm hơn. Lúc này các nhân vật bộc lộ những tình cảm mạnh mẽ. Quá trình các nhân vật chia sẻ trạng thái cảm xúc ngày càng mạnh hơn tiếp diễn từ bước ngoặt thứ nhất sang bước ngoặt thứ hai. Các xung đột và trạng thái cảm xúc leo thang. Khi những chướng ngại vật trở nên ghê gớm hơn và có vẻ như không vượt qua được, chúng đòi hỏi trạng thái cảm xúc càng phải sâu sắc hơn không chỉ đối với nhân vật của bộ phim, mà còn đối với cả khán giả. Đó chính là mục đích của cốt truyện: tạo ra những tình huống đòi hỏi nhân vật phải hành động và bộc lộ mình theo những cách thức đầy kịch tính, qua đó thúc đẩy câu chuyện đi đến hồi kết.

Trở lại với Wayne và Diana. Biết điều gì đã xảy ra, cả hai bắt đầu điên cuồng tìm kiếm lũ trẻ. Những người hàng xóm cũng bắt đầu đi tìm con mình. Cuối cùng Wayne tiết lộ với họ chuyện gì đã xảy ra và hai ông bố dường như sẵn sàng lao vào một cuộc ẩu đả.

Về phía bọn trẻ, trong cuộc hành trình Russell cứu Amy thoát khỏi bị chết đuối. Chuyến đi qua sân sau tiến hành theo một công thức: trước hết một sự cố nào đó đầy kịch tính xảy ra, một sự kiện nào đó, một cuộc tấn công của rệp và bò cạp, một trận lụt bất thình lình, xung đột giữa lũ trẻ; kế đó là phản ứng của chúng dựa trên một cấp độ tình cảm. Cuộc hành trình tiếp tục thì “hành trình” tình cảm của lũ trẻ cũng được đẩy tới, trở nên sâu sắc hơn, rõ ràng hơn đối với những gì đe doạ chúng. Russell và Amy gắn kết với nhau hơn. Ron kết bạn với một chú kiến. Nick bắt đầu gần gũi với những người khác, cậu trở thành một đứa trẻ cần đến tình yêu và niềm an ủi.

Khi màn đêm buông xuống, Wayne và Diana “tái hợp”; việc họ phải đối mặt với thảm hoạ mở đầu cho quá trình đưa họ về với nhau, đem lại cho họ ý thức mới về những gì quan trọng trong đời. Chúng ta cùng xem xét đoạn thoại sau:

- Diane: “Tất cả là do lỗi của chúng ta.”

- Wayne: “Lỗi của anh.”

- Diane: “Đó không phải là điều em định nói.”

Cô nói về những khảnh khắc mất sự kết nối tình cảm, cảm giác có được sự sẻ chia những ràng buộc và mục đích giữa hai người, rằng khi điều đó xảy ra, gia đình sẽ bị ly tán. Lũ trẻ cũng vậy, bên nhau trong đêm, chúng nói về những cảm giác ở tận đáy lòng.

Ngày hôm sau Diane nhận ra Wayne đã kiệt sức sau khi thức trắng đêm sửa cỗ máy. Diane nói với Wayne: “Em yêu anh.” Nhưng tai hoạ chưa phải đã hết. Cậu bé nhà bên xuất hiện và bắt đầu cắt cỏ. Để không bị nghiền nát, lũ trẻ phải sát cánh cùng nhau.

Sau đó, Wayne thiếu chút nữa thì nhìn thấy lũ trẻ. Nick gào khóc. Amy trấn an cậu. Lũ trẻ liên kết với nhau chặt hơn. Russell trấn an Ron lúc đó đang lo sợ người ta sẽ không tìm thấy chúng và chúng sẽ không trở lại với thế giới của mình được. Đây có thể xem là bước ngoặt thứ hai. Tất cả dường như vô vọng. Lũ trẻ sẽ không được giải cứu. Đúng lúc đó chú chó xuất hiện và đưa lũ trẻ vào nhà và kết thúc chuyến đi trên bàn ăn. Nhưng đến đây nguy hiểm chưa phải đã hết: Wayne suýt nữa “xơi” mất Nick. Cảnh này còn gợi lên một thực tế là lũ trẻ rất dễ bị tổn thương. May thay, cuối cùng Wayne cũng nhận ra cậu con trai ngay dưới mũi mình.

Tiếp theo, lũ trẻ được đưa lên tầng áp mái, nhưng còn phải kiểm tra cỗ máy. Người cha nhà bên tình nguyện được thử nghiệm để cứu các con mình. Lòng can đảm của ông cuối cùng đã được đền đáp: bọn trẻ được giải thoát. Amy và Russell sẽ đi dự buổi khiêu vũ. Người cha nhà bên không còn ép buộc các con phải làm theo ý mình. Diane và Wayne cùng các con tái đoàn tụ dưới một mái ấm gia đình. Hai người cha bắt tay nhau. Nick hoàn tất hành trình bên trong của riêng mình để gần gũi hơn với mọi người, không giống như cái mã ngoài mà cậu vẫn thể hiện.

Như vậy, công thức mà bộ phim sử dụng để tạo ra sự vận động của câu chuyện là sự dễ hiểu, đồng thời tạo ra một hành trình thú vị của cảm giác mà khán giả có thể chia sẻ. Có được kết quả này một phần cũng là nhờ tiền đề của câu chuyện hợp lý, lời thoại của các nhân vật súc tích, chúng góp phần thể hiện mối quan tâm của các nhân vật trước biện pháp họ phải sử dụng để đối phó với áp lực của mối đe doạ được đặt ra với chính họ và gia đình họ. Nếu người ta tạo ra những đứa trẻ khác cho câu chuyện, thì mối quan tâm của chúng cũng khác đi và đòi hỏi phải có sự thay đổi cốt truyện và bố cục, nhưng bản thân câu chuyện và tiền đề của nó vẫn sẽ giữ nguyên.

Bởi bộ phim diễn ra hợp với tiền đề, bởi nó trả lời được những câu hỏi tình cảm cũng như thể chất (những biện pháp nào nhân vật sẽ sử dụng để giải quyết vấn đề của mình) đã được đặt ra, nên bộ phim đã tạo ra những giây phút thú vị nơi khán giả. Thế giới của bộ phim đơn giản nhưng khiến người xem rung động sâu sắc. Một gia đình đang trên bờ vực của sự đổ vỡ, có thể làm gì để đưa các thành viên trong đó trở lại với nhau? Hai cậu bé nhà hàng xóm, một cảm thấy mình bé nhỏ và bị mọi người ghẻ lạnh, một tin rằng mình chỉ là kẻ vô tích sự, một kẻ gây rắc rối cho ngưòi khác. Phải làm sao để có thể thay đổi điều đó?

Kỹ xảo khéo léo đã tiếp thêm sức hấp dẫn cho bộ phim. Toàn bộ hay từng phần, kỹ xảo làm tăng trạng thái tình cảm của các nhân vật và khán giả. Bộ phim là câu chuyện về hai gia đình tái đoàn tụ sau khi vượt qua tai ương. Cốt truyện của bộ phim là cái mà các nhân vật phải thực hiện để vượt qua những trở ngại mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác. Nếu các nhân vật không bị lôi kéo vào tình trạng bấp bênh trong câu chuyện, không bị lôi kéo vào những gì đang diễn ra, thì sẽ không có câu chuyện, không có sự vận động, không kịch tính và không xung đột. Toàn bộ những phân tích trên không phải để nói rằng tác giả - người nghĩ ra cốt truyện – không thể bắt đầu bằng ý tưởng và sử dụng nó như một biện pháp để khám phá cái thế giới mà người ta mong muốn câu chuyện đề cập đến. Tác giả cũng có thể bắt đầu bằng một nhân vật, hoặc bằng một ý tưởng và sử dụng nó như một xuất phát điểm đi vào thế giới của câu chuyện. Bộ phim gửi đến cho khán giả một bức thông điệp: tình yêu và lòng dũng cảm có thể chữa lành mọi vết thương và giúp con người ta vượt qua những trở ngại nguy hiểm nhất. Wayne là một nhà khoa học lập dị phát minh ra cỗ máy có khả năng thu nhỏ mọi vật. Cỗ máy bắt đầu hoạt động khi đứa bé nhà bên đánh trái bóng chày qua cửa sổ rơi vào vùng quét của bộ cảm ứng laze của nó. Hai đứa trẻ nhà Wayne và hai đứa trẻ nhà bên bị cỗ máy thu nhỏ. Wayne vô tình quét chúng và cho vào túi rác, vì thế lũ trẻ phải làm một cuộc hành trình qua đám cỏ dày, phải đương đầu với những con rệp khổng lồ, những bình phun nước và chiếc máy cắt cỏ để về nhà.

Trần Lương