Nhà giáo Menras Hồ Cương Quyết và bộ phim Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát

(TGĐA) - Chính thức trở thành công dân việt Nam gần hai năm nay, nhà giáo người Pháp - Menras Hồ Cương Quyết đã không hề ngừng nghỉ đấu tranh - đấu tranh đến cùng cho cán cân công lý và đạo nghĩa ở đời.

Cuộc đời của ông biết bao lần quặn đau để rồi đem lý tưởng cao cả đấu tranh đòi quyền hòa bình cho quê hương đất Việt. Trước sự kiện đau thương về ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thuộc Hoàng Sa, Việt Nam bị giám hải Trung Quốc có hành vi thô bạo ngang nhiên đánh đập, cướp tài sản, trong khi họ đang hành nghề tại vùng biển của mình. Đảo là mệnh lệnh thôi thúc, để ông vượt cánh sóng đặt chân tới và luôn dặn lòng phải làm điều gì đó thật ý nghĩa cho người dân nơi đây. Và bộ phim Hoàng Sa Việt Nam- nỗi đau mất mátđã ra đời. Hiện ông đã trở về Pháp để tiếp tục thực hiện những khát vọng yêu thương của mình cho cả hai quê hương. Để phỏng vấn, phóng viên Tạp chí Thế giới Điện ảnh đã gửi mail mong ông chia sẻ và ông đã viết trả lời bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, với tất cả yêu thương, chia sẻ và ý chí quật cường như người dân Việt đang hướng về biển đảo quê hương. Thật quá xúc động và nể phục.

Nhà giáo André Menras được nhân dân Việt Nam gọi thân mật “Ông Tây Việt cộng”. Ông sinh năm 1945 tại Hérault (Pháp), tốt nghiệp Trường sư phạm Montpellier. Từ năm 1968 đến 1970 đã qua Việt Nam dạy học. Ngày 25/7/1970, anh cùng bạn là Jean Pierre Debris phất cao lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn ngay trên đầu tượng lính thủy đánh bộ Mỹ, trước tòa nhà quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó họ đã bị bắt và giam cầm tại khám Chí Hòa hơn hai năm rưỡi. Năm 1972, cả hai anh bị chính quyền Sài Gòn trục xuất về nước. Từ đó các anh đã quyết tâm thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền và viết sách tố cáo tội ác của Mỹ ngụy. Cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn - chúng tôi tố cáo của anh cùng người bạn đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng... Cái tên Việt - Hồ Cương Quyết cũng là do bạn tù đặt cho. Hiện ông đang là Chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp – Việt (ADEP). Trên cương vị này, ông là cầu nối giúp các trường đại học ở Việt Nam trao đổi giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với một số trường đại học của Pháp. Ông cũng là người tham gia tích cực chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”, quyên góp tiền mua máy lọc nước biển ủng hộ Trường Sa. Ngày 5-11-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chính thức công nhận ông André Menras là công dân của nước Việt Nam.

AndrMenras_vm

André Menras và mẹ - ảnh do nhà văn Nguyễn Duy chụp

Xin ông cho biết xuất phát từ ý nguyện gì mà ông đã có chuyến đi ý nghĩa này?

    Mỗi người khi theo dõi thời sự Việt Nam qua hệ thống báo chí chính thống, báo điện tử, blog, báo nước ngoài đều biết rõ tình trạng của các ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân Miền Trung bị giám hải Trung Quốc uy hiếp khi đang hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Trước thực tế có người chỉ biết chung chung, có người lại không muốn biết vì chưa ý thức vấn đề này quan trọng đến thế nào, có người không hề biết vì thiếu thông tin. Riêng đối với tôi không thể có một lý do nào để “quên”, hay bỏ mặc hàng nghìn đồng bào mà đại đa số là nghèo đang lâm vào tình trạng mất tài sản, thậm chí phải liều mạng của mình khi phải đi mưu sinh hàng ngày tại ngư trường lịch sử của tổ tiên! Ai có thể nhắm mắt trước thực tế đó không? Và một khi mình đã dám lao vào cuộc, thì cần phải quyết định đi tiếp, sâu sát hơn, gần gũi hơn tới cuộc sống của đồng bào ngư dân, hết sức ủng hộ, hỗ trợ, chăm sóc họ hơn, bởi tất cả họ đều rất xứng đáng trước những nỗ lực của mình.

    Ông có thể chia sẻ cụ thể về chuyến đi của mình được không?

      Tôi đã có dịp tiếp xúc với các ngư dân Bình Châu và Lý Sơn đều theo tính chất cá nhân. Thậm chí ban đầu chưa được sự đồng tình của chính quyền địa phương và Trung ương do “vấn đề nhạy cảm”. Tôi đã phải cố gắng bước qua nhiều khó khăn, nhiều lúc bức xúc, có lúc rất buồn, thậm chí tưởng sẽ thất vọng…Nhưng trong cuộc chiến liên tục mấy tháng liền, tôi đã may mắn gặp được một số người bạn, kể cả một số lãnh đạo có tâm và dám làm. Họ đã tạo nhiều thuận lợi cho tôi được tiếp xúc với các ngư dân. Tôi đã đi Bình Châu và Lý Sơn ba lần, ở lại gần một tháng để nắm rõ tình hình cụ thể người dân phải đối mặt với những khó khăn, bất cập hàng ngày. Tôi đã có cả kế hoạch sẽ đi cùng họ ra biển đánh bắt cá tại vùng Hoàng Sa nhưng rất tiếc vì nhiều lí do đã chưa thực hiện được. Cuối cùng tôi được phép làm một phóng sự và được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và chuyên nghiệp của một số bạn bè ở Hãng phim TFS.

      1968

      André Menras tại chợ cá Đà Nẵng năm 1968

      Hoàng Sa Việt Nam : Nỗi đau mất mát được thực hiện theo thể loại nào? Và trong phim, thông điệp mà ông muốn gửi?

        Các ngư dân và gia đình tại đây cả cuộc đời của họ gắn bó với công việc duy nhất là đánh bắt cá xa bờ, ngay tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Họ “tồn tại để duy trì hay phát triển cuộc sống là nhờ Hoàng Sa”. Nhưng trước thực tế quần đảo này đã bị chiếm đóng, vùng biển thì bị cấm, nên tình hình kinh tế, cuộc sống của họ ngày càng gặp khó khăn. Đây thật là nỗi buồn vô cùng. Vì thế tôi đã chọn tựa đề của phim tiếng Pháp là Hoang Sa Vietnam : La meurtrissure - Tiếng Việt là Hoàng Sa Việt Nam : Nỗi đau mất mát. Vì người dân đang mất dần tất cả những gì mà họ quý giá nhất, mất các hòn đảo của tổ tiên, mất cả vùng biển lịch sử của ông cha, mất hết tài sản khi bị giám hải Trung Quốc công khai cướp trên biển cả. Càng mất tự do khi bị giám hải Trung Quốc giam giữ, đánh đập, chửi mắng đến mức có một số ngư dân không thể ra biển nổi. Cảnh tượng đau thương về các bà vợ góa mất chồng, mất con, khi họ mất tích trong lòng sâu biển cả gần các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng. Mất cả tương lai của mình và của con cái khi không thể trả nổi các món nợ mà chồng con họ đã để lại. Không có tiền để sửa lại mái nhà, không đủ tiền đưa con đến trường và càng không có tiền mua thuốc mỗi khi đau ốm…Bộ phim có thông điệp chính cho mọi người Việt Nam là: Hãy thấy đồng bào ngư dân sống như thế nào, hãy nhanh chóng chung tay hỗ trợ họ, chăm sóc họ vì chính họ đang là những người bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, chính họ khẳng định chủ quyền của quốc gia hàng ngày và một cách cụ thể. Chính họ đã hy sinh, cùng bao nhiêu mất mát, thiệt thòi. Còn thông điệp cho cộng đồng quốc tế là: Khi được tận mắt chứng kiến những tư liệu, hình ảnh cụ thể ấy, cần có những hành động góp phần giữ gìn hòa bình ở biển Đông và sự công bằng về lãnh hải cho các nước ASEAN.

        NguyenMinhTriet

        Menras Hồ Cương Quyết bên cạnh Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong ngày được công nhận là công dân Việt Nam

        Trong suốt quãng thời gian làm phim, câu chuyện cảm động nào từ những ngư dân, vùng đất, vùng biển tại đây mà ông khó có thể quên?

          Tất cả các thực trạng đau buồn đó đều vô cùng cảm động và tôi đã bao lần rơi nước mắt. Xúc động do buồn và càng xúc động do ý chí nghị lực sống của người dân nơi đây. Như anh Tiểu Việt Là ở Bình Châu đã 4 lần bị giám hải Trung Quốc bắt, bị bắn, bị đánh hội đồng, bị thương, bị giam giữ một tháng tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, mất hết tài sản, hiện nay bệnh tật nặng không thể đi biển và không còn có thể trả nợ 400 triệu đồng Việt Nam. Khi tôi hỏi “Anh có nhớ Hoàng Sa không?”, anh cười trả lời: “Làm sao mà tôi không nhớ, Hoàng Sa gần đây mà, huyện đảo của Việt Nam mà, sao không nhớ được?”. Cháu Châu Thanh, con gái của anh Lê Minh Tân vừa bị mất tích ở gần đảo Bông Bay (Hoàng Sa), mà lúc đó thời tiết hoàn toàn không xấu, cháu vừa kể vừa khóc: “Cha là niềm vinh dự, là tấm gương sáng để con noi theo”

          Theo ông, bài học công lý và cách giải quyết thiết thực thế nào cho hợp tình hợp lý giữa hai nước?

            Theo tôi, giải pháp nằm vào sự tôn trọng pháp luật quốc tế về biển (UNCLOS), tôn trọng tuyên bố ứng xử giữa Trung quốc và các quốc gia ASEAN ven biển Đông Nam Á. Chỉ việc tôn trọng luật pháp và có thiện chí mới giữ được hòa bình thật sự và lợi ích chung tại khu vực đó. Thời đại thực dân và đế quốc đã qua rồi. Các nhà lãnh đạo Trung quốc phải thức dậy thôi !

            Noidaumatchau

            Nỗi đau mất cháu

            Kế hoạch phát hành bộ phim tại Pháp cũng như Việt Nam thế nào, thưa ông?

              Dù muốn hay không bộ phim sẽ được phổ biến tại Việt Nam cho dù sớm hay muộn vì nó hoàn toàn có lợi cho ngư dân, có lợi cho dân tộc. Phim sẽ là tài liệu hoàn toàn tiêu biểu cho tình trạng hiện nay của các ngư dân miền Trung.

              Ngoài công việc đang tiến hành tại Pháp của hiệp hội ADEF, kế hoạch sắp tới của ông tại hai nước có gì thú vị không?

                Giữa cội rễ Pháp và cội rễ Việt Nam, trừ khi đến lúc sức khoẻ của mình không cho phép nữa, tôi vẫn sẽ không ngừng đi lại, đấu tranh, bất chấp sóng to gió mạnh như thế nào. Vì tôi có gia đình ở Pháp và đại gia đình ở Việt Nam. Vì trời đất rất tròn vặn, những gì xảy ra tại Pháp có ảnh hưởng đến Việt Nam và ngược lại. Khi đang ở Pháp tôi luôn nhớ về Việt Nam và ngược lại. Những gì là Pháp - Việt hoặc Việt – Pháp là thế giới của tôi. Mọi thứ đều rất thú vị, có khi rất buồn. Nhưng gặp cả hai trường hợp thì đều phải đấu tranh trong tinh thần đoàn kết với nhau để bảo vệ cho nền hòa bình và cán cân công lý.

                Noidaumatcon

                Nỗi đau mất con

                Vậy là trái tim ông giờ đây phải san sẻ ở hai quê hương, thế gia đình ba má, vợ, con ông có chia sẻ gì không?

                  Tôi rất may mắn khi mẹ vẫn còn khỏe, vợ con đang làm việc ở Pháp, con trai tôi có việc làm nên độc lập về tài chính, tất cả những người thân yêu đó đều ủng hộ tôi và hy sinh thời gian cho tôi để tôi có thể thực hiện những gì tôi thấy cần thiết, để sống theo ý của tôi. Đó là một điều hiếm có mà tôi luôn phải hết sức biết ơn họ.

                  Là công dân Việt, sắp tới ông có ý định mua nhà ở Việt Nam và đưa gia đình sang sống một thời gian không?

                    Ai biết tương lai thế nào? Ưu tiên số một bây giờ là đấu tranh, đấu tranh hoàn toàn độc lập, có nghĩa là không phụ thuộc về phe phái, tổ chức, đảng nào. Có nghĩa là tôi phải tự chịu các chi phí từ lương hưu hàng tháng. Nên mơ ước mua nhà ư... thật tình tôi không có thời gian để kiếm tiền mua nhà nữa.

                    Vchnganh_enras

                    Vợ chồng Menras, đạo diễn Nguyễn Hoàng và bà Tố Nga tại nhà Menras ở Pháp

                    Ông thử phác họa nhanh chân dung một Hồ Cương Quyết hiện giờ thế nào? Điều làm ông tâm đắc và thú vị nhất mỗi khi qua Việt Nam?

                      Nói thật tôi không quan tâm đến chân dung của một Hồ Cương Quyết vì may mắn đã có nhiều Hồ Cương Quyết ở Việt Nam rồi. Một Hồ Cương Quyết không sợ gì hết khi lòng tự hào, lòng tôn trọng đối với người nghèo chân lấm tay bùn, và quặn đau khi chứng kiến kẻ ngoại xâm ngang nhiên chà đạp dân tộc mình. Không sợ gì cả khi bạn bè, bà con của mình bị đe dọa. Nhưng cũng có một Hồ Cương Quyết thỉnh thoảng tự hỏi: Mình có đúng không? Mình sẽ có đủ sức, đủ khả năng không? Mình có phải hơi ngây thơ không? Mình có cô độc không? Nếu mình gặp vấn đề gì thì Mẹ, Vợ, Con, cùng người thân sẽ ra sao? Có khi tôi đã muốn bỏ cuộc vì quá mệt, chán, thất vọng. Và trong những lúc ấy, chỉ có một cách để tôi giữ lại tinh thần bền vững này: là chiếu lại trong đầu óc tôi bộ phim luôn nguyên vẹn của quá khứ, những khuôn mặt của các người thân cha, mẹ, bạn bè, đồng chí đã đi qua, đã đưa tôi tới cái vinh dự của ý chí chiến đấu trong những giờ phút tuyệt vời. Đó là một bí quyết rất riêng tư để tôi có thể tiếp tục hoạt động trong những tình hình khó khăn, cam go nhất. Nhưng tôi thấy tôi lại rất bình thường khi còn biết bao hàng triệu, triệu người dân nghèo,của mình ở Việt Nam lẫn ở Pháp, họ đã phải đi kiếm sống từ buổi sáng sớm đến buổi tối, mà họ còn không có nhà ở, khi bệnh tật, họ không có thuốc, suốt ngày đói khát, mà chính họ lại là nhân tố luôn dũng cảm tiếp tục đấu tranh để sống. Cả xã hội và giới nhà báo nên quan tâm nhiều hơn đến các chân dung đáng cảm phục đó. Cái gì là con người, dù vui hay buồn, là vấn đề của mình, thuộc về đấu tranh của mình khiến mình phải luôn luôn cương quyết.

                      Trenthap_chuong2001

                      Menras trên tháp chuông nhà thờ Béziers mùa đông 2001

                      Đạo diễn Nguyễn Hoàng - Hãng phim TFS: Anh là người cương trực luôn đấu tranh vì tự do, công lý

                      Tôi đã quen biết anh Menras từ năm 2004 trong lần đi công tác ở Pháp. Bà Dominique de Miscauld đã đưa tôi đến quê hương anh - thành phố Béziers miền Nam nước Pháp. Anh là con người cương trực luôn đấu tranh vì tự do , công lý. Chính vì thế mà anh đã cùng người bạn treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam giữa Sài Gòn năm 1970.

                      Anh đã bị bắt và bị tù 2 năm liền ở Khám Chí Hòa, sau đó bị trục xuất về nước. Ông quyết định cùng người bạn đi khắp thế giới để tố cáo chế độ lao tù ở miền Nam Việt Nam, chống chiến tranh, đòi Mỹ phải rút quân về nước. Sau năm 1975, anh trở lại Việt Nam thành lập Hội Trao đổi sư phạm Việt - Pháp hoạt động rất hiệu quả cho đến khi nghỉ hưu. Chính quyền Pháp ở TP. Béziers không tính thời gian anh từng dạy học và bị tù ở Việt Nam. Anh đã đấu tranh bằng cách leo lên nóc nhà thờ rồi tuyệt thực trong nhiều ngày khi thời tiết oi bức của mùa hè và cái rét lạnh cóng của mùa đông. Trước hành động đấu tranh quyết liệt của anh, cuối cùng chính phủ Pháp phải công nhận và khâm phục. Anh luôn nghĩ tới những học sinh nghèo học giỏi ở Việt Nam. Anh đã giúp nhiều học sinh cấp 2 và 3 đi tham quan nước Pháp năm 2005, đây là việc làm vô cùng khó khăn , tốn kém. Khi Trung Quốc xâm phạm biển đảo Việt Nam, bắt người dân vô cớ. Anh luôn phản đối ,viết bài trên các phương tiện truyền thông ở Pháp, luôn chiến đấu vì độc lập, tự do, công lý. Anh đã làm phim để nhiều người rõ những hành động phi lý của Trung Quốc. Tất cả những gì trong phim đều được anh thể hiện bằng tấm lòng thương yêu và trân trọng những người con Việt Nam cần cù, yêu biển và sống chết vì biển. Những con người giữa phong ba, bão tố và luôn phải chịu đựng những thảm họa do phía Trung Quốc gây ra.

                      Đạo diễn Lý Quang Trung - PGĐ Hãng phim TFS : Là bộ phim đầu tiên của người nước ngoài có góc nhìn khách quan về Hoàng Sa

                      Sau 4 lần đi thực tế, cùng với sự hỗ trợ của Hãng, bộ phim Hoàng Sa Việt Nam - nỗi đau mất mát của đạo diễn Andre Menras đã ra đời với độ dài 60 phút. Phim khai thác nhiều chi tiết khá xúc động về nỗi đau mất mát và cuộc sống muôn vàn khó khăn của những ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Các nhân vật phỏng vấn đều tiêu biểu cho cả ba thế hệ mẹ, vợ, con ...rất chân thành từ nhiều góc độ và hoàn cảnh khác nhau, đều do anh Menras trực tiếp trò chuyện, hỏi bằng tiếng Việt rất sõi. Có hai trường đoạn lạ và khá xúc động là chi tiết đắp mộ gió (chưa có phim nào ở Việt Nam khai thác). Các thầy cúng đắp mô hình người bằng đất có răng, xương, tim...rồi đem chôn, đối với những gia đình có người thân chết mất xác, đây là một chi tiết mang đặc thù văn hóa riêng, rất nhân bản. Và hình ảnh bà mẹ già thức khuya mòn mỏi trông chờ con trở về... Ngoài ra phim còn thẳng thắn đề cập tới sự quan tâm, chăm sóc của nhà nước, địa phương đối với các ngư dân một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Hình ảnh trong phim được quay phim Quang Tuệ thể hiện qua nhiều góc, động tác máy vừa chân thực và khá sinh động. Bộ phim đang chờ để phát sóng.

                      Hồng Liên