Nghệ sỹ lồng tiếng (kỳ 3): Lồng tiếng - Nghề dạy nghề!

Làm ẩu là giết chết nhân vật

Vì lồng tiếng chưa được xem là nghề chính thức, nên việc đào tạo nghề này vẫn còn trong tình trạng tự phát và manh mún. Chính vì thế, đẳng cấp nghề nghiệp và chất lượng của tác phẩm lồng tiếng cũng phụ thuộc khá nhiều vào ý thức học tập và công việc của từng diễn viên, từng nhóm lồng tiếng.


48.jpg
Kinh Quốc rất chân thật khi luôn thừa nhận các diễn viên lồng tiếng đã giúp cho vai diễn của mình rất nhiều

Từ 1990 trở về trước, đa phần diễn viên lồng tiếng được “chọn” từ ngành sân khấu, làm thuyết minh hoặc phát thanh viên - họ có hiểu biết về đài từ. Sau này cũng thế, những người làm thuyết minh chuyển sang làm nghề lồng tiếng, hoặc kết hợp làm song song cũng khá phổ biến. Năm 1991, vì các phim của hãng TVB (Hong Kong) được nhập vào Việt Nam khá nhiều, họ đã linh động để tổ chức lớp học về lồng tiếng. Những cái tên quen thuộc trong giới hiện nay (phần lớn ở FAFILM VN) như Bích Ngọc, Thế Thanh, Bá Nghị, Trung Châu, Thanh Phúc, Nguyễn Vinh, Khánh Phương, Thùy Trang... cũng đi ra từ khóa học này.

Đa phần giới lồng tiếng đều thừa nhận mình đi lên từ quá trình tự học và từ kinh nghiệm làm việc, chứ hỏi học trường lớp chính quy nào thì thật khó nói. “Liệu cơm gắp mắm” - NSƯT Hồ Kiểng tâm sự như vậy, vì nếu chờ học xong mới làm thì Việt Nam chưa có được nền điện ảnh sớm như thế. Sếp la-tô (Chef de plateau - tạm coi là đạo diễn lồng tiếng) Xuân Tâm cho biết việc lồng tiếng luôn phải được kết hợp giữa kỹ thuật điện tử và diễn viên. Nếu là phim nước ngoài thì còn phụ thuộc vào yếu tố đầu tiên là dịch thuật, nếu một trong 3 khâu không tốt, thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng của tác phẩm. Trong 3 bộ phận này, dịch thuật là phải học bài bản nhất, riêng hai nhóm việc còn lại thì có thể tự học; tuy nhiên, nếu được đào tạo bài bản thì vẫn tốt hơn.

49.jpg
Trương Minh Quốc Thái, sau khi đóng nhiều phim và nhiều kịch thì gần đây mới dám tự lồng cho nhân vật của mình trong Tình án, vì theo anh, nghề này không phải chuyện chơi, làm ẩu là giết nhân vật liền.

Đối với khán giả, diễn xuất của diễn viên là quan trọng nhất nhưng trên thực tế người lồng tiếng cũng là một phần của nhân vật đó, họ cùng sống, cùng diễn với nhân vật trên màn ảnh, chỉ khác là họ không được thấy mà chỉ được nghe mà thôi. Cái khó của người làm nghề này vẫn là kỹ thuật diễn xuất, thứ cần phải học thì mới làm tốt được.

Đạo diễn - diễn viên Ái Như từng lồng rất nhiều phim cho biết rằng: “Người lồng tiếng phải canh sao cho lời nói khớp với khẩu hình nhân vật đồng thời phải diễn cảm. Đôi khi một câu nói phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần làm cho những cảm xúc không còn nguyên vẹn như ban đầu”. Cho nên nữ đạo diễn này cho rằng, nếu được học về việc kìm giữ cảm xúc, người làm sẽ biết cách tiết chế.

Trương Minh Quốc Thái, sau khi đóng nhiều phim và nhiều kịch thì gần đây mới dám tự lồng cho nhân vật của mình trong Tình án, vì theo anh, nghề này không phải chuyện chơi, làm ẩu là giết nhân vật liền. Mà bây giờ thì số người chuyên giết nhân vật cũng không ít. Tại TP.HCM, những người yêu thích công việc này có thể đến tìm hiểu thông tin với các nhóm lồng tiếng như ATV, TVB, Singapore và SanYang tại trung tâm FAFILM VN (6 Thái Văn Lung, quận 1); hoặc đăng ký học tại NVH Điện ảnh (91 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) hoặc NVH Điện ảnh Tân Sơn Nhất (186 Nguyễn Văn Trỗi, P.2, Tân Bình), và một vài CLB khác. Tất cả đều không cần thi tuyển và học phí thì tương đối dễ chịu.

Chưa được đánh giá đúng mức

47.jpg
Đạo diễn Xuân Phước nói lồng tiếng góp 40% thành công của bộ phim, nhưng chưa được đánh giá đúng mức

Đạo diễn Xuân Phúc cho rằng: “Diễn viên lồng tiếng góp 40% vào thành công của bộ phim, vì cảm xúc của giọng nói quyết định đến hiệu quả diễn xuất của nhân vật. Đó là chưa nói, những phim có nhân vật nói tiếng địa phương, việc lồng tiếng là giải pháp quá hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi nghề lồng tiếng vẫn chưa được đánh giá đúng mức, đừng nói chi đến danh vọng và sự trân quý”. Ngay cả Hội Điện ảnh cũng chưa nghĩ tới việc kết nạp hội viên là những diễn viên chỉ chuyên “diễn” lồng tiếng.

Ngoài chất lượng đài từ của bộ phim, nghề lồng tiếng có thể giúp giải quyết các vấn đề như việc chọn diễn viên, chọn phim trường, hạ thấp kinh phí và rút ngắn thời gian sản xuất… nhưng việc đào tạo và những danh vọng có thể đến với nghề này thì gần như không có gì.

Kinh Quốc rất chân thật khi luôn thừa nhận các diễn viên lồng tiếng đã giúp cho vai diễn của mình rất nhiều. Anh cũng bày tỏ mong muốn là sẽ có lúc xã hội và các hội nghề nghiệp nhìn khác đi vai trò của nghề này. Một chị trong ngành lồng tiếng, giấu tên, nhận xét: Lồng tiếng cho phim Việt khó hơn phim bộ nước ngoài rất nhiều, vì tiết tấu câu chậm, rõ ràng, diễn viên phải lồng sao cho thật khớp với nhân vật, không được sai lệch dù chỉ nửa giây. Còn phim nước ngoài tiết tấu câu nhanh, cách phát âm khác, mình nói lệch một chút cũng không sao. Chính do yêu cầu khắt khe như vậy, nên phim Việt rất khó để một người lồng tiếng cho nhiều nhân vật cùng lúc, khán giả sẽ nhận ra ngay sự trùng lặp. Lồng tiếng cho phim Việt cũng chậm hơn các phim nước ngoài, vậy mà danh vọng thì hỡi ôi.

Nhiều đạo diễn đồng ý với nhận xét nghề lồng tiếng đã giúp cứu rất nhiều nhân vật, rất nhiều phim, vì điều kiện phim trường ở Việt Nam chưa thật tốt với việc thu tiếng trực tiếng, diễn viên Việt nhiều người không thạo đài từ. Vậy nhưng việc biết ơn hay vinh danh những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực này thì chưa bao giờ có. Sếp la-tô Xuân Tâm nói rằng nghề này bạc nhưng cũng sống được, nếu chịu lao động nghiêm túc thì luôn có việc để làm, vì nhu cầu và thị trường lồng tiếng còn khá nhiều.

Theo Thể Thao Văn Hóa