Nga: Khán giả mới thiếu phim ảnh mới

Kinh doanh tư nhân ở nước Nga đã đảm bảo được tất cả những cái đó mà không cần một sự tham gia nào của Nhà nước. Chỉ trong chốc lát người ta có thể chở đến Matxcơva không chỉ những kiệt tác mới nhất của Lars Son Trier hoặc Vong Karvui, mà cả những phim nhiều tập của Hàn Quốc hoặc phim “Kubok ” từ xứ sở Butan. Hơn nữa, bắt đầu quá trình hội nhập, các nhà phát hành phim Nga phải thanh toán những thước phim quay ở nước ngoài. Như vậy, ngành phát hành phim của nước này đã dần dần hoà nhập vào quá trình phân công lao động quốc tế.

(TGĐA) - Thật lạ là mặc dầu đã nổ ra vào tháng 8 năm 1998, song cuộc khủng hoảng kinh tế lại có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển phát hành phim ảnh nước Nga.


Hai năm trở lại đây, Nga đã khai trương được 80 nghìn phòng chiếu bóng được trang bị lại hiện đại. Chúng đã đem lại nguồn thu tăng gấp 7 đến 8 lần, so với 1500 khán phòng trước đây. Đã xây dựng được những hệ thống rạp chiếu bóng quốc gia đầu tiên “ Karo film ” và “ Imperia Kino”. Nếu tính 3 đầu phim mỗi tuần, thì trên thực tế một số công ty phát hành phim lớn có những bộ phim có thể sánh với những phim ít nhiều có giá trị của nước ngoài. Về đại thể đó là những cuốn phim hạng “A” hoặc những phim giành được thắng lợi trong những liên hoan phim quốc tế. Vì thế ngày nay, khán giả Matxcơva có nhu cầu tương đương với nhu cầu phim của dân chúng bất kỳ thủ đô nào trên thế giới.

Cảnh trong phim Cúc cu

Vấn đề gây cấn nhất là ở chỗ khác. Mấy năm gần đây, ở nước Nga chỉ dựng những phim truyền hình, mà không sản xuất những phim phục vụ cho các rạp chiếu bóng. Những phim đó tuyệt nhiên không có sức cạnh tranh so với những sản phẩm có chất lượng và dễ tiếp nhận của nước ngoài. Các phim của nước Nga buồn tẻ, nhàm chán, còn mang tính chất luyến tiếc quá khứ. Những phim quay theo phong cách của những năm 70 – 80 nhằm phục vụ cho những người thuộc thế hệ già cả, giới trí thức phi giai cấp, những người còn chưa biết hoà nhập vào hoàn cảnh mới của đời sống nước Nga. Tuy nhiên tất cả những con người này không lui tới những rạp chiếu bóng hiện đại và không có khả năng vật chất để làm việc này.

Tất nhiên việc xuất hiện những phim sản xuất ở trong nước như Anh em – 2, Matxcơva, Nhật ký của phu nhân ông ta, Lứa tuổi dịu hiền, Đám cưới đã minh chứng cho điều đó. Có lúc những phim này đã phá vỡ hàng rào sắt ngăn cách những phim nước Nga cũ và nước Nga mới. Chẳng hạn những phim đó đã xâm nhập vào rạp chiếu bóng Rolan hoặc khán phòng Malu của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Tuy nhiên chớ nên quên rằng, khi thành phố lớn với 10 triệu dân mà chỉ bán được vài nghìn vé vào xem ở khán phòng cao cấp, thì hoàn toàn không phải là kinh doanh. Trong khi đó nền công nghiệp điện ảnh Nga phải chi 40 triệu USD để sản xuất phim và những bộ phim truyền hình nhiều tập, thì quả là không kinh tế chút nào và là nền công nghiệp không sinh lợi. Nền công nghiệp điện ảnh như vậy không còn khả năng tồn tại trong điều kiện thị trường mở, phát triển nhanh.

Mặc dầu có sự cất cánh của từng cuốn phim Nga, ở từng thời điểm, song trong tổng khối lượng chung những phim chiếu hàng năm sản phẩm phim sản xuất trong nước chỉ chiếm 7%, vả lại ở rạp mới chỉ có 2%. Chẳng những thế hiện nay khán giả chỉ xem được 2 phim trong số hàng trăm phim chiếu ở các rạp – trên thực tế hầu hết là những phim nước ngoài. Những phim sản xuất trong nước cũng không đủ để chiếu trên các kênh truyền hình. Những phim cũ thời Xô Viết cứ được chiếu đi chiếu lại. Cần những sản phẩm dân tộc với khối lượng, với nội dung khác và chất lượng khác, cho dù là chất lượng tiêu dùng (chứ chưa nói tới chất lượng thẩm mỹ).

Cảnh trong phim Mẹ yêu

Như vậy, phần lớn số tiền kiếm được ở ngành điện ảnh nước Nga từ video, thị trường truyền hình, thị trường điện ảnh – sân khấu đều đổ về Los Angeles thông qua tất cả những đại lý hoạt động ở nước Nga.

Ngày nay, không nên xem xét từng chương trình điện ảnh – sân khấu, từng chương trình truyền hình, truyền hình cáp hoặc từng chương trình video không chỉ về phương diện công nghệ, kinh tế, mà cả về phương diện tư tưởng. Đây là một tổ hợp công nghiệp dân tộc hùng mạnh, thống nhất đang vận hành như một cơ thể thống nhất.

Hiển nhiên, ngay từ đầu phim ảnh phải được chiếu ở các rạp, sau đó chuyển sang video và mạng truyền hình cáp, sau đấy mới chuyển sang truyền hình khu vực và chỉ đến phút chót – sau 3 năm mới chuyển tới phạm vi toàn quốc gia. Đó chính là sơ đồ tác nghiệp. Ở nước Nga, mọi chuyện không phải diễn ra như thế. Tại một cuộc liên hoan phim gần đây ở Matxcơva, chúng ta đã tổ chức chiếu giới thiệu một số phim Nga lần đầu tiên – Bầu trời kim cương của V.Pichul, Lán gỗ của V. O Gorodnicov, Chiếc đèn pha của A. Karpưcov. Ba cuốn phim này đều tham dự tranh giải thưởng. Thế nhưng chỉ 4 tháng sau, đài truyền hình Nga đã giới thiệu những tác phẩm mới nhất này. Với tình hình như vậy liệu có thể nói gì về nền kinh tế công nghiệp điện ảnh thống nhất!

Hiện nay, đã hình thành một tình hình mới chưa từng thấy cách đây 2 năm. Tính cấp bách xã hội của những luồng phim đã thay đổi hẳn. Trong trường hợp này, vấn đề không phải nói tới những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao mà nền nghệ thuật của chúng ta mang đi giới thiệu ở các cuộc liên hoan phim quốc tế hàng đầu, tham dự tranh giải quốc gia Nik. Không phải đề cập về những cuốn phim để lại dấu ấn sau này trong lịch sử điện ảnh, mà về cái gọi là sản phẩm hàng loạt.

Dòng sông lớn những cốt chuyện điện ảnh chính là dòng chảy chính tư tưởng, quan niệm và những giá trị để bao giờ cũng có thể giáo dục con em chúng ta. Ngày nay, đó chính là không gian dân tộc huyền ảo đang chuyển dần từ những phim truyền thống thành những bộ phim dài nhiều tập, chuyển từ khán phòng điện ảnh lên màn hình xanh ti vi.

Những năm gần đây, các nhà làm phim Nga sản xuất được tối đa 40 phim trong 1 năm, đồng thời trong khi đó sản xuất được chừng 30 đến 35 bộ phim dài nhiều tập với khối lượng ước chừng 700 tập. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu! Tuy nhiên đứng đằng sau ngành điện ảnh truyền hình là những công nghệ mới, những thể loại kịch bản mới, tiền và thời gian đầu tư khác, nguyên tắc dựng phim và tư duy nghe nhìn cũng khác, nên đã hình thành ra một hệ thống yêu cầu khác đối với những phim đưa đi phát hành. Thêm vào đó chỉ có 4 đến 5% khán giả nhận thức được thế nào là nghệ thuật. Và trong 4 người chỉ có mỗi một người phân biệt được điện ảnh với sản phẩm phim truyền hình về phương diện diễn xuất.

Những công trình nghiên cứu được tiến hành ngay từ năm 1999 theo đơn đặt hàng của Công ty NTV – PROFIT và GEMINI – FILM cho thấy rằng ở trong nước đã ra đời một loại khán giả khác về nguyên tắc. Chúng ta có thể có cách nhìn nhận khác nhau đối với loại khán giả này: có thể đánh giá chưa đầy đủ, có thể cho rằng về cơ bản đó là những kẻ vô công rồi nghề, con cái “ của tầng lớp người Nga mới ”, những bạn trẻ lương cao. Thế nhưng chính họ ngày nay lại đóng góp 8/10 số thu nhập USD của ngành phát hành phim. Họ vui vẻ sẵn sàng đi tới những rạp được trang bị ghế ngồi tiện nghi với những âm điệu nhạc pop, họ không băn khoăn bỏ ra 15 đến 20 USD chi cho 1 cặp vé trong một buổi tối. Hơn nữa họ sẵn sàng tới đó thường xuyên hơn. Họ không chỉ muốn tăng số lượng những khán phòng tiện nghi như vậy, mà còn muốn tăng số lượng phim Nga kiểu mới có khả năng cạnh tranh với phim ảnh Mỹ. Tất nhiên, đây chỉ là một bộ phận nhỏ khán giả Nga, nhưng họ lại là bộ phận có thanh thế, giàu có, ham mê điện ảnh. Họ thích xem phim hơn là xem truyền hình. Tạp chí Chuyên viên gọi tầng lớp cử tạ này là “nước Nga nhỏ ”.

Poster phim Afghanistan

Về cơ bản đó là những người dưới 30 tuổi, đang làm việc ở những ngành hàng đầu như ngân hàng, bảo hiểm, thương nghiệp, xuất khẩu, các phương tiện thông tin đại chúng, dịch vụ ... Vấn đề thậm chí không phải ở chỗ họ là những người trẻ tuổi, đem lại những đồng tiền thực tế, những người giàu sang, có tiền đồ, mà ở chỗ đó là những chủ đặt hàng mới cho nền sản xuất phim ảnh nước Nga.

Đồng thời những khán giả mới, những người mua những vé đắt tiền vào các rạp chiếu bóng – Dolby, lại không được giới thiệu những phim sản xuất trong nước mà họ có thể dán nhãn hiệu như phim của mình, có thể hoà đồng cùng với những nhân vật, tức là những phim tương ứng với lối sống của đất nước, một lối sống cứ 10 phút một được quảng cáo từ màn hình xanh. Kết quả là một số các nhà điện ảnh làm những clip để kể về mỗi nước Nga, còn số nhà điện ảnh khác làm phim truyện để kể về một nước Nga khác về nguyên tắc.

Những quan niệm về cuộc sống và những đam mê của các khán giả mới đối với phần lớn những tác giả đã đứng tuổi của chúng ta trở thành Terra incognita. Đôi lúc có cảm tưởng rằng những nhà điện ảnh Nga và những con em của họ sống không chỉ bằng những cuộc sống khác nhau mà còn ở cả những nước khác nhau. Và đúng là họ không xem cùng một loại phim, trừ một số phim văn hoá cổ điển – những phim mang tính chất xã hội chủ nghĩa (theo kết quả các cuộc thăm dò, nền điện ảnh Xô Viết vẫn tiếp tục dẫn đầu, bỏ xa không chỉ nền điện ảnh Châu Âu và Nga hiện đại, mà cả điện ảnh Hollywood).

Cho dù chúng ta muốn hay không muốn, vẫn buộc phải để lại trong quá khứ những quan niệm sản xuất cũ, theo đó những phương tiện cơ bản trong điện ảnh phải trở lại từ những người Xô Viết cũ – “ những người nghèo mới ”. Những người thuộc tầng lớp trẻ giàu có ngày nay không còn nhớ những ngôi sao cũ, không nhận ra được những nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng. Ngày nay, nhìn chung chưa xuất hiện những ngôi sao mới của dân tộc. Trong khi đó lần đầu tiên trong 10 năm những bạn trẻ sẵn sàng hăng hái đi đến các rạp chiếu bóng và khác với “những người nghèo mới ” họ sẵn sàng chi tiền cho nền điện ảnh mới của nước Nga. Bi kịch đúng là ở chỗ nước Nga chưa sản xuất được những phim ảnh dành cho tầng lớp xã hội này. Kết quả là tạo nên một cái vòng khép kín mà cần phải phá vỡ trong tương lai gần.

Tấn Việt