Nền điện ảnh cần những đánh giá thẳng thắn và khách quan

PV: Sau 20 năm, LHPVN lại quay lại TPHCM, mảnh đất đầy tiềm năng của điện ảnh với lượng khán giả và cơ sở hạ tầng khá tốt. Còn một tháng nữa sẽ diễn ra LHP, công việc chuẩn bị đã tiến hành như thế nào?

Sắp tới, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XVI sẽ được tổ chức tại TPHCM. Đây là một dịp để các nhà làm phim, nhà quản lý... nhìn lại chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam đã qua. Trước thềm LHP, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lại Văn Sinh (ảnh) Cục trưởng Cục Điện ảnh về những vấn đề liên quan.


Cục trưởng Cục Điện ảnh LẠI VĂN SINH

Cục trưởng Cục Điện ảnh LẠI VĂN SINH: Việc LHP được tổ chức tại TPHCM, đây cũng là niềm mong đợi của tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Công việc chuẩn bị cho LHP XVI hiện đang rất khẩn trương. Về cơ bản Ban tổ chức đã hoàn chỉnh kế hoạch tổng thể cho các hoạt động trong LHP diễn ra từ ngày 8 đến 12-12-2009. Chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, họp các Tiểu ban để triển khai công việc một cách trơn tru nhất. Kịch bản cho đêm khai mạc và bế mạc-hai sự kiện quan trọng của LHP- cũng đang được hoàn chỉnh chi tiết. Các đồng chí lãnh đạo TPHCM rất quan tâm và nhiệt tình ủng hộ để LHP thành công.

- Trước thềm LHP, Ban tổ chức có công bố sẽ mời các ngôi sao điện ảnh quốc tế đến tham dự LHP tại TPHCM để tạo thêm màu sắc, độ hấp dẫn của LHP. Ông có thể tiết lộ danh tính một số ngôi sao sẽ tham dự?

Được sự đồng ý của BTC, chúng tôi cũng đã gửi giấy mời một số đoàn đại biểu điện ảnh quốc tế có mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang tập hợp danh sách của các đoàn nên thời điểm này tạm thời xin chưa thể tiết lộ.

- Về cơ cấu, thành phần ban giám khảo, giải thưởng... năm nay có gì khác so với những liên hoan trước?

Về cơ bản, cơ cấu giải thưởng vẫn theo truyền thống của LHP và thành phần các Ban giám khảo vẫn gồm những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có năng lực và uy tín nhưng không phải là thành phần chính trong các phim dự thi. Việc đưa ra danh sách Ban giám khảo luôn là vấn đề khó khăn đối với các LHP, và thường phải lựa chọn kỹ, khó có thể quyết định sớm được. Song tôi có thể khẳng định họ đều là những người cầm cân nảy mực có uy tín.

Còn về lý do liên hoan năm nay lại “mở bung” cửa cho phim nhựa cũng rất dễ hiểu bởi lẽ, nói đến điện ảnh là nói đến phim nhựa. Trong khi đó, hiện nay số lượng phim nhựa trong nước sản xuất hàng năm không nhiều, vì vậy chúng tôi khuyến khích để các phim nhựa đều có điều kiện tham dự liên hoan và tôn vinh.

- Một trong những vấn đề của điện ảnh Việt Nam đang phải đối mặt là chất lượng và khán giả. Những phim có doanh thu cao nhờ khán giả đến rạp nhiều lại ít khi lọt vào danh sách đoạt giải thưởng cao? Liệu điều đó có tiếp tục xẩy ra trong LHP năm nay?

Chất lượng và khán giả luôn là mục tiêu của tác phẩm điện ảnh mà tác giả của nó hướng tới. Nhưng hai vấn đề này không phải lúc nào cũng đồng hành. Không phải riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới cũng như vậy. Rất nhiều phim giành giải thưởng danh giá ở các LHP quốc tế nhưng thất bại về doanh thu khi phát hành rộng rãi. Ngược lại, không ít phim thu hút lượng khán giả rất đông nhưng không thành công ở các LHP. Điều này cũng là bình thường, vì đối tượng của điện ảnh rất đông và đa dạng với những cung bậc cảm xúc, sở thích khác nhau.

Một bộ phim khó có thể cùng lúc thỏa mãn tất cả các đối tượng. Các phim ăn khách phần lớn là phim có tính giải trí cao, còn các phim nghệ thuật thì thường kén khán giả. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và cởi mở. Tôi cho rằng một nền điện ảnh cần phải phong phú, đa dạng về tác phẩm để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức khác nhau của khán giả, vì vậy cần có những phim giải trí lành mạnh và cũng cần có những phim nghệ thuật, và đương nhiên là nếu phim nào vừa nghệ thuật vừa thu hút được đông đảo khán giả thì thật là tuyệt vời. Đó là điều chúng ta luôn mong muốn chứ không phải chỉ ở LH lần này.

- LHP là một dịp để nhìn lại những công việc của ngành đã làm được trong 2 năm qua. Ông có thể đưa ra nhận định gì về lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình trong thời gian vừa rồi?

Có thể nói mấy năm gần đây các hoạt động điện ảnh khá sôi động. Các nhà làm phim đã quan tâm nhiều đến chất lượng phim. Điều đáng nói là các hãng phim tư nhân đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng những bộ phim nghệ thuật.

Trong thời gian qua, các phim Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt, Chơi vơi liên tiếp nhận được các giải thưởng tại các LHP quốc tế. Ngoài ra, hàng năm chúng ta vẫn gửi nhiều phim đi dự các LHP quốc tế khác như Huyền thoại bất tử, Áo lụa Hà Đông, Trái tim bé bỏng, Rừng đen, Khi nắng thu về, Sinh mệnh, Dòng máu anh hùng… đó là những dấu hiệu tốt về khả năng hội nhập của điện ảnh Việt Nam trong khi điều kiện của chúng ta còn nhiều hạn chế.

- Từ ngày 1-10, một số điều bổ sung Luật Điện ảnh có hiệu lực, trong đó có quy định hạn ngạch về nhập khẩu phim ngoại không quá 2 lần phim nội áp dụng với các nhà sản xuất phim lẫn đài Phát thanh- Truyền hình trên cả nước bị xóa bỏ. Người làm điện ảnh trong nước cần phải làm gì trong cuộc “đua” giành khán giả?

Để giành được khán giả, đương nhiên trước hết phải làm phim cho hay, hấp dẫn được đông đảo người xem. Tuy nhiên cũng rất cần sự quan tâm ủng hộ của dư luận.

Những người làm phim đều mong muốn đông đảo khán giả đón nhận tác phẩm của mình, tuy nhiên do cả chủ quan và khách quan mà nhiều bộ phim không đạt chất lượng, hiệu quả như mong muốn. Trong những trường hợp như vậy, việc phân tích đánh giá tác phẩm cần thẳng thắn, khách quan và khoan dung với tinh thần xây dựng để ngày càng có thêm những bộ phim hay đáp ứng với nhu cầu của công chúng yêu điện ảnh.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Sài Gòn Giải Phóng