Năm 2009: Bùng nổ phim truyền hình

Nhà nhà làm phim truyền hình

Nhìn lại những bộ phim truyền hình đang quay hoặc sắp bấm máy trong năm 2009 mới thấy được số lượng các đầu phim đang bùng nổ. Thế nhưng, câu chuyện về chất lượng vẫn đang là câu hỏi lớn với các nhà làm phim.


Chính sách xã hội hóa truyền hình và sự tham gia của các hãng phim tư nhân đã khiến phim truyền hình thừa thắng xông lên trong những năm qua. Với mục tiêu đạt 40% giờ phim nội trên sóng truyền hình, các đài đã bắt tay với nhiều công ty đẩy nhanh tiến độ sản xuất đạt yêu cầu. Trong năm 2008, mỗi tháng có từ 3- 5 phim với khoảng trung bình 30 tập phim mới được khởi quay hoặc phát sóng. Năm 2009, con số và tiến độ cũng không kém hơn.

amtinh2.jpg
"Âm tính" với sự tham gia của Hoa hậu Mai Phương Thúy liệu có tạo nên cơn sốt?

Bênh cạnh các hãng phim nhà nước làm phim truyền hình lâu nay như VFC, TFS..., các hãng tư nhân đã dần khẳng định được tên tuổi của mình. Thậm chí trong năm qua, TFS đã phải “than thở” vì các hãng phim tư nhân đã chiếm hết thời lượng phát sóng của hãng khiến phim của TFS làm xong phải nằm chờ sóng HTV dài dài. Các công ty lâu nay không mấy chú ý đến phim truyền hình cũng đã mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này như Thiên Ngân, FPT Media, Kiết Tường, Chánh Phương...

Danh mục các bộ phim truyền hình sẽ khởi quay hoặc phát sóng trong năm 2009 đang tiếp tục nối dài như: “Cuộc chiến hoa hồng”, “Âm tính”, “Hơi bàn tay” (trong loạt phim “Ký sự pháp đình”), “Siêu mẫu Xì trum”, “Blog và người đẹp”, “Lập trình trái tim”, “Hoàng hôn ấm áp”, “Áo cưới thiên đường”, “Cỏ dại”, “Sóng tình”, “Bão yêu thương”, “Hãy yêu em lần nữa”, “Taxi”, “Tham vọng”, “Vó ngựa trời Nam”, “Tìm lại chính mình”... Cùng với danh sách dài đó, câu hỏi về chất lượng vẫn là điều đáng quan tâm.

aocuoithienduong.jpg
Cảnh trong phim "Áo cưới thiên đường"

Câu hỏi chất lượng bỏ ngỏ

Thực tế cho thấy, trong năm qua có rất nhiều đầu phim truyền hình được công chiếu, nhưng không nhiều lắm những bộ phim được dư luận và khán giả đánh giá cao.

Nhiều bộ phim có kịch bản lỏng lẻo, vô lý, câu chuyện phức tạp. Nhiều bộ phim với một cốt truyện đơn giản có thể tóm gọn trong một số ít tập phim đã kéo dài bộ phim đến hàng chục tập. Trên các diễn đàn về phim ảnh, phim truyền hình bị phê bình giống như những tác phẩm sân khấu được quay ngoại cảnh, khi mà lời thoại dài lê thê và phần tiếng động hầu như rất đơn điệu.

Diễn xuất của các diễn viên cũng là một điều đáng quan ngại. Trong tình hình các đầu phim liên tục khởi quay, lực lượng diễn viên chuyên nghiệp trở nên thiếu trầm trọng. Một lực lượng các ca sỹ, người mẫu và các diễn viên nghiệp dư là cứu cánh của tình trạng thiếu hụt này nhưng từ đó cũng tạo nên những hạt sạn lớn trong diễn xuất.

Đây cũng là một điều không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng các hãng phim cũng nên cân nhắc kỹ hơn trong việc tìm kiếm các diễn viên tham gia vào những bộ phim sau này.

laptrinhchotraitim.jpg
Cảnh trong Lập trình trái tim

Kinh phí làm phim cũng là vấn đề cần được tính toán lại. Với số đầu tư dao động khoảng 180 triệu đồng một tập phim hiện nay, đã có một sự đánh đồng trong việc đầu tư cho các bộ phim Việt. Nếu là hãng làm phim nghiêm túc thì bộ phim may ra sẽ được đầu tư nhiều cảnh quay đẹp và tình tiết hấp dẫn để phục vụ khán giả.

Tuy nhiên, nhiều hãng cũng đã tính toán và kéo dài thời gian bằng những lời thoại lê thê và những khung hình nghèo nàn để lấp đầy những thước phim, vì nếu làm phim có tệ thì số tiền được hưởng vẫn không hơn không kém.

Nên chăng, các đài truyền hình phải có một cách tính toán linh hoạt, sát thực và kích thích nâng cao chất lượng với mỗi đầu phim. Ví như trường hợp của bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc” đã thu về một lượng quảng cáo rất lớn cho đài truyền hình trong năm qua, nhưng hãng sản xuất thì vẫn chỉ hưởng con số đầu tư có giới hạn như những bộ phim khác.

Trong năm tới, HTV đã nâng giá thành sản xuất phim lên trên mức 200 triệu đồng (khoảng 220 - 230 triệu đồng/tập phim). VTV cũng đã ban hành quy chế về việc đặt hàng sản xuất phim truyền hình, khuyến khích những kịch bản tốt, đạo diễn giỏi và các hãng phim có năng lực. Tất cả không ngoài mục đích nâng cao chất lượng của các bộ phim sắp khởi quay.

Khán giả chính là người đánh giá công tâm nhất, những đài truyền hình và hãng phim nào cung cấp những bộ phim kém chất lượng thì sẽ bị quay lưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Theo Gia đình & Xã hội